Nhân chuyện luật biểu tình, luật nhà văn

Nguyên Lê

clip_image002

Phản đối ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước (trái), rằng “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình”, đại biểu Dương Trung Quốc (phải) nói: “Tôi không tán thành các đại biểu quốc hội cứ nhân danh nhân dân”. Ảnh: SGTT

 
SGTT.VN - Phản đối ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước, rằng “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình”, đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Tôi không tán thành các đại biểu quốc hội cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối”.

Theo Hiến pháp thì “Đại biểu quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Vậy sao ông Quốc nói ông Phước hãy nhân danh “cá nhân”? Với cách nói “trừ khi”, thì ông Quốc đã tự “giải thích”. Đại biểu quốc hội do nhân dân ở đơn vị bầu cử nào đó bầu ra, hẳn đã có một mức độ “uỷ nhiệm” tương đối, nhưng với phần nhiều cử tri, sự uỷ nhiệm đó là trên cơ sở những thông tin ít ỏi từ tiểu sử hay trong các lần vận động bầu cử, mà chủ yếu mang tính chất lời hứa. Từ chuyện về luật biểu tình, cho thấy sự uỷ nhiệm cụ thể khó có cơ chế thực hiện một cách đầy đủ vì chủ yếu chỉ qua những buổi tiếp xúc cử tri, vốn cũng ít ỏi. Chuyện “điều tra định lượng” càng khó hơn vì đại biểu không có bộ máy, tiền bạc và nhiều khi là cả… luật lệ lẫn phương pháp. Cho đến nay, trưng cầu dân ý ở cấp độ cao nhất cần một bộ luật, thì theo đề xuất của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nó vẫn chưa được nằm trong chương trình làm luật chính thức của Quốc hội khoá này.

Nhưng nếu vì vậy mà đại biểu chỉ “nhân danh cá nhân mình thôi” thì làm sao kiểm soát được những xung đột lợi ích hay những cá nhân không sáng suốt chỉ đơn thuần vì… trình độ? Trước kế hoạch đến năm 2020 mở rộng gấp ba lần diện tích khu công nghiệp hiện có, nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại lãng phí, thì một đại biểu khác nhiệt tình ủng hộ. Đại biểu này nói “theo quy luật, cứ năm năm GDP của ta tăng gấp đôi”. Từ lập luận này và thực tế do ông đưa ra, rằng “đất khu công nghiệp tập trung hiện đem lại 25% GDP”, ông khẳng định để công nghiệp giữ được tỷ trọng đóng góp này thì phải tăng đất cho khu công nghiệp đến mức như vậy. Đại biểu này là một doanh nhân có đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Minh Hồng với đề xuất xây dựng luật nhà văn cũng phát biểu “tôi cũng không biết vì sao cần có luật nhà văn…, tôi chưa nghĩ ra” là một tình huống khác trong mối liên quan. Ông Hồng giải thích “tôi chỉ muốn bảo vệ quyền lợi của các nhà văn, vì tôi cũng là nhà văn” và nêu rõ quan điểm “nếu phải lựa chọn giữa luật biểu tình và luật nhà văn thì tôi vẫn chọn luật nhà văn”. Trong nội bộ hội Nhà văn thôi, chuyện ông có tư cách đại diện cho các nhà văn hay không hay chuyện mong muốn ra đời một luật như vậy của ông chủ tịch hội này có đại diện cho mong muốn của hội viên hay không vẫn còn chưa ngã ngũ. Không kể, nhiều người viết văn không gia nhập hội này. Nhưng cho dù tư cách đại diện cho giới viết văn cả trong và ngoài hội được xác lập thì lý do “vì tôi là nhà văn” mà ông đưa ra để giải thích cho lựa chọn của mình tại diễn đàn Quốc hội cũng đã phủ nhận cam kết “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” của một đại biểu Quốc hội.

Lý do “vì tôi là nhà văn” mà ông Hồng đưa ra để giải thích cho lựa chọn xây dựng luật nhà văn thay vì luật biểu tình đã phủ nhận cam kết “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” của một đại biểu Quốc hội.

Chưa bàn luật biểu tình xung đột gì với luật nhà văn, cái nào cần hơn cái nào, sự tự “phân tuyến” của ông Hồng cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để đại biểu có thể tròn vai “đại diện” hiến định. Quá trình này gắn liền với lộ trình xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp. Ở đó, vấn đề không chỉ là chuyện đạo đức, trình độ, điều kiện làm việc mà đại biểu, ngay từ khâu ứng cử, bầu cử, đã phải gắn kết với cử tri rồi trong suốt nhiệm kỳ hoạt động, phải nhân danh nguyện vọng của họ, chịu sự giám sát. Sự công khai, minh bạch hoạt động nghị trường thời gian qua là bước đi tích cực để cử tri nhận diện người đại diện của mình. Nhờ đó, mới thấy đại biểu Hoàng Hữu Phước “nhân danh cá nhân mình” như thế nào trước Quốc hội. Ông khẳng định “đa số công dân sẽ không ủng hộ luật biểu tình” rồi mới chứng minh bằng cách “thề” rằng nếu có một cuộc trưng cầu dân ý về chuyện này, ông sẽ tự bỏ tiền túi đi khắp đất nước để “làm công tác tư tưởng, thuyết phục người dân về an nguy của tổ quốc thế nào, nếu có biểu tình xảy ra”. Không để người dân lên tiếng và mình nghe rồi truyền tải tiếng nói ấy lên Quốc hội, ông đi làm cái việc ngược quy trình là “thuyết phục” họ, có lẽ vì theo nhận thức chủ quan của ông, là... “dân trí thấp”.

Bài toán xung đột lợi ích không thể bị động trông chờ vào lời giải đạo đức dân biểu. Cơ cấu đại biểu cần phản ánh đa dạng hơn nữa, để những giai tầng, tiếng nói, lợi ích khác nhau trong xã hội có cơ hội xuất hiện, để trên cơ sở bức tranh nhiều màu sắc đó, lợi ích của đa số người dân được lựa chọn. Ở góc độ này, một luật về hội hay luật về lập hội sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời những mảnh ghép của bức tranh.

N. L.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn