Nhân kỷ niệm một năm sự kiện cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang ngày 24/04/2012

Hà Huy Sơn

Chưa bao giờ Nhà nước bị mất uy tín với nhân dân như hiện nay. Chỗ dựa truyền thống và duy nhất của đất nước chính là nông dân, nông thôn. Thế nhưng cơ quan các cấp chính quyền lại nợ một trách nhiệm đạo lý với nông dân, nông thôn không chỉ Văn Giang nói riêng mà còn với nông dân, nông thôn cả nước nói chung.

Thấm thoát, thế đã một năm ngày 24/04/2012 xảy ra sự kiện chính quyền huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đai của nông dân Văn Giang để giao cho Công ty Việt Hưng chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ecopark. Nhân đây tôi xin nêu ra một số yếu tố pháp lý liên quan đến sự kiện này.

Để thu hồi đất trên cánh đồng xã Xuân Quan, huyện Văn Giang của dân Văn Giang giao cho chủ đầu tư dự án Ecopark nhưng UBND huyện Văn Giang lại không có căn cứ để ra quyết định thu hồi đất theo quy định của luật đất đai. Vì cho đến nay thì các thửa ruộng của người dân ở cánh đồng Xuân Quan đã được UBND huyện Văn Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước mà chưa có một quyết định thu hồi Giấy chứng nhận nào đối với họ, hay nói cách khác chính những người dân Xuân Quan đang là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với những thửa đất đó. Nhưng trung tuần tháng 12/2012, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, Đặng Thị Bích Thủy ra một loạt các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với các hộ dân xã Xuân Quan mà không dựa vào căn cứ pháp luật nào. Hành vi này đã không được người dân đồng tình và không thực hiện. Và rồi ngày 05/01/2012, thì xảy ra sự kiện Tiên Lãng, Hải Phòng cả nước biết đến đã làm nhức nhối toàn xã hội. Tưởng chừng như thế, chính quyền huyện Văn Giang đã đủ rút ra bài học cảnh tỉnh cho mình để trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thuộc thẩm quyền của mình phải thực hiện đúng pháp luật. Nhưng hoàn toàn không, ngày 05/04/2012 Chủ tịch UBND huyện Văn Giang ra một loạt các quyết định “về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” để ngày 24/04/2012 tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng tức là hủy hoại toàn bộ tài sản, cây cối, hoa màu trên đất của người dân để giao cho chủ đầu tư dự án Ecopark – một sự kiện lớn hơn gấp nhiều lần vụ Tiên Lãng về quy mô. Các quyết định hành chính này sai cả hình thức lẫn nội dung áp dụng luật pháp. Quyết định của UBND huyện nhưng lại do cá nhân Chủ tịch ký chứ không phải là Chủ tịch ký thay mặt UBND; pháp luật về cưỡng chế xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định không có “biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đai để giải phóng mặt bằng giao cho chủ đầu tư”. “Cưỡng chế thu hồi đất đai” là một định chế pháp luật khác được quy định rõ ở điều 39 Luật đất đai năm 2003 và điều 32 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ.

Những người dân Văn Giang – nạn nhân của sự kiện ngày 24/04/2012, đã có đơn yêu cầu UBND huyện Văn Giang cung cấp Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời có đơn khiếu nại hành vi của UBND huyện Văn Giang hôm đó nhưng không được trả lời và sau đó là có đơn khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân huyện Văn Giang nhưng đã quá thời hạn luật định Tòa không thụ lý. Mặt khác, thừa lệnh Chủ tịch UBND huyện Văn Giang, Chánh Văn phòng UBND huyện Chu Văn Mười ngày 28/03/2013 đã có văn bản trả lời cho những người có đơn yêu cầu cung cấp quyết định cưỡng chế thu hồi đất, với nội dung: Đối với một số gia đình vì không thuộc diện cưỡng chế ngày 24/04/2013 nên “UBND huyện không có căn cứ để cung cấp văn bản theo yêu cầu” (nhưng đã bị cưỡng chế ngày 24/04/2012); hoặc đối với các gia đình khác thuộc diện cưỡng chế “Do không thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Điều 32 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 nên UBND huyện Văn Giang không có cơ sở để cung cấp văn bản yêu cầu” (tức quyết định cưỡng chế thu hồi đất). Như vậy là đã rõ, UBND huyện Văn Giang ‘hồn nhiên” công nhận cơ sở pháp lý cho hành vi cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện văn Giang ngày 24/04/2012 ở xã Xuân Quan là trái pháp luật mà không cần phải giải quyết khiếu nại của dân và Tòa án thì không thụ lý đơn khởi kiện. Vậy Công lý cho người dân Văn Giang là ở đâu? Cơ quan, cá nhân nào là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng?

Sự kiện Văn Giang xảy ra trong bối cảnh nguy cấp của của đất nước từ bên trong cho đến bên ngoài. Trong nước: Quốc nạn tham nhũng không còn khả năng ngăn chặn, trong xã hội pháp luật không được tôn trọng; các doanh nghiệp nhà nước đứng trước nguy cơ phá sản cả hệ thống, thể chế tài chính – tiền tệ khủng hoảng không có lối thoát, kinh tế suy thoái trầm trọng… Biển và và hải đảo: Trung Quốc đã xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đang biến quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chính của Trung Quốc. Tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã đặt được chân lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và hàng ngày, hàng giờ dùng vũ lực và mọi thủ đoạn tấn công ngư dân, xâm phạm chủ quyền vùng lãnh hải của Việt Nam. Quan hệ bang giao mọi mặt với Mỹ thì chưa được bình thường hóa và các quan hệ quốc tế thì chưa phải là tốt đẹp.

Những điều đó đã dẫn đến niềm tin trong xã hội đang xuống đến mức thấp nhất mà chưa dừng lại. Chưa bao giờ Nhà nước bị mất uy tín với nhân dân như hiện nay. Chỗ dựa truyền thống và duy nhất của đất nước chính là nông dân, nông thôn. Thế nhưng cơ quan các cấp chính quyền lại nợ một trách nhiệm đạo lý với nông dân, nông thôn không chỉ Văn Giang nói riêng mà còn với nông dân, nông thôn cả nước nói chung. Nếu tiếp tục quay lưng lại với nông dân, nông thôn hay nói cách khác tấn công vào nông dân, nông thôn là phá vỡ nền tảng lịch sử bền vững của xã hội Việt Nam, đây chính là hành động tự sát chứ không phải là điều khác mới có từ ngày hôm qua.

Hà Nội, ngày 18/04/2013

H.H.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn