Chỉ đổi tên nước để làm gì?

Tô Văn Trường

Đọc báo chính thống cũng như báo “lề dân” mấy hôm nay hẳn chúng ta đều không khỏi cảm thấy ngỡ ngàng trước những “đổi thay chóng mặt” trong cách Ban soạn thảo Hiến pháp nhanh chóng chỉnh đốn câu chữ theo tinh thần có vẻ như “thực sự cầu thị” dựa trên “ý nguyện” của dân, cho đến nỗi tên nước cũng sẵn sàng chuyển phắt trở về với danh xưng đã từng khai sinh năm 1946. Chyển đổi vội vàng đến nỗi trong Dự thảo Hiến pháp viết lại lần thứ ba vừa mới công bố thì chỉ điều khoản đầu tiên nói về tên nước là có hai phương án, hoặc giữ nguyên CHXHCNVN, hoặc trở lại với VNDCCH, còn tất cả các điều khoản sau thì thật trớ trêu, mấy chữ Cộng hòa XHCNVN vẫn cứ nghiễm nhiên ngự trị.

Vậy là VNDCCH chỉ là cái vỏ cho bộ ruột CHXHCNVN, nói một cách ví von thì đây vẫn là ông Tổng biên tập của tờ báo Đảng xưa kia nay ký một bút danh khác. Đổi tên nước đâu có dễ như đổi bút hiệu cho một dư luận viên nào đó để y dễ bề tự tung tự tác chống lại nền dân chủ trên internet mà không ai phát hiện! Và vì thế người ta bỗng đâm ra phân vân, không hiểu ngay từ đầu, trong tầm nhìn chiến lược, các vị đề xuất việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 có quan niệm đây là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt trọng đại hay không, để đến nay, sau khi đã dấy lên cả “một cuộc vận động chính trị rộng lớn trên toàn quốc”, đến mức phải in ra hàng mấy chục triệu bản dự thảo Hiến pháp phát về tận các cơ sở vô cùng tốn kém, mọi việc lại có vẻ chắp vá đến khó hiểu? Hay đúng như điều mà chúng tôi, những người sáng lập và điều hành trang BVN đã e ngại trong cuộc mạn đàm vào ngày đầu năm, rằng biết đâu cái việc tưởng cao sâu này chung quy cũng chỉ là một trò bút mực, một chuyện tu sức văn vẻ cho vui, nhằm đánh đổi một cái gì đó trên trường ngoại giao, trong tình hình đất nước đang lâm thế kẹt hiểm nguy về nhiều mặt, còn bản chất vấn đề thì đâu vẫn đấy.

Bởi thế, điều mà chúng tôi muốn bạn đọc nhắm tới trong yêu cầu sửa đổi Hiến pháp lần này, để may ra còn giành được một cái gì hữu ích cho con đường dân chủ hóa thật sự đất nước, đó là một vài mục tiêu rất giới hạn nhưng thiết thực sau đây mà chúng ta nên cùng nhau trao đổi thẳng thắn và kiên trì đề xuất với người có trách nhiệm thực hiện bằng được: 1. Cần xóa bỏ điều 4, bởi vì điều này xét cho cùng chỉ là chuyện thuộc về đảng phái, trong khi Hiến pháp thì bao giờ cũng là bản khế ước của nhân dân với người cầm quyền, thể hiện quyền sống thiêng liêng của mình, sự gắn bó hòa hợp giữa những thực thể xã hội khác nhau (đảng phái cũng nằm chung trong đó, và quyền uy của một đảng là do uy tín thực của nó trong đời sống quyết định), bằng những điều luật cơ bản nhất, nhằm dựa vào đấy mà có biện pháp chế tài cần thiết mỗi khi kẻ cầm quyền tùy tiện vượt ra khỏi những điều luật đã được hiến định; 2. Cần xác định rõ quyền con người phân biệt với quyền công dân, theo đúng Công ước quốc tế về quyền con người năm 1948 và các công ước khác mà Việt Nam đã ký kết, là những quyền do Tạo hóa ban cho và không thể bị tước bỏ, được cụ thể hóa bằng những quyền mưu cầu hạnh phúc, tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội, tín ngưỡng, bình đẳng trước pháp luật... Trong văn bản Hiến pháp sửa đổi không được dùng bất kỳ xảo thuật văn chương nào nhằm giảm đẳng hiệu lực thực tế của những quyền cơ bản đó, cản trở các quyền đó bằng cách đưa vào một loạt nghĩa vụ một cách tùy tiện, để lúc hữu sự thì bộ máy cầm quyền nhân danh điều này điều nọ như các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị... tha hồ chà đạp lên quyền con người của dân, tức là chà đạp lên Hiến pháp, mà thực tế nhiều năm qua trong cuộc sống hàng ngày đã cho ta thấy quá nhiều bằng chứng; 3. Cần khẳng định quyền đa sở hữu về đất đai thay cho khái niệm “sở hữu toàn dân” đã bộc lộ sự sai trái đến phi lý, lại còn là một chỗ dựa để bọn tham nhũng đất đai lộng hành dẫn đến nhiều oan sai đẫm máu và nước mắt trong đời sống của xã hội bao nhiêu năm nay; 4.Cần quy định quân đội phải là lực lượng luôn luôn trung thành với nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, ngoài ra không còn một mục đích nào khác. Không một tổ chức nào được phép điều động quân đội vào các nhiệm vụ đi ra ngoài quy định then chốt nói trên, chẳng hạn dùng quân đội để đàn áp dân chúng, xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; 5. Để cho một bản Hiến pháp có hiệu lực và được người dân tin theo như một bộ luật mẹ làm nền tảng cho pháp luật của cả nước, trước khi ban hành cần tổ chức phúc quyết Hiến pháp một cách nghiêm minh, có sự giám sát chặt chẽ của những tổ chức không đảng phái và có chứng kiến của các tổ chức quốc tế, được tiến hành rộng rãi trong toàn dân.

Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu ý kiến của TS Tô Văn Trường về việc đổi tên nước.

Bauxite Việt Nam

Lâu nay, mỗi khi được đọc bài phát biểu của số vị lãnh đạo cấp cao do ai đó trong Hội đồng lý luận soạn thảo trước, suy ngẫm tôi hiểu vì sao đất nước ta, dân tộc ta sẽ còn bị trầm luân, bởi vì họ:

“Nói những điều không biết

Viết những điều không hiểu

Sợ mất những điều không đáng có”

Ngay từ khi đọc thông tin công bố khuyến khích người dân cả nước không có vùng cấm tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, những người tỉnh táo biết rằng “trò chơi” nửa vời, hình thức này sẽ tốn kém rất nhiều tiền thuế của dân và thời gian, công sức của giới trí thức. Trong bài viết: “Hiến pháp của ai”, tôi đã nêu 4 vấn đề cốt lõi bất cập của việc sửa Hiến pháp cho đến nay vẫn mang nguyên tính thời sự!

Mấy ngày gần đây, lại rộ lên thông tin Ban soạn thảo Hiến pháp đưa ra phương án đổi tên nước. Có ý kiến tán thành hay phản đối là tùy theo nhận thức và góc nhìn của mỗi người, đừng ném đá nhau làm gì. Chỉ cần nói chủ quyền là của dân, nếu dân quyết định đổi tên nước thì đó là việc không ai có quyền ngăn cản.

Nếu “mổ xẻ” sâu xa hơn thì việc đổi tên nước cũng chỉ như cốc nước tạm thời “an thần” cho người đang bị trọng bệnh nan y chưa có thuốc giải. Tiến sĩ Hoàng Lê Tiến đang làm việc ở xứ người nhưng luôn quan tâm đến vận nước mới gửi mail tâm sự nguyên văn như sau: Nhiều khi Tiến tự hỏi, ở nước ta có bao nhiêu người thực sự hiểu chủ nghĩa Mác, rồi vào những năm cuối thể kỷ 20 chắc chúng ta chưa có tiến sĩ về chuyên môn này, thế ai là người hướng dẫn tiến sĩ cho một loạt các tiến sĩ rồi sau đó qua hội đồng phong giáo sư nhà nước (trong hội đồng có bao nhiều người có chuyên môn về chủ nghĩa Mác). Cho nên mới có một loạt GS L… như thế! Cho nên phải nhắc lại câu nói của Bác Hồ: đi lên chủ nghĩa xã hội “bò” qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thế nhưng các chú đâu có hiểu tiếng Nghệ - bác nói bò qua thì các chú lại hiểu là “bỏ” qua, thế mới chết chứ!”

Tạm gác câu chuyện có tính truyền thuyết nói trên, trao đổi với vị trưởng thượng, chúng tôi hiểu vấn đề không chỉ là đổi tên nước mà đã tới lúc phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa gắn với chế độ toàn trị. Chủ nghĩa xã hội theo học thuyết Mác-Lênin dựa trên ba trụ cột coi như nguyên lý: thứ nhất là đấu tranh giái cấp và chuyên chính vô sản; thứ hai là xóa bỏ tư hữu (về tư liệu sản xuất, trong đó có đất đai); thứ ba là không chấp nhận kinh tế thị trường (thay bằng kế hoạch hóa tập trung). Cuộc đổi mới từ Đại hội Đảng lần thứ VI thực chất là thay đổi hai nguyên lý sau nhưng chưa triệt để. Còn nguyên lý thứ nhất thì không nói tới trong các văn kiện nữa (nhớ rằng Nghị quyết Đại hội III, IV và V đều đặt "nắm vững chuyên chính vô sản" lên đầu tiên trong đường lối chung), nhưng về tư duy lãnh đạo cũng như hoạt động thực tế thì hầu như không thay đổi mà vẫn củng cố chế độ toàn trị.

Trước đây, khi được mời tham luận trong Hội nghị toàn quốc về cải cách hành chính quốc gia do Bộ Nội vụ và báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, tôi viết bài “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam” đã đụng chạm đến quan điểm chuyên chính vô sản! Đây chính là thực chất của chế độ chính trị ở những nước còn tự nhận đi con đường xã hội chủ nghĩa. Định nghĩa về chế độ toàn trị trong từ điển Larousse năm 2002 (cả tiếng Pháp nguyên gốc và bản dịch sang tiếng Việt)

Định nghĩa trong từ điển Petit Larousse 2002

Totalitarisme : Système politique caracterisé par la soumission complète des existences individuelles à un ordre collectif que fait régner un pouvoir dictatorial. Encycl. La fusion des pouvoirs exécutif, législatif et judiciaire, l’existence d’un parti unique, la diffusion d’une idéologie hégémonique, la mobilisation des masses, le contrôle policier, la repression, l’élimination des catégories de la population designées comme boucs emissaires sont des traits partagés par les régimes totalitaires, dont l’étude a été developpée notamment par H.Arendt, soucieuse de penser les similitudes des régimes nazi et stalinien

Chủ nghĩa (chế độ) toàn trị : Hệ thống chính trị được đặc trưng bởi sự phụ thuộc hoàn toàn của các cá nhân vào một trật tự chung theo sự cai trị của một chính quyền độc tài. Từ điển bách khoa: Sự hợp nhất các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp, sự tồn tại một đảng duy nhất, sự phổ cập một ý thức hệ thống trị, sự huy động quần chúng, sự kiểm soát của cảnh sát, sự đàn áp, loại trừ các nhóm dân cư được coi như bung xung, đó là những nét chung của các chế độ toàn trị mà việc nghiên cứu được mở rộng, đặc biệt là nhờ H.Ariendt, quan tâm tới sự đồng dạng của chế độ phát xít và chế độ Stalin.

Ngẫm suy, nếu bây giờ ta đổi lại Việt Nam dân chủ cộng hòa thì rõ ràng cũng khác với VNDCCH năm 1954 - 1975 rồi. Thế giới đều nghĩ vậy, chỉ có ta không chịu nên mới có Việt Nam Cộng hòa là "bù nhìn" của đế quốc Mỹ mà thôi. Cái vòng nhân quả của thủ đoạn chính trị tất nhiên là vậy đấy. Càng bày lý lẽ càng oan trái nhiều (nhại Kiều)! Nhưng rõ ràng sau 30/4 /1975 thì hai Chính phủ VNDCCH và Cộng hòa miền nam Việt Nam hiệp thương thống nhất đất nước, lập ra Chính phủ Cộng hòa XHCNVN. Về mặt pháp lý thì CHXHCNVN là nối tiếp và kế thừa VNDCCH và VNCH-CHMNVN chớ không phải chỉ liên tục của riêng VNDCCH. Và tất nhiên càng không phủ định VNCH.

Về chính trị đến đây ta  mới thấy vấn đề đại đoàn kết toàn dân, HÒA GIẢI rồi mới HÒA HỢP  DÂN TỘC do Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất là thấu tình đạt lý và cũng rất biện chứng, không thể không làm. Và nếu không làm thì lịch sử dân tộc này không thể là một dòng chảy thông suốt. Lý lẻ này, chắc trên thế giới không ai mà không công nhận, chỉ trừ Trung Quốc! Nhưng ta và Trung Quốc từng cùng phe không công nhận VNCH, vậy coi trong văn kiện, lời hứa có gì mắc mớ với họ không mà thôi. Nhưng dù ta không có sơ hở gì đi nữa thì "mưu Tàu" thâm ác là vô biên. Việc ta phải ta cứ làm. Nhưng để cho chắc ăn từ hình thức lẫn nội dung thì sửa lại "CỘNG HÒA VIỆT NAM" như phổ biến ở các nước đều có ý nghĩa hơn, thực tế hơn quốc hiệu hiện thời CHXHCNVN. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi cần nhớ rằng nếu chỉ đổi tên nước mà không chuyển từ toàn trị sang dân chủ thì vô nghĩa, chưa kể các “ẩn số” hệ lụy đằng sau của việc đổi tên nước!

Thay cho lời kết

Lúc này, ta vẫn còn đủ thời gian, lực lượng và cả uy tín để sửa sai, sửa cái chưa hợp lý, sửa cái dân chưa đồng tình. Cơ hội đi qua là không trở lại, cần bình tĩnh nhìn lại đất nước ta từ ngày hội nhập chẳng những không rút ngắn khoảng cách mà còn tụt hậu xa hơn, cho dù ta có tiến bộ xa một trời một vực so với 1985. Nhưng nếu chỉ có ta so với ta thì có khác  nào cứ lải nhải với con cháu về bài ca “ăn mày dĩ vãng” mà thế hệ trẻ chỉ so sánh với cái mà chúng thấy, quốc gia mà chúng biết. Hãy thật lòng, cho dù có đau, nhìn cách Hunsen hành xử sau 1991 mà nên cả cơ đồ, Myanmar trở mình sau một giấc mơ thế kỷ, v.v. là những bài học thực tế vì họ biết vượt lên chính mình!

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn