Căn cứ mới của Trung Quốc gây thêm căng thẳng ở Biển Đông

Scott Stearns

Việc Trung Quốc bố trí binh lính trên một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông đã làm gia tăng mối lo ngại về việc xảy ra một vụ đối đầu quân sự trong khu vực có những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

clip_image002

Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố có chủ quyền

Thành phố và khu cảnh bị mới nhất của Trung Quốc được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền.

Ông Tiêu Kiệt, thị trưởng đầu tiên của thành phố mới Tam Sa phát biểu như sau về diễn tiến này.

"Thiết lập Thành phố Tam Sa là một quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên và sự phát triển toàn diện ở biển Nam Hải".

Bắc Kinh dự định dùng căn cứ ở Tam Sa để tăng cường những hoạt động tuần tiểu trong vùng biển mà Việt Nam và Philippines tuyên bố đòi chủ quyền.

Việt Nam đã mạnh mẽ chỉ trích hành động của Trung Quốc và Philippines cũng chính thức lên tiếng không thừa nhận việc thành lập thành phố Tam Sa.

Dân biểu Walden Bello, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Philippines, nhận định như sau về việc này.

"Đây là một hành động phát xuất từ một mưu đồ của Trung Quốc để giành giật đất đai và việc thành lập thành phố này là một hành động bất hợp pháp".

Các nhà phân tích cho rằng việc thành lập thành phố Tam Sa phản ánh thái độ tự tin của Trung Quốc trong vụ tranh chấp Biển Đông.

Ông Justin Logan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách ngoại giao của Viện Cato ở Washington, nói rằng thái độ tự tin đó có thể là thiếu cơ sở. Ông nói thêm như sau:

"Tôi nghĩ rằng có một mối nguy hiểm của việc tính toán sai lầm, như việc Trung Quốc hành động một cách liều lĩnh - vượt quá khả năng của mình, và việc một bên nào đó vô tình vượt qua lằn ranh giới hạn của những bên còn lại."

Các nhà quan sát cũng cho biết Trung Quốc đang đối phó với sự phản kháng của Việt Nam và Philippines bằng cách lợi dụng Campuchia để tạo chia rẽ trong khối ASEAN, là một tổ chức khu vực trong đó có 4 nước hội viên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Justin Logan của Viện Cato cho rằng khi thiết lập khu cảnh bị Tam Sa, Trung Quốc có lẽ đã đi quá đà vì họ khó lòng biện minh cho sự hiện diện của binh lính ở đó. Ông nói:

"Có một số nước, rõ ràng nhất là Campuchia, và những nước khác trong khu vực và trong khối ASEAN, vì nhiều lý do khác nhau mà sẵn lòng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tôi nghĩ rằng việc thiết lập khu cảnh bị Tam Sa có thể tạo thêm áp lực cho những nước này, khiến họ phải nói với Trung Quốc rằng: Chúng tôi không thể ủng hộ các ông trong việc này. Có lẽ chúng tôi sẽ đứng ngoài hoặc sẽ không đưa ra phát biểu nào đối với vấn đề này”.

Hôm thứ Ba vừa qua, khi được hỏi về việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã tái khẳng định lập trường của Washington là không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vụ tranh chấp Biển Đông. Phát ngôn viên Nuland nói:

"Chúng tôi tiếp tục lo ngại về những hành động đơn phương như vậy, những hành động dường như sẽ tác động một cách thiếu thỏa đáng đối với một vấn đề mà chúng tôi nhiều lần tuyên bố là chỉ có thể được giải quyết thông qua thương thuyết, thông qua đối thoại và thông qua một tiến trình ngoại giao có tính chất hợp tác giữa tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền”.

Tuy Hoa Kỳ không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, chính phủ của Tổng thống Obama nói rằng không nước nào trên thế giới không cảm thấy lo âu vì sự gia tăng của những mối căng thẳng và những cuộc khẩu chiến kịch liệt trong vụ tranh chấp ở vùng biển này.

S.S.

Nguồn: voatiengviet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn