Con đường gập ghềnh trước mặt Trung Quốc

China's Bumpy Road Ahead, WALL STREET JOURNAL, 9 July 2011

Ian Bremmer

Bất ổn, lạm phát, và dân số già cỗi đang là những chướng ngai trên đường đi đến sự thống trị của Trung Quốc

Chính xác thì khi nào Trung Quốc sẽ nắm lấy thế giới?

Thời điểm của sự thật dường như đang đến gần từng phút. Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, theo ngân hàng HSBC. Không đúng, đó là năm 2040, các nhà phân tích tại Deutsche Bank nói. Hãy thử 2030, Ngân hàng Thế giới nói với chúng ta. Goldman Sachs điểm vào năm 2020 là năm phán quyết, và IMF tuyên bố vài tuần trước đây rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2016. Cũng có thể có ai đó nghĩ rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm năm trước đây.

Nhưng chúng ta nên bình tĩnh lại. Có rất nhiều xáo trộn âm ĩ bên dưới bề mặt của sự thần kỳ Trung Quốc. Hãy xem những hình ảnh gần đây:

• Ở Hồ Nam, nông dân sau bị các tay phát triển địa ốc hung hăng đuổi khỏi đất của mình mới khám phá rằng chính quyền địa phương không đứng về phía họ. Một nông dân tự thiêu, và các cuộc biểu tình lan nhanh từ thành phố này sang thành phố khác.

• Một vụ hóa chất tràn xuống một con sông ở Trung Quốc cắt nguồn nước cho Cáp Nhĩ Tân, một thành phố có bốn triệu dân, làm phừng lửa giận của công chúng.

• Ở Nội Mông, một tài xế lái xe tải người Hán cán chết một người nông dân du mục địa phương trong một tai nạn đụng xong bỏ chạy, và thổi bùng bất ổn sắc tộc trong nhiều ngày.

• Nổi loạn ở tỉnh Tân Cương xoay nhanh ra ngoài tầm kiểm soát, buộc nhà nước phải đóng Internet trên một khu vực có diện tích gấp ba lần California.

• Tại thành phố ven biển Tân Đường, các nhân viên an ninh được phái tới để giải tán một cuộc biểu tình của công nhân nhập cư, đã đẩy một người phụ nữ mang thai té xuống đất, châm mồi một cơn bão lửa mà chỉ có lực lượng bán quân sự với xe bọc thép mới có thể dẹp yên được.

Bộ máy an ninh của Trung Quốc là hữu hiệu nhất thế giới trong việc ngăn chận các cuộc bạo loạn quy mô lớn, và những cuộc phản kháng kể trên không biểu hiện một sự đối lập có kết hợp nào chống sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hầu hết các vụ phản kháng là nhắm vào các quan chức địa phương và được thúc đẩy bởi những bất mãn ở địa phương. Ba thập kỷ tăng trưởng với hai con số đã tích tụ được những dự trữ sâu đậm ở lòng kiên nhẫn của công chúng đối với các lãnh đạo Trung Quốc .

Song đây là một quốc gia mà số biểu tình có quy mô lớn lên đến nhiều chục ngàn vụ hàng năm. Trong năm 2006, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc báo cáo có khoảng 60.000 "sự cố nhóm quần chúng" (một cách gọi bóng gió các cuộc biểu tình do sự tức giận của công chúng với ít nhất 50 người tham gia). Năm 2007, con số này lên đến 80.000. Mặc dù những con số như thế không còn được công bố, một nguồn rò rỉ đưa ra con số cho năm 2008 là 127.000. Hiện tại thì gần như chắc chắn rằng con số này còn cao hơn nữa.

Phải nhìn nhận rằng không có bằng chứng đáng tin nào để nói là Trung Quốc đang trên bờ vực một cuộc khủng hoảng không thấy trước, nhưng tất cả tức giận của công chúng cho thấy những thách thức to lớn trên con đường phía trước của nước này. Các cường quốc mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục phát triển trong 10 năm tới với cùng một công thức cơ bản đã giúp họ tăng trưởng trong 10 năm qua. Trái lại, để tiếp tục nổ lực trở thành một cường quốc hiện đại. Trung Quốc phải thực hiện những cải cách vô cùng phức tạp và đầy tham vọng, và cấp lãnh đạo của họ biết điều đó.

Cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy rõ rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tăng trưởng sức mua của người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, là một điều nguy hiểm, dễ gây tổn thương, cho nền kinh tế Trung Quốc. Những người khẳng định rằng họ có thể phác họa một cách chính xác lộ trình trỗi dậy của Trung Quốc có vẻ như nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể biến đổi mô hình tăng trưởng của nước này về hướng tiêu thụ nội địa cao hơn một cách đều đặn, bằng cách chuyển dự trữ của cải khổng lồ từ các công ty sở hữu nhà nước hùng mạnh của Trung Quốc sang hàng trăm triệu người tiêu dùng mới.

Đó là một giả định khá bạo dạn. Cho dù các người làm chính sách ở Bắc Kinh đã rất cố gắng, sự thực là tỷ lệ đóng góp của tiêu thụ hộ gia đình trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm ngoái đã thay đổi theo một hướng khác, một phần vì những kẻ môi giới quyền lực chính trị trong giới tinh hoa làm ra quá nhiều tiền từ mô hình cũ, họ khó mà bỏ sang mô hình mới.

Hơn nữa, khi khoảng cách giàu nghèo tiếp tục dãn ra, bất ổn xã hội gần như chắc chắn sẽ buộc nhà nước siết chặt hơn các hạn chế về tự do phát biểu và tụ tập. Điều đó có thể thúc đẩy một phản ứng dữ dội nếu các kì vọng ngày càng tăng về sự thành công vật chất không đuợc thỏa mãn. Nguy hiểm hơn cả cho tương lai đảng cầm quyền là các phe phái trong chính phủ có thể không đồng ý về biện pháp đối phó của nhà nước đối với một cơn biến động thình lình của sự bất ổn có tổ chức.

Đặc tính dân số học của Trung Quốc đặt ra một thách thức nghiêm trọng khác. Lực lượng lao động của nước này càng trở nên đắt giá khi Trung Quốc đô thị hoá và tiến lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất. Dân số ngày càng già đi, vì chính sách một con và các yếu tố khác khiến tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng lao động giảm đi. Vì nhiều người Trung Quốc đến tuổi hưu, sự cần thiết phải mở rộng và củng cố mạng lưới an sinh xã hội chính thức (Chú thích của người dịch: Khác với mạng lưới không chính thức, do gia đình) để cung cấp lương hưu và chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm triệu người sẽ tăng thêm tổn phí đến một mức độ chưa từng có.

Vì sự tăng trưởng của Trung Quốc phần lớn là do các dự án cơ sở hạ tầng và các đầu tư khác do nhà nước chỉ đạo, hậu quả của một môi trường mà mức thuế đã là quá cao có thể gây sốc cho toàn hệ thống. Đất đai xuống cấp, chất lượng không khí và thiếu hụt nước là các vấn đề khẩn cấp và ngày càng trầm trọng. Khả năng Trung Quốc chịu đựng một môi trường đang xấu đi là cao hơn so với đa số các thị trường đang phát triển (không nói gì đến thế giới phát triển), nhưng rủi ro về một sự cố môi trường gây kích động một sự kiện mất ổn định một cách nguy hiểm đang tăng lên theo từng ngày.

Rồi còn lạm phát nữa. Lạm phát đã lên đến mức cao nhất trong 34 tháng hồi tháng Năm, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Giá lương thực tăng 11,7%. Một chính sách tiền tệ mở rộng quá mức, chi phí vận chuyển cao hơn liên quan đến quá trình đô thị hóa, và tăng lương quy mô lớn chỉ là một vài trong số các biến đảm bảo chính phủ này sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kềm chế lạm phát trong những năm tới.

Cuối cùng, như là nhu cầu phổ biến, những phát biểu trực tuyến và trong thế giới blog của Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong cách thức các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đưa ra quyết định, công dân không hài lòng sẽ kiểm tra khả năng của nhà nước thực hiện các chính sách chiến lược. Điều đó cũng có thể hạn chế sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.

Thậm chí nếu giới lãnh đạo Trung Quốc có tiến bộ lớn về cải cách trong nước, họ sẽ thấy rằng môi trường quốc tế ngày càng trở nên ít thuận lợi cho phát triển kinh tế. Giá dầu hỏa, khí đốt, kim loại và khoáng chất mà Trung Quốc cần để đẩy mạnh nền kinh tế đều tăng lên, hiển nhiên sẽ có ảnh hưởng bất lợi cho sự tăng trưởng của họ. Nổ lực của những nước mới nổi khác sẽ thêm áp lực lên giá lương thực và hàng hóa khác, đè nén tốc độ tăng trưởng và làm mất lòng tin của người tiêu dùng, đã và đang là các nguồn quan trọng nhất của sự ổn định xã hội và chính trị ở Trung Quốc.

Còn quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thì sao? Tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc, đi cùng với chính sách tài chính không bền vững của Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp cao và sức tiêu dùng suy yếu, sẽ gây va chạm giữa của hai nền kinh tế lớn nhất này - đặc biệt là vì tình trạng ấy sẽ làm tăng một cách đáng kể khả năng bảo hộ mậu dịch của cả hai bên. Đó là một vấn đề cho các công ty Mỹ đang tìm cách tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng nó còn gây phiền phức nhiều hơn cho Trung Quốc vì Trung Quốc nương nhờ nhiều hơn vào sự ổn định tài chính, công nghệ, đầu tư và tiêu dùng của Mỹ.

Nếu không gì khác, những thách thức khổng lồ ở phía trước đối với Trung Quốc cung cấp một lô các lí do chính đáng để nghi ngờ các dự báo dài hạn về sự tối thương trong kinh tế và sự thống trị toàn cầu của đất nước này. Như Yogi Berra đã từng nói, "Rất khó để đưa ra dự đoán, đặc biệt là về tương lai."

Ian Bremmer là Chủ tịch nhóm Á Âu (Eurasian Group), một công ty tư vấn chuyên về việc đánh giá rủi ro chính trị . Quyển sách mới nhất của ông là "The End of the Free Market" (Sự kết thúc của Thị trường tự do).

I.B.

Nguồn: viet-studies.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn