Cuối năm nhìn những chuyến xe qua

(Gởi nhà trí thức bị ruồng bỏ Hoàng Ngọc Diêu)

Nguyễn Thị Thanh Bình

Tôi quen Nguyễn Thị Thanh Bình từ năm 2001 lúc được mời qua Mỹ nghiên cứu văn hoá cổ truyền trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt di tản. Gặp chị tại nhà anh Trương Vũ ở Washington DC trong cuộc họp mặt thân tình giữa anh Hoàng Ngọc Hiến và tôi với nhiều người khác, chị cũng giống như tất cả những anh chị em mà chúng tôi gặp tại đấy, rất cởi mở và thẳng thắn, hỏi những câu đi thẳng vào những vấn đề hóc búa khiến chúng tôi rất khó giải đáp sao cho thoả mãn, nhưng chính người hỏi cũng đã biết cái khó của người được hỏi nên sẵn sàng cười xoà thông cảm khi tôi hay anh Hiến lúng túng, và thế là không cần nói thêm gì nữa một quan hệ “tri âm không lời”ngay lập tức đã được hình thành. Nhưng ấn tượng về chị trở nên sâu đậm hơn nhiều khi chiều muộn hôm sau, đang cùng anh Trương Vũ dạo chơi trên đồi Capitol chúng tôi bỗng nhận được điện thoại của chị báo tin, từ sở làm, chị đã đi thẳng về nhà chuẩn bị một nồi bún cá đặc biệt cho chúng tôi và đang mang nồi bún ấy vượt chặng đường 150 cây số đưa đến nhà anh Trương Vũ để chúng tôi thưởng thức hương vị quê nhà ở tại xứ người. Nghe điện, không ai nói với ai câu gì nhưng chúng tôi đều lặng người đi trước một mối nhiệt tình vượt quá sức tưởng tượng, nhất là cả tôi và anh Hiến vừa từ Việt Nam sang, quen như ở nhà nên chưa thể hình dung việc tặng nhau một món thức ăn vừa nấu xong lại có thể đi một đoạn đường dài bằng từ Hà Nội vào Thanh Hoá đưa đến cho kịp bữa ăn... Tối hôm ấy chúng tôi lại có một cuộc họp mặt nhỏ mà ấm cúng trong gia đình anh Trương Vũ có thêm vài người khách quen, cố nhiên để thưởng thức món bún cá của chị Thanh Bình đang bốc khói. Vừa ăn, anh Hiến vừa nói với tôi: “Huệ Chi có được một tư liệu quý cho chuyên khảo của mình rồi nhé. Văn hoá cổ truyền dân tộc được lưu giữ trong nồi bún cá tuyệt vời này chứ ở đâu nữa”.

Mới đó mà đã 12 năm. Mấy hôm nay, nhận được bài thơ chị gửi cho đọc, bỗng nhớ lại tất cả, lòng không khỏi bồi hồi thao thức. Năm 2001 chúng tôi đã rất lạc quan, hy vọng nhiều trí thức, nhà thơ nhà văn đang cư ngụ ở nhiều xứ sở trên khắp năm châu sẽ trở về Việt Nam không chóng thì chầy, trong vòng tay của bạn bè trong nước, trong đó có hai chúng tôi. Nhưng rồi trở lại nước nhà ba năm, dăm năm, bảy năm... hy vọng cứ nguội dần. Ngay chính mình đôi khi cũng có cảm tưởng mình đang là một Từ Thức ở giữa quê hương ngày một đổi thay đến không nhận ra nó nữa, nói gì đến người ở xa mong quay về tìm lại những phong tục tập quán, lối sống chất phác vị tha của cả một thời xưa cũ. Năm ngoái anh Hiến đã ra đi mà không đạt được ước nguyện. Hôm kia đây tôi lại tiễn anh Nguyễn Vinh Phúc, nhà Hà Nội học với câu hỏi: không biết anh bỏ Hà Nội mà đi có phải vì cảm thấy không còn việc gì để làm nữa hay không?

Và một nỗi buồn thắt nghẹt trong đáy tim tôi: biết bao giờ dân tộc chúng ta lại có được cái hạnh phúc tạo nên một nếp sống an bình cha truyền con nối, một sự thảnh thơi trong tâm hồn, cứ thế không phải lo lắng gì cả, không phải ngày ngày nhận hàng trăm hàng nghìn tin tức phi lý từ khắp mọi nơi về sự thoái hoá phẩm chất đến rợn người của con người Việt Nam, về những việc làm bất lương trắng trợn nhưng lại nhân danh này khác khiến không ai dám nói gì, còn đất nước thì cứ tuột dần đi cái hình ảnh tôn nghiêm của nó, hay nói như ai đấy, như một cỗ xe không biết cài số lùi và cứ thế... lao đến bờ vực nào chẳng một ai lường trước? Và biết đến bao giờ vết thương chia cắt Bắc Nam 1954 của dân tộc ta mới thật sự lành, sự kiện 1975 làm cho “một triệu người vui và một triệu người buồn” không còn ám ảnh, để cho người ra đi trở về trong tự do thoải mái, như những đứa con trở về trong lòng MẸ, để được sống như câu hát đầy lãng mạn: “Về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao...”? Hình như có những kẻ không hề mong ngày ấy, hoặc chỉ mong kéo dài ngày ấy được đến bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Thư giãn Chủ nhật tuần này, xin mời bạn đọc thưởng thức bài thơ Cuối năm nhìn những chuyến xe qua của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, sáng tác nhân đọc bài phỏng vấn của Phạm Thị Hoài với ông Hoàng Ngọc Diêu, người vừa được mời ra khỏi cửa khẩu hải quan Việt Nam cách đây một thời gian chưa lâu, nối tiếp vào bảng tên những Nguyễn Hưng Quốc, Thuỵ Khuê và vô khối người khác mà lý do ít ai hiểu tận ngọn nguồn.

Nguyễn Huệ Chi

Chuyến xe metro cuối cùng

về trạm hay chưa

cuối năm rồi

cuộc đời thêm trống trải

tôi vẫn làm người di dân

mong ngóng mãi

chuyến xe nào mang tôi về quê hương

 

sao lâu quá chuyến xe

không về bến

tôi muốn khóc khi làm người đứng đợi

tuyết miền đông trời bỗng thả

giao thừa

đưa tay hứng

mấy mươi năm trời bạt xứ

 

tôi nào biết chuyến xe

không hồi khứ

người tài xế da màu nhìn tôi không do dự:

“chuyến xe này không bán vé khứ hồi”

người lưu vong

sao mua vé một chiều (?)

 

ngày tháng chết chuyến xe đời

mệt mỏi

dẫu thế nào tôi cũng xin làm người

đứng đợi

hơn nửa đời

kiệt lực với hụt hơi

đêm 30 không đen

mà khoảng tối trắng mờ

 

bên kia đường gã homeless đưa tay vào mồm

phù phù khoảng trống

điệu sáo miệng nghe rầu rầu

kiếp Bô-hê-miêng

tôi cũng đâu còn sinh khí

để thổi vào những chuyến đi

người công dân hạng hai

chỉ muốn biết ơn những con người lương thiện

 

ai không biết

chuyến xe cuối rồi tạt ngang qua đây

chúng ta chẳng còn thêm cả nửa phút giây

hòng nói lời tiễn biệt chia tay

yêu hay hận

thì cũng lên xe thôi

nổi lửa cho rồi

chờ ấm một chuyến về.

N.T.T.B.

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn