Cảm ơn nhân dân Liên Xô!

Hà Văn Thùy

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn

clip_image001  

Cách mạng tháng 10 từng là niềm hy vọng cho nhiều người ở miền Bắc Việt Nam

 

Gần 60 năm, nhưng buổi sáng mùa đông ấy vẫn ám ảnh tôi trong nỗi kinh hoàng. Tiếng đạn nổ xé trời, rồi lính Tây và bảo hoàng tràn vào làng. Những ngôi nhà rừng rực cháy. Lính xông vào từng nhà cướp phá, bắt gà, bắt lợn rồi lùa tất cả mọi người ra giữa sân đình. Lớn, bé, già, trẻ… trong đó có thằng bé sáu tuổi gầy còm là tôi ngồi xếp hàng trong nỗi lo sợ đến thắt ruột.

Người lính Tây mặc quần short nghênh ngang đi lại giữa những hàng người ngồi xếp lớp. Tiếng giày đinh nghiến sào sạo trên những mảnh ngói đình vừa bị đạn làm văng xuống. Dân làng tôi, với những chiếc nón mê che đầu, ai cũng muốn mình thu nhỏ lại để ra ngoài con mắt xoi mói của lũ giặc. Có lẽ vì thế mà bóng dáng thằng Tây càng trở nên cao vời, đầy áp đảo. Thỉnh thoảng nó lại cúi xuống lật mặt một người lên, kéo ra khỏi hàng để những tên lính khác dẫn đi, như người ta lôi từng con ếch ra khỏi giỏ…

Tôi bỗng ngộ ra sự thê thảm của con người yếu đuối trước sức mạnh man dại của cường quyền. Sau này nhiều phen đối mặt với bom đạn, máy bay nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc đến vạn lần hơn buổi sáng hôm đó. Tôi nhận ra, dù bị nhằm bắn, săn đuổi nhưng vẫn được tự do. Và tôi hiểu một cách sâu sắc, thế nào là cái giá của tự do!

Mấy năm sau, do chiến sự ác liệt, tôi được bố mẹ gửi về vùng tự do quê ngoại. Các cậu tôi hội họp, đào hầm bí mật, rào làng chống càn. Tôi được vui chơi trong Đội Thiếu niên và đi chợ Hồ xem triển lãm Liên Xô. Tôi vẫn nhớ câu ca thuộc từ ngày ấy:

Hôm qua đi chợ Đông Hồ,

Xem tranh triển lãm Liên Xô mà thèm.

Đàn bà cho chí trẻ em,

Nơi ăn chốn ở cõi tiên nào bằng…

Phải nói rằng, những năm ấy, Liên Xô không chỉ là mơ ước mà còn là cứu tinh của dân tộc Việt. Chính những ngày đó, lần đầu tiên tôi được nghe bài thơ Khóc ông của nhà thơ Tố Hữu. Sau này nhiều người phê phán bài thơ. Nhưng sống trong tâm trạng phấp phỏng của cuộc kháng chiến bấy giờ, tôi phần nào thông cảm với nhà thơ. Đó là tâm trạng lo lắng, hụt hẫng: sau cái chết của “người thầy cách mạng,” Việt Nam có bị bỏ rơi, bị mất đi chỗ dựa lưng duy nhất?

Sau này tôi biết đến Liên Xô nhiều hơn, từ xe tăng T54 đến cục xà phòng 72% đen thùi lùi. Tôi cũng biết hàng năm, vào tháng Chín, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị lại xách cặp sang Liên Xô xin viện trợ. Vào những ngày chống Mỹ, những máy bay MIG 21, những quả tên lửa SAM… một lần nữa lại là cứu tinh của chúng tôi.

clip_image002

Hoa tại quảng trường Lubyanka ở Moscow tưởng niệm nạn nhân bị giết hại thời Stalin cầm quyền

Ơn sâu nặng

Tôi mang ơn sâu nặng nền văn hóa Nga vĩ đại. Ngữ pháp Nga rất chặt chẽ giúp tôi viết chính xác tiếng Việt. Có lần, ông Chủ bút tờ tạp chí nơi tôi làm việc nói: “Văn anh ảnh hưởng phong cách phương Tây, đặc biệt là các nhà văn Nga”.

Theo cách nói Nga thì “Sông Volga dinh dưỡng bằng tuyết tan nơi đồi Valdai”. Trong ý nghĩa nào đó, nhà văn nơi tôi cũng được nuôi dưỡng bằng tâm hồn và trí tuệ của giới trí thức Nga. Những người tháng Chạp rồi Pasternak, Solzenitxưn, Sakharôp… cho tôi dũng khí đối mặt với cuờng quyền. Có lần, khi bị hai sĩ quan an ninh thẩm vấn, tôi đã nói với họ:

“Đây là những câu thơ của nhà thơ Nga Nhêcraxốp:

Đừng xúc phạm những thiên tài sáng tạo,

Kẻ nào bị nhà thơ giam hãm,

Chúa cũng thôi không cứu được bao giờ!

Tôi không nghĩ mình là thiên tài, nhưng là nhà văn, tôi có thể trả thù tới ba đời kẻ nào xúc phạm tôi. Các anh rồi sẽ là nhân vật của tôi. Mong rằng đó là những nhân vật tử tế!”

Puskin không chỉ dạy tôi “ca ngợi tự do trong thế kỷ bạo tàn” và “từ tâm với người chiến bại” mà trong những lúc cô đơn tới tận cùng, ông an ủi:

Ôi, hỡi nhà thơ hãy tuân lệnh Chúa

Đừng sợ bị xúc phạm, đừng đòi vòng hoa thắng lợi

Hãy lãnh đạm trước mọi lời vu khống, ngợi khen

Đừng phí lời với bọn ngu xuẩn!

clip_image004

Ký ức về Liên Xô để lại nhiều cảm xúc trái ngược

Chính những điều như thế nâng đỡ tâm hồn và nhân cách tôi.

Tôi biết rằng, dân Liên Xô còn nhiều khó khăn nhưng đã dành cho Việt Nam nguồn viện trợ quý giá. Tôi nhận ra số phận nghiệt ngã đã bắt người dân Xô viết chịu hy sinh lớn vì chính sách diệt chủng của Stalin và sự hy sinh cao cả cứu loài người trong Chiến tranh thế giới II.

Tất yếu

Rồi lúc nào đó, tôi nhận ra biến cố ngày 7 tháng 11 năm 1917 không hề mang tính cách mạng mà về bản chất, chỉ là cuộc biến loạn vĩ đại mà Lênin là kẻ khởi loạn vĩ đại. Chính điều này đặt nhân dân Liên Xô dưới áp chế của sự toàn trị tàn bạo. Sự diệt vong cùa nó là tất yếu!

Việc Liên Xô sụp đổ đem tới cho tôi hai niềm vui và một nỗi buồn. Cái nôi của chế độ toàn trị tan rã, nhiều dân tộc Đông Âu và Liên Xô cũ thoát khỏi đế chế đôc tài, giành lại quyền tự chủ. Nỗi buồn là dân tộc Việt Nam mất đi một người bạn lớn.

Công bằng mà nói, nhìn xuyên suốt lịch sử, Liên Xô là người bạn thủy chung, vô tư của Việt Nam. Tôi chưa thấy nói đến việc người Liên Xô lấy cái gì từ đất nước tôi mà chỉ nhận thấy một sự giúp đỡ vô tư bằng vật chất, bằng đào tạo cho Việt Nam hàng vạn nhà khoa học.

Sự vô tư, thủy chung còn thể hiện ở lời khuyên quý giá của các chuyên gia Liên Xô trong khối SEV: “Không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên”.

Đã một thời chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng cao cả của hàng trăm triệu người. Thực tế lịch sử đã phơi ra nhiều điều trần trụi của mặt trái tấm huy chương. Nhưng những gì tốt đẹp mà chủ nghĩa cộng sản còn để lại là ước mơ về một thế giới công bằng, là sự giúp đỡ vô tư của nhân dân Liên Xô với đất nước tôi.

Mọi thứ sẽ qua đi, chỉ văn hóa còn lại. Với nền văn hóa vĩ đại, tôi tin nước Nga sẽ hồi sinh. Một lần nữa xin cảm ơn những người dân của đất nước Liên Xô cũ, dù bây giờ các bạn ở đâu. Cầu chúc các bạn hạnh phúc!

H.V.T.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn