Bàn lại về nhân vật Hải Vân trong tiểu thuyết Giông tố

Peter Zinoman (*)
Căn cứ trên giấy khai sinh mà gia đình còn giữ được, nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20-10-1912, đến hôm nay vừa tròn 100 ngày sinh. Ông là một văn tài lừng danh, “vua Phóng sự đất Bắc”, cũng là nhà tiêu thuyết hiện thực có một không hai, với 27 tuổi đời, cống hiến cho văn học “30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng 1 bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa” (Wikipedia). Tuy nhiên, dưới chế độ hiện hành, Vũ Trọng Phụng lại không phải là một mẫu hình đáng nêu gương, vì nhiều điều còn ẩn khuất trong quan điểm của nhà văn khiến người ta e ngại, nhất là vì ông đã từng được Nhóm Nhân văn - Giai phẩm đề cao, mà Nhóm Nhân văn - Giai phẩm thì cho đến nay vẫn chưa được chiêu tuyết, mặc dù các nhà văn trong Nhóm trước sau đều đã được Đảng “chiếu cố”, không công khai nhưng lặng lẽ thừa nhận họ không có tội, và bằng lòng trao cho họ những phần thưởng “danh giá” ngang với những nhà văn “thường thường bậc trung” con cưng của Đảng hết sức hết lòng phục vụ Đảng từ thuở vào nghề cầm bút đến nay.
Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn nổi tiếng mà nhìn quanh chưa thấy có được một lễ kỷ niệm xứng tầm, BVN xin làm một lễ kỷ niệm nhà văn theo cách của mình, bằng cách đưa lên trang mạng 3 bài viết liên quan đến văn phẩm và cuộc đời Vũ Trọng Phụng: bài thứ nhất là của PGS Piter Zinomann, Đại học Berkeley, viết từ năm 2002 nhưng sau khi viết xong vẫn chưa một tờ tạp chí khoa học nào dám dùng (bài này do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trực tiếp gửi cho BVN), và hai bài sau là của ông Nguyễn Bá Đạm, người làng Giáp Nhất, phường Nhân Chính, Ngã Tư Sở, Hà Nội, cùng làng với bà Vũ Mỵ Lương, vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông Nguyễn Bá Đạm năm nay trên 90 tuổi, là người quen biết gia đình bên vợ nhà văn, và là người trực tiếp chứng kiến đám cưới và đám ma của Vũ Trọng Phụng, kể lại tỷ mỉ những gì đã diễn ra trong hai sự kiện quan trọng này của cuộc đời một con người đến nay đã trở thành biểu tượng của thiên tài văn chương Việt Nam, nhưng số phận hình như vẫn chưa hết lận đận, vì vẫn làm cho một số vị chức quyền nào đấy sợ bóng sợ gió và về mặt công khai và chính thống vẫn cố lờ đi những hoạt động chính thức lẽ ra phải chủ động tiến hành về phía Nhà nước, để thật tương xứng với gương mặt sáng rỡ của ông trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, cũng như những áng văn chưa hề mất tính thời sự mà ông để lại cho hậu thế.
Bauxite Việt Nam

clip_image002
Nhà văn Vũ Trọng Phụng

Nhân vật Hải Vân trong tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng đã gây khá nhiều tranh cãi. Sự phức tạp của các tranh cãi này rõ ràng xuất phát từ việc Hải Vân là nhân vật gần như duy nhất trong tiểu thuyết Việt Nam dưới thời thuộc địa được mô tả như một thủ lĩnh cộng sản. Mặc dù các tranh luận về Hải Vân nêu được một vài vấn đề hệ trọng, cho đến nay, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Nhân vật Hải Vân cho thấy gì về lập trường chính trị của Vũ Trọng Phụng nói chung và thái độ của nhà văn này đối với chủ nghĩa cộng sản nói riêng? – Tất nhiên câu hỏi này vô cùng quan trọng.
clip_image003
Bìa tiểu thuyết Giông Tố in năm 1937. Ảnh: Internet
Ai cũng biết, có một quan niệm phổ biến, cho rằng Hải Vân tiêu biểu cho thái độ xem thường và nói xấu chủ nghĩa cộng sản của Vũ Trọng Phụng; và quan niệm này đã từng là một nguyên nhân quan trọng (không phải là duy nhất nhưng hết sức quan trọng) dẫn đến việc các tác phẩm của ông bị cấm lưu hành rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam từ những năm 1960 đến đầu những năm 1980.
Hôm nay tôi muốn xem lại nội dung của vụ tranh cãi này và nêu ra những vấn đề hệ trọng trong ý kiến của cả hai phía.
Trước hết, chúng ta cần nhớ là Hải Vân không gây nhiều chú ý của dư luận khi Giông tố mới chỉ đăng đều kỳ trên Hà Nội báo năm 1936. Các bài phê bình gần như không nói đến nhân vật Hải Vân. Ngoại lệ duy nhất là nhà phê bình Xuân Sa trên báo Nữu lưu ở Sài Gòn năm 1937 phê bình Vũ Trọng Phụng vì đã để cho Hải Vân dùng chữ “giống nòi” mà lẽ ra, theo Xuân Sa, nhân vật này phải dùng chữ “giai cấp”. Đối với Xuân Sa, việc sử dụng từ “giống nòi” là không thích hợp và không hiện thực, vì rõ ràng Hải Vân được mô tả như một “đại biểu của giai cấp vô sản”, một “nhà cách mạng” và một “nhà quốc tế” (Nói cách khác, là một người cộng sản, mặc dù Xuân Sa không dùng từ đó)[1]. Ta thấy Xuân Sa đặc biệt quan tâm đến sự chính xác của việc miêu tả nhân vật Hải Vân như một người cộng sản. Thật lạ khi nhà phê bình này không đặt vấn đề với các đặc điểm khác của nhân vật này (ví dụ việc Hải Vân xuất thân từ tầng lớp trên; khả năng bói toán, tử vi, tướng số, phong thủy của ông ta; thái độ kiểu Machiavel trong hành động của ông ta; việc ông ta hút thuốc phiện, chơi gái, v.v.). Thật vậy, Xuân Sa chỉ đặt duy nhất một vấn đề với cách Vũ Trọng Phụng mô tả Hải Vân: ông ta tỏ ra quá ư quốc gia để có thể là một người cộng sản thực thụ!
Quan điểm phê phán nặng đối với nhân vật Hải Vân được bắt đầu vào cuối những năm 1950. Sự ra đời của quan điểm này, theo tôi, là kết quả của hai sự việc. Thứ nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc đến chính sách văn hóa ở miền Bắc Việt Nam thời gian này. Thứ hai là việc các nhà văn có liên hệ với tờ Nhân văn và các cuốn Giai phẩm đã kỷ niệm Vũ Trọng Phụng bằng cuốn sách Vũ Trọng Phụng với chúng ta.
clip_image005
Vũ Trọng Phụng với chúng ta/ Đào Duy Anh - Hoàng Cầm - Phan Khôi - Sỹ Ngọc - Nguyễn Mạnh Tường - Văn Tâm - Trương Tửu. Minh Đức xuất bản 1956. Ảnh: sachxua.net
clip_image007
Quan điểm phê phán này được thể hiện rõ trong bài viết của học giả Văn Tân trên tạp chí Văn Sử Địa năm 1957, trong đó, phớt lờ việc Hải Vân mang tính anh hùng, học giả này chỉ nhấn mạnh những yếu tố tiêu cực: cho rằng ông ta là “một tên trùm lưu manh chuyên làm những việc tống tiền, bắt cóc” và là “một tay tướng số”[2]. Vì rõ ràng Hải Vân là một thủ lĩnh cộng sản, cho nên việc Vũ Trọng Phụng miêu tả ông ta như vậy phải được xem là “sai” và là một sự cố ý xuyên tạc và xem thường chủ nghĩa cộng sản.
Những người ủng hộ Vũ Trọng Phụng lập tức đáp lại bằng một cuộc bảo vệ với một lý lẽ gồm hai điểm chính. Thứ nhất là thừa nhận lời phê bình của Văn Tân rằng Hải Vân tiêu biểu cho một “chân dung sai” về người cộng sản. Thứ hai là đưa ra một số nguyên nhân vì sao “chân dung sai” này không phản ánh ý tưởng xấu của Vũ Trọng Phụng đối với những người cộng sản. Những nguyên nhân đó là: Một – Vũ Trọng Phụng không thể hiểu được bản chất của chủ nghĩa cộng sản bởi vì bản thân ông chưa bao giờ là một đảng viên. Hai – Vũ Trọng Phụng không thể hiểu được bản chất của chủ nghĩa cộng sản bởi vì trong thời gian ông còn sống, phong trào cộng sản đang phải hoạt động bí mật và đó là điều rất khó cho ông quan sát và tìm hiểu. Ba – Mặc dù chân dung Hải Vân cho thấy Vũ Trọng Phụng không hiểu chủ nghĩa cộng sản, nhưng điều đó không có nghĩa là nhà văn có thái độ xấu đối với chủ nghĩa này, bởi vì Hải Vân được mô tả về cơ bản là mang tính anh hùng và vì vậy cần được xem như một cố gắng, tuy ngây thơ nhưng “đầy thiện chí” của Vũ Trọng Phụng trong việc “lý tưởng hóa” và “siêu thường hóa” chủ nghĩa cộng sản.
clip_image009
Vũ Trọng Phụng – nhà văn hiện thực. Tác giả: Văn Tâm. Kim Đức xuất bản 1957. Ảnh: sachxua.net
Cách bảo vệ trên đây được những trí thức tài năng như nhà văn Nguyên Hồng, nhà phê bình Văn Tâm đưa ra đồng thời với việc giúp cho sự in lại một vài quyển sách quan trọng nhất của Vũ Trọng Phụng, nhưng không đủ để cứu vãn danh tiếng của nhà văn. Trong một bài tiểu luận viết năm 1960, Hoàng Văn Hoan (quan chức cao cấp) đã phản đối sự bảo vệ này và lặp lại một cách mạnh mẽ hơn quan điểm phê phán do Văn Tân đưa ra. Cuộc tấn công của Hoàng Văn Hoan[3] (chí ít như được người ta đưa ra lời giải thích hồi năm 1987) đã dẫn đến việc cấm lưu hành rộng rãi các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng; cuộc tấn công ấy cũng quyết định chiều hướng phê phán trong quan điểm của các bài phê bình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng ở miền Bắc Việt Nam suốt hai mươi năm sau đó.
Ảnh hưởng của Hoàng Văn Hoan chấm hết vào những năm 1980, một mặt vì ông ta chạy trốn, sống lưu vong và chính thức bị xem là đào nhiệm, phản bội. Mặt khác nữa là chính sách Đổi Mới. Sự phát triển này dẫn đến một cố gắng mới, nhằm bảo vệ Vũ Trọng Phụng, của một số trí thức văn học tài năng như Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Lại Nguyên Ân, Trần Hữu Tá, Hoàng Thiếu Sơn và một số người khác. Một lần nữa, cố gắng của họ lại trùng hợp và giúp cho việc in lại phần lớn các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Mặc dù tôi vô cùng kính trọng và khâm phục cố gắng đó, song rõ ràng là tôi cũng thất vọng với sự bảo vệ mới ấy của họ. Điều đáng ngại nhất là cách biện hộ của họ đã phản ánh gần như chính xác cách biện hộ gồm hai điểm ngày trước, cách biện hộ mà, như chúng ta đều biết, đã hoàn toàn thất bại. Xin tóm tắt hệ luận của họ: Một – Thừa nhận rằng Hải Vân tiêu biểu cho một hình ảnh sai về chủ nghĩa cộng sản. Hai – Tuy vậy sự sai lệch này có thể tha thứ được, là vì: a/ Vũ Trọng Phụng chưa bao giờ là người cộng sản; b/ ông không thể hiểu được phong trào cộng sản đang hoạt động trong bí mật; và c/ trên thực tế, Vũ Trọng Phụng kính trọng chủ nghĩa cộng sản, như đã chứng minh qua tính cách anh hùng của Hải Vân.
Tôi xin được nhận xét về điểm thứ hai của cách biện hộ nói trên.
Thứ nhất. Nói rằng Vũ Trọng Phụng hiểu sai chủ nghĩa cộng sản chỉ vì ông không phải là một người cộng sản, – cũng có nghĩa rằng chỉ có các thành viên trong các tổ chức chính trị xã hội mới có thể hiểu được các tổ chức ấy. Nói như vậy không đúng. Các ngành học thuật quan trọng như dân tộc học, tâm lý học, sử học đều phản đối điều đó. Trên thực tế, nền tảng cơ bản của các ngành khoa học nhân văn này dựa trên quan niệm: những người trong cuộc không thể có cái nhìn khách quan về bản thân họ và cộng đồng của họ, còn những người ngoài cuộc lại có thể có cái nhìn sâu và trung lập hơn. Vì vậy, việc Vũ Trọng Phụng không phải là đảng viên cộng sản thật ra lại làm tăng giá trị quan điểm của ông.
Thứ hai. Nói rằng Vũ Trọng Phụng không hiểu chủ nghĩa cộng sản vì phong trào cộng sản phải hoạt động bí mật trong thời thuộc địa – lý lẽ này chỉ có một ít giá trị vì hai lý do.
Lý do A. – Nhân vật Hải Vân xuất hiện trên Hà Nội báo vào giữa năm 1936 sau khi Mặt trận Bình dân đã lên nắm chính quyền ở Pháp. Mặc dù việc chủ nghĩa cộng sản vẫn tiếp tục bị đàn áp ở thuộc địa vào thời kỳ này là sự thật, nhưng thời kỳ này cũng cho thấy trong giới trí thức Việt Nam có rất nhiều sự quan tâm đến cánh tả. Báo chí Việt Nam thời kỳ này viết rất nhiều về chủ nghiã Mác, về Lenin, về cuộc đấu tranh của phong trào cộng sản ở Tây Âu, ở Liên bang Xô-viết, về nội chiến ở Tây Ban Nha, về sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Hoa và cả ở Việt Nam.
Lý do B. – Vũ Trọng Phụng nổi tiếng (trong hồi ức của giới nhà báo nhà văn cùng thời) về tính cẩn thận trong việc viết phóng sự, về việc đọc nhiều báo chí trong nước và quốc tế. Hơn nữa, cộng đồng báo giới mà Vũ là một thành viên bao gồm nhiều người thuộc phái tả, nhiều cảm tình viên cộng sản trong tương lai. Xét hệ thống phức tạp bao gồm các quan hệ cá nhân, các quan hệ nghề nghiệp và các tin đồn trong cộng đồng báo giới Việt Nam, ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng hoàn toàn không hiểu phong trào cộng sản là ý kiến không có sức thuyết phục. Nói như vậy không có nghĩa là ông có thể hiểu được phong trào này một cách sâu sắc. Nhưng bảo rằng ông không biết gì hết thì không đúng.
Thứ ba. Nói rằng vai trò anh hùng của Hải Vân chứng tỏ Vũ Trọng Phụng ngưỡng mộ chủ nghĩa cộng sản (mặc dù không hiểu chủ nghĩa ấy) – lý lẽ này phức tạp hơn hai lập luận nói trên.
Như tôi đã nói ở trên, thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và những lời hứa cải cách thuộc địa của chính phủ của họ đã gây ra ở Việt Nam sự quan tâm và ngưỡng mộ lớn dành cho phái tả. Có một phong trào lớn cho chủ nghĩa bình dân và cánh tả ở Việt Nam vào khoảng giữa năm 1936, thậm chí ngay ở giới bảo thủ nhất. Nhưng những hy vọng ấy đã mau chóng biến mất. Cuối năm 1936, Mặt trận Bình dân đã từ bỏ phần lớn những cải cách mà họ hứa sẽ thực hiện ở thuộc địa. Sự lạc quan hồi đầu năm về cánh tả, lúc này đã xuống dốc.
Với hoàn cảnh lịch sử đó, tôi tin rằng không phải tình cờ việc Hải Vân xuất hiện lần đầu trên những chương Giông tố đăng Hà Nội Báo vào tháng Juillet 1936 – đúng một tháng sau khi Mặt trận Bình dân thắng lợi và khi sự lạc quan ở thuộc địa đang ở mức cao nhất. Việc nửa đầu cuốn tiểu thuyết không báo trước vai trò quan trọng của Hải Vân cho thấy là Vũ Trọng Phụng đã tưởng tượng ra nhân vật này rất muộn so với thời điểm khởi bút viết câu chuyện Giông tố; và sự tưởng tượng ra nhân vật này (chỉ đến chương XX mới xuất hiện nhưng lại có vai trò lớn trong diễn tiến nửa cuối câu chuyện) – chỉ là một hành động bột phát hưởng ứng thắng lợi của Mặt trận Bình dân. Điều này cho thấy rằng bức chân dung về Hải Vân chẳng phản ánh một quan điểm lâu bền và vững chắc nào của Vũ Trọng Phụng đối với cánh tả, dù là tiêu cực hay tích cực.
Với tất cả những lý do vừa nêu, tôi không tin rằng những cố gắng bảo vệ chân dung Hải Vân là đã được dựa trên cơ sở vững chắc. Hơn nữa tôi cho rằng luận điểm thứ nhất của cách bảo vệ nói trên là một sai lầm chiến thuật. Trong phần lớn các truyền thống nghiên cứu văn chương, công việc của các nhà phê bình không phải là đánh giá độ “chính xác” lịch sử của các nhân vật hư cấu. Thay vì chấp nhận hay bác bỏ lời phê rằng chân dung Hải Vân là không chính xác, tôi nghĩ nên đặt ra câu hỏi đối với chính tiêu chuẩn đó cũng như đối với quan niệm đã hết sức lỗi thời và lạc hậu cho rằng các nhân vật hư cấu trong văn chương cung cấp một cửa sổ đủ để hiểu suy tư chính trị của người sáng tác.
Nguyên nhân cuối cùng khiến tôi nghĩ rằng cuộc bảo vệ Vũ Trọng Phụng và bức chân dung nhân vật Hải Vân là không đủ, – chính là vì kết quả đáng buồn của nó.
Cách bảo vệ này đã không thành công vào những năm 1950, và chẳng có một lý do gì để tin rằng cách bảo vệ này sẽ thành công hơn trong hôm nay hoặc ngày mai, đặc biệt trong trường hợp nếu như lại có một cuộc tấn công mới nhắm vào tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Thay vì bảo vệ, điều cần thiết là một lập luận mới dành cho chất lượng và giá trị của các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nhấn mạnh hơn hết vào văn tài lỗi lạc, độ trung thực và tinh thần độc lập, mối quan tâm nồng nhiệt và sự dấn thân can đảm của các tác phẩm ấy đối với những vấn đề quan trọng và nóng hổi trong thời ông sống.
15/10/2002
P.Z.
Chú thích
(*) Peter Zinoman (sinh 1965) TS sử học; hiện là GS khoa lịch sử, Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ. Bài này là tham luận viết bằng tiếng Việt mà tác giả đã đọc tại hội thảo “Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng” do Viện Văn học tổ chức, Hà Nội, 15 – 15/10/2002.
[1] Xem hai bài của Xuân Sa (1937) về tiểu thuyết Giông tố trong cuốn Vẽ nhọ bôi hề /những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng do Peter Zinoman mới tìm thấy, In lần thứ hai, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2004; tr. 375-386.
[2] Xem bài của Văn Tân: Vũ Trọng Phụng qua “Giông tố”, “Vỡ đê” và “Số đỏ” , Tập san Văn Sử Địa, số 29 (tháng 6/1957)
[3] Xem bài của Hoàng Văn Hoan trong sưu tập: Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm /Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1994; tr. 219-244.
Lại Nguyên Ân lưu giữ và cung cấp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn