Tiến hành công việc không đồng bộ và bỏ sót đối tượng – có phải chăng là cách “Nói vậy, làm vậy mà không phải vậy”?

Hoàng Dzung

Tùy theo trường hợp cụ thể mà người ta gọi những việc làm đó là “đánh tráo nội hàm” của sự việc, dẫn đến làm thay đổi bản chất sự việc, biến sự việc này thành sự việc khác, biến kết quả này thành kết quả khác, hay sẽ gọi đó là “lấy phương tiện (cách làm) thay cho cứu cánh (mục đích)”, hoặc sẽ gọi đó là “lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Nếu là một điệp viên mà lung lạc được một nguyên thủ quốc gia để nguyên thủ này “lấy phương tiện thay cho cứu cánh” trong việc thực hiện quốc sách của quốc gia đó, hay “đánh tráo nội hàm” để huyễn hoặc nguyên thủ đó trong việc đề ra quốc sách thì điệp viên đó còn nguy hiểm và đắc dụng hơn cả hàng chục, hàng trăm đạo quân ngoài mặt trận, bởi điệp viên đó đã làm được những việc mà hàng chục và hàng trăm đạo quân ngoài mặt trận chưa chắc đã làm được.

Ai cũng biết tham nhũng là “quốc nạn”, phòng và chống tham nhũng là “quốc sách”. Phòng và chống tham nhũng phải bắt đầu từ nguồn gốc đẻ ra tham nhũng, những điều kiện và cơ hội để tham nhũng phát sinh lẫn những kẻ tham nhũng (biểu hiện cụ thể của tham nhũng). Đằng này bấy lâu nay người ta chống tham nhũng bằng cách chỉ trị tội những kẻ tham nhũng đã bị lộ thuộc loại tham nhũng “tép riu”, còn tham nhũng “gộc” thì chưa hề (bạn đọc nào có thấy xin chỉ giùm!), cũng như những vấn đề thuộc “lỗi hệ thống” như cấu trúc bộ máy, tổ chức nhân sự và cơ chế vận hành bộ máy thì cấm thấy đụng đến (bạn nào có thấy xin chỉ giùm!).

Có phải chăng bằng cách tiến hành không đồng bộ và bỏ sót đối tượng một cách vô tình hay hữu ý người ta đã vô hiệu hóa công cuộc “phòng và chống tham nhũng” bấy lâu nay?

Theo quy định của luật công chức thì mọi CBNV Nhà nước đều phải kê khai tài sản. Nhưng kê khai xong thì không có một tổ chức chuyên môn nào đứng ra thẩm định tính trung thực của tờ khai đó và đặc biệt là nội dung khai báo lại không được công khai hóa trước toàn thể cử tri (tuyệt đối không phải là đại diện của cử tri). Khoáng đại cử tri là người có đủ quyền hạn và tư cách hơn ai hết để giám sát những đại diện của dân đã được họ bầu nên và được nuôi bằng tiền đóng thuế của chính họ. Việc làm nửa chừng này trong việc kê khai tài sản đã gây phản cảm và nghi ngờ trong dân chúng. Cử tri có quyền nghi ngờ:

Có phải chăng việc kê khai tài sản công chức chỉ để cung cấp thông tin cho những phần tử xấu lợi dụng để biết cái giá chính xác có thể “móc túi” những ai muốn mua quyền lực?

Đề nghị Chính phủ cho thực hiện nốt phần công khai hóa tờ khai tài sản của CBVCNN – phần tất yếu phải có của qui trình kê khai – để chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước không bị khiếm khuyết và bị các phần tử xấu lạm dụng

Nhân tiện đây cũng xin có câu hỏi, dù có đôi chút lạc đề: Thay đổi đối tượng bị tác động khi tiến hành công việc là để che đậy ý đồ gì ở bên trong?

Thành lập Vinashin, xét duyệt trực tiếp các hoạt động của Vinashin là thuộc cấp có thẩm quyền, nhưng khi tập đoàn này đổ đốn thì hậu quả về món lỗ khổng lồ này (món lỗ có thể làm sụp đổ cả một nền kinh tế quốc dân) một mặt đã được chia sẻ cho những người “vô can” là những tập đoàn kinh tế khác phải gánh chịu, mặt khác những kẻ thừa hành trực tiếp thì bị khởi tố.

Việc làm này cũng dễ gây nên những ý nghĩ nhiều chiều, bất lợi cho Chính phủ. Tốt nhất là Chính phủ nên có cách hành xử khác đi để giữ lấy chính danh và uy tín của mình.

H.DZ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn