Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu

Thu Hà

Những cú sốc kinh tế gần đây phát đi thông điệp cảnh tỉnh, nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu.

LTS: "Khủng hoảng dạy chúng ta một bài học: dù công nghiệp hóa cũng không thể lơi lỏng nông nghiệp vì phát triển nông nghiệp giúp nền kinh tế ổn định trước sóng gió và đảm bảo an ninh xã hội", nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cảnh báo tại Hội thảo về Ổn định vĩ mô hồi cuối tháng 6. Ông Khoan không phải là người đầu tiên lên tiếng về tình trạng mải mê công nghiệp hoá mà bỏ quên nông nghiệp, cứu cánh của đất nước qua nhiều cuộc khủng hoảng. Đã có hẳn một chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế chưa chuyển biến được bao nhiêu.

Nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ chẳng mấy chốc biến mất. Và vùng trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam này có thể suy kiệt trầm trọng. Đó là những cảnh báo từ loạt bài ghi chép sau một chuyến đi thực tế của phóng viên Tuần Việt Nam.

Kỳ 1: Chính sách công "bỏ rơi", nhà đầu tư lảng tránh

Chính sách công "bỏ rơi"

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhìn vào khu vực này, trong chừng mực sẽ thấy kết quả của 25 năm đổi mới.

Đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, ĐBSCL là vùng có lợi thế về nông nghiệp bền vững tốt nhất Việt Nam. Được thiên nhiên biệt đãi, vùng nông thôn này được hưởng nguồn năng lượng phát triển dồi dào. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.

Hai lăm năm sau ngày đất nước thực hiện chính sách Đổi Mới theo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sản lượng lúa gạo của ĐBSCL tăng trưởng ngoạn mục, vượt 19 triệu tấn, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực lớn trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không chỉ có lúa, các mặt hàng thủy sản cũng đóng góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn, đến từ Trung tâm nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long từng dùng chỉ số ICOR để đánh giá hiệu quả kinh tế miền Tây. Ông quả quyết, "mười năm qua, có lẽ không ai có thể phủ nhận ĐBSCL đã phát triển với hiệu quả cao". Cũng nhờ sự đóng góp chủ lực của vùng đất này, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo nhất do bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và khu vực.

Với thành tựu rực rỡ như vậy, lẽ ra ĐBSCL xứng đáng được hưởng cuộc sống khá giả, nông thôn khang trang, nông nghiệp tiên tiến. Nhưng tiếc rằng khu vực này chỉ nhận được rất ít những thành quả mà cuộc Đổi Mới mang lại. Hơn hai chục năm qua miền Tây vẫn mắc kẹt trong nghèo nàn, lạc hậu. Các số liệu công khai đều cho thấy, cái nghèo cùng cực vẫn đeo bám ĐBSCL. Gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày. Còn không ít xã anh hùng đang rơi vào tình trạng mà mục tiêu thiên niên kỷ gọi là bần cùng.

 

clip_image001Gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày. Ảnh: Thu Hà

Là người thấu hiểu miền Tây, GS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học nông nghiệp có uy tín, cho rằng, vùng nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL đã bị "bỏ quên" trong một khoảng thời gian dài. Thể hiện ở chỗ, bao năm nay phân bổ đầu tư về đây chưa tương xứng với đóng góp của vùng cho nền kinh tế. Đầu tư từ nhà nước cho ĐBSCL thật ít ỏi, chỉ khoảng 16% ngân sách.

Thực tế này càng thể hiện rõ trong tương quan giữa một bên là những kế hoạch đầu tư mới cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế với một bên là tình trạng "dậm chân tại chỗ" của những dự án nông nghiệp, nông thôn. Một loạt cơ sở hạ tầng đường giao thông, bến cảng... dù chủ trương có từ hơn chục năm trước, mãi gần đây mới rục rịch khởi động. Trong đợt kích cầu đầu tư 16.000 tỷ đồng hồi năm ngoái, nông nghiệp ĐBSCL cũng chỉ được hưởng 0,36%.

Ông Xuân nhiều lần kêu lên, "vùng này đã bị lấy đi nhiều hơn đầu tư vào". Chính sách khai thác chủ yếu theo chiều rộng, thụ động khai thác các tiềm năng sẵn có đang làm kiệt sức ĐBSCL.

Những số liệu thống kê được báo chí dẫn lại cũng phần nào cho thấy, trong lúc khoản ngân sách ít ỏi dành cho nông nghiệp đang teo tóp dần thì đầu tư được rót một cách hăng hái vào các khu công nghiệp, khu đô thị. Điều đáng nói ở chỗ khoảng 70% đất nông nghiệp đã được thu hồi vẫn để hoang cho cỏ mọc trong khi một phần nông dân vì nhiều lý do không có nổi "cục đất chọi chim". Thực tế này đã tác động rất mạnh đến tâm lý nhà nông.

Đầu tư nước ngoài lảng tránh

Đầu tư công thì vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào đây cũng chẳng hơn gì.

Khát vốn, các tỉnh ĐBSCL chủ động mời chào các nhà đầu tư nước ngoài.Tuy nhiên, trong một cuộc xúc tiến đầu tư tại địa phương, có nhà đầu tư nói thẳng, trong tính toán của họ, miền Tây tuy có tiềm năng lớn, triển vọng tương lai, nhưng tại thời điểm này chưa mang lại hiệu quả bằng nơi khác.

Bằng chứng là hơn 450 dự án FDI hiện nay được giới quan sát đánh giá vẫn chưa có nhiều tác động quan trọng đến tăng trưởng cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

 

clip_image002Nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu. Ảnh: Thu Hà

Phó chủ tịch HĐQT công ty Phuquoc Land từng chia sẻ trên báo: có quá ít cơ hội cho nông nghiệp trong nước tiếp cận với các nhà đầu tư. Nếu đem so sánh với Thái Lan, cùng khí hậu, cùng vị trí địa lý tuy nhiên sự thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp của Việt Nam đi sau Thái Lan một khoảng dài.

Điểm yếu chí tử của ĐBSCL là những chuyện chẳng còn lạ lẫm: cơ sở hạ tầng giao thông nghèo  nàn; chất lượng nguồn nhân lực yếu kém; các mối liên kết lỏng lẻo, ít động lực...

Chỉ chừng đó vấn đề vậy mà hơn hai chục năm đã trôi qua vẫn chưa hoá giải được, khiến ĐBSCL mất đi nhiều cơ hội tốt. Những cú sốc kinh tế gần đây phát đi thông điệp cảnh tỉnh, nếu không cấp tốc thay đổi cách ứng xử với miền Tây, thế mạnh tiềm năng nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL sẽ trở thành lạc hậu.

Trong một cuộc trò chuyện trên Tuần Việt Nam cách nay hơn một năm, GS. VS. Đào Thế Tuấn nói về cách ứng xử với kinh tế nông nghiệp, ngẫm lại cũng đúng với trường hợp ĐBSCL. Ông nói, thật sai lầm khi cho rằng làm công nghiệp thì không cần nông nghiệp nữa. Chúng ta không thể tiến hành công nghiệp hóa bằng mọi giá, buộc nông nghiệp và nông dân dồn sức cho công nghiệp đạt thành tích tăng trưởng GDP như đang diễn ra. Cuối cùng ông đúc kết, "trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nông nghiệp là ngành mà chúng ta phải duy trì và phát triển, không phải vì lợi thế cạnh tranh nào cả, mà vì phát triển nông nghiệp là chuyện bắt buộc phải làm, không làm là chết".

Thực tế phát triển quốc gia trong bối cảnh hiện nay đã chứng tỏ một điều hiển nhiên, với một xuất phát điểm thấp như Việt Nam, để phát triển đất nước không thể không dựa vào nông nghiệp. Nhưng, liệu nông nghiệp có trở thành điểm tựa bền vững hay không lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào những cái đầu định hướng có quyết tâm chính trị dám làm một cuộc Đổi Mới nông nghiệp một lần nữa hay không.

Kỳ 2: Điểm yếu chí tử của Đồng bằng sông Cửu Long

Dòng thời sự nông nghiệp chủ lưu hiện nay là sự yếu kém của hạ tầng giao thông đang cản trở năng lượng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giao thông – chính là điểm yếu chí tử khiến miền Tây mắc kẹt trong cái nghèo.

Có một thực tế được cuộc sống đúc kết thành qui luật, hễ nơi nào đường xá  thông suốt thì cuộc sống nơi đó có cơ hội thịnh vượng. Ngược lại, nơi giao thông ách tắc thì cầm chắc nghèo túng, lạc hậu. Khỏi phải nói thêm, điều này chắc chắn đúng với ĐBSCL.

Đường bộ chưa thông

Trong một bài giảng với chủ đề Làm thế nào để ĐBSCL bớt tụt hậu? TS. Vũ Thành Tự Anh kể rằng, khi ông hỏi GS. Võ Tòng Xuân, vào những năm 1960-1970, thời gian GS đi từ Sài Gòn đến Cần Thơ giảng bài hết bao lâu. GS. Võ Tòng Xuân cho biết, mất khoảng 4 tiếng rưỡi.

Đối chiếu thực tế những năm gần đây, gần nửa thế kỷ đã qua, ông Tự Anh ái ngại, "tốc độ giao thông giữa ĐBSCL tới các trung tâm kinh tế - thương mại lớn nhất của cả nước chưa được cải thiện bao nhiêu".

Thật ra, chuyện giao thông ở ĐBSCL lạc hậu như thế nào không quá khó để nhận thấy. Hơn thế, điều này cũng được thông báo công khai trong nhiều cuộc hội thảo tại địa phương. Cụ thể, ĐBSCL chỉ có 5% đường nông thôn có giá trị vận tải, số còn lại chỉ có giá trị giao thông cho dân đi bộ, đi xe đạp và xe gắn máy. 95% đường còn lại cần được mở rộng và nâng cấp.

Quanh 13 tỉnh miền Tây chằng chịt sông rạch, cù lao vẫn còn hàng trăm cây cầu xây từ đầu thế kỷ 20 đến nay vẫn chưa được thay thế.  Để có thể lưu thông, người dân vẫn phải tận dụng những cầu ọp ẹp. Trên nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch vẫn còn không ít những cây cầu đang khai thác có tải trọng chỉ khoảng 4 đến 10 tấn, và đang hư hỏng nặng, đi xe thô sơ còn khó nói chi đến xe tải vận chuyển hàng hoá.

Quan sát của GS. Võ Tòng Xuân, một người gần gũi với vùng này cũng cho biết, miền Tây ít nơi có đường rộng 5 m, chủ yếu là đường đất, vài nơi cố lắm cũng chỉ trải đá mi. Hệ thống quốc lộ xây mới chưa nhiều, chiều rộng cũng khiêm tốn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng. Ví dụ, quốc lộ 50 đi qua tỉnh Tiền Giang do Bộ GTVT đầu tư cũng chỉ được thiết kế rộng 7,5 m, thay vì 12 m.

 

clip_image003Ảnh minh họa: báo Đại Đoàn Kết

Ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên của Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cũng nghĩ như vậy. "Đường đi lại ở ĐBSCL giờ chỉ có giá trị nông thôn chứ không có giá trị vận tải. Hạ tầng giao thông của ĐBSCL yếu kém nhất nước, chỉ xếp trên vùng Tây Bắc", ông Sơn- người thường xuyên qua lại vùng ĐBSCL trước và sau thời điểm 1975 nhận xét.

Và hệ luỵ là việc đi lại học hành, việc cấp cứu trị bệnh, việc tiếp cận với các cơ sở văn hoá... và mưu sinh cũng đều gặp khó khăn. Chi phí vận tải hàng hoá tăng dẫn đến nông sản bị ép giá, nông sản hư hao do phải chờ... Từ những thông tin được công bố rộng rãi, ông Sơn nhẩm tính, nếu gộp toàn bộ chi phí cơ hội, nông dân ĐBSCL có thể phải chi đến 15% thu nhập cho đi lại và cho chuyên chở hàng hoá. Điều đó khiến cho họ chưa "mở mày mở mặt".

Đường sông vẫn tắc

Là vùng trọng điểm sản xuất nông sản hàng hoá xuất khẩu, ước tính, hàng năm ĐBSCL có nhu cầu xuất - nhập khẩu từ 12 tới 13 triệu tấn hàng hoá. Nhưng thật éo le, trong khi đường bộ chưa thông thì đường sông của vùng này cũng đang xập xệ.

Hệ thống giao thông thủy của miền Tây với hai tuyến chính là TP HCM – Kiên Lương và TP HCM – Cà Mau... nhưng do địa hình nên buộc phải hợp lưu tại kênh Chợ Gạo (nối sông Tiền ở Tiền Giang với sông Vàm Cỏ Tây ở Long An.

Trong khi 13 tỉnh miền Tây đang chen chúc dùng chung tuyến đường sông duy nhất đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại thì cửa luồng Định An cũng không khá hơn. Do mấy chục năm qua chỉ tập trung khai thác mà không bảo dưỡng nên trước sự bồi lắng phù sa, cửa Định An đang bị cạn khiến các tàu hàng hải lớn không vào được thành ra 70% khối lượng hàng hoá vẫn phải nhập nhờ qua TP Hồ Chí Minh.

Lưu thông vòng vèo khiến lợi nhuận từ việc bán nông sản hàng hoá thấp đi do bị ép giá trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào thì không ngừng đội lên. Thua thiệt đủ đường khiến nhà nông lãnh đủ, dồi dào năng lượng mà vẫn trong nhóm nghèo nhất nước.

Tắc đường do tắc tư duy?

Trước những phàn nàn về sự trắc trở của hệ thống giao thông ĐBSCL, giới phân tích chính sách cho rằng không phải do thiếu tiền mà là do ách tắc trên hệ thống tư duy.

"Cầu Mỹ Thuận được xây dựng là do viện trợ cho không của Úc thì không nói làm gì, còn cầu Cần Thơ được xây dựng nhờ ODA của Nhật, mà ODA lúc nào cũng tăng giá. Hơn nữa, ODA Nhật ở cầu Thanh Trì khác với ODA Nhật ở cầu Cần Thơ. Vì ODA ở cầu Thanh Trì là do ngân sách quốc gia trả, còn ODA cầu Cần Thơ cũng là ngân sách quốc gia nhưng mà lấy ở địa phương. Một là ngân sách của cả nước đóng vào, còn một là ngân sách chỉ của một địa phương nên "giá rất đắt".

Ông Nguyễn Văn Sơn

Lấy giá trị sử dụng làm căn cứ, ông Nguyễn Văn Sơn dẫn chứng, liệu có công bằng không khi sông Hồng qua địa phận Hà Nội, sông Hàn ở Đà Nẵng có bao nhiêu cây cầu, trong khi 7 tỉnh nam sông Hậu chỉ có duy nhất cây cầu Mỹ Thuận (khánh thành năm 2000), và gần chục tỉnh khác chung cây cầu Cần Thơ (khánh thành năm 2010). Cứ thử đo giá trị sử dụng của những cây cầu đó sẽ thấy ngay nghịch lý không công bằng. Rõ ràng so với năng lực phát triển, ĐBSCL cần nhiều hơn 2 cây cầu đó.

Ông Sơn ước, nếu nhà nước dành cho chừng 10% kinh phí dự kiến làm đường sắt cao tốc Bắc Nam như đã thảo luận trong QH thì chắc chắn toàn ĐBSCL sẽ thay đổi nhanh bộ mặt kinh tế xã hội trong vòng mười năm. Đầu tư cho giao thông cấp huyện là mở lối ra cho nông dân và hàng hoá tiếp cận với thị trường, mở cánh cửa giáo dục và đào tạo cho thanh thiếu niên; Đầu tư cho giao thông cấp tỉnh là mở mối giao lưu kinh tế xã hội của các huyện về trung tâm tỉnh; Đầu tư cho giao thông cấp tỉnh là mở mối giao lưu kinh tế xã hội của tỉnh với các tỉnh lân cận và cả nước, lẫn quốc tế; Và, đầu tư cho giao thông nông thôn là giải quyết đồng bộ nền tảng cho phát triển đồng bộ sản xuất kinh doanh và đời sống của nông dân.

Trước sự hối thúc của phát triển, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố, "chính phủ tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt cho ĐBSCL, trong đó sẽ có những chính sách thuận lợi, ưu đãi đặc biệt để khu vực này chuyển mình nhanh chóng. Chính phủ đã quyết định đầu tư nhiều dự án lớn nhằm nhanh chóng tăng cường cơ sở hạ tầng tạo điều kiện kết nối cho cả vùng. Xác định đưa ĐBSCL là trung tâm năng lượng lớn của cả nước trong tương lai". Dù sao muộn cũng còn hơn không. Đây là quả là thông tin đáng mừng.

Xem ra tư duy đã thông, vấn đề chỉ còn chờ xem chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được các cấp triển khai như thế nào.

Kỳ 3: Nằm trên cánh đồng vàng mà vẫn nghèo

Nếu nông nghiệp là tấm gương phản chiếu xã hội, sẽ cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một khu vực trì trệ và bị tổn thương. Cùng được thừa hưởng những giá trị của Đổi Mới song với những gì diễn ra ở khu vực này trong chừng mực cho thấy nông dân chưa bắt kịp tiến trình này, nếu không muốn nói là đi sau các thành phần khác với khoảng cách khá xa.

Chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - người gắn bó với miền Tây trước và sau năm 1975 cho rằng, vùng này hiện đang tồn tại nhiều nghịch lý: là nơi sản xuất hàng hoá phát triển nhất nhưng tỷ lệ người nghèo, trẻ em thất học cũng nhiều nhất; là nơi đóng góp 90% lượng gạo và 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước nhưng cũng là nơi có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất; nông dân tích luỹ thấp và tỷ lệ hộ dân sống nhà tạm bợ cũng đứng hàng nhất nước. "Họ nghèo lắm, dù có chút may mắn là không bị đói", ông Sơn quả quyết.

Thu nhập 0,3 USD/ngày

Ông Năm Sáng sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL, cánh đồng 1 ha lúa của gia đình ông ở ven xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (An Giang) thuộc Tứ giác Long Xuyên - một trong hai trung tâm lúa gạo bậc nhất Việt Nam. Từ lâu đời vùng đất này chuyên trồng lúa hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng gia đình ông và phần đông người hàng xóm luôn ở gần sát chuẩn nghèo. Bình thường thì không sao, nhưng chỉ cần một biến động nhỏ là nhanh chóng rơi vào diện nghèo.

"Ông nội khi còn sống cứ mong mỏi làm sao dành dụm được chút tiền cất cái nhà ngói làm chỗ cúng ông bà cho đàng hoàng. Chắt chiu cho đến lúc chết ông vẫn chưa làm được. Hết đời cha, giờ tới tôi, ngoài 60 rồi vẫn chưa thực hiện được di nguyện của ông. Tiền cho tụi nhỏ học hành, trả nợ vay ngân hàng không đủ nói chi đến chuyện cất nhà", ông Năm Sáng miệng nói, tay chỉ vào căn nhà lợp lá, tuyềnh toàng tạm bợ cạnh đó.

 

clip_image004Một nông dân đang chia sẻ với GS. Võ Tòng  Xuân: "đầu vụ đang được giá, nhưng giữa vụ đột nhiên giá rớt cái rụp". Ảnh: Thu Hà

Số liệu được nói đến nhiều nhất trong dư luận là, thu nhập GDP trên đầu người của ĐBSCL chỉ bằng khoảng 2/3 mức trung bình của cả nước; còn về tiêu dùng - được coi là một thước đo chính xác hơn cho mức độ nghèo đói thì mức tiêu dùng trên đầu người của người dân ở ĐBSCL hiện nay thấp hơn mức bình quân của cả nước khoảng 10% (290.000 so với 316.000); không những thế, lại có tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 1993-2003 chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước (63% so với 96%). Điều này có nghĩa là chênh lệch về mức sống của người dân ở ĐBSCL so với các vùng khác không những không được thu hẹp, mà còn liên tục bị nới rộng. Không ít xã đang có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 18% -20%. Nếu tính theo tiêu chí mục tiêu thiên niên kỷ, số hộ dân còn nghèo dưới mức 1 USD/người/ngày có thể ước tính khoảng 50%.

Thực tế này khiến những người như ông Sơn suy nghĩ mãi. "Thu nhập cỡ 200.000 đồng/người/tháng, tức 2,4 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 150 USD/người/năm theo giá năm 1994; giảm xuống còn 120 USD/người/năm theo giá 2009, tức khoảng 0,3 USD/người/ngày không hiểu nông dân xoay sở cuộc sống thường nhật thế nào?", ông Sơn băn khoăn.

Thua thiệt đủ đường

Cuối tháng sáu, các cánh đồng ở miền Tây vào mùa thu hoạch rộ. Nhà nông mặc dù hài lòng vì vụ này được mùa, nhưng vẫn héo hắt ruột gan vì cũng như những vụ trước, họ bán lúa với giá không như mong muốn. "Đầu vụ đang được giá, nhưng giữa vụ đột nhiên giá rớt cái rụp", một người nông dân cho biết.

Sau một hồi mặc cả kịch liệt ngay trên thửa ruộng của mình, lão nông Bảy Dự (ấp 4, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) dù không hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận bán 4.800 đồng/kg lúa ướt.

Nhìn sang các thửa ruộng gần đó, nơi những người nông dân và thương lái đang căng thẳng trả giá bán - mua, ông quả quyết, những người hàng xóm sẽ sớm phải chấp nhận mức giá các thương lái đưa ra. Giống như ông, họ không còn lựa chọn nào khác vì "không bán, thu hoạch về biết cất trữ vào đâu?".

"Mấy năm gần đây đều trúng mùa, Mỗi vụ, 2,5 ha ruộng thu được cỡ 115 triệu đồng, trừ đi các khoản nợ mua giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, còn lại khoảng 70 triệu. Làm để có dư thì khó lắm, làm chỉ đủ gói ghém cuộc sống trong một năm đó thôi, nợ ngân hàng vẫn còn đó. Làm hoài mà vẫn cực", ông Dự nhẩm tính.

Lão nông này cho biết thêm, "vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%. Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ đều tăng, trừ thu nhập."

Những khó khăn của bác Bảy Dự cũng là khó khăn chung của phần đông nông dân trồng lúa ở ĐBSCL – những người trực tiếp làm ra sản phẩm, nhưng lại không được tự quyết định giá của sản phẩm của mình. Do không có điều kiện, họ chấp nhận bán hàng với giá rẻ mạt để có tiền thanh toán các khoản vay từ đầu mùa vụ các mặt hàng thiết yếu như phân bón, thuốc trừ sâu, tiền công mướn... kẻo "càng để lâu, càng gánh không nổi lãi".

Theo Giáo sư nông học Võ Tòng Xuân, "người trồng lúa nghèo triền miên vì làm nông nghiệp không có vốn, nông dân phải vay tiền mua. Sau mỗi vụ gặt, nông dân chen chúc ở ngân hàng nông nghiệp để trả nợ. Xong nợ cũ lại vay mới để đầu tư làm vụ kế tiếp. Có tới 95% nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau".

 

clip_image005Theo GS Võ Tòng Xuân: "Có tới 95% nông dân phải vay ngân hàng để sản xuất theo kiểu ăn trước trả sau". Ảnh minh họa: Thu Hà

Khi được đề nghị lý giải về việc cái nghèo đeo bám dai dẳng nông dân miền Tây, Ông Xuân nói thế này: Thực tế là người nông dân của ta từ chỗ chuyên sản xuất lúa gạo theo kiểu "tự cấp, tự túc", thì sau đó đã chuyển sang sản xuất theo kiểu hàng hoá, người nông dân bước vào thị trường. Nhưng khi bước vào thị trường thì họ luôn là người lép vế, đặc biệt là nông dân nghèo. Chẳng hạn lấy phân bón, thuốc trừ sâu trên thị trường là hai trăm, doanh nghiệp bán lại cho nông dân hai giá hai trăm rưỡi. Đôi khi có những người còn mua phải phân bón và thuốc trừ sâu giả. Thế là nông dân đã nghèo lại càng nghèo cùng cực hơn".

Cũng vì lẽ đó, nhà báo Lê Thanh Nguyên mới đúc kết rằng, trong các thành phần kinh tế, nông nghiệp phát triển chậm hơn so với công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu nhập thấp nên người nông dân cải thiện cuộc sống chậm hơn. Thị trường nông sản của ta chủ yếu dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp. Doanh nghiệp giữ vai trò độc quyền về chế biến và lưu thông, còn nông dân không có quyền mặc cả và vì thế hay bị ép giá. Trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng.

"Bị định giá nên thường phải gánh phần thua thiệt trong khi chi phí ngày càng tăng mà lợi ích thì ngày càng giảm, đầu vào tăng nhiều, còn đầu ra chỉ tăng chút ít. Tình hình kinh tế khó khăn gần đây càng góp phần làm cho cuộc sống của nông dân ĐBSCL thêm khó khăn, bản thân họ hầu như không được hưởng lời khi thị trường thuận lợi và luôn phải chịu lỗ khi nông sản bị mất giá", ông Nguyên nói.

Trong một cuộc hội thảo mới đây, chính thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cũng thừa nhận: "những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân là những người nghèo, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển".

Đúng là giá lúa gạo qua các năm có tăng nhưng vẫn không theo kịp giá chi phí đầu vào. Năm ngoái, giá thu mua lúa tăng 15%-20% nhưng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng tới 30%. Thêm vào đó, diện tích trồng lúa của các hộ gia đình quá nhỏ, manh mún (trung bình 0,3-0,8ha) nên dù tỉ suất lợi nhuận từ trồng lúa có cao đến mấy thì tổng lợi nhuận thu được chẳng đáng là bao.

Thực tế này khiến nhiều người có cảm giác nông dân lâu nay chưa được quan tâm, họ lép vế và phải chấp nhận thua thiệt mọi bề. Chính điều đó khiến họ mắc kẹt mãi trong cái nghèo dù cuộc Đổi Mới dưới sự khởi xướng của Đảng đã đi qua 25 năm.

* Chú thích: Bài viết sử dụng các số liệu được cung cấp tại các hội thảo khoa học về ĐB.SCL

Kỳ 4: Khi nông dân bỏ xứ ra đi

Trước những thua thiệt đủ đường của nghề nông, một bộ phận nông dân trẻ của ĐBSCL đang bon chen đổ về các thành phố lớn trong cuộc mưu sinh.

Theo những người già ở miền Tây, nhiều đời nay, cứ vào đầu vụ gặt, lao động thời vụ từ các nơi hăng hái đổ về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), họ dựng lều gần các thửa ruộng để tiện cho việc cắt lúa thuê tới khi kết thúc mùa thu hoạch mới rời đi. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước.

Cuối tháng 6 vừa rồi, Đồng bằng sông Cửu Long vào lúc cao điểm thu hoạch lúa hè thu, nhưng hầu như nhà nào cũng gặp khó khăn trong thuê mướn nhân công. Không có người từ nơi khác đến làm thuê, thậm chí ngay cả lao động tại chỗ, lao động trong từng gia đình cũng trở nên khan hiếm. Trên các cánh đồng miền Tây, hầu như chỉ thấy người già và trẻ con. Chuyện này đã xảy ra trong nhiều năm.

Dường như chuyện thiếu nhân công cắt lúa đang ngày càng trầm trọng.

"Đầu vụ gặt giá công cắt lúa đã là 140.000 đồng/công (1.000 m2), hiện nay đã tăng lên 200.000 đồng/công đối với lúa đứng. Và khoảng 250.000 đồng/công để thu hoạch lúa đổ, lúa ở vùng xa kênh mương. Giá cao ngất ngưởng như vậy mà tìm vẫn không kêu được người làm". Trở về từ một trung tâm giới thiệu việc làm trong vùng, lão nông Bảy An ở xã Láng Biển (Đồng Tháp) không khỏi lo lắng.

Không muốn làm nông dân

Chuyện nông dân ly hương không còn là chuyện mới mẻ gì. Cách nay mấy năm, tại một cuộc hội thảo qui mô, luật sư Phạm Duy Nghĩa đã khuyến cáo 3 nguy cơ rất rõ ràng đối với những người dân quê. Theo ông, đó là "chuyện nông dân mất ruộng, nông dân chán ruộng và nông dân chán thôn quê".

 

clip_image006

Dường như chuyện thiếu nhân công cắt lúa đang ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa: Thu Hà

Các báo cáo khoa học được thông tin rộng rãi cũng xác nhận thực tế một bộ phận nông dân không muốn làm nông dân nữa. Thậm chí có người còn lý giải không né tránh, "do lợi nhuận từ làm lúa không đủ trang trải cuộc sống. Với người già, nhu cầu thường không cao nên cố co kéo thì cũng tạm đủ. Nhưng với giới trẻ thì khác, họ rất nhạy cảm trước những thiệt thòi do chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị. Đi tìm một cuộc mưu sinh tốt đẹp hơn đó là tâm lý rất đời thường".

Điều đó giải thích vì sao "ngày càng có nhiều nông dân trẻ hoặc di cư vào thành phố hoặc đi lấy chồng nước ngoài với mong ước có thu nhập cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Họ mong kiếm được chút tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình", như quan sát của ông Nguyễn Văn Sơn, một nghiên cứu viên có uy tín của Trung tâm nghiên cứu Phát triển ĐBSCL.

Chưa được làm thị dân

Có điều, lực lượng lao động đang hăng hái nhập cư vào các đô thị một cách bất đắc dĩ này lại đang gặp một số vấn đề do chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, ví dụ như trình độ lao động, văn hoá, lối sống... nên họ phải chấp nhận làm những công việc giản đơn cực nhọc chẳng kém làm nghề nông, sống co cụm trong những khu vực nhếch nhác, thiếu thốn đủ đường, hầu như chưa cải thiện được cuộc sống.

Ông Sơn kể, có những cô gái trẻ vào thành phố làm thợ may công nghiệp, một tháng được 2 triệu, gửi về cho gia đình 800.000, chỉ còn lại 1.200.000. Khoản tiền ít ỏi này khiến họ rất chật vật trong bối cảnh lạm phát.

Ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhận thấy, lực lượng lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp chỉ là bán sức lao động bằng cơ bắp, thu nhập không hơn gì ở nông thôn với công việc cắt lúa mướn".

Vậy mà chẳng mấy người muốn quay về làm nông dân. Vì lý do thứ nhất là kiếm sống. Lý do thứ 2 là tự trọng lại càng phải đi kiếm tiền, vì quan niệm làm công nhân vẫn hơn là làm nông dân. Và, thứ 3, ở nông thôn không có gì để giải trí, để chơi nên đi lên thành phố vẫn là cơ hội để người trẻ có thể tiếp xúc với văn minh.

Bài học của người Bulgari

Vẫn còn nguyên bài học của Bungari. Khi không còn nông nghiệp nữa, đồng ruộng bỏ hoang... và nông dân chán làm nông nghiệp, kéo ra thành thị đã biến một quốc gia có nền móng nông nghiệp tốt thành một quốc gia phải nhập khẩu gần như toàn bộ lương thực.

Theo các nhà chiến lược, việc giảm thiểu tỷ lệ nông dân, gia tăng tỷ lệ thị dân sẽ được ghi nhận như một kết quả của phát triển. Vì nếu kéo được nông dân ra thành thị đồng nghĩa với việc sẽ tăng được ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển hơn, và nếu làm được như vậy thì quá tốt. Nhưng ở ĐBSCL, việc di cư ra thành thị đang xảy ra một cách tự phát, không có quy hoạch, chưa có một sự chuẩn bị nào của Nhà nước, của thị trường...

Quá trình đang diễn ra chủ yếu hiện nay là "nhân khẩu nông nghiệp thừa" đang hăng hái di chuyển ra thành thị với khát vọng thoát nghèo. Chính điều này đang tạo ra áp lực lên các đô thị lớn như TP HCM. Thực tế từng diễn ra ở nhiều nước đã cho thấy, nếu chính phủ không ứng xử tế nhị, trong chừng mực, những cuộc di cư bất đắc dĩ như vậy sẽ kéo theo những phiền toái xã hội khó lường.

Vì vậy, TS Phạm Duy Nghĩa tư vấn chính sách, "muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi. Nông dân chỉ bám ruộng khi nông sản được giá, nông sản chỉ có giá khi được người mua tin dùng, cái vốn xã hội lớn lao dành cho nông sản Việt Nam chỉ có thể tạo ra với một thái độ rõ rệt của nhà nước.

Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương, song nếu mức sống đô thị và nông thôn quá xa khác thì nước ta còn chứng kiến những cuộc di dân to lớn hơn nữa hướng ra phố. Điều này phá nát đô thị và cũng xô đổ văn hoá nông thôn. Việc điều tiết lớn lao này không thể do thị trường, đó là trách nhiệm của Nhà nước, càng bắt đầu muộn càng thêm tốn kém", ông Phạm Duy Nghĩa nói trong một cuộc hội thảo.

T.H.

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn