Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc trả lời phỏng vấn của nhật báo Nhật Bản The YOMIURI SHIMBUN ngày 10/6/2011

Yomiuri Shimbun là một tờ báo của Nhật Bản, tờ báo được phát hành tại Tokyo, Osaka, Fukuoka và nhiều thành phố lớn khác của Nhật Bản. Đây là một trong 5 thời báo quốc gia của Nhật Bản, bốn tờ khác bao gồm Asahi Shimbun, Mainichi Shimbun, Nihon Keizai ShimbunSankei Shimbun.

Thành lập năm 1874, Yomiuri Shimbun được biết đến như tờ nhật báo lớn nhất nước Nhật cũng như có lượng phát hành lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 1 năm 2002, tờ báo này có số lượng xuất bản hàng ngày cho cả bản buổi sáng và chiều là 14.323.781 triệu bản. Tờ báo được in 2 ngày một lần và được in tại một số địa phương khác nhau.

Yomiuri Shimbun đã thành lập giải thưởng Yomiuri năm 1948, những người nổi tiếng đoạt giải thưởng này có thể kể đến Yukio MishimaHaruki Murakami.

1. Theo ông trong thời gian tới Việt Nam có tiếp tục khai thác dầu khí trên thềm lục địa của mình nữa không?

Dầu khí trong lãnh hải thuộc thềm lục địa trong vùng EEZ như qui định của UNCLOS là tài nguyên của đất nước chúng tôi vì thế Việt Nam có quyền khai thác, không ai có thể ngăn chận và phá hoại một cách phi lí như hành động gần đây của cái gọi là "Hải giám" của chính phủ Trung Quốc.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, thuộc lãnh hải Việt Nam. Hành động của các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên vào lãnh hải VN, cắt cáp của tàu Bình Minh 02 hôm 26 tháng 5 vừa qua đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Hành động nói trên của phía Trung Quốc không những đã đi ngược lại cam kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002, mà còn đi ngược lại chủ trương của giới lãnh đạo Trung Quốc, mà vài ngày trước đó, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực tự kềm chế, tránh xung đột trên biển Đông.

Chắc chắn Việt Nam sẽ không vì cách hành xử kém văn minh đó của Trung Quốc mà ngưng khai thác dầu khí trên lãnh hải của mình.

2. Theo ông quân đội Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển cũng như những hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong thời gian tới?

Bảo vệ ngư dân hay hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam là nghĩa vụ thiêng liêng của tổ quốc, việc sử dụng mọi khả năng  trong đó các lực lượng của  quân đội Việt Nam chắc chắn sẽ đóng vai trò quyết định khi phía Trung Quốc sử dụng bạo lực để  bắt bớ ngư dân, phá hoại hoạt động thăm dò ,khai thác dầu khí bình thường như Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Tôi tin rằng quân đội Việt Nam cũng như chính phủ VN sẽ làm mọi cách để bảo vệ các hoạt động hợp pháp của những ngư dân đánh cá và những con tàu thăm dò địa chấn Việt Nam, hoạt động trên vùng lãnh hải Việt Nam.

Quân đội Việt Nam có thể điều các tàu chiến đến những khu vực mà Trung Quốc thường quấy nhiễu, để bảo vệ các tàu đánh cá và tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, hoạt động hợp pháp trên lãnh hải Việt Nam. Khi cần, có thể đuổi hoặc bắt giữ tàu Trung Quốc khi những con tàu này xâm phạm lãnh hải VN, cũng như có hành động như họ đã làm với tàu Bình Minh 2 vừa qua.

Đây là hành động chính đáng để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chính phủ Việt Nam không thể tôn trọng tình hữu nghị với chính phủ của một nước cố tình xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nếu chính phủ Việt Nam không có thái độ cứng rắn như thế, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.

3. Theo ông tại sao Trung Quốc đã tỏ ra hết sức cứng rắn với Việt Nam và Philippines trong thời gian qua?

Chủ trương lấn chiếm 80% biển Đông qua bản đồ hình chữ U đã cho thấy ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ và đặt sự tự do hàng hải trên vùng biển nầy dưới quyền kiểm soát, khống chế của Trung Quốc.Vì vậy không có gì lạ khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải-không quân, chuẩn bị đưa tàu sân bay vào hoạt động. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc không ngừng gây sức ép lên các nước ASEAN, trong đó Việt Nam và Philippines là hai nước đang đứng trước nguy cơ dùng sức mạnh vũ lực mạnh mẽ nhất từ phía Trung Quốc.

Trước hết, đây là thái độ hiếu chiến cố hữu của Trung Quốc. Không riêng gì với Việt Nam, Philippines mà Trung Quốc đã quấy nhiễu trong năm nay, Trung Quốc cũng đã bắt nạt các nước láng giềng khác trên biển, như đã quấy nhiễu Malaysia hồi tháng 4 năm 2010, khi Trung Quốc đưa các tàu ngư chính đến tuần tra trong vùng biển thuộc lãnh hải Malaysia và đã từng bị tàu chiến Malaysia rượt đuổi suốt 17 tiếng đồng hồ.

Trung Quốc cũng đã quấy nhiễu Nhật Bản hồi tháng 9 năm 2010, khi cho tàu đánh cá Mân Tấn Ngư đâm vào hai tàu tuần duyên của Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đài. Hành động hiếu chiến này đã gây căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật trong một thời gian dài.

Kế đến, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc liên tục trong nhiều năm qua cho phép Trung Quốc gia tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, không phải với mục đích phòng thủ như họ luôn ra sức thuyết phục các nước mà là phục vụ chính sách bành trướng của Trung Quốc. Khi quân đội được hiện đại hóa, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh quân sự, nhất là trên biển. Hành động quấy nhiễu các nước trong khu vực những năm gần đây cũng chỉ để phô trương sức mạnh của họ.

4. Đã có các cuộc biểu tình diễn ra ở hai đầu đất nước hôm chủ nhật vừa  nhằm thể hiện lòng yêu nước cũng như phản đối hành vi phạm lãnh thổ của Trung Quốc. Theo tôi sự bức xúc và giận giữ của người Việt Nam đố với Trung Quốc đang gia tăng. Ông có bình luận gì về vấn đề này không? Liệu trong thời gian tới các cuốc biểu tình có còn diễn ra nữa không? Chính phủ Việt Nam có ủng hộ cách tiếp cận vấn đề như thế này không? Theo ông chính phủ cần có những động thái gì để làm dịu tình hình? 

Không ai có thể ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Việc phản đối Trung Quốc có hành động xâm phạm lãnh hải, cắt cáp tàu Bình Minh 2, và mới đây lại đã tiếp tục cắt cáp của tàu thăm dò Viking là hành động không thể chấp nhận được. Chúng tôi được biết Tàu “Hải giám” của Trung Quốc là một lực lượng quân sự, có vũ trang chuyên nghiệp chứ không là loại tàu hoạt động dân sự vì vậy không thể nói đây là “hoạt động bình thường” trong lãnh hải Việt Nam hay không có sự can dự của PLA như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vừa tuyên bố tại Hội nghị  Shang-ri La ở Singapore.

Phản ứng của người dân VN qua các cuộc biểu tình cuối tuần qua nhằm phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là thể hiện lòng yêu nước của người dân. Người dân có trách nhiệm với đất nước, buộc phải làm gì đó khi Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền nước mình, bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam khi người dân đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Sự bức xúc của người dân ngày càng gia tăng là vì mức độ và tần suất vi phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, trong khi phản ứng của chính phủ Việt Nam  không đủ mạnh để làm giảm hoặc ngăn chặn các hành động của Trung Quốc quấy nhiễu lãnh hải Việt Nam. Sức chịu đựng của người dân Việt Nam có giới hạn, khi sự chịu đựng của người dân bị đẩy đi quá giới hạn, thì chắc chắn họ sẽ đứng lên tự vệ.

Trong thời gian tới, các cuộc biểu tình có tiếp tục diễn ra nữa hay không, điều này còn tùy thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ và người dân Việt Nam. 

Làm dịu tình hình hay không là do phía Trung Quốc có thiện chí xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên biển Đông hay không, chấm dứt việc đưa ra những đòi hỏi phi lý mà chúng tôi lẫn cộng đồng quốc tế không thể nào chấp nhận được.

Tôi nghĩ, ngoài việc lên tiếng phản đối Trung Quốc, chính phủ Việt Nam có thể đưa vấn đề này ra trước công luận để người dân thế giới biết mà lên án cách hành xử của Trung Quốc. Việt Nam có thể đệ trình công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc mà Indonesia và Philippines đã từng làm.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng cần đối thoại với phía Trung Quốc để tìm giải pháp chấm dứt những hành động nói trên. Chủ quyền quốc gia dân tộc là tối thượng, chính phủ Việt Nam không thể đặt tình hữu nghị lên trên chủ quyền quốc gia, nhất là đối với một nước không tôn trọng chủ quyền của các nước khác như Trung Quốc.

5. Ông ghĩ gì về sự giúp đỡ (nếu có) của Mỹ và các nước khác trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông?

Tôi nghĩ, các nước khác trong và ngoài khu vực cùng cất lên tiếng nói phản đối Trung Quốc có thể làm cho họ giảm bớt những hành động hiếu chiến như đã xảy ra. Các nước đã từng bị Trung Quốc bắt nạt, quấy nhiễu, như: Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Mỹ, nếu cùng lên tiếng phản đối cách hành xử kém văn minh của Trung Quốc có thể làm cho họ suy nghĩ mà hành xử khác hơn.

Vấn đề chủ quyền và tự do đi lại trên biển Đông là hai vấn đề có liên quan quyền lợi của nhiều quốc gia vì vậy sự chung sức ngồi vào đàm phán đa phương, cùng giải quyết ổn thỏa trên cơ sở gìn giữ hòa bình, ổn định và tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc tối thượng vì vậy không có lý do nào để ngăn cản các nước trong ASEAN, Châu -Á TBD tham gia, chia sẻ .

Mọi mưu đồ giải quyết song phương nhất định sẽ bị phá sản.

Bài phỏng vấn do nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc trực tiếp chuyển cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn