Thư ngỏ gửi Thủ tướng Naoto Kan nhân 100 ngày Fukushima và 100 năm khoa học hạt nhân

Kính thưa Ngài Thủ tướng Naoto Kan,

imageTròn 100 năm trước, lần đầu tiên con người đã nhìn thấy những cấu trúc rất bé nằm sâu trong lòng vật chất, gọi là hạt nhân nguyên tử. Ba mươi năm sau đó, một cơ cấu lò phản ứng ra đời chứng minh nguồn năng lượng vĩ đại trong cấu trúc ấy có thể khai thác và chế ngự được. Nhưng chưa đầy bốn năm sau, có trong tay thành quả lao động của hàng trăm nhà khoa học quy tụ quanh dự án Manhattan, quân đội Mỹ đã mang hai quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, chẳng phải để buộc nước Nhật của Ngài nhanh chóng đầu hàng, mà cốt phô trương sức hủy diệt bằng nguyên tử trong thời hậu chiến. Những nhà khoa học tài ba thai nghén ra hai quả bom ấy đã bất lực không ngăn được nhà cầm quyền gây ra thảm họa trên đất Nhật. Cũng chính từ đó, người dân khắp nơi mới biết đến hạt nhân nguyên tử và đồng nghĩa nó với bom nguyên tử gây tang thương bất hạnh cho con người. Thật là oan!

Điện hạt nhân (ĐHN) xuất hiện vào thập kỷ năm mươi sau chiến tranh đã giải tỏa nỗi oan này. Một không khí lạc quan dâng trào khiến rất ít ai trong giới khoa học lúc ấy (trong đó có người viết lá thư này) nghĩ rằng một ngày nào đó ĐHN lại sẽ mang bất hạnh đến cho con người. Song chính thói chủ quan và tự tin quá độ ấy đã dẫn đến tai nạn ở Three Mile Island, và nhất là ở Tchernobyl. Chưa lên đến cao trào, ĐHN đã phải thoái trào. Suốt hơn ba thập kỷ, nước Mỹ không xây thêm một nhà máy nào. Vì người dân thấy mình bị đánh lừa.

Trong bối cảnh ấy tôi hết sức khâm phục người Nhật. Dù đã chịu tang thương từ hai quả bom nguyên tử, lại bị vành đai địa chấn bám sát bờ biển phía Đông, đa số người Nhật vẫn chấp nhận rủi ro để có ĐHN bảo đảm an ninh cho cỗ xe kinh tế nước mình. Một chương trình khoa học công nghệ ĐHN đồ sộ và tốn kém nhất được triển khai trong nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng người Nhật chấp nhận ĐHN không phải vì tin mọi thứ đều hoàn hảo như các tập đoàn năng lượng thường huênh hoang. Trên hết, họ tin vào thực lực công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có thể giảm thiểu tối đa rủi ro xảy ra sự cố, và nếu xảy ra, sẽ hạn chế tối đa tác hại của chúng. Đây là niềm tin vào đội ngũ khoa học hạt nhân đầy truyền thống của Nhật, bắt đầu từ H. Yukawa và Y. Nishina, hai nhà bác học đã từng để lại những phát minh lớn về vật lý hạt nhân ngay từ trước thế chiến II. Các thế hệ tiếp theo cũng vậy, Nhật Bản luôn có đội ngũ hạt nhân hùng hậu, những viện nghiên cứu ở tuyến đầu thế giới.

Nhưng – kính thưa Thủ tướng – một lần nữa thảm họa hạt nhân lại tìm đến người Nhật. Một giờ sau cơn động đất và sóng thần tàn phá tan hoang vùng Đông Bắc, khi biết tin mất điện tại nhà máy Fukushima, Ngài đã thốt lên: “Đây mới thực sự là hiểm họa”. Tờ mờ sáng hôm sau Ngài bay đến tận hiện trường, chui vào boong-ke có tường bê tông cản xạ, tranh cãi với TEPCO và thúc giục họ mở van thoát khí phóng xạ ra ngoài. Những ngày sau đó, xuất hiện trước truyền hình với vẻ mặt thấm mệt bởi sức nặng đè lên vai, Ngài cúi rạp trước quốc kỳ và trước cử tọa để nhận lỗi. Có một lúc nào đó, tôi đã đọc được suy tư trên nét mặt Ngài: Vì đâu ra nông nỗi này?

Nhưng nỗi đau này đâu phải chỉ riêng Ngài. Giờ đây, khi Fukushima tròn một trăm ngày, mọi chuyện đã sáng tỏ để rút ra bài học cho ĐHN bước tiếp khi khoa học hạt nhân đã tròn một trăm tuổi. Chế ngự năng lượng hạt nhân đã và sẽ không bao giờ là việc dễ dàng. Diễn biến ở Fukushima đã không đến mức tồi tệ nếu cả hệ thống ĐHN Nhật Bản không chìm đắm trong bản giao hưởng “mọi thứ đều hoàn hảo” do các tập đoàn năng lượng dàn dựng. Những tiếng nói chân chính đều bị xem là tiếng đàn lạc điệu. Đội ngũ khoa học tài ba của nước Nhật đã không được phát huy để ngăn chặn tai họa và xử lý các tình huống đã xảy ra. Nhà khoa học Nhật Y. Yamaguchi đã nhận xét chí lý: “Động đất và sóng thần chỉ châm ngòi, chính nước Nhật mới tạo điều kiện để thảm họa xảy ra như thế”. Bài học lớn nhất rút ra từ Fukushima là con người, chứ không phải máy móc tối tân, mới chính là nhân tố quyết định bảo đảm an toàn ĐHN.

Giờ đây, khi quá nhiều vụ việc tiêu cực, mờ ám, của những nhóm lợi ích lũng đoạn các cơ quan nhà nước được phanh phui trong nỗi tuyệt vọng mà hàng triệu con người đang nếm trải thì đại đa số người Nhật phải nói không với ĐHN. Chính vì dân mất lòng tin nên mới đây tại Pháp, Ngài đã tuyên bố đình chỉ chương trình xây hàng chục lò phản ứng mới, thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo. Một khi nước Nhật cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo, thì đây sẽ là bước ngoặt đáng mừng cho cả thế giới. Tôi chờ xem liệu đây phải chăng là chính sách nhất quán chính thức của chính phủ Nhật trong tương lai?

Kính thưa Thủ tướng,

Thảm họa Fukushima xảy ra đúng vào lúc Việt Nam vừa mới khởi động dự án ĐHN. Dự án này đã từng nằm trong chương trình nghị sự khi Ngài công du sang Việt Nam hồi cuối năm ngoái. Dự án đồ sộ này đã được chính các tập đoàn năng lượng Nhật tham gia tư vấn và cổ vũ nó trong suốt mười năm qua. Họ cũng đã hào phóng tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam sang tham quan ĐHN ở Nhật để từ đó du nhập về nước bản giao hưởng mọi chuyện đều rất hoàn hảo. Nhưng đất nước chúng tôi đâu có mấy người biết công nghệ ĐHN để có thể khởi động một chương trình đồ sộ xây hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030?

Cho nên tôi thiết nghĩ nội dung hợp tác Nhật – Việt về ĐHN cần nên xem xét lại. Có thể phải lùi thời hạn khởi công lại ít nhất là mười năm để nước Nhật giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ chuyên gia thành thạo, thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, sớm xóa bỏ tình trạng sử dụng điện năng quá lãng phí và rất kém hiệu quả như hiện nay. Việt Nam đang rất thiếu điện, nhưng những nội dung hợp tác này sẽ giúp giải quyết bài toán thiếu điện hiệu quả hơn nhiều, không nhất thiết phải vội vàng khởi công ĐHN khiến người dân phải lo âu sau khi họ đã chứng kiến những thảm cảnh ở Fukushima trong những ngày qua.

Rất mong Ngài xem xét.

Xin chúc sức khỏe Ngài.

Kính thư.

Phạm Duy Hiển

GS chuyên ngành hạt nhân

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn