Bản thẩm định Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của một thành viên Hội đồng Thẩm định

Ngày 28-11-2012, Hội đồng Thẩm định Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ bắt đầu làm việc. Tất cả những ai yêu quý Rừng quốc gia Cát Tiên, báu vật vô giá của đất nước đều chờ đợi những kết luận công minh của Hội đồng Thẩm định này, mặc dầu biết rằng, trong tình hình xã hội cực kỳ phức tạp hiện nay, dưới tác động của nhiều thứ lợi ích khác nhau, một sự trông đợi như vậy rất có thể trở thành vô vọng, bởi không phải không bao giờ xảy ra những tình huống oái oăm mà chân lý đôi khi vẫn bị lật ngược, tuy ai cũng tự coi mình là nhà khoa học, chỉ lấy thiên chức khoa học làm tiêu chí trong đánh giá.

Được phép TS Tô Văn Trường, BVN xin đăng bản thẩm định của ông với tư cách một thành viên Hội đồng. Vẫn biết đây là một bản thẩm định chuyên sâu, tuy vậy, theo chúng tôi, trình độ tri thức chung của bạn đọc vẫn có thể đọc ra được những ý tưởng tổng qưát của nó. Xin được bày tỏ lời cám ơn nhã ý của TS Tô Văn Trường và xin đăng kèm theo đây ý kiến của một số nhà khoa học chuyên ngành Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào bản Dự án thông qua lá thư của một cộng tác viên là TS Mai Nghiêm.

Bauxite Việt Nam

Cám ơn các bạn trong Nhóm yêu quý bảo vệ vườn quốc gia Cát Tiên đã gửi ý kiến của bác TVT về khía cạnh pháp lý.

Vì gấp rút và bản văn gửi đến rất cận ngày nên chúng tôi xin phép Nhóm tổng hợp các ý trao đổi trong một lá thư nhằm gửi về vài nhận xét nhanh, dựa trên thông tin các bạn gửi, để quý vị tùy nghi. Hy vọng các bạn kịp đọc để tường tri.

ĐVT:

"Thông thường mà nói thì khi làm xong đập, nếu đúng vào mùa mưa thì lượng nước chảy vào hồ nhiều hơn công suất nhà máy nên chủ nhà máy có thể vừa chạy máy vừa tích nước vào hồ, còn nếu làm xong đập đúng lúc mùa khô thì trừ phi họ bắt buộc phải chạy máy để xả nước về hạ lưu, họ thường tích nước đến một chừng mực nào đó mới bắt đầu chạy máy để được higher head (nghĩa là phát được nhiều điện hơn với cùng một thể tích nước).

Khi nhà máy đã hoạt động bình thường thì tùy theo thể tích của hồ chứa so với (relative to) lượng nước vào hồ, hồ chứa có thể có khả năng điều tiết với chu kỳ ngày, tuần, mùa hay nhiều năm. Nếu là chu kỳ ngày như anh [?] nói thì dĩ nhiên sẽ chạy máy lúc load (phụ tải) cao vào ban ngày và tích nước vào ban đêm khi nhu cầu dùng điện thấp. Nếu chu kỳ là tuần thì cũng tích nước vào ban đêm và weekend. Chu kỳ mùa (còn gọi là annual cycle) thì tích nước vào mùa lũ để dùng cho mùa khô (nghĩa là mùa khô hạ lưu sẽ có nhiều nước hơn trước khi có hồ chứa).

Một điều tôi ghi nhận là hầu hết thủy điện ở Bắc Mỹ hay châu Âu phải chạy máy liên tục để duy trì một lưu lượng tối thiểu nào đó cho hạ lưu (vì lý do water supply và environment), thì ở VN hầu như không có cái yêu cầu quan trọng này, nên khi nhà máy thủy điện ngưng chạy vì lý do nào đó thì hạ lưu phải chết khát".

PPL:

"Tôi cũng không tin có thể xây dưng lại môi trường [ngay cả ở HK làm refuge cho chim tại Bắc San Diego nhưng chẳng con nào về sống] nên sau khi phá rừng ở VN là mất vĩnh viễn, nhất là ngân quỹ bỏ ra cho việc trồng rừng nuôi thú vật trong hai dự án này thật quá ít ỏi, không đáng kể.

Các bạn trong nước có thấy không, còn tôi không thấy trong ĐMT có nói đến đường tháo đáy, nên trầm tích sẽ nâng đáy hồ và làm giảm tuổi thọ của đập cần có để hoạt động, chắc chắn hạ du sẽ bị mất đi môt số lớn phù sa. Tôi cũng không thấy ĐMT nói đến thang [cho] cá [nhảy lên thượng nguồn] hay không thể [làm được?].

Tôi đã tính, tuy rất thô sơ, dung tích hồ có thể có từ mực nước dâng bình thường đến mức nước gia cường của hai hồ và cho rằng chỉ trong vài phút đến độ chục phút sẽ đầy. Các hồ này hoàn toàn không có mục đích cắt lũ. ĐMT trình bày "biện pháp giảm thiểu tác động do ngập lụt" trang 318-320 và trích dẫn "quy trình vận hành liên hồ do TT CP phê duyệt" nhằm giảm lũ cho hạ du là những điều "misleading" trong ĐMT dùng TT để che chắn.

CT DLGL đang trên đường phá sản, tiền vay được nhờ hai dự án này chắc gì sẽ còn và đủ để hoàn tất dự án và CT này có khả năng tài chánh thực hiện hết các cam kết khác hay không?

Tôi xem lại chi tiết trong ĐMT và xin minh xác như sau:

ĐN6 có thể tích hồ chứa toàn bộ là 64 Mm3 với dòng chảy trung bình năm là 156 m3/s nên chỉ tích nước trong một tuần là xong.

ĐN6A có thể tích toàn bộ là 31 Mm3 với dòng chảy trung bình năm là 164 m3/s sẽ chỉ tích nước trong hai ngày là xong.

Do đó, quan tâm thiệt hại lúc khởi đầu có thể không cao hơn sau này như tôi đã e ngại chủ đập có thể kéo dài thời gian tích nước để giảm tác động.

Theo giải thích của anh Tùng, tôi xem lại thể tích hữu ích của ĐN6 là 15 Mm3 ĐN6A là 9 Mm3  không nhiều lắm so với dòng chảy, nên chu kỳ hoạt động sẽ là ngày hay tuần. Số giờ chạy máy full load tương đương 4875 giờ mỗi năm nên gần như sẽ chạy liên tục 8760 giờ vì sẽ có part load.

Tuy vậy khả năng gây tác động xuống hạ lưu vẫn có nếu điều hành không theo dõi bảo đảm dòng chảy tối thiểu như anh Tùng đã nêu ra".

ĐĐC:

"Thưa các Bác,

Bây giờ là buổi chiều ngày 27-XI-2012. Tôi xin gửi những ý kiến tuần tự sau khi đọc xong tất cả các tài liệu đã nhận được.

Về hình thức.

1. Các Bác nên làm như một hearing ở các nước Angl-Saxon (xem TV Mỹ để bắt chước) chỉ định một người biện luận [phản biện]. Người đó sẽ xin gọi một chuyên gia đến khai triển mỗi điểm.

2. Những báo cáo của các Bác thiếu một executive summary tóm tắt trên một trang tối đa những điểm chính mà mình muốn người đọc ấn tượng, nhớ và quyết định theo ý của mình. Tài liệu này rất quan trọng vì không ai, trong thời gian ngắn có thể đọc được hết tất cả báo cáo và khi đọc xong đoạn cuối thì sẽ quên đoạn đầu rồi.

Nội dung bài đăng ở địa chỉ

file:///C:/Users/TONTON/AppData/Local/Temp/TongHop_Final-2.html

I-1.b Ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên

Có một điểm mà nhiều kỹ sư nêu lên, nhưng tôi không đồng ý vì tính bất khả thi của nó và tính bất khả tín của những người đề xướng: "Tôi tàn phá môi trường ở đây nhưng tôi khôi phục hay xây dựng một môi trường tốt hơn ở nơi khác". Xin các Bác kiểm-tra xem những người bảo vệ dự án có giải pháp thay thế (alternative solution) nào không. Nếu có thì để phá chứ không nên đề nghị một giải pháp thay thế nào cả vì khó mà giải pháp [thay thế] đó sẽ khả thi.

I-1.b Ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên – Nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai...

Nếu không có thủy điện thì lượng nước chảy theo một chu kỳ nào đó. Sinh thái đã thích nghi với chu kỳ đó. Với thủy điện (hay bất cứ mọi công trình thủy lợi nào) thì chu kỳ nước chảy sẽ khác. Sinh thái có thể không thích nghi với chu kỳ mới và sẽ bị hủy diệt.

I-2 Ảnh hưởng ngoại vùng

Xin các Bác kiểm tra xem hồ có đường tháo đáy và đập có thang cho cá nhảy lên thượng nguồn không. Mọi công trình thủy lợi đều phải có những thiết bị đó.

Nếu không có đường tháo đáy thì không thể thường xuyên tháo nước để cho trầm tích lắng xuống đáy hồ có thể tuôn xuống hạ nguồn bồi đắp châu thổ làm cho đồng ruộng màu mỡ tự nhiên và chảy ra biển nuôi cá, nguồn lợi tức của ngư dân sống ven biển.

Nếu không có thang cá thì cá ở hạ nguồn sẽ không có thể lội lên thượng nguồn để sinh đẻ.

II-Về hiệu quả phát điện của hai dự án

Xin các Bác kiểm tra xem thể tích các hồ của bậc thang thủy điện có đủ để cắt lũ hay không. Theo những gì tôi đọc trên báo mạng trong nước thì thể tích của các hồ khác không đủ trên báo cáo khả thi và khi thực hiện thì lại rút nhỏ hơn vì công trình bị rút ruột. Hậu quả là vào mùa lũ nước trong hồ sẽ tràn qua đập hoặc nhà đầu tư xả lũ để bảo vệ đập. Do đó, người dân không những phải chịu đựng nước mưa tự nhiên của mùa lũ mà còn phải hứng thêm nước xả lũ của nhà máy. Ngược lại, vào mùa hạn người dân cần nước thì nhà máy giữ lại trong hồ để có nước mà quay ráo [?] sản xuất điện. Hậu quả là công trình thủy lợi không làm tròn chức năng điều hòa nguồn nước cho nông nghiệp mà lại còn làm cho thiên tai trầm trọng hơn.

III-Tiềm năng của VQG trong việc ...

Xin các Bác nhấn mạnh ở điêm: Nếu tất cả quỹ 4,4 triệu đô này dùng cho Đồng Nai 6 và 6A thì cũng chỉ là một số tiền không đáng kể trong vốn đầu tư của dự án và lại còn không đáng kể hơn so với giá trị môi trường của VQG Cát Tiên.

Xin  chúc các Bác kịp bổ tục"

Kính chúc mọi việc trôi chảy, may mắn và thành công.

Trân trọng,

MN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BẢN NHẬN XÉT BÁO CÁO

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG DỰ ÁN “ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6 và 6A”

1. Họ và tên người viết nhận xét : Tô Văn Trường

2. Học hàm, học vị, chức vụ công tác: Tiến sĩ tài nguyên nước và môi trường.

3. Nơi công tác: Thành viên Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 Bộ Khoa học và Công nghệ.

Email: tovantruong1948@yahoo.com

Điện thoại: 01259425555

4. Chức danh trong hội đồng: Ủy viên

5. Tên dự án: Đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

6. Nhận xét về báo cáo:

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện. Chủ nhiệm: PGS TS Nguyễn Văn Phước

Tôi chưa nhận được bản báo cáo ĐTM được cập nhật bổ sung, do đó nhận xét dưới đây là căn cứ vào bản báo cáo hiện có. Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Đồng Nai 6A bao gồm 361 trang, 6 chương với những nội dung sau:

CHƯƠNG 1 : Mô tả tóm tắt dự án

CHƯƠNG 2 : Điều kiện môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án

CHƯƠNG 3 : Đánh giá tác động môi trường

CHƯƠNG 4 : Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu và phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường

CHƯƠNG 5 : Chương trình Quản lý và giám sát môi trường

CHƯƠNG 6 : Tham vấn ý kiến cộng đồng

Kết luận, Kiến nghị và cam kết

Các tài liệu tham khảo

I. Nhận xét chung

Chúng ta đã biết hiện nay trên thế giới có 4 loại hình đánh giá tác động là Đánh giá tác động môi trường; Đánh giá tác động xã hội; Đánh giá tác động sức khỏe và Đánh giá tác động kinh tế. Dưới góc độ khoa học, mỗi loại hình đánh giá tác động phải đáp ứng 3 tiêu chí của khoa học là đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu. Dưới góc độ môi trường 4 loại hình đánh giá tác động này được coi là công cụ mang tính phòng ngừa rất hữu hiệu trong công tác bảo vệ môi trường.

Đánh giá tác đông môi trường - ĐTM (Environmental Impact Asessment-EIA) ra đời sớm nhất và phát triển mạnh mẽ có chức năng dự báo các tác động của dự án đến các yếu tố thuộc về môi trường tự nhiên. Các phương pháp về môi trường học đóng vai trò chủ đạo trong đánh giá tác động môi trường. ĐTM dùng để đánh giá tác động của các dự án đầu tư. Vì vậy, khi sử dụng ĐTM phải được thực hiện đồng thời với giai đoạn chuẩn bị đầu tư và tuân thủ các quy định về ĐTM tại Nghị định 21 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 80/2006 về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường và Thông tư 05/2008/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam chính thức bắt đầu có hệ thống từ khi có Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) từ năm 1993, được cập nhật năm 2005. Các báo cáo ĐTM từ dạng đơn giản như Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, bản Cam kết bảo vệ môi trường đến các bản đánh giá ĐTM khá bài bản theo quy định của Nhà nước hiện nay, bước đầu đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước.

Về bản chất, EIA là một công cụ khoa học mang tính dự báo trong quản lý, bảo vệ môi trường. Hay nói một cách khác, EIA là một công cụ giúp chúng ta tiên lượng, dự đoán được những tác động môi trường cả về mặt tích cực và tiêu cực có thể xảy ra, từ đó đề ra được những biện pháp nhằm ứng phó như thích nghi, giảm thiểu, giảm nhẹ, loại trừ với các tác động tiêu cực.

ĐTM chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư và phải được lập, thẩm định và phê duyệt trước khi quyết định, phê duyệt dự án đầu tư. Riêng đối với các cơ sở đang hoạt động thì Luật BVMT 2005 chưa có quy định áp dụng công cụ nào. Nhiều nước trên thế giới áp dụng công cụ kiểm toán môi trường. Độ tin cậy, chính xác của ĐTM phụ thuộc vào phương pháp dự báo, thông tin số liệu đầu vào và kinh nghiệm tay nghề của người thực hiện. Thông tin quan trọng nhất chính là thực trạng của các thành phần môi trường sẽ bị tác động bởi dự án như khả năng tự làm sạch môi trường, khả năng tự chống đỡ của môi trường phải được xác định chính xác ngay tại thời điểm dự án, đây chính là hiện trạng môi trường và phải được dự báo cho đến thời điểm dự án đi vào triển khai hoạt động. Khó khăn cho những người thực hiện ĐTM là độ tin cậy và rất hạn chế về lượng thông tin có tính hệ thống, đồng bộ.

ĐTM hiện nay vẫn đang theo phương thức đơn lẻ đối với từng dự án đầu tư cho nên kết quả thường hạn chế. Cách tốt nhất là phải “lồng ghép” trong dự báo, đánh giá tác động của hệ thống các dự án trong cùng 1 vùng.

Cả 2 báo cáo ĐTM của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tương tự như nhau về mặt hình thức, cấu trúc, nằm trong cùng 1 địa bàn, cho nên nhận xét sau đây chung cho cả 2 dư án thủy điện 6 và 6A.

Báo cáo ĐTM thực hiện theo dúng quy định của Thông tư 26/2011/TT-BTNMT về lập báo cáo ĐTM. Đặc biệt báo cáo này đã có những thông tin chi tiết về hiện trạng rừng và đánh giá mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) đối với khu vực dư án. Tuy nhiên, cần tham khảo các nhà chuyên môn đã từng nghiên cứu về ĐDSH khu vực này để xác nhận tính xác thực của các thông tin về hiện trạng rừng và ĐDSH.

Các nhận định và đánh giá về tác động môi trường của dư án nêu trong báo cáo là xác đáng, đối với các tác động như: Ô nhiễm không khí, khói bụi, tiếng ồn, chất lượng nước, chất thải rắn, trong quá trình chuẩn bị dự án, xây dựng và vận hành là những tác động hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu như chủ đầu tư cam kết đúng như những gì đã nêu trong chương 4 và 5 của báo cáo.

- Đối với tác động môi trường của dư án này cần xem xét và đánh giá cẩn trong đối với các vấn đề sau:

ü Mất vĩnh viễn diện tích rừng và suy giảm ĐDSH

ü Rủi ro và sư cố môi trường

ü

1) Mất vĩnh viễn diện tích rừng và suy giảm đa dạng sinh học

Theo báo cáo đối với DN 6 và 6 A diện tích đất rừng các loại bị mất vĩnh viễn như sau:

- Đối với ĐN 6A, lựa chọn phương án (PA) mực nước dâng 175m, và đánh giá là giảm diện tích rừng bị mất vĩnh viển so với PA dâng 177 m là khoảng 15 ha, trong đó chỉ có 2 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của Nam Cát Tiên. Như vậy với PA này, diện tích khu bảo vệ nghiêm ngặt bị ngập là 25 ha, trên tổng số 107 ha đất rừng bị ngập.

- Đối với DN 6, lựa chọn PA mực nước dâng 224m thì diện tích chiếm đất vĩnh viễn là 171,36 ha (155,35 diện tích lòng hồ và 16,01 ha diện tích công trình chính) trong đó có 77.36 ha thuộc rừng Quốc gia Nam Cát Tiên.

- Tuy nhiên, trong báo cáo chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn, Các PA truyền tải chưa được nêu ra, mặc dù hành lang an toàn theo quy định là không lớn, nhưng lại kéo dài và như vậy diện tích đất và rừng bị mất cũng sẽ là không nhỏ.

- Quan điểm của các nhà bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), căn cứ theo luật ĐDSH thì rõ ràng cả 2 dự án đều vi phạm vào khu bảo tồn thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên. Toàn bộ quá trình từ giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành đều gây tác động vĩnh viễn đến việc mất tổng số gần 300 ha đất rừng trong đó 25 ha thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt và 77 ha rừng phòng hộ. Cũng theo đánh giá của báo cáo thì khu vực này là một trong những khu vực hiếm hoi ở Đông Nam Bộ có tính ĐDSH cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế, và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng, thuộc những loài nằm trong sách đỏ VN.

- Đứng trên góc độ người dân câu hỏi đặt ra là nếu không có việc xây dựng DN 6 và 6A thì, rừng có được bảo vệ nghiêm ngặt như tên của nó không? Vấn nạn khai thác gỗ lậu, săn bắn thú rừng trái phép diễn ra khắp nơi như hiện nay liệu những khu rừng như Nam Cát Tiên còn tồn tại được bao lâu? Như vậy thủ phạm làm mất rừng, suy giảm ĐDSH ở đây là ai? Chủ đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện? hay những công ty xuất nhập khẩu gỗ lâm sản hay hàng chục ngàn quán nhậu có thực đơn là thịt thú rừng (Vườn QG Cát Tiên đã xác nhận cá thể Tê giác 1 sừng cuối cùng đã bị sát hại năm 2011).

- Đứng trên quan điểm quản lý môi trường là sự cân nhắc giữa bài toán được và mất, cái được về mặt kinh tế của 2 dự án này theo tính toán kinh tế là đã rõ, những cái thiệt hại về môi trường cũng đã được đánh giá khá đầy đủ, vấn đề quan điểm của các nhà quán lý như thế nào?

- Ý kiến tham khảo là: Dự án có thể được xem xét thông qua trong trường hợp báo cáo ĐTM đáp ứng được các yêu cầu và chủ đầu tư cam kết và đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp trồng rừng, trồng bù rừng vào những diện tích rừng đã mất là những vị trí nào, diện tích trồng lại rừng trồng bù rừng là bao nhiêu? Thời gian cụ thể? Ngoài các biện pháp đền bù thiệt hại và hỗ trợ kinh tế cho người dân bị thiệt hại và rừng Nam Cát Tiên. Chủ dự án cũng cần phải thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo nghị định 99/2010/NĐ-CP, đối với dự án thủy điện là 20 đồng/kwh.

- Ngoài việc Báo cáo ĐTM cần cụ thể hóa kế hoạch trồng và phục hồi rừng, trong chương tham vấn ý kiến cộng đồng, ngoài việc ý kiến của chính quyền, UBND, MTTQ và người dân, Chủ dự án cần tham khảo và có sự đồng thuận của chủ rừng, vườn Quốc gia Cát Tiên, cơ quan quản lý môi trường của các địa phương như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng. Văn bản điều chính Quy hoạch phạm vi vườn Quốc gia Cát Tiên có vi phạm luật không? Dư luận xã hội ra sao?

2) Rủi ro và sư cố môi trường

- Trong báo cáo đề cập đến rất nhiều loại rủi ro và sự cố, tuy nhiên những rủi ro, hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công chưa được đề cập tới. Lấy ví dụ trường hợp nổ do công nhân khoan tại hầm thủy diện Nam Pong, Nghệ An, hay rò rỉ, thấm thân đập thủy điện sông Tranh 2.

- Báo cáo cũng cho rằng, đối với rủi ro do vỡ đồng thời 2 đập DN 6 và 6A, thì mức độ, diện tích ngập ở phía hạ lưu được tính toán tương đương với trường hợp lũ năm 2000 và 2006. Do vậy báo cáo phải có sự cam kết của chủ đầu tư về việc xây dựng kế hoạch trong đó có các biện pháp ứng phó bao gồm cả phương tiện dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra.

II. Nhận xét cụ thể

Tóm tắt dự án:

Công trình thủy điện Đồng Nai 6A (tuyến 3) có bờ phải thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; bờ trái thuộc xã Phước Cát 2 huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; khu vực lòng hồ nằm trên địa bàn 4 xã: xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước; xã Phước Cát 2 và xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; xã Hưng Bình, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Trong đó, chiếm 50,55 ha Vườn Quốc Gia Cát Tiên tại các tiểu khu 504B, 505, 506 xã Đồng Nai Thượng và tiểu khu 497, 540A huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; 32,644 ha thuộc tiểu khu 1606, 1607, 1608 thuộc rừng phòng hộ Nam Cát Tiên tỉnh Đắk Nông; 91,42 ha thuộc tiểu khu 201 của Nông lâm trường Cao su Đồng Nai xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhằm cung cấp thêm điện năng vào điện lưới quốc gia, dự án sẽ tiến hành xây dựng nhà máy có công suất lắp máy 106 MW với dung tích hồ chứa 31,17x106 m3.

Công trình do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư .

Thông số thiết kế chính cho công trình với MNDBT/MNC = 175m/170m , Nlm = 106MW, Whi = 9,67x 106 m3, N= 24,19 MW, lưu lượng qua tràn ứng với lũ kiểm tra là 11. 650 m³/s, lũ thiết kế 8.589 m³/s, lưu lượng qua nhà máy 377,41 m³/s… Trong thiết kế cơ sở tính toán dòng chảy trung bình nhiều năm đến tuyến đập Đồng Nai 6A là Qtb = 164 m3/s, với sơ đồ khai thác nhà máy bố trí theo kiểu sau đập, các hạng mục công trình chính của dự án bao gồm:

+ Cụm đầu mối áp lực gồm: đập dâng chiều dài 266,5m; đập tràn rộng 91m, cống dẫn dòng; cửa lấy nước.

+ Cụm công trình tuyến năng lượng gồm: Đường ống áp lực; nhà máy; kênh xả.

Trong đó, quy trình vận hành hồ chứa được thiết kế dựa theo các quy định của Luật đê điều, nghị định 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, quyết định số 285/2006/QĐ-TTg về nội dung thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, các tiêu chuẩn quy phạm khác liên quan tới công trình thuỷ công và hồ chứa nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình ở tuyến đầu mối thuỷ điện Đồng Nai 6A. Nước cấp cho nhu cầu ở hạ du sẽ được ưu tiên sử dụng từ nguồn nước xả qua tuabin để đảm bảo hiệu quả phát điện và xả qua cửa xả của đập tràn. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình ở tuyến đầu mối, khai thác hiệu quả nguồn nước cho phát điện.

Dự án có tổng mức đầu tư là 3.773.854.000.000 VNĐ.

Hình thức báo cáo: Trình bày sạch đẹp, theo đúng bố cục được quy định. Kết cấu chặt chẽ, phân bố hợp lý, các chương mục thể hiện đầy đủ nội dung nghiên cứu và bám sát theo các thông tư hướng dẫn lập báo cáo ĐTM như dưới đây

- Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.

- Thông tư 05/2005/TT-BTNMT ngày 22/07/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thi hành nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Đội ngũ cán bộ trong và ngoài đơn vị chủ trì có trình độ và kinh nghiệm hoàn tất các nội dung được giao.

(1) Phần Mở đầu:

Tổng quan về đề tài gồm 14 trang nêu tính cấp thiết của nghiên cứu, các nội dung nghiên cứu khác có liên quan, mục tiêu, phạm vi, cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn quy phạm.

(2) Chương 1:

Bao gồm 60 trang bao gồm mô tả tóm tắt dự án,

(3) Chương 2:

Bao gồm 89 trang tổng quát về điều kiện môi trường tự nhiên hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Tại mục 2.1.4 Hiện trạng các thành phần môi trường: Để đánh giá hiện trạng môi trường trước khi tiến hành xây dựng Nhà máy thủy điện Đồng Nai 6A, Viện Môi trường và Tài nguyên đã tiến hành khảo sát thực địa và lấy mẫu phân tích vào tháng 2/2012 vào thời điểm lấy mẫu trời nắng nhẹ, ít gió. Số lượng mẫu thu được là 6 mẫu. Vị trí lấy mẫu được mô tả ở bảng: Bảng 2.1 Vị trí thu mẫu không khí (Trang 111); Bảng 2.19 Vị trí, tọa độ lấy nước mặt (Trang 113), Bảng 2 3 Vị trí lấy mẫu nước ngầm (Trang 115), Các bảng này có đủ vị trí, toạ độ tuy nhiên không thấy các bản đồ vị trí trong báo cáo?

- Phần vị trí lấy mẫu đất được mô tả ở Bảng 2.21 Vị trí lấy mẫu đất tại khu vực dự án (Trang 116);. Sơ đồ lấy mẫu được miêu tả trong phần phụ lục 3, Hình 3-3. (Không thấy phụ lục)?, Bảng 2.22 Kết quả phân tích chất lượng đất tại khu vực dự án (Trang 117), không ghi chú đơn vị nào phân tích kết quả chất lượng đất?

Tại mục 2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội (từ trang 166 đến trang 174) Viết quá sơ sài và không trích dẫn nguồn số liệu tứ đâu?; năm nào? Cần bổ sung thêm phần này cho đầy đủ hơn báo cáo

- Cần bổ sung thêm đính hướng phát triển kinh tế đến 2020.

(4) Chương 3:

Đánh giá tác động gồm 112 trang.

Tại Mục: 3.1.1 Giai đoạn chuẩn bị của dự án: Mỗi công việc có nguồn tác động khác nhau nên phân ra như ở dưới đây:

1. San lấp mặt bằng:

Tác nhân ô nhiễm: Xe san ủi mặt bằng, xe tải vận chuyển đất, cát, đá....

Nguồn gây tác động: Bụi, khí thải, tiếng ồn và độ rung.

2. Xây dựng nhà điều hành, hệ thống giao thông, thu dọn lòng hồ

Tác nhân ô nhiễm: Xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng cát, đá....

Nguồn gây tác động:

- Bụi, khí thải, tiếng ồn và độ rung.

- Nước thải sinh hoạt của công nhân.

- Rác thải thu dọn lòng hồ và rác thải sinh hoạt.

3. Bóc vỏ lớp đất mặt các mỏ đất, đá; đào lấy đất đắp đập, nổ mìn khai thác đá xây, đắp đập

Tác nhân ô nhiễm: Xe tải vận chuyển cát, đá, Các hoạt động nổ mìn

Nguồn gây tác động: Bụi, khí thải, tiếng ồn và độ rung.

4. Xây dựng đập chính và đập tràn, Xây dựng nhà máy điện, Xây dựng kênh dẫn dòng, đường ống áp lực

Tác nhân ô nhiễm: Xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng., Chất thải hoạt động của công nhân xây dựng

Nguồn gây tác động:

- Bụi, khí thải, tiếng ồn và độ rung.

- Nước thải sinh hoạt.

- Chất thải sinh hoạt.

- Tại mục (c) (trang 176) Khả năng tự làm sạch của lòng Hồ : Tổng diện tích đất bị ngập khu vực lòng hồ là 107,5 ha. Trong đó diện tích rừng thường xanh 2,42 ha; rừng hỗn giao (cây gỗ + lồ ô) 104,78 ha, rừng nghèo 0,3 ha. Lượng sinh khối cho các kiểu thảm thực vật khu vực dự án tổng cộng là 10.738 tấn

- Phần này cần bổ sung tính theo phương pháp gì?; Dựa vào quy phạm nào? Bởi thường khi tính sinh khối sẽ tính theo phương pháp các loại sinh khối cây đứng của Kato, Oga Wa đồng thời tham khảo quy phạm thiết kế kinh doanh rừng (QPN6-84) kèm theo QĐ 682/QĐKT ngày 1/8/84 của Bộ Lâm Nghiệp (cũ) nay là Tổng cục Lâm Nghiệp qua các tài liệu cách tính của các dự án thủy điện trong vùng đã làm. Thường để đánh giá khả năng ô nhiễm hữu cơ, nên đưa ra 3 phương pháp (PP) dọn lòng hồ sẽ được đặt ra và lựa chọn:

- PP1: Để nguyên hiện trạng thảm phủ thực vật lòng hồ

- PP2: Chặt bỏ 75% khối lượng thảm phủ

- PP3: Chặt bỏ 50% Khối lượng thảm phủ

Khối lượng, hàm lượng các chất BOD, P, N theo các phương án. Thực tế qua khảo sát cũng như các dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, thì dự án Thủy điện Đồng Nai 6A chọn phương pháp (PP2) chặt bỏ 75 % khối lượng thảm phủ trên bề mặt khu vực lòng hồ là hợp lý.

(5) Chương 4:

Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu và phòng ngừa, Ứng phó sự cố môi trường, Bao gồm 38 trang.

Mục 4.1.1.2. Nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải, tại mục (c) Biện pháp giảm thiểu do khai hoang rừng (trang 299)

- Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ VQG Cát Tiên xây dựng thêm 1 trạm kiểm lâm và hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của trạm kiểm lâm để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động săn bắt, khai thác trái phép động vật, lâm sản khu vực rừng phòng hộ cũng như VQG Cát Tiên.

- Theo hệ thống giao thông để thi công công trình có rất nhiều đường nhỏ chia cắt bởi vậy phải có các chốt canh gác của kiểm lâm tại những vị trí đó (phải có chi tiết bao nhiêu nhân viên trạm, có trang bi phương tiện hay không?) và phải duy trì trạm kể cả giai đoạn tổ chức thi công: Giai đoạn đưa vào sử dụng công trình?

Cần lưu ý: Bổ sung thêm biện pháp tìm kiếm, thu dọn chất độc hoá học

Công trình thuỷ điện Đồng Nai 6A nằm trong khu vực bị rải chất độc hoá học trong chiến tranh. Chất độc hoá học tồn tại rất bền vững trong đất, nên nếu có sẽ làm ảnh hưởng sức khoẻ người dân và động vật trong vùng dự án cũng như chất lượng nước hồ. Chủ dự án nên tìm hiểu chi tiết và thuê cơ quan chuyên môn tiến hành thăm dò chất độc hoá học mặc dù hiện chưa có báo cáo về chất độc hoá học khu vực này.

Việc tìm kiếm và xử lý chất độc hoá học sẽ được cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng tiến hành trong vùng ngập của hồ thủy điện, vùng mặt bằng công trình trừ diện tích lòng các sông, suối, các khu dân cư, diện tích đất canh tác, núi đá.

Công tác cần phải làm là việc trinh sát tìm kiếm từ sơ bộ đến trinh sát kỹ thuật để phát hiện chất độc hoá học, sau đó là bốc hót, vận chuyển và có biện pháp tiêu tẩy các chất này cả ở trên mặt đất lẫn ở dưới lòng đất.

(6) Chương 5:

Chương trình quản lý và giám sát môi trường 26 trang.

Tại mục 5.2.7. Xây dựng mới trạm kiểm lâm (trang 346)

Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ xây dựng mới 1 trạm kiểm lâm nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng. Chi phí xây dựng và vận hành của mỗi trạm như sau:

+ Chi phí xây dựng trạm và trang thiết bị cho trạm hoạt động: 1,5 tỷ VNĐ.

Nếu có thể nên chi tiết hơn về cơ sở hạ tầng của trạm kiểm lâm.

Chương 6 Tham vấn ý kiến cộng đồng

Tại mục 6.3. (Trang 357) Ý kiến của người dân trong khu vực khảo sát

Theo kết quả khảo sát ý kiến của các hộ dân tại xã Phước Cát 2, Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và xã Hưng Bình, huyện Đắk R’Lấp ở vùng lân cận dự án vào tháng 02/2012 cho thấy đời sống của người dân còn khó khăn, chủ yếu làm nghề nông. Kết quả khảo sát cho thấy người dân đều đồng tình với việc xây dựng dự án thuỷ điện. Tuy nhiên, nhóm đại diện cộng đồng dân cư có một số kiến nghị đối với dự án như sau:

- Chủ đầu tư cần có biện pháp cải thiện/nâng cấp các tuyến đường giao thông chính phục vụ cho dự án và người dân nơi đây.

- Mong muốn khi dự án triển khai sẽ sử dụng tối đa nguồn lao động địa phương tham gia vào dự án trong giai đoạn xây dựng và vận hành nhà máy. Trong đó ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ bị ảnh hưởng chuyển đổi sinh kế phù hợp, có công ăn việc làm ổn định để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cuốc sống

- Dự án khi đi vào hoạt động, một phần sản lượng điện được tạo ra sẽ được cung cấp đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho người dân bản địa ở các thôn trên địa bàn.

- Chủ đầu tư cần có chính sách đền bù thỏa đáng cho các hộ bị ảnh hưởng về diện tích cây trồng và sinh kế người dân trong vùng thực hiện dự án.

Vậy đại diện cộng đồng dân cư là những ai? Danh sách của nhóm, phiếu tham vấn cộng đồng? Đề nghị tác giả làm rõ hơn vấn đề này?

Một số điểm cần chú ý khác

1. So sánh diện tích mất đất của dự án ta thấy:

Diện tích mất đất: Giai đoạn chưa có công văn số 1741/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6A.

Bảng 01 : Thống kê diện tích xin cấp đất

TT

Địa danh

Đất rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

Đất rừng phòng hộ Đồng Nai

Đất rừng Vườn quốc gia Cát Tiên

Đất sông suối,bãi đá

Tổng

(ha)

(ha)

(ha)

(ha)

(ha)

A

KHU VỰC LÒNG HỒ

31.12

44.36

28.57

132.95

237.00

1

xã Đồng Nai

44.36

12.0

56.36

2

xã Hưng Bình

31.12

50.95

82.07

3

xã Phước Cát 2

23.06

35.0

58.06

4

xã Đồng Nai Thượng

5.51

35.0

40.51

B

KHU VỰC CÔNG TRÌNH CHÍNH

30.10

16.86

12.54

59.50

1

xã Đồng Nai

30.1

6.27

36.37

2

xã Phước Cát 2

16.86

6.27

23.13

C

KHU VỰC XIN CẤP ĐẤT TẠM THỜI

17.31

5.12

22.43

1

xã Đồng Nai

17.31

17.31

2

xã Phước Cát 2

5.12

5.12

TỔNG

31.12

91.77

50.55

145.49

Nguồn VQHTL

Diện tích mất đất: Giai đoạn có hiệu chỉnh hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên giảm nhiều như bảng 02.

- Công văn số 1741/BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Vườn Quốc gia Cát Tiên để triển khai xây dựng nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

- Công văn số 45/TTg-KTN ngày 31/08/2011 của Thủ Tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng khu vực Cát Tiên sang xây dựng Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

- Công văn số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc chuyển mục đích sử dụng rừng dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A.

Bảng 02: thống kê diện tích xin cấp đất (Viện Tài nguyên MT) (trang 29 của báo cáo)

TT

Hiện trạng sử dụng đất

Đơn vị

Diện tích

A

Khu vực xin cấp đất vĩnh viễn

152,17

1

Khu vực lòng hồ

ha

107,5

1.1

Bờ phải thuộc vùng rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

ha

78,93

1.2

Bờ trái thuộc phân khu phục hồi sinh thái

ha

3,44

1.3

Bờ trái thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

ha

25,13

2

Khu vực công trình chính

ha

44,67

2.1

Bờ phải thuộc vùng rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

ha

27,81

2.2

Bờ trái thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

ha

16,86

B

KHU VỰC XIN CẤP ÐẤT TẠM THỜI

 

22,43

1

Khu vực trạm nghiền sang, kho mìn và đường vào rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

Ha

4,51

2

Đường thi công, khu phụ trợ, nhà ở bờ phải thuộc vùng rừng phòng hộ Nam Cát Tiên

Ha

12,8

3

Đường thi công, bãi thải bờ trái thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Ha

5,12

TỔNG CỘNG

174,6

So với bảng 1 thì bảng 02 vì sao không thấy tính đất sông suối, bãi đá là bao nhiêu ?

Trong báo cáo tham luận của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tháng 9/2011, ông Hà Công Tuấn Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (hiện nay là Thứ trưởng) cho biết đối với nhà máy thuỷ điện để sinh ra 1MW điện thì trung bình mất 4 – 10 ha rừng. Trong khi đó, Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 6A (Công suất lắp máy 106 MW, diện tích chiếm đất 174,6 ha) thì chỉ mất 1,647 ha rừng cho 1MW điện, cho thấy ở dự án này nhỏ hơn 2,43 – 6,07 lần so với diện tích rừng trung bình mất đi khi làm thuỷ điện.

2. Một số lưu ý:

Các số liệu, hình vẽ trong báo cáo cần đề rõ nguồn cấp, các bản đồ trong báo cáo 1 số bản đồ không thấy sử dụng các bản đồ số hoá, đề nghi bổ sung các bản đồ số hoá (không dùng bản đồ chụp của Google map bởi việc ứng dụng tư liệu viễn thám, công nghệ GIS trong công tác khảo sát, điều tra thực địa để xây dựng hệ thống các bản đồ cho báo cáo là rất cần thiết, việc ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng các bản đồ là cơ sở khoa học cho việc tính toán (đề nghị tư vấn nên bổ sung hệ thống bản đồ số hoá vào báo cáo).

- Trên đây là một số nhận định sơ bộ, cần có khảo sát thực tế , các tài liệu thực đo để minh chứng đối chiếu với báo cáo.

III Nhận xét về mô hình thủy văn-thủy lực.

Khi xây dựng mô hình toán phải thực hiện 5 bước chính như sau:

Bước 1: Lựa chọn hệ phương trình cơ bản (governing equation): Các bài toán dòng chảy 1,2 chiều đều sử dụng hệ phương trình Saint-Venant, riêng dòng chảy qua công trình như cống đập thì dùng phương trình Bernoulli. Nói chung để thiết lập các hệ phương trình cơ bản thường dùng nguyên lý bảo toàn (khối lượng, động lượng).

Bước 2: Xác định các tham số, điều kiện biên, điều kiện đầu: Trong các phương trình thường có mặt các tham số, chẳng hạn hệ số nhám Manning trong phương trình Saint-Venant. Các phương trình cơ bản (Governing) đề là các phương trình đạo hàm riêng nên để giải nó cần có điều kiện biên và điều kiện đầu.

Bước 3: Xây dựng thuật toán số: Vì là các phương trình đạo hàm riêng không thể có lời giải giải tích chính xác nên phải sử dụng phương pháp số để giải gần đúng.

Bước 4: Lập trình (programming): Vì cách giải (thuật toán: algorithm) rất phức tạp nên phải lập trình cho máy tính giải.

Bước 5: Việc thử tính đúng đắn của mô hình : Gồm 2 nội dung:

Hiệu chỉnh mô hình (calibration): Trong mỗi mô hình đều chứa các tham số (Chẳng hạn hệ số nhám Manning trong mô hình thủy lực), và cách sơ đồ hóa điều kiện thực (chẳng hạn lấy các mặt cắt đặc trưng cho từng đoạn sông trong mô phỏng) vì thế cần so sánh kết quả tính toán với các kết quả đo đạc thực tế. Trong quá trình này phải hiệu chỉnh (modify) các tham sao cho kết quả tính toán và đo đạc xấp xỉ nhau với độ sai khác có thể chấp nhận được. Mặt khác vì là phương pháp số tính gần đúng cho nên qua hiệu chỉnh sẽ biết được thuật toán (algorithm) được sử dụng đã tốt chưa, nếu sai khác nhiều thì cần xem lại thuật toán (hay cách giải).

Kiểm định mô hình (Verification): Sau khi chấp nhận kết quả hiệu chỉnh (calibration) cần giữ nguyên bộ tham số và số liệu đã hiệu chỉnh và chạy mô phỏng (simulation) với một điều kiện biên thực tế khác. Nếu kết quả mô phỏng chấp nhận được thì ta chấp nhận mô hình để dùng cho thực tế.

Một mô hình đã trải qua 5 bước này được gọi là mô hình làm việc (operational model) và yên tâm sử dụng.

Theo quy hoạch trên hệ thống sông Đồng Nai có 11 bậc thang thủy điện bao gồm Đa Nhim, Đại Ninh, ĐN1, ĐN2, ĐN3, ĐN4, ĐN5, ĐN6, ĐN6A, ĐN8 và Trị An. Ngoại trừ 5 nhà máy thủy điện đã hoạt động là Đa Nhim, Đại Ninh, ĐN3, ĐN4 và Trị An, và 2 nhà máy đang xây dựng là ĐN2 và ĐN5. Để đánh giá sự thay đổi dòng chảy trên sông sau khi 2 nhà máy trên được xây dựng, hệ thống dòng chảy từ Đa Nhim về tới hồ Trị An đã được mô hình hóa bằng phần mềm MIKE BASIN có khả năng đánh giá cân bằng nước, xem xét phân bổ nguồn nước theo các kịch bản khác nhau; Hiện nay MIKE BASIN có cả mô đun chất lượng nước nên cũng có thể phân tích đánh giá chất lượng nước ứng với các kịch bản khác nhau cho vùng không ảnh hưởng triều. Kết quả của MIKE BASIN sẽ là đầu vào quan trọng cho mô hình thủy lực MIKE 11 tiếp theo.

MIKE 11 là mô hình thủy lực có khả năng phân tích đánh giá chi tiết chế độ thủy lực thủy văn. Để xem xét đánh giá các ảnh hưởng liên quan đến mực nước, dòng chảy, vận tốc,..., đặc biệt đối với vùng ảnh hưởng triều, thì đây là công cụ rất hữu hiệu và được ứng dụng nhiều.

Trong báo cáo ĐTM, về thủy văn, thủy lực sử dụng 2 mô hình nói trên là đúng về phương pháp luận và cách tiếp cận. Vấn đề đặt ra là quá trình và kết quả thực hiện có chính xác và đủ độ tin cậy hay không?

Mặc dù thủy điện ĐN6 và 6A chỉ là đập dâng nhưng vẫn có tác động đến dòng chảy sau đập nhưng sự thay đổi này được so sánh với thời điểm nào? ĐN6 và 6A tuy không thay đổi dòng chảy trung bình tháng nhưng sẽ làm thay đổi dòng chảy ngày theo giờ. Điều này là đúng. Thủy điện đập dâng thường chạy phủ đỉnh do vậy trong ngày nếu không phát điện thì sẽ tích nước, nếu tích đầy hồ thì phải xả thừa. Khả năng điều tiết của hồ ĐN 6 và 6A là 15,5 triệu m3 và 9,6 triệu m3. Dòng chảy tự nhiên bình quân tháng kiệt nhất là 20,7 m3/s tại trạm Tà Lài, tính nhanh tại ĐN 6 là khoảng 15m3/s hay chỉ khoảng 1,5 triệu m3/ngày. Dòng chảy này chỉ đủ để phát điện trong vài giờ và như vậy sau đập sẽ chỉ có dòng chảy trong vài giờ mỗi ngày. Nếu thủy điện ĐN 3 và Daktih vận hành trong mùa khô thì cũng chỉ làm dòng chảy ngày tăng lên khoảng 50-60m3/s hay trên 4 triệu m3/ngày. Có thể nói đây là tác động tiêu cực nhất đến môi trường của thủy điện đập dâng. Nhưng đối với cả thủy điện có hồ chứa lớn thì chế độ dòng chảy sau đập trong mùa khô cũng biến động rất mạnh do phải vận hành phủ đỉnh.

Về bài toán với đập của thủy điện ĐN 6 và 6A. Với dung tích tổng cộng cả 02 hồ là gần 100 triệu m3 (ĐN 6 là 64,3 trieu m3 và 6A là 31,17 triệu m3) thì thiệt hại cho hạ du sau đập là đáng kể. Tuy nhiên, khi về đến hồ Trị An thì không còn tác động. Mặt khác, nguy cơ vỡ đập của đập bê tông thấp và khi xảy ra vỡ đập thì vết vỡ phát triển chậm hơn đập đất nhiều lần nên lưu lượng dòng chảy sau đập ĐN6 cũng chỉ khoảng 1.000-1.500 m3/s. Lưu lượng này còn nhỏ hơn lưu lượng lũ đến hồ nhiều lần (Q p0,5% =  8.530m3/s). Xin lưu ý sử dụng mô hình MIKE 11 để tính thủy lực dòng sông là đúng nhưng sử dụng trong bài toán vỡ đâp thủy điện với kịch bản 2 đập ĐN6 và ĐN6A cùng vỡ ở thời điểm nước trong hồ ở cao trình mực nước dâng bình thường thì kết quả sẽ rất hạn chế, không chính xác.

Tác động đến Bàu Sấu: Trong báo cáo cho rằng Bàu Sấu là một hồ tự nhiên hình thành vào mùa lũ trên một nhánh suối nhỏ chảy ra sông Đồng Nai. Chế độ thủy văn của Bàu Sấu không phụ thuộc và chế độ thủy văn của dòng chính sông Đồng Nai do vậy thủy điện ĐN 6 và 6A không tác động đến chế độ thủy văn của Bàu Sấu!? Đây chỉ là lập luận không được minh chứng thuyết phục bằng mô hình toán.

Thất thoát nước do thấm không được tính toán mà lấy từ số liệu thiết kế. Cần xem lại điều kiện áp dụng công thức tính lượng bốc hơi gia tang ở ĐN 6 và 6A? Vấn đề tự làm sạch hồ 2 chứa ĐN6 và ĐN6A sau khi tích nước làm ngập

không thuyết phục.

KẾT LUẬN

Báo cáo ĐTM thực hiện được khá nhiều công việc tốt hơn hẳn so với báo cáo ĐTM lần đầu tiên. Tuy nhiên, các mặt tồn tại như đã nêu ở trên phải được nghiên cứu bổ sung giải trình cụ thể. Đặc biệt là phần tính toán mô hình thủy văn, thủy lực không đủ độ tin cậy. Các mô hình cũng chưa được hiệu chình.

Dự án Đồng Nai 6 sử dụng 77,36 ha đất của Vườn quốc gia Cát Tiên và 77,99 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn. Dự án Đồng Nai 6A sử dụng 59,62 ha đất của Vườn quốc gia Cát Tiên và 157,26 ha đất của rừng phòng hộ đầu nguồn - đều lớn hơn so với mức quy định 50 ha tại Mục b Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về những dự án phải lập Báo cáo đầu tư trình Quốc hội xem xét quyết định về chủ trương đầu tư.

Các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đều có trong các quy hoạch đã được duyệt nhưng không phải là quy hoạch quốc phòng, an ninh còn Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nên theo quy định tại mục d Khoản 2 Điều 11 của Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13 năm tháng 11 2008 phải được ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, tại Quyết định số 1419/QĐ-TTG ngày 27 tháng 9 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã xếp Vườn Quốc gia Cát Tiên vào hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt được bảo vệ, giữ gìn theo Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009.

Tóm lại: Báo cáo ĐTM về dự án thủy điện ĐN6 và 6A chưa đủ điều kiện để Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét, thông qua.

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2012

Người viết nhận xét

Tô Văn Trường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn