Ý kiến của một học giả ngành luật: Cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc vẫn sẽ là chủ đề chính trong thập kỷ tới

Keiko Yoshioka – Phóng viên tờ Ashi Shimbun

Phạm Gia Minh dịch

clip_image001  

Giáo sư luật He Weifang - Hạ Vệ Phương贺卫方 - Đại học Bắc Kinh

 

Chính quyền của Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến nền kinh tế TQ tăng trưởng gần gấp 4 lần, thế nhưng nó để lại cho người thừa kế của mình là Tập Cận Bình nhiều mâu thuẫn xã hội, chẳng hạn như tham nhũng và phân hóa giàu nghèo .

Đại hội ĐCS TQ khai mạc hôm 8/11 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực từ Chủ tịch họ Hồ sang họ Tập.

He Weifang (Hạ Vệ Phương), một Giáo sư ngành Luật ở Đại học Bắc Kinh, người đã từ lâu ủng hộ quan điểm về nhà nước pháp quyền chấp nhận nhiều tự do ngôn luận hơn đã đề cập đến những thách thức mà chính quyền của Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Asahi Shimbun.

Hỏi: Năm 2006 có một cuộc gặp mang tính riêng tư giữa các trí thức ở Bắc Kinh để biên soạn những đề nghị liên quan tới cải cách chính trị sau đó đã được trình lên chính quyền Hồ Cẩm Đào. Tại cuộc gặp đó, ông đã phát biểu rằng các mục tiêu trong tương lai phải là “hệ thống đa đảng, tự do báo chí, dân chủ thực sự và thực thi các quyền tự do cá nhân theo đúng nghĩa của nó”. Ông có thể cho biết thêm chi tiết?

Trả lời: đó là thời điểm mà chính quyền hiện nay bắt đầu bước vào nửa sau nhiệm kỳ của mình. Chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp đó với kỳ vọng rằng chính quyền sẽ có thể làm gì đó vì nó cũng đã củng cố được vị thế của mình. Tuy nhiên chẳng hề có một tiến bộ nào. Có hai lý do cho việc này.

Thứ nhất, khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 các quyết định (của ĐCS và nhà nước TQ – ND) tức thời được đưa ra nhằm vào những biện pháp kích thích nền kinh tế. Trong ngắn hạn chúng đã đạt được kết quả.

Đó là một ví dụ về sức mạnh của chế độ độc đảng cầm quyền nếu so sánh với các dân tộc tiên tiến nơi mà không có quyết định nào lại có thể được thông qua khi không có các cuộc thảo luận dân chủ.

Bởi lẽ Phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng tài chính nên TQ đã vượt Nhật Bản về kinh tế. Tận dụng sức mạnh kinh tế tương đối vượt trội hơn trước, TQ đã trở nên hăng hái hơn trên mặt trận ngoại giao. TQ làm chủ nhà Olympic Bắc Kinh và Triển lãm Thương mại Thế giới ở Thượng Hải.

Những diễn biến đó đã tạo lý do để không vội vàng đẩy mạnh cải cách chính trị vốn khó khăn, phức tạp. Kết cục là đã diễn ra một vài bước thụt lùi trong những cải cách trước đây.

Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước là những cơ sở nhận trách nhiệm thực hiện những biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ đã trở nên mạnh hơn trước.

Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng số các vụ hối lộ có liên quan tới các nhà chính trị và quan chức của chính quyền đạt con số hàng tỷ Đôla (tương đương hàng trăm tỷ Yên) chính là sự gia tăng phạm vi can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế.

Xu hướng đó đã dẫn đến một khái niệm mang đầy tính mỉa mai mô tả nền kinh tế Trung Quốc không hề là một nền “kinh tế thị trường” mà là “ nền kinh tế thị trưởng ” (tương tự như chức vụ Chủ tịch UBND cấp thành phố ở Việt Nam- ND), nơi mà các quan chức có quyền lực mạnh.

Hỏi: Thế nguyên nhân khác nữa là gì?

Trả lời: Có thể đó còn là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các vị lãnh đạo.

Khi mà Mao Trạch Đông cai trị mối quan hệ đó mang phong cách của một ông nội độc đoán với những đứa cháu của mình. Nếu như Mao nói “làm điều này đi” thì mọi thứ đều trở nên có thể bất kể là tốt hay xấu. Ông ta có quyền lực bao trùm lên những nhà chính trị khác.

Khi Đặng Tiểu Bình nắm quyền, mối quan hệ đó đã trở nên kiểu giữa cha và các con trai. Trong khi vẫn tôn trọng một vài nhân vật lớn tuổi hơn thì sự giám sát vẫn được thực thi trên hầu hết các lĩnh vực ngay cả lúc không đạt được sự đồng thuận ý kiến.

Tuy nhiên, điều đó rõ ràng đã thay đổi dưới thời của Hồ Cẩm Đào. Các lãnh đạo cao nhất ví dụ như họ Hồ cũng chỉ là con trai cả còn những người khác là các em trai của anh ta.

Mỗi một vị lãnh đạo lại chịu trách nhiệm về một lĩnh vực riêng, đó có thể là Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hay an ninh công cộng, kinh tế… và họ có những quyền lực mạnh trong các lĩnh vực riêng đó.

Hơn thế nữa, thay vì thảo luận một cách chân thành, thẳng thắn giữa các người anh em trai với nhau thì hình như hệ thống lại vận hành theo lối tránh can thiệp vào công việc của nhau.

Trong khi sự trao đổi có thể giúp ngăn chặn những sai lầm nghiêm trọng , chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa mà Mao đã khởi xướng thì nó còn dẫn đến việc tránh được những quyết định sai có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Điều này có nghĩa là chẳng thể thực hiện được cải cách chính trị nếu như không đi tới tận cốt lõi của cơ cấu hệ thống hiện nay và điều đó có thể sẽ gặp phải sự kháng cự kịch liệt.

Hỏi: Và điều đó đã được thể hiện trong việc lựa chọn người kế nhiệm của họ Hồ?

Trả lời: Nếu như là Mao đã quyết thì mọi thứ coi như đã an bài. Đặng cũng còn có thể chọn Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, còn bây giờ thì khó xác định ai là người ra quyết định. Bởi lẽ không có một cá nhân vượt trội hẳn lên để ra quyết định nên một vài cá nhân khác có thể cảm thấy rằng “ta đây tốt hơn” và sẽ sinh ra chuyện đấu đá chính trị nếu như họ không thỏa mãn với việc lựa chọn được đưa ra.

Hỏi: Phải chăng là điều này đã xảy ra với Bạc Hy Lai, nguyên Bí thư ĐCS Trùng Khánh trước khi bị khai trừ khỏi đảng vì tội nhận những khoản hối lộ khổng lồ và lạm dụng quyền lực?

Trả lời: Mặc dù phẩm chất cá nhân họ Bạc cũng có vai trò ở đây thế nhưng có thể còn do không còn cách nào khác để tham gia vào cuộc chơi chính trị mà lại không phải phô diễn ra rằng bản thân mình là người phù hợp nhất để trở thành một nhà lãnh đạo bằng chiêu thức sử dụng mọi phương tiện có thể để tạo ra sự nổi tiếng trong quần chúng nhân dân và người ngoại quốc.

Nếu như cứ tiếp tục thiếu một nhân vật có quyền uy bao trùm để chọn lựa tầng lớp lãnh đạo trong bí mật thì những cuộc đấu đá quyền lực có thể gây nên một tương lai chính trị hỗn loạn.

Để ổn định nền chính trị, cần phải có nhiều cấp độ đảng viên hơn nữa được tham gia vào quá trình lựa chọn tầng lớp lãnh đạo cao cấp và việc này nhất thiết phải được tiến hành minh bạch hơn.

Hỏi: Hồi tháng 4 năm 2011 ông có công bố bức thư tựa đề “Vì một nền pháp trị và cũng là lý tưởng của tôi” ông đã vạch rõ rằng khi họ Bạc còn giữ trọng trách ở Trùng Khánh chiến dịch làm sạch thành phố khỏi tội phạm có tổ chức đã được tiến hành dẫn đến việc gia tăng các vụ bắt bớ và xét xử coi thường tính pháp quyền.

Ông cũng nghiêm khắc phê phán rằng đó là một sự tái sinh của Cách mạng Văn hóa. Tôi hiểu rằng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa cha đẻ của ông đã từng là mục tiêu đấu tố khiến cụ đã phải tự vẫn.

Trả lời: Chẳng phải riêng mình tôi đã sống qua những biến cố của thời đó.

Sau đấy cuối cùng thì tôi cũng qua được kỳ thi tuyển vào học ngành Khoa học chính trị và Luật của trường Đại học Tây Nam ở Trùng khánh. Các giáo sư và sinh viên, tất cả đều cảm thấy một cách mạnh mẽ rằng nhất định các nhà lãnh đạo không bao giờ lại được phép để trở thành những tên bạo chúa nữa.

Khi mà các bạn tôi và tôi lấy làm sung sướng trước những gì diễn ra sau đó (họ Bạc bị khai trừ khỏi đảng) thì cũng còn một vài việc đáng tiếc xảy ra.

Việc xét xử chẳng là gì khác ngoài trò diễn chính trị và hoàn toàn xa rời nguyên tắc độc lập tư pháp. Không rõ ràng ai phạm tội gì và có ít sự chắc chắn trong cách trình bày chứng cứ và nhân chứng.

Lời tuyên án đã được đưa ra sau một thời gian ngắn cho dù đây là một vụ lớn và nghiêm trọng. Cũng không rõ các ủy viên công tố và luật sư bào chữa phát biểu gì nữa.

Điều đó đã chỉ cho thế giới thấy rằng bộ máy tư pháp ở TQ tồn tại chỉ là để phục vụ chính trị.

Hỏi: Năm nay sẽ có bầu Tổng thống Hoa Kỳ và lựa chọn các lãnh đạo cấp cao TQ, đó là những sự kiện xảy ra đồng thời 20 năm mới có một lần. Người nước ngoài rất quan tâm tới liệu lãnh đạo sắp tới của Hoa Kỳ nghĩ gì, thế nhưng không rõ thế hệ lãnh đạo sắp tới của TQ nghĩ gì?

Trả lời: Có một sự biểu hiện ra bên ngoài của ĐCS cho thấy không có thay đổi gì cả.

Theo truyền thống thì bất cứ một sự khác biệt ý kiến nào sẽ chỉ được công khai ra sau khi đối thủ chính trị đã bị thua. Quá trình tranh luận, kể cả về ngoại giao không bao giờ được công khai hóa.

Trong một hệ thống như vậy khó có thể làm cho người ngoại quốc quan tâm tới việc tìm hiểu người TQ nghĩ gì.

Chỉ khi nào TQ bắt đầu coi trọng việc đánh giá, nhìn nhận trong con mắt của cộng đồng quốc tế, hay còn gọi là quyền lực mềm thì lúc đó mới có nhu cầu để hiểu rằng hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế có liên quan mật thiết tới cái cách hành xử trong chính sách đối nội.

Hỏi: Sự đối đầu về vấn đề đảo Senkaku đã làm gián đoạn việc trao đổi không chỉ giữa hai chính phủ mà còn hệ lụy đến kinh doanh, văn hóa và thể thao. Các tiểu thuyết dịch của nhà văn Haruki Murakami đã bị đưa ra khỏi quầy ở hiệu sách. Vậy ông có suy nghĩ gì?

Trả lời: Chính phủ TQ sợ tiếng nói công luận cho nên họ lo rằng sẽ bị chỉ trích nếu tiếp tục trao đổi với Nhật Bản.

Vì lẽ các nhà lãnh đạo không có tính chính danh do không được bầu lên bởi nhân dân cho nên họ sợ đối đầu.

Sau các cuộc biểu tình chống Nhật, chính phủ chỉ kêu gọi một sự đáp trả hợp lý khi mà họ nhận thấy có nhiều ý kiến trên mạng Internet phê phán các hành động đốt phá xe ô tô Nhật.

Hỏi: Ông cũng ký tên vào một tài liệu lưu truyền trên Internet do một phụ nữ viết đòi tự do ngôn luận và nhân quyền. Tài liệu đó kêu gọi một sự quay trở lại với lý trí và lẽ phải trong quan hệ Trung – Nhật. Tại sao ông lại phê phán việc đưa sự đối đầu về chính trị sang các lĩnh vực khác như văn hóa và kinh doanh như là một thái độ không khôn ngoan?

Trả lời: Tôi cảm thấy rằng nếu những ý kiến rất khác nhau ở TQ được chuyển tải sang Nhật thì chúng sẽ làm giảm bớt căng thẳng.

Cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình chú trọng vào tăng trưởng kinh tế và hạn chế những tranh luận đã đạt tới điểm giới hạn của nó. Trong khi một cách công khai điều đó đã dẫn tới việc lảng tránh thảo luận về nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận, báo chí thì hiện nay tranh luận trên mạng Internet đã được khởi động lại.

Hỏi: Có những cuộc biểu tình lớn do người dân bất bình trước những vấn nạn về môi trường và điều kiện lao động, một số cuộc biến thành bạo động và gần đây, quần chúng đã chống lại việc mở rộng nhà máy hóa chất ở Ningbo, tỉnh Zhejiang trong suốt cả một tuần lễ. Sự kiện này lại xảy ra ngay cả khi chính quyền dường như đã cảnh báo mạnh mẽ chống lại các cuộc phản đối trước Đại hội ĐCS TQ.

Trả lời: Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao sự phản kháng lại xảy ra lúc này. Với việc chính quyền cảnh báo và sử dụng áp lực lên quần chúng để không xảy ra lộn xộn phức tạp thì quần chúng lại cho rằng cái lý lẽ của họ sẽ được nghe khi chính quyền phải ra tay làm dịu tình hình nếu họ gây nên sự náo loạn (theo lối nghĩ con có khóc thì mẹ mới cho bú – ND) .

Càng ngày càng có nhiều người cho rằng con đường duy nhất để phản đối lại một chính phủ không biết điều là sử dụng các biện pháp không biết điều.

Chính quyền đã nỗ lực kiềm chế những động thái xã hội này bằng cách tăng cường công tác an ninh, tăng ngân sách và lực lượng nhân sự (kế hoạch chi phí cho an ninh nội địa TQ năm 2012 đạt con số 701.8 tỷ NDT trong khi đó chi phí quốc phòng chỉ có 670.3 tỷ ND. Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/201226_lythanh.pdf hoặc Shijie Ribao .3/5/2012.A4).

Tuy nhiên, tôi cảm nhận thấy rằng không chỉ quần chúng nhân dân mà cả những người trong chính quyền đã bắt đầu cảm thấy lo sợ những lực lượng xã hội sắp trở nên rất hùng mạnh.

Hỏi: Ông nói thế nghĩa là thế nào?

Trả lời: Nếu như các lực lượng an ninh công cộng, cảnh sát và quân đội càng ngày càng trở nên đông đảo thì sức mạnh của nhân dân thường trực trong các lực lượng đó cũng trở nên mạnh hơn rất nhiều.

Có những thứ được lập ra để quản lý xã hội nhưng đang trở nên có khả năng chống đối lại trật tự hiện hành vào một ngày nào đó, thậm chí chúng hướng vào cấp lãnh đạo cao nhất (điển hình là các lực lượng vũ trang Liên Xô thời Goocbachov-Elsin và sau này của Kadaphi và Mubarak khi chính quyền tỏ ra rệu rã đã quay súng và đứng về phía quần chúng – ND).

Con đường duy nhất tránh được nỗi sợ đó là nỗ lực một cách nghiêm túc để thiết lập nên một hệ thống có thể phản ánh tiếng nói của quần chúng đối với lĩnh vực chính trị trong khi vẫn cho phép tồn tại các lực lượng đối lập lành mạnh.

Hỏi: Với mối quan hệ của Tập Cận Bình với các lãnh đạo cấp cao khác theo kiểu quan hệ giữa các anh em thì liệu ông ta có khả năng thúc đẩy cải cách không?

Trả lời: Tôi không dám chắc, bởi lẽ ở TQ những người đã leo lên vị trí cao nhất không bao giờ bày tỏ sớm quá ý nghĩ thực sự của mình.

Tuy nhiên, nếu có một sự khác biệt nào đó của Tập Cận Bình khi so sánh với các vị lãnh đạo khác tính cho đến ngày hôm nay thì họ Tập là vị Tổng bí thư đầu tiên có người cha cũng từng giữ vị trí cao trong ĐCS TQ. Cha của Tập Cận Bình từng nổi tiếng như một nhân vật khai sáng.

Các nguồn lực (hiểu theo nghĩa những mối quan hệ cá nhân) mà người cha của họ Tập để lại có thể sẽ đóng vai trò như một tài sản chính trị.

Một quốc gia được điều hành bởi một đảng mà tính chính danh của đảng đó chỉ dựa trên sự phát triển kinh tế không thôi thì là một quốc gia bấp bênh.

Hơn nữa, sự phát triển kinh tế đó đã đạt tới giai đoạn mà không thể tách rời với cải cách thể chế chính trị là thứ rất cần thiết để đem lại sự phân phối của cải công bằng.

Tôi tin rằng cải cách chính trị sẽ vẫn là chủ đề chính trong 10 năm tới.

Thăng long – Hà nội 12/11/2012

K.Y.

Nguồn: Asahi Shimbun 7/11/2012

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn