Trung Quốc vỡ mộng xe lửa cao tốc

Lê Phước

clip_image001  

Tàu cao tốc Trung Quốc. REUTERS/Stringer/Files

 

Tuyến tàu hỏa cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, niềm tự hào của chính phủ Trung Quốc, mới vừa được khai trương rầm rộ hồi cuối tháng 6 rồi, thế mà đã vấp phải nhiều sự cố. Nhật báo Le Monde phân tích sự việc này với bài nhận định “Trung Quốc lúng túng trước những trục trặc của hệ thống đường sắt cao tốc”.

Bài báo mở đầu bằng lời lẽ mỉa mai: “Viễn cảnh bị mất mặt (của Bắc Kinh) sẽ không còn xa nữa”. Những “tai họa” của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải đang trở thành đề tài phê phán khắp nơi ở Trung Quốc. Báo chí thì phẫn nộ, còn chính quyền chạy vạy để hạn chế tối đa thiệt hại.

Tuần rồi, xe lửa trên tuyến đường này nhiều lần bị hư hỏng. Trên các diễn đàn Internet và trên báo chí, đầy rẫy những lời kể của các nhân chứng về các vụ hư tàu hỏa. Hôm thứ sáu, Bộ Đường sắt đã phải hứa sẽ nhanh chóng giải quyết vụ việc. Người phát ngôn của bộ này cũng thừa nhận tuyến tàu cao tốc trên đã gặp một loạt các vấn đề và chính thức xin lỗi hành khách.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải mới được khánh thành long trọng ngày 30/6 vừa rồi với niềm kiêu hãnh đã vượt kế hoạch 1 năm, và nhất là mang giá trị biểu trưng cao vì diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó cũng được xem là đỉnh cao của một công nghệ mới vừa được nước này làm chủ, và là một “vũ khí” để bắt đầu con đường chinh phục thế giới.

Tuyến đường này nối liền hai thành phố lớn nhất Trung Quốc với chiều dài đến 1.300 cây số, thời gian mỗi chuyến chỉ có 5 giờ. Tổng kinh phí đầu tư là 23 tỷ euro. Thế nhưng, hồi tháng 3, phòng kiểm toán nhà nước Trung Quốc đã phát hiện có đến 20 triệu euro bị biển thủ bởi các cá nhân hoặc doanh nghiệp.

Le Monde điểm lại những dự án đường sắt “đồ sộ” tại đất nước này. Năm 2009, chính phủ đã thông báo có đến 42 tuyến đường sắt cao tốc được lên kế hoạch cho năm 2012 với mức đầu tư đến 210 tỷ euro. Nên nhớ rằng trong lĩnh vực này, Trung Quốc đã sở hữu một mạng lưới được xem là lớn nhất thế giới, với 8 000 km đường sắt. Nước này muốn mở rộng mạng lưới lên tận 25.000 cây số vào năm 2015, và đến 50.000 cây số vào năm 2020. Tháng 12/2010, Trung Quốc kiêu hãnh thông báo là đã phá kỷ lục thế giới với vận tốc vượt 486 km/h.

Nhiều người đã tỏ ra nghi ngại về hiệu quả kinh tế của một vài tuyến tàu cao tốc, họ cho rằng không có vị thế chiến lược bằng tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải. Đầu năm nay, nhà chức trách đã quyết định giảm bớt vận tốc vì mục đích kinh tế và cũng ví lí do đảm bảo an toàn cho hành khách.

Vào tháng 2 rồi, Bộ trưởng Đường sắt nước này bị cách chức vì tội tham nhũng. Vụ việc gây lo ngại về việc bị chậm tiến độ của các dự án đường sắt. Trong bối cảnh đó, các công ty hàng không chiếm ưu thế cho tuyến đường Bắc Kinh - Thượng Hải, bởi tính về vận tốc thì chắc chắn nhanh hơn, còn tính về giá thì cũng “tám lạng nửa cân”: giá vé tàu cao tốc có thể lên đến 190 euro, trong khi giá vé may bay hạng bình dân cho tuyến này chỉ có 140 euro. Các hãng hàng không lại bắt đầu giảm giá, có khi đến mức 65%.

Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục là mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc

“Cuộc tiếp kiến đức Đạt Lai Lạt Ma của tổng thống Mỹ Barack Obama có thể sẽ làm băng giá trở lại quan hệ Trung-Mỹ”, đó là nhận định của tờ Libération về sự kiện Tổng thống Mỹ tiếp vị lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng hôm thứ Bảy. Bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng “Đạt Lai Lạt Ma, nguồn gốc của mối bất hòa Washington-Bắc Kinh”.

Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Tổng thống Obama vẫn tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm thứ Bảy. Thế nhưng, hình như cũng nể Bắc Kinh, nên ông chủ Nhà Trắng không tiếp vị khách đặc biệt này ở Phòng Bầu dục như Tổng thống Bush đã làm hồi năm 2007. Buổi tiếp kiến chỉ được thông báo với báo chí trước một giờ. Chính quyền Hoa Kỳ cũng ít “quảng cáo” về việc này. Khi hội kiến, Tổng thống Obama đã tái khẳng định rằng, Mỹ không ủng hộ việc Tây Tạng độc lập, nhưng quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ nhân quyền đối với người Tây Tạng.

Liên quan đến phản ứng của Bắc Kinh, Libération cho biết, Trung Quốc đã tố cáo Mỹ cố tình làm phương hại đến quan hệ song phương đã được Bắc Kinh và Washington nỗ lực hàn gắn từ mấy tháng qua. Nhà chức trách Trung Quốc cũng triệu kiến đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao nước này cho rằng, hành động của Hoa Kỳ là “xen sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm phương hại đến quan hệ song phương giữa hai nước”.

Libération nhắc lại, hồi tháng 1/2010, sau buổi tiếp kiến lần đầu tiên đức Đạt Lai Lạt Ma của Tổng thống Obama, Trung Quốc cũng đã bày tỏ giận dữ. Quan hệ hai nước này rơi xuống mức thấp nhất với một loạt các hồ sơ khác, như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, rồi đến xì-căng-đan tình báo mạng của Trung Quốc.

Căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước chỉ bắt đầu được xoa dịu khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm chính thức Hoa Kỳ hồi tháng Giêng rồi. Thế nhưng, vụ việc hôm thứ Bảy có thể lại làm băng giá mối quan hệ này.

Tháng 7 tới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton theo lịch trình sẽ đến thăm Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Libération ví von: Nếu từ đây đến đó, chuyến viếng thăm này không bị hủy bỏ!

Nhật Bản tiếp tục chia rẽ về vấn đề hạt nhân

Thứ Tư rồi, Thủ tướng Nhật Naoto Kan tuyên bố muốn từ bỏ năng lượng hạt nhân. Nhật báo Libération hôm nay phản ánh tình hình tại Nhật 5 ngày sau tuyên bố này.

Libération cho biết, trong khi cuộc tranh luận giữa hai trường phái tiếp tục hay từ bỏ năng lượng hạt nhân đang diễn ra mạnh mẽ, thì Thủ tướng Kan tuyên bố ủng hộ việc dần đưa nước Nhật ra khỏi lĩnh vực hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh, sẽ từ chức khi Quốc hội thông qua luật năng lượng tái tạo.

Trước ngày xảy ra động đất 11/3, tại nước này, 30% lượng điện đến từ 54 nhà máy năng lượng hạt nhân trên toàn quốc. Hồi đầu năm nay, chính phủ còn muốn nâng con số 30% lên 50%. Hè này, các doanh nghiệp phải hạn chế mức tiêu thụ điện từ 5 đến 15%.

Thế nhưng, tai họa ồ ạt ập đến. Khu vực nhiễm xạ quanh khu vực nhà máy Fukushima ngày càng rộng. Người dân trong khuôn viên 25 km phải di tản đi nơi khác.Thủ tướng Kan đã phải xuống khu vực Fukushima lần thứ năm để thị sát tình hình, khi có tin đồn chính quyền sắp cho thu hẹp lại vùng di tản.

Thêm vào rắc rối đó, cả nước đang lo ngại thịt bò đến từ khu vực nhà máy hạt nhân bị nhiễm xạ. Theo Libération, có thể ngày mai chính phủ sẽ phải cấm thịt bò đến từ khu vực Fukushima.

Trong tuyên bố của Thủ tướng Kan, Libération đánh giá là ông này “hăng hái”, nhưng còn kém xa Thủ tướng Đức – bà Angela Merkel, bà đã tuyên bố Đức sẽ hoàn toàn từ bỏ hạt nhân vào năm 2020. Trong khi đó, ông Kan lại không đưa ra ngày tháng cụ thể, một sự lập lờ bị phe đối lập lên án.

Ý định của ông Kan là “giảm dần và tiến tới từ bỏ hoàn toàn hạt nhân để dùng năng lượng tái tạo”. Ý định này đương nhiên được sự ủng hộ của đại đa số người dân muốn từ bỏ hạt nhân, thế nhưng cũng làm dấy lên nhiều sự phản đối. Giới doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng phê phán sự “vắng mặt một chiến lược cụ thể”. Tờ báo cánh hữu Yominuri cho rằng, quyết định từ bỏ hạt nhân trong tình hình thiếu năng lượng như hiện nay là “vô trách nhiệm”, còn đối với tờ báo kinh tế Nihon Keizai thì đó thậm chí còn là “thiếu suy nghĩ”. Nhật báo Asahi phê phán ông Kan, nhưng cũng ủng hộ “một xã hội không hạt nhân trong vòng hai mươi hay ba mươi năm nữa”.

Như vậy, theo Libération, cuộc tranh luận hạt nhân tại Nhật Bản có vẻ chỉ mới bắt đầu.

Tinh thần đoàn kết của Châu Âu tiếp tục bị thử thách

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu, Les Echos có bài phân tích “Khủng hoảng nợ: tuần này, khu vực đồng euro bị thử thách niềm tin”.

Thứ năm này, lãnh đạo các nước khu vực đồng tiền chung Châu Âu lại nhóm họp với nhiệm vụ chính là thông qua kế hoạch mới để “cứu hộ” Hy Lạp, và củng cố niềm tin của thị trường đối với sức sống của đồng euro.

Theo Les Echos, mức chi 115 tỷ euro hỗ trợ là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Giải pháp thì cũng đã rõ ràng và đang được thực hiện. Chỉ còn khúc mắc cần tháo gỡ, đó là vấn đề liên quan đến vai trò của Quỹ dự phòng cứu cấp khu vực euro (FESF): Bên cạnh kế hoạch cứu hộ chung, có nên cho phép quỹ này cho Hy Lạp mượn thêm một số tiền lớn để nước này có thể mua lại một phần nợ của chính mình không? Hay là FESF có thể mua trực tiếp trái phiếu của Hy Lạp trên thị trường thứ cấp?

Bộ trưởng Tài chính Đức ủng hộ giải pháp thứ nhất còn Ủy ban Châu Âu thì nghiêng về giải pháp thứ nhì. Ủy ban này cũng muốn rằng, FESF thật sự trở thành một công cụ can thiệp toàn diện và thông thoáng để bảo vệ khu vực euro. Ủy ban Châu Âu cũng đề xuất một “kế hoạch Marshall” "Kế hoạch phục hưng Châu Âu" (European Recovery Program - ERP) bằng việc giải ngân khoảng 7,7 tỷ euro tiền hỗ trợ khu vực mà Athenes chỉ mới dùng có một phần.

Về phần mình, các ngân hàng tư nhân xem xét cách thức đổi trái phiếu mới đối với trái phiếu đến hạn vào năm 2014 của Hy Lạp mà không gây ra tâm trạng hoang mang.

Trong bối cảnh bộn bề đó, cuộc họp thượng đỉnh thứ năm này là một thử thách cho “quyết tâm hỗ trợ lẫn nhau của các nước Châu Âu”. Như Thủ tướng Ba Lan ông Donald Tusk từng khẳng định, khu vực đồng tiền chung euro gặp trở ngại về vấn đề tài chính ít hơn là sự khủng hoảng niềm tin.

Les Echos cũng cho biết, trong khi các nước đổ xô nhau tìm cách cứu Hy Lạp và đồng euro, thì chính phủ của bà Angela Merkel (Đức) vẫn có thái độ lưỡng lự chờ thời. Thái độ này ngày càng bị các nước chỉ trích.

Đài Loan: Làm việc nhiều sẽ bị phạt?

Cuối cùng, chúng ta đến với một thông tin thú vị liên quan đến Đài Loan được phản ảnh trên tờ Le Figaro qua bài viết “Tại Đài Loan, đã đến lúc làm việc ít hơn để tránh bị phạt”.

Theo một điều tra vừa được công bố, ¼ người lao động tại Đài Loan làm việc hơn 12 giờ/ngày, tức khoảng 60 giờ cho năm ngày làm việc trong tuần. Trước thực trạng đó, Bộ Lao động nước này sẽ tiến hành một chiến dịch qui mô để kiểm soát 7 lĩnh vực, trong đó có tài chính, tin học, du lịch và công nghiệp.

Theo luật, nếu nhà sử dụng lao động bị xem là phạm pháp khi định ra ngày lao động quá dài hay chấp nhận quá nhiều giờ làm việc thêm ca. Mức phạt dành cho các đối tượng vi phạm có thể lên đến 300.000 đô la Đài Loan (tương đương 7.335 euro). Họ sẽ có một tháng để sửa chữa sai lầm. Nếu không sữa chữa, sẽ bị liệt tên vào “danh sách đen” và có thể bị ngồi tù.

Theo Les Echos, ở nước này, hiện tượng làm thêm giờ là rất phổ biến, và tình trạng lạm dụng sức lao động cũng không phải hiếm.

Trang nhất các báo Pháp ngày 18/7/2011

Les Echos Le Monde dành ưu tiên cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu. Với hàng tựa “Các ngân hàng Châu Âu: chiến dịch tìm ra sự thật” trên trang nhất Les Echos, “Kiểm tra stress thành công đối với ngân hàng Châu Âu, nhưng vẫn chưa thành công đối với các nhà chính trị” trên Le Monde, hai tờ báo cho biết, kết quả kiểm tra khả năng đề kháng các ngân hàng được công bố hôm thứ sáu có vẻ khả quan, thế nhưng, “sự kiểm tra thật sự đối với đồng euro” sẽ lệ thuộc vào các nhà chính trị, mà trước mắt là tại cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Châu Âu vào thứ năm tới đây.

LiberationLe Figaro quan tâm đến tình hình nội bộ của Đảng Xã hội Pháp với cuộc chạy đua ngày càng gay gắt trong cuộc bầu chọn người đại diện ra tranh cử Tổng thống giữa hai nhân vật “ngôi sao” của đảng là bà Martine Aubry và ông François Hollande.

Nhật báo cộng sản L’Humanité dành ưu tiên cho phóng sự đặc biệt về tình hình xung đột tại Syria.

L.P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn