Nhận xét về vụ án Đoàn Văn Vươn

Minh Hoàng

(Góc nhìn của Dân đen – kẻ ngoại đạo không thuộc ngành luật: Chúng ta phải làm gì để giúp anh Vươn? Giúp anh Vươn là giúp chính chúng ta, những con người Việt Nam hôm nay)

Saigon, Chủ nhật  07 tháng 04, 2013

Dư luận rất bất bình về kết quả xử án của tòa án Hải Phòng đối với gia đình ông Vươn. Thực ra, với cách xử án xưa nay của nhà nước Việt Nam, khi chưa xử xong thì người ta cũng đã có thể đoán được kết quả thế nào rồi! Nếu ai cảm thấy bất bình, thì xem ra người ấy vẫn còn chưa tỉnh ngộ, vẫn chưa hiểu rằng họ đang sống với “Ai” và sống trong “Chế độ” nào. “Đảng đã cho ta “sáng” mắt, “sáng” lòng”… (lời bài hát). Miền Bắc thì đã trải qua 68 năm, còn Miền Nam thì 38 năm, sau bấy nhiêu thời gian rồi mà nhiều người vẫn chưa “sáng” (ngộ) ra được. Có bao giờ chính quyền thực sự vì dân đâu, thường nói một đường làm một nẻo. Chỉ có dân làm vì chính quyền mà thôi; dân đóng thuế các loại; dân đóng góp từng miếng cơm manh áo lúc mới hình thành lực lượng “cách mạng” cho đến khi lên nắm chính quyền; dân đóng góp con người, con em của mình dứt ruột đẻ ra để vào quân đội, cống hiến bao xương máu, bao hy sinh để bảo vệ chính quyền, mong được mang về độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho mọi người, ấm no cho toàn dân. Nhưng đây vẫn còn là ước vọng hảo huyền, ảo tưởng khi chính phủ vẫn do một Đảng cầm quyền không thực sự vì lợi ích của nhân dân, mà chỉ vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Thế thì không riêng vụ án của ông Vươn, mà tất cả các vụ án xưa nay do tòa án của Việt Nam dưới sự lãnh đạo “sáng suốt và tài tình” của Đảng xử đều có kết quả gần như nhau: Nhân dân đều là bị cáo và đều có tội, thuộc về chính quyền thì hoàn toàn vô tội.

1. Xét cặp phạm trù “nguyên nhân và kết quả”

Nếu chúng ta không tách bạch rạch ròi ra, đâu là “nhân” và đâu là “quả”, thì chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo, làm cho chúng ta giải quyết vấn đề một cách hồ đồ, lẫn lộn, không thể phân biệt được “con gà có trước hay cái trứng có trước?”. Xét về vụ án của ông Vươn cũng vậy, chúng ta phải phân biệt cho được đâu là “Nhân” và dẫn đến đâu là “Quả”. “Nhân” phải chịu trách nhiệm chính hay “Quả” phải chịu.

Ngoài ra còn phải xét đến các khía cạnh tính chất của mối quan hệ nhân quả đó nữa: Nhân tốt – Quả tốt; Nhân xấu – Quả xấu; Nhân tốt – Quả xấu; Nhân xấu – Quả tốt (ở đây chúng ta không xét theo thuyết nhà Phật: gieo nhân nào - gặt quả đó).

Từ vụ án ông Vươn, cái sai nằm ở quyết định cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật của chính quyền Tiên Lãng, cái sai từ việc chính quyền Tiên lãng dùng quân đội có trang bị vũ khí hiện đại để cưỡng chế người dân (quân đội chỉ dùng để đối phó với giặc ngoại xâm và quân thù chứ không dùng để đối phó với người dân vô tội, không có vũ khí trong tay, những người mà bản thân mình cũng đã từng phục vụ quân đội và đã phải hiến con em của mình phục vụ cho quân đội)

Những người dân hiền lành ban đầu thực sự là vô tội. Làm giàu cho mình, cho xã hội – đất nước bằng cách khai khẩn đất hoang, lấn biển để nuôi trồng thủy sản thì không phải là cái tội, mà đáng phải được biểu dương và hoan nghênh, nhưng chính quyền Tiên Lãng lại xem đây là một cái tội và cưỡng chế thu hồi đất, nơi mà gia đình và dòng họ ông Vươn đã tốn bao công sức, mồ hôi và thậm chí cả máu của mình để đổi lấy thành quả đó. Sau nhiều lần gia đình ông Vươn kêu oan lên các cấp chính quyền, nhưng kết quả thì sao? “Kêu Trời – Trời chẳng thấy, Gọi Đất – Đất không hay”, “Nỗi Oan này biết tỏ cùng ai!”.

Gia đình ông Vươn muốn làm một người dân đàng hoàng, được pháp luật của xã hội bảo vệ bằng cách đưa đơn ra Tòa nhờ phân xử. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, mọi người đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, vậy tại sao các tòa án ở Hải Phòng không nhận đơn khiếu nại và xử công bằng cho ông Vươn? Tại sao và tại sao? Hay là luật chúng ta không nghiêm, thích thì xử, không thích thì không xử, hay còn bị lũng đoạn bởi thế lực nào khác nữa? Và nếu vụ án của ông Vươn được xử một cách công bằng trước đó thì làm gì có chuyện cưỡng chế sai luật của chính quyền Tiên Lãng? Và nếu chính quyền Tiên Lãng không cưỡng chế sai luật thì đâu ép ông Vươn đến bước đường cùng phải phản kháng tự vệ một cách tiêu cực trong tuyệt vọng để chống lại đội cưỡng chế? Còn nếu ông Vươn buông xuôi, sợ sệt, không dám phản kháng lại việc cưỡng chế sai luật thì ông Vươn cũng vĩnh viễn bị mất đi tất cả tài sản bao nhiêu năm tốn công gầy dựng nên, nhìn vào gương bị mất đất của nhiều dân oan khiếu kiện trước đây thì biết ngay kết quả. Chúng ta phải vinh danh lòng can đảm của ông Vươn dám chống lại bạo quyền.

Công bằng mà nói, nếu xét nguyên nhân sinh ra tội xuất phát trước tiên là từ ngành Tư pháp, Tòa án Tiên Lãng và Hải Phòng không làm hết trách nhiệm của mình khi có công dân khiếu nại, khiếu tố. Sau đến là chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế sai luật (Thủ tướng cũng đã có ý kiến). Từ hai cái “Nhân sai” trên mới dẫn đến cái “Quả đúng” của gia đình ông Vươn là phải phản kháng tự vệ để phản đối cái sai của chính quyền, nhưng hành động dùng vũ khí tự tạo của gia đình ông Vươn không phù hợp theo luật pháp Việt Nam, nếu là ở Mỹ hoặc các quốc gia khác có luật cho phép công dân sử dụng súng để tự vệ chính đáng thì gia đình ông Vươn hoàn toàn vô tội. Ông Vươn đã trở thành một biểu tượng Anh hùng trong lòng các nông dân Việt Nam nói chung và của những người dân bị cưỡng chế đất sai luật của chính quyền các cấp nói riêng. Lịch sử Việt Nam có lặp lại một “vụ án Nọc Nạn” thời Pháp thuộc năm xưa không, công lý thuộc về ai?

2. Về tính chất luận tội của vụ án 

Tòa án kết tội ông Vươn là “giết người và chống người thi hành công vụ”.

Ông Vươn đã làm cho ai chết mà kết tội ông ta là giết người? Mặc dù hành động phản kháng của ông Vươn là nguy hiểm có thể gây chết người, nhưng xét về tính chất thì hành động của gia đình ông Vươn chỉ nhằm mục đích hù dọa chứ không có chủ đích giết người. Một hành động tự vệ chính đáng không có chủ đích giết người thì không thể ghép vào tột giết người, nếu không sẽ trở thành một tiền lệ xấu là có thể quy kết bất cứ hành động tự vệ chính đáng nào cũng là giết người.

Tội thứ hai, ông Vươn không chống người thi hành công vụ mà ông ta đang chống lại những “đồng phạm” của chính quyền Tiên Lãng trong việc cưỡng chế sai luật, cái tội nghiệp cho các chiến sỹ quân đội và công an bị thương là phải hy sinh vô cớ cho hành động sai trái của chính quyền Tiên Lãng. Nếu chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế đúng luật, thì việc cưỡng chế này mới được xem là “công vụ”, còn nếu sai luật thì các chiến sỹ công an làm nhiệm vụ này không được xem là đang “thi hành công vụ”, và cũng phải bị truy tố về việc lạm dụng chức vụ, lạm dụng công quyền để ức hiếp công dân – gây thiệt hại về tài sản và có nguy cơ gây nguy hại đến tính mạng công dân. Như vậy, “Bị cáo” chính không phải là gia đình ông Vươn mà chính là chính quyền Tiên Lãng và các đồng phạm là các chiến sỹ quân đội và công an, ngành Tư pháp và Tòa án các cấp ở Hải Phòng.

“Nếu còn có ngày mai – If Tomorrow come”, và “Nếu còn có công lý” - Tòa án tối cao chịu phúc thẩm lại cho công bằng thì chính quyền còn được lòng dân, còn không thì… “Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng, giấc mơ đời xa vắng, nỗi đau hay niềm cay đắng…”, rồi đến lúc cũng sẽ tức nước vỡ bờ theo diện rộng lớn hơn mà thôi.

Xét về tổng quan, trong tình hình đất nước hiện nay, thì đây cũng được xem như là một vụ án điểm đại diện cho các vụ án khiếu kiện vượt cấp về đất đai của nông dân bị cưỡng chế sai luật từ xưa đến nay. Bản lĩnh Hồ Chí Minh ngày xưa là từ chỗ biến bản án của mình thành cáo trạng tố cáo chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngày nay, ông Vươn và các luật sư biện hộ liệu có học được một phần bản lĩnh đó của Hồ Chí Minh hay không? Những người có lương tâm và lương tri khắp Việt Nam đang chờ đợi điều đó!

M.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn