Kiêu binh trong thời đại Hồ Chí Minh

Lê Anh Hùng

Những vụ bê bối gần đây liên quan đến lực lượng công an, chẳng hạn như vụ việc Đại tá Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân lính bắn xối xả vào nhà ông Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày 5/1/2012 để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật rồi sau đấy lại tự vỗ ngực huênh hoang rằng đó là “trận đánh đẹp”; vụ Trung tá Nguyễn Văn Ninh (Hoàng Mai, Hà Nội) đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ ngày 28/2/2011 khiến ông tử vong nhưng chỉ bị Toà án Hà Nội tuyên xử 4 năm tù giam; vụ anh Nguyễn Công Nhựt chết tại đồn công an huyện Bến Cát (Bình Dương) với nhiều thương tích trên người song phía công an lại thông báo là anh Nhựt “tự nguyện ở lại đồn công an trong 4 ngày từ 21-25/4/2011 rồi tự tử vì ân hận”, còn viên cảnh sát được giao điều tra vụ việc khi anh Nhựt đang bị tạm giữ thì trắng trợn gạ tình vợ đương sự; hay hiện tượng tiêu cực ngày càng ngang nhiên và lộ liễu trong lực lượng CSGT suốt bao năm qua, v.v. khiến người ta phải đặt câu hỏi là phải chăng lực lượng công an ngày nay đã trở thành một thứ kiêu binh và những vụ việc nêu trên là những dấu hiệu bề ngoài của loạn kiêu binh? Xem ra “thanh kiếm của Đảng” đã bắt đầu vung lên loạn xạ, mà lại nhằm vào đầu dân lành.

Trước hết, chúng ta hãy điểm qua loạn kiêu binh đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí:  “…Vì hai xứ Thanh - Nghệ là nơi căn bản, binh hai xứ ấy đã cùng chịu gian lao nên được coi thân như nanh vuốt, đối đãi như ruột thịt… Nhưng quân lính cậy công mà coi thường pháp luật, được nuôi lâu ngày mà sinh ra thói kiêu, từ khoảng giữa thời trung hưng về sau, quân lính thành ra khó kiềm chế: nào giết quan chấp chính để cho hả giận…, nào phá nhà quan tướng quốc để cướp của…, kiêu lộng quen thói đã lâu, không ngăn cấm được. Đến cuối đời Cảnh Hưng, [sau khi] giúp Đoan Vương [Trịnh Khải] lên làm chúa, [kiêu binh] lại càng cậy công, coi thường phép nước, không còn có kỷ luật gì nữa; hễ trừng mắt là các quan khiếp sợ…, thét lên một tiếng là trong cung khóc van…, đến nỗi thể thống trong triều ngày một lụn bại, kẻ địch bên ngoài ngày một mạnh lên, cho nên khi quân miền Nam [Tây Sơn] kéo ra thì kinh thành không giữ được nữa.” [1]

Dấu hiệu dễ thấy về sự ưu ái ngày càng tăng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho lực lượng CAND là hiện tượng thăng quân hàm tràn lan vượt khung quy định của pháp luật. Chẳng hạn, mặc dù theo Điều 1 của Nghị định 42/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng CAND thì trần quân hàm của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng, vụ trưởng là Thượng tá, Đại tá (mục e, khoản 1), nếu địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự thì cấp bậc hàm cao nhất có thể cao hơn một bậc so với cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ tương ứng (khoản 2), song hiện nay Giám đốc Công an của một loạt tỉnh thành (không kể Hà Nội và TP HCM) đã được phong cấp tướng: Đồng Nai, Phú Yên, Bình Dương, Cà Mau, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Bạc Liêu, Trà Vinh, Điện Biên, Ninh Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế, Quãng Ngãi, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Bến Tre, Tuyên Quang… Nghĩa là, bây giờ thì bất cứ tỉnh thành nào cũng có thể được coi là “địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự” như quy định của Nghị định 42/2007/NĐ-CP. Và ở tỉnh thành nào mà Giám đốc Công an tỉnh là cấp tướng thì bất kỳ một phó phòng nào cũng có thể được gắn lon Đại tá. “Loạn đại tá” xem ra đã là một thực tế ở nhiều tỉnh thành hiện nay. Tình trạng ở các cục, vụ trực thuộc Bộ Công an cũng vậy, lãnh đạo của đa số các cục vụ đều mang quân hàm thiếu tướng, còn số trưởng phó phòng mang cấp hàm Đại tá thì nhiều không đếm xuể. Mặc dù số lượng Thiếu tướng, Đại tá ở Bộ Công an và khắp các tỉnh thành đông đảo như thế nhưng tình hình tội phạm trên cả nước đang diễn biến theo chiều hướng nào thì hẳn ai cũng có thể trả lời được.

Đội ngũ tướng lĩnh công an ngày càng hùng hậu. Đầu tháng 8/2011, Bộ Chính trị đã điều chuyển hai Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, sang làm Bí thư tỉnh uỷ (Ninh Bình, Quảng Ninh); và ngày 18/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ còn ký quyết định điều chuyển Trung tướng Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II sang làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Trước đó, ngày 21/6/2011, Thiếu tướng Lê Văn Thi, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh. Điều này thể hiện sự “quan tâm sâu sắc” của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho lực lượng công an.

Vì sao lực lượng Công an Nhân dân, từng được nhân dân hết lòng tin yêu và che chở, lại ngày càng gây ra nhiều vụ tai tiếng trong xã hội trước sự dung túng, bao che của lãnh đạo các cấp đến như vậy?

Theo khoản 1, Điều 5 của Luật Công an Nhân dân hiện hành thì “Công an Nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Như vậy, trên thực tế lực lượng Công an chịu sự chi phối của thường vụ cấp uỷ các cấp, cao nhất là Bộ Chính trị ở Trung ương. Chế độ chính trị ở Việt Nam vận hành dựa trên những tín điều ảo tưởng, mà một trong số đó là niềm tin vô điều kiện vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, lãnh đạo Đảng các cấp luôn có xu hướng che giấu và bưng bít mọi chuyện xấu xa trong đội ngũ lãnh đạo, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị cho đến cấp thấp nhất là Thường vụ Đảng uỷ xã phường, để bảo vệ hình ảnh “trong sạch, vững mạnh, chí công vô tư, vì dân vì nước, sáng suốt tài tình, và bất khả sai lầm” của mình. Những vụ việc trong nội bộ cấp uỷ bị phanh phui thì thường hoặc là do sự thể quá trắng trợn, hoặc là do sự đấu đá trong nội bộ. Ngay cả trong những trường hợp như thế, người ta cũng chỉ muốn “xử lý nội bộ” mà thôi, bằng cách sử dụng Ban Kiểm tra Đảng uỷ các cấp, và hãn hữu lắm Ban Kiểm tra Đảng uỷ, sau khi được Thường vụ cấp uỷ nhất trí, mới chuyển hồ sơ sang cho công an điều tra.

Như vậy, trên thực tế lực lượng công an bị chi phối và bị trói chân trói tay trong công cuộc chống tham nhũng, thứ tội phạm nguy hiểm nhất, gây ra nhiều hệ luỵ nhất cho xã hội và có nguồn gốc từ quyền lực. (Việc Thành uỷ Cần Thơ, đứng đầu là Bí thư Thành uỷ Trương Tấn Quyên, chỉ đạo án vụ Nông trường Sông Hậu và việc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiến hành “kiểm tra Đảng” tập đoàn Vinashin rồi chuyển hồ sơ sang cho Bộ Công an điều tra là những ví dụ điển hình.) Để buộc họ phải ngoan ngoãn và nhắm mắt làm ngơ trước nạn tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo thì dĩ nhiên lãnh đạo các cấp phải o bế ngành công an, đồng thời dung túng và bao che cho họ khi họ vi phạm pháp luật.

Vụ việc đang gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho chúng ta thấy rõ những chiến sĩ công an như ông Đỗ Hữu Ca đã bị tha hoá trong một môi trường như thế nào. Vụ cưỡng chế đất đai của anh Đoàn Văn Vươn không chỉ liên quan đến chính quyền huyện Tiên Lãng mà còn liên quan đến cả lãnh đạo Thành phố Hải Phòng, và hơn thế, nó còn bắt nguồn từ sự tha hoá của lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ:

(i)       Trong vụ tham nhũng đất đai tại Quán Nam năm 2003, ông Vũ Chí Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng và ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Bí thư Thành ủy, đã hào phóng quá mức khi bút phê vô tội vạ vào các công văn, giấy tờ xin đất của cá nhân, tập thể; ông Nguyễn Văn Thuận thậm chí còn bút phê cấp đất cho em gái mình. Những bút phê này góp phần phá nát dự án xây dựng khu biệt thự, nhà vườn tại Quán Nam.[2] Đây chính là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” mà thực chất là tham nhũng. Tuy nhiên sau đấy, ông Nguyễn Văn Thuận vẫn được bầu làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng rồi trở thành Uỷ viên BCHTW Đảng; khi vụ việc bị phanh phui trên mặt báo năm 2007, ông Nguyễn Văn Thuận vẫn không hề bị bất kỳ một hình thức kỷ luật nào, dù là nhẹ nhàng nhất, chứ chưa nói gì đến chuyện bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

(ii)     Trong vụ tham nhũng đất đai tại Đồ Sơn, Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thành phố, đã gửi hai công văn (số 5775/UBND-NC của UBND TP Hải Phòng ngày 21-10-2005 và 1819/UBND-ĐC ngày 9/3/2006) cho Viện KSND Tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để “giải cứu” cho cấp dưới sai phạm.[3] Sau đó, ông Nguyễn Văn Thành vẫn lần lượt giữ chức Chủ tịch UBND Tp rồi Bí thư Thành uỷ Hải Phòng trước khi trở thành Uỷ viên TW Đảng. Ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư Thành uỷ lúc bấy giờ, thậm chí còn can thiệp sâu vào công việc xét xử vụ án: “Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử phạt các bị cáo dưới mức khung hình phạt qui định tại khoản 1, điều 281 Bộ luật hình sự”; “Vụ lòng hồ Trị An to như thế còn chẳng đi đến đâu nữa là vụ này...”, v.v.;[4]

(iii)   Theo báo Công an Tp HCM: Ngày 2-11-2006, UBND TP. Hải Phòng đã có công văn 121/BC-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành (nay là Bí thư Thành uỷ) ký nhằm báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của Công ty TNHH Tân Thành Hưng lên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu và Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vị Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đã bao che cho những sai phạm của thuộc cấp, báo cáo lên cơ quan quyền lực cao nhất đất nước những điều dối trá, không đúng sự thật, về việc đền bù 70ha đất mặt nước tại khu vực Đầm Sép, xã Đồng Bài, huyện Cát Hải;[5]

(iv)    Ngày 17/8/2011, UBND Thành phố Hải Phòng có Công văn số 4778/UBND-ĐC đồng ý về chủ trương thu hồi đất do UBND huyện Tiên Lãng đề xuất; [6]

(v)      Mặc dù ngày 10/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về vụ việc ở Tiên Lãng, nhưng ngày 18/2 vừa qua, trong buổi gặp mặt và nói chuyện thời sự với 500 cán bộ trung, cao cấp Hải Phòng đã nghỉ hưu thuộc Câu lạc bộ Bạch Đằng, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Nguyễn Văn Thành vẫn phát biểu: “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có bậc lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch, trốn nợ thuế, không có tí công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn; đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất” (!!!).

Rõ ràng, khi một người lãnh đạo tha hoá, tham nhũng, ông ta không thể nào thuyết phục cấp dưới bằng “tấm gương” của mình được. Một khi mà hầu như quan chức nào cũng dính líu tới tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nặng nhẹ, họ rất dễ bị phía công an nắm được “thóp”; vì thế, khi không thể đưa các quan chức lãnh đạo ra toà như đã nói ở trên thì đó lại là thứ “bảo bối” hữu hiệu tạo điều kiện cho “thanh kiếm của Đảng” vung lên loạn xạ. (Nên nhớ, ông Đỗ Hữu Ca từng phụ trách điều tra vụ án tham nhũng đất đai ở Quán Nam, Hải Phòng năm 2007, thời điểm ông ta còn là Phó GĐ CA Thành phố, mà – dĩ nhiên – nếu không có sự vào cuộc của báo chí và sự lên tiếng của công luận thì sẽ chẳng có một vụ án nào ở đây cả.)

Bất lực trước nạn tham nhũng của các quan chức lớn bé, sự thối nát của cả một hệ thống, lực lượng công an còn đào đâu ra nhiệt huyết để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình là trấn áp tội phạm, bảo vệ pháp luật, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến lượt, họ cũng tìm mọi cách để kiếm tiền từ thứ quyền lực ít bị giám sát của mình: bảo kê cho các đường dây buôn lậu, cho hoạt động buôn bán hàng quốc cấm, cho hoạt động mại dâm, thậm chí cho cả hoạt động mua bán ma tuý, hay làm sai lệch hồ sơ các vụ án, v.v. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, khi đứng đằng sau các hoạt động phi pháp như như vậy, họ rất dễ dính dáng đến các thế lực xã hội đen, mà vụ án Năm Cam đầu những năm 2000 là một ví dụ điển hình và dường như vẫn còn nguyên tính thời sự.[7] Cuối cùng, chính cơ chế này đã nhào nặn họ từ những con người vốn mang lý tưởng cao đẹp khi bước chân vào ngành thành những Đỗ Hữu Ca ngày nay; những lời lẽ thốt ra từ chính miệng ông ta về vụ cưỡng chế đất đai của anh Đoàn Văn Vươn không chỉ khiến người ta phải căm phẫn mà còn khiến người ta phải cảm thấy xót xa nữa. Bần cùng sinh đạo tặc, bất công sinh đạo tặc, pháp luật lỏng lẻo sinh đạo tặc. Thực trạng tội phạm XHĐ lộng hành ở Hải Phòng bao năm qua rõ ràng bắt nguồn từ chính hệ thống chính trị thối nát, ruỗng mục ở đây.

Trong cuộc trả lời chất vấn và kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày 15/12/2011, trước những bức xúc của cử tri về tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng nhức nhối và công khai, Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi –  Giám đốc Công an Tiền Giang – đã nói: “Một mình công an thì làm sao xuể. Công an lấy đâu ra người để canh bắt từng người vi phạm pháp luật!”[8] Đây có lẽ là câu trả lời bộc phát của tuyệt đại đa số lãnh đạo ngành công an hiện nay, dù chắc không ít người trong số họ cũng hiểu được căn nguyên của thực trạng đó.

÷

Không chỉ trong lực lượng công an mà nạn “kiêu binh” còn diễn ra cả trong quân đội, bởi đây là lực lượng trụ cột để bảo vệ chế độ. Số tướng lĩnh quân đội trong BCHTW Đảng tăng dần qua các khoá gần đây, trong đó khoá XI (2011-2016) tới 19 người, chiếm 11%. Ngoài ra, tương tự như với lực lượng công an, dấu hiệu dễ nhận thấy về sự “quan tâm” của Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho quân đội là hiện tượng lạm phát cấp tướng hiện nay. Theo khoản 1, Điều 15 của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (1999, sửa đổi 2008) thì cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ tỉnh đội trưởng là đại tá; khoản 3 của Điều này quy định thêm: Sĩ quan ở lực lượng quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện thuộc địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng theo quy định của Chính phủ hoặc sĩ quan ở đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và có quá trình cống hiến xuất sắc thì được thăng quân hàm cao hơn một bậc so với cấp bậc quân hàm cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này. Tuy nhiên, đơn cử như ở Quân khu 9, trong số 12 tỉnh đội trực thuộc Quân khu thì có tới 7 tỉnh đội có chỉ huy trưởng mang cấp hàm thiếu tướng, và đương nhiên chính uỷ tỉnh đội cũng phải mang cấp hàm tương đương với tỉnh đội trưởng. Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng hay trực thuộc các quân khu cũng vậy, số sĩ quan cao cấp từ đại tá trở lên nhiều không đếm xuể. Để so sánh, ở Trung Quốc hiện nay, cấp hàm cao nhất trong quân đội chỉ là thượng tướng, bất kể đó là Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng hay Phó Chủ tịch Quân uỷ TW, mặc dù đây là đội quân đông nhất trên thế giới. Việc trở lại thực hiện chế độ tư lệnh - chính uỷ từ sau Đại hội X của Đảng năm 2006 càng khiến cho bộ máy chỉ huy trong quân đội thêm cồng kềnh, mà mục đích thế nào thì chắc ai cũng rõ.

Là một hệ thống khép kín với bộ máy viện kiểm sát quân sự và toà án quân sự riêng, nên những vụ bê bối trong quân đội hiếm khi lọt ra ngoài. Song trong thực tế, như mọi hệ thống khép kín khác, quân đội cũng rất dễ bị tha hoá, đặc biệt là trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống chính trị càng bệ rạc thì lãnh đạo các cấp càng phải nhắm mắt làm ngơ cho quân đội, khiến cho nạn tham nhũng trong lực lượng này ngày càng hoành hành và diễn ra lộ liễu.[9] Một nguyên tắc quan trọng trong quân đội là “quân lệnh như sơn”, cấp dưới tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên. Những người có “ý kiến” về chuyện tiêu cực trong quân đội thường bị trù dập và cô lập; ngoài ra, khi một sĩ quan đã tham gia quân ngũ thì anh ta thường khó hoà nhập vào đời sống dân sự khi buộc phải ra quân nên càng ít người dám lên tiếng. Cái xấu vì thế ngày càng nhân lên và dần dần làm xói mòn sức mạnh của quân đội.

Có thể hình dung ra phần nào mức độ tha hoá và kiêu loạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay qua một văn bản của Bộ Xây dựng gửi Văn phòng Chính phủ vào đầu tháng 11/2011 về việc chuyển mục đích sử dụng 176 ha đất quốc phòng thuộc Trường bắn Miếu Môn (Hà Nội) để xây dựng sân golf; cơ quan chủ trương chuyển đổi là Bộ Quốc phòng, nhằm mục đích “phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự”!. Cũng theo Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng đã và đang triển khai một số sân golf tại khu vực sân bay Gia Lâm (Hà Nội) và sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố HCM) để phục vụ nhu cầu luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự. Phải chăng người ta muốn theo “bài” của Xuân Tóc Đỏ là “mơi” đối thủ chơi golf rồi giả vờ thua trong lúc “giao lưu và đối ngoại” để tránh hoạ chiến tranh cho đất nước?

Sự kiện huyện đội và bộ đội biên phòng ở Tiên Lãng tham gia vào vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn còn cho thấy một thực tế là một bộ phận trong lực lượng quân đội đã không còn khả năng phân biệt đúng, sai thế nào khi sẵn sàng trấn áp nhân dân, một chức năng vốn không phải của họ.

Dưới đây là một số hình thức tham nhũng phổ biến trong quân đội ở Việt Nam hiện nay:

1)     Chạy chức, chạy quyền, chạy quân hàm: Thực trạng này trong quân đội diễn ra tương tự như trong các cơ quan khác của hệ thống chính trị nhưng mức độ của nó thì nghiêm trọng hơn nhiều, do tính chất khép kín và quân phiệt của quân đội. Với cơ chế hiện hành thì người ta cứ việc bỏ tiền ra để mua chức quyền và đến lượt, lại dùng quyền lực để “gặt hái”;

2)     Cắt xén ngân sách: Ngân sách cấp cho các đơn vị quân đội thường bị “rơi rụng” trên đường từ Bộ Quốc phòng xuống đến đơn vị thụ hưởng ngân sách cuối cùng, mà tỷ lệ rơi rụng chắc chắn không hề nhỏ;

3)     Tham ô quân trang, quân dụng, nguyên nhiên vật liệu, v.v. rồi tuồn ra ngoài;

4)     Rút ruột các công trình phục vụ cho mục đích quốc phòng;

5)     Tham nhũng trong các doanh nghiệp quân đội: Thực trạng này cũng tương tự như trong các DNNN khác nhưng do tính chất khép kín của quân đội nên mức độ của nó còn ghê hơn. Một trong những nội dung của Nghị quyết TW 4 khoá X (tháng 1/2007) là yêu cầu chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần của các cơ quan Đảng, quân đội và công an sang cơ quan Nhà nước quản lý từ năm 2007.[10] Song từ bấy đến nay, kết quả thực hiện Nghị quyết chỉ là con số không tròn trĩnh. Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước xem ra chỉ là những thứ son phấn rẻ tiền trát lên mặt chế độ này vậy. (Nghị quyết TW 4 khoá XI xem chừng rồi cũng chung một số phận tương tự.) Trong khi đó, ngay từ năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm quân đội tham gia vào các hoạt động kinh tế. Điều này đã góp phần làm cho quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn và hạn chế được tham nhũng, một tác nhân nguy hiểm làm suy yếu quân đội. Bản thân các doanh nghiệp thuộc quân đội hay công an ở Việt Nam từ trước tới nay thường được hưởng những ưu đãi đặc biệt mà ít bị ai dòm ngó (đây thực chất đều là những ổ tham nhũng), điều này khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước khác thường phàn nàn rằng họ bị cạnh tranh không lành mạnh.

Tác giả bài viết hoàn toàn không có ác cảm gì đối với những người khoác áo công an hay quân đội. Đa số họ trước khi tham gia vào các lực lượng này đều là những con người tốt, hành trang của họ khi bước chân vào quân đội hay công an là lý tưởng cao đẹp: Bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Song ở đời mấy ai cưỡng lại được cái bã quyền lực và danh lợi, nhất là trong một hệ thống mà ở đó quyền lực chỉ chịu sự giám sát hời hợt như ở Việt Nam. Không phải ai khác mà chính cơ chế hiện hành đã góp phần quyết định để nhào nặn nên những Đỗ Hữu Ca hay Nguyễn Văn Thành ngày nay. Họ vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm trong vòng xoáy tội ác của cái cơ chế vận hành hệ thống chính trị hiện hành.

Để kết thúc bài viết, xin mượn lời của tác giả Lịch triều hiến chương loại chí, bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, khi ông nhận xét về nạn kiêu binh thời Lê trung hưng: “Nhà Lê dựng nên cơ nghiệp là nhờ sức mạnh của binh hai xứ, mà khi mất nước cũng bởi bọn kiêu binh tam phủ gây nên. Nhờ binh ấy mà nên, cũng vì binh ấy mà mất, đắc thất đã nêu gương rõ rệt. Như vậy là vì nếu khéo cầm cương thì dẫu kẻ gian tham cũng dùng được, nếu lỏng tay cầm thì ngay quân túc vệ cũng chia lìa, việc làm thành hay bại đều do ở đấy.”[11] Một bài học không chỉ cho hôm nay./.

L. A. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Ghi chú:

[1] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 3-4.

[2] Báo Thanh Niên ngày 15/5/2007: Viết tiếp vụ án đất đai tại Quán Nam: Lãnh đạo Thành phố bút phê vô tội vạ (http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200720/193002.aspx).

[3] Báo Tuổi Trẻ ngày 9/9/2006: Vụ tiêu cực trong cấp đất tại Thị xã Đồ Sơn - Lãnh đạo Hải Phòng: “Răn đe là chính”! (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/160811/Lanh-dao-Hai-Phong-ran-de-la-chinh.html).

[4] Báo Tuổi Trẻ ngày 8/9/2006: Vụ án Đồ Sơn: Có sự can thiệp của Bí thư Thành uỷ (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/160684/Vu-an-Do-Son-Co-su-can-thiep-cua-Bi-thu-Thanh-uy-Hai-Phong.html).

[5] Báo Công an Tp HCM ngày 8 & 10/12/2011: Cát Hải, Hải Phòng: Hành vi xem thường pháp luật (http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&p&id=445037; http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=1101&p&id=446657)

[6] Báo Thanh Niên ngày 18/2/2012: Vụ cưỡng chế đầm ở Tiên Lãng: Sở TN-MT từng phớt lờ chỉ đạo của Thành phố (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120218/vu-cuong-che-dam-o-tien-lang-so-tn-mt-hai-phong-tung-phot-lo-chi-dao-cua-thanh-pho.aspx).

[7] Bauxite Việt Nam ngày 8/2/2012: Vụ Đoàn Văn Vươn: Nguy cơ tội phạm thao túng quan chức chính quyền (http://www.boxitvn.net/bai/33105).

[8] Báo Tuổi Trẻ ngày 16/12/2011: Họp HĐND tỉnh Tiền Giang: Còn trường gà, Giám đốc Công an tỉnh sẽ tự “xử” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/469591/Con-truong-ga-giam-doc-cong-an-tinh-se-tu-%E2%80%9Cxu%E2%80%9D.html).

[9] Tác giả từng có một thời gian làm việc trong một đơn vị kinh tế của quân đội.

[10] Báo VnExpress ngày 29/1/2007: “Đã đến lúc quân đội không nên làm kinh tế” (http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2007/01/3b9f2cc5/).

[11] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 4, NXB Sử học, 1960, trang 4.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn