Tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc muốn lợi cả đôi đàng

Minh Anh

Đó là đề tựa bài viết được đăng trên tạp chí Economist số ra tuần này của ông Robert Beckman, giáo sư Luật quốc tế, trường Đại học Quốc gia Singapore. Với nhận xét là «thú vị và hữu ích», tuần báo cho rằng bài viết làm rõ một số điểm đằng sau những gì hiện đang trở thành một trong các đề tài nóng bỏng nhất xung quanh các tranh chấp tại Biển Đông.

clip_image001

Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại Biển Đông

Vừa qua, Philippines tuyên bố sẽ mở một số lô khai thác dầu khí mới ngoài khơi quần đảo Palawan của họ. Philippines xem khu vực này nằm trong các «vùng đặc quyền kinh tế» của mình. Trung Quốc từng phản đối, cho rằng khu vực đó thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Đòi hỏi của Trung Quốc thường được cho là dựa trên cơ sở «đường 9 đoạn» bí ẩn, một bản đồ lịch sử mà nhiều khi quốc gia này dựa theo đó để khẳng định chủ quyền không thể chối cãi trên đa phần diện tích Biển Đông, nhưng lại có cơ sở pháp lý rất mong manh.

Theo ông Beckman, Trung Quốc cũng đang tranh chấp quần đảo Trường Sa (mà Việt Nam và Đài Loan cũng đòi hỏi chủ quyền). Quần đảo Trường Sa chủ yếu là những bãi đá ngầm và đảo nhỏ, mà theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển thì chỉ có thể được hưởng «vùng lãnh hải 12 hải lý». Nhưng do có một vài đảo, trên đó con người có thể sinh sống được, cho nên quần đảo này có thể được hưởng quy chế «đặc quyền kinh tế» 200 dặm. Và như vậy đòi hỏi của Trung Quốc sẽ chồng lấn với khu đặc quyền kinh tế của Philippines.

Do đó, nếu dựa trên các phân tích này, Trung Quốc có cơ sở đúng đắn khi cho rằng Philippines đã cho khai thác một vùng đang tranh chấp. Còn Philippines sẽ sai lầm nếu tiếp tục đơn phương khai thác dầu khí.

Vấn đề theo The Economist, là nếu Bắc Kinh áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ngay tại khu vực biển đó, liệu Trung Quốc có thể nào phủ nhận công ước này ở những vùng mà họ không có kiểu tranh chấp tương tự, như là các khu vực bên trong «đường lưỡi bò» của họ? Theo tác giả, Trung Quốc hoàn toàn có thể làm như vậy để được lợi cả hai đàng.

Nhật Bản, một năm sau thảm họa sóng thần và hạt nhân

Một năm đã trôi qua, người dân Nhật Bản vẫn còn chưa hết bàng hoàng về thảm họa hạt nhân Fukushima. Họ lên tiếng chỉ trích sự tắc trách của chính phủ Nhật Bản và ban lãnh đạo Tập đoàn khai thác hạt nhân trong công tác quản lý thảm họa. Tuần báo Courrier International số ra tuần này đã cho trích dịch lại bài điều tra đăng trên báo Asahi Shimbun, cho biết người dân ở vùng thảm họa đã bị chính quyền bưng bít thông tin như thế nào.

Bài viết thuật lại lời của các nhân chứng sống tại xã Namie-machi, cách trung tâm hạt nhân Fukushima 30 km về phía tây bắc. Câu chuyện bắt đầu từ khu phố Tshuhima, tại nhà bà Mizue Kanno. Ngay ngày hôm sau tai nạn hạt nhân Fukushima, tức ngày 12 tháng 03, nhiều người đã đến xin tỵ nạn tại nhà bà Mizue. Sau khi đã bàn bạc xong cách tổ chức cuộc sống cho hơn 25 người tỵ nạn, bà Mizue nhận được lời cảnh báo của hai người đàn ông bí ẩn, mặc đồ bảo hộ báo rằng bà nên tự bảo vệ mình, không nên ở lại đây, do có nhiều chất phóng xạ bị rò rỉ. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản lại thông báo rằng những khu vực nào nằm trong bán kính hơn 10 km thì vẫn an toàn.

Bà Mizue tỏ ra do dự, nhưng bà vẫn thông báo cho mọi người trong nhà biết sự việc. Dù mọi người vẫn không nghi ngờ về tính chính xác của thông tin do hai người đàn ông bí ẩn đưa ra, nhưng cuối cùng họ cũng quyết định di tản. Theo bài điều tra trên báo Asahi Shimbun, thì trong suốt thời gian xảy ra tai nạn hạt nhân Fukushima, chính quyền Nhật Bản và nhất là chính quyền Fukushima đã luôn tìm cách che giấu sự thật và không hề cung cấp bất kỳ thông tin nào cũng như sự chỉ dẫn nào để giúp dân di tản ra khỏi vùng thảm họa. Vì vậy, đối với dân chúng vùng Namie-machi, thì các giới chức chính quyền Fukushima đã hành động như là một «kẻ sát nhân».

Còn theo các nhà đấu tranh chống năng lượng hạt nhân, họ lấy làm lạ là kể từ khi xảy ra thảm họa, mọi trách nhiệm đều quy cho chính phủ Nhật Bản và tập đoàn Tepco. Trong khi đó, chính các dân biểu tại vùng Namie-Machi đã đưa ra các dự án xây dựng trung tâm hạt nhân cách đây 40 năm theo lời đề nghị của hội đồng xã.

Tuy nhiên, bài điều tra cũng ghi nhận về sự im lặng kỳ lạ của lực lượng tự vệ khi nhìn thấy nhiều người dân quay lại vùng nhiễm xạ cao. Theo lời thú nhận của một viên chức cảnh sát với phóng viên báo Asahi Shimbun, chính quyền biết rõ là khu này bị nhiễm xạ cao, nhưng cấm không được tiết lộ cho dân chúng biết.

Những lời hứa của Bình Nhưỡng

Cũng tại Đông Á, tuần san Le Nouvel Observateur chú ý đến hồ sơ Bắc Triều Tiên. Trong bài viết đề tựa «Những lời hứa của Bình Nhưỡng», bài báo nghi ngờ thực tâm của chính quyền Bắc Triều Tiên về việc tạm ngưng chương trình hạt nhân.

Bài báo nhận xét, thông báo tạm hoãn các vụ thử hạt nhân do Bắc Triều Tiên đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ 240 ngàn tấn lương thực từ Mỹ không mấy phấn khởi. Ba năm sau khi ngưng các cuộc đàm phán, giờ đây Bình Nhưỡng hứa hẹn chắc chắn sẽ cho ngưng các vụ thử tên lửa tầm xa cũng như các hoạt động làm giàu chất uranium, đồng thời chấp nhận đón tiếp lại các thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Nhưng các chuyên gia cũng tự hỏi: Liệu đây lại là một tập phim không có hồi kết của gia đình họ Kim đầy huyền thoại, vốn hay đưa ra những lời hứa hẹn hão để rồi sau đó nhanh chóng quên đi, một khi đã bỏ vào túi phần thưởng? Hay đây lại là một bước ngoặc của một sự tiến triển «theo kiểu Miến Điện», được nhà lãnh đạo trẻ mới Kim Jong-un đề ra nhằm đoạn tuyệt với các biện pháp của cha và ông của mình?

Các nhà bình luận lưu ý rằng, việc tạm hoãn chỉ liên quan đến trung tâm hạt nhân tại Yongbyon chứ không phải tại hầu hết các trung tâm bí mật khác. «Do chương trình hạt nhân là hệ thống phòng thủ duy nhất, làm thế nào mà họ có thể hy sinh nó được», theo như lời nhận định của một chuyên gia thuộc trường đại học Kookmin tại Seoul. Và dĩ nhiên Bình Nhưỡng cũng đã rút kinh nghiệm được từ bài học Libya. «Giả như đại tá Kadhafi không từ bỏ bom nguyên tử, thì NATO sẽ không tấn công được Libya», là lời khẳng định của một nhân vật quan trọng Bắc Triều Tiên với Đại sứ Anh Quốc hồi tháng 9 năm rồi.

Hơn nữa, theo Le Nouvel Observateur, thế giới biết quá ít về nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Dù rằng, ông này đã từng đi du học tại Thụy Sĩ, nhưng phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng xóa bỏ được 60 năm theo chủ nghĩa Staline. Mỹ cho rằng trước tiên cần phải đợi cho đến khi nào ông ta nắm được thực quyền. Bởi vì, hiện nay, ông ta đang dưới sự bảo hộ của «vị nhiếp chính», chính là ông chú Trương Thành Trạch (Jang Song-Taek), nhân vật đầy quyền lực nhất có liên kết với quân đội.

Trước mắt, thoả thuận này cho phép Mỹ, một mặt, xoa dịu bớt cơn đói của người dân, hạ nhiệt bớt những căng thẳng. Điều còn lại cần biết là thỏa thuận này sẽ kéo dài được trong bao lâu, bởi lẽ giới quân sự sẽ không bao giờ từ bỏ loại vũ khí tuyệt đối này.

Không có một lệnh trừng phạt cản trở được Iran

Nhìn sang Trung Cận Đông, Le Nouvel Observateur có đăng bài phỏng vấn ông Ronald Lauder, Chủ tịch Hội nghị Do Thái Thế giới về vấn đề Iran. Theo nhận định của ông, thì «Không có một lệnh trừng phạt sẽ cản trở được Iran».

Theo ông Ronald Lauder, vấn đề Iran không còn là chuyện riêng giữa Israel, Mỹ hay Pháp nữa mà nó liên quan đến toàn bộ thế giới. Ông cho rằng, nếu để cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, thì một điều chắc chắn là các nước lân cận như Ả Rập Xê Út và nhiều nước khác nữa trong khu vực cũng muốn tự trang bị cho mình loại vũ khí này. Đây chính là tình thế cực kỳ nguy hiểm cho cả thế giới.

Cần phải làm cho Iran hiểu rằng nếu họ chọn bom nguyên tử thì họ sẽ bị cả thế giới cô lập, chứ không phải chỉ bị Mỹ, châu Âu và Israel trừng phạt.

Ông cũng lên tiếng cảnh báo rằng một vài trung tâm hạt nhân của Iran sẽ sớm bị tấn công, chậm nhất là trong vòng sáu tháng tới. Theo ông Ronald Lauder, tuy rằng các lệnh trừng phạt đưa ra cũng có một tác động, dù vậy, sẽ không có bất cứ một lệnh trừng phạt nào có thể cản trở được Iran tiếp tục sản xuất bom hạt nhân. Bởi một lý do rất đơn giản là họ tin rằng lệnh trừng phạt sớm muộn gì cũng phải được dỡ bỏ.

Theo ông, Mỹ cũng không mong muốn tham gia vào cuộc chiến thứ ba, kể từ sau hai cuộc chiến thất bại tại Irak và Afghanistan. Nhưng ông cho rằng, chính Pháp mới là quốc gia cần phải lo lắng nhiều. Người Iran đã theo dõi rất chặt chẽ thái độ của người Pháp đối với số người theo đạo Hồi tại đây và họ thật sự nổi giận. Ông cảnh báo rằng do nước Pháp gần với Iran hơn là Mỹ và Anh, do đó nước này là mục tiêu tấn công dễ nhất.

M.A.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn