Dân vận hôm nay nghĩ từ những giá trị minh triết Hồ Chí Minh

Nguyễn Khắc Mai

1. Có hai phạm trù cần tìm những suy luận đúng. Đó mới là Minh Triết. Bởi suy luận sai lầm không thể là Minh Triết.

Thứ nhất là phạm trù dân vận hôm nay. Nếu trong thời điểm Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận (năm 1949) thì dân vận lúc đó chính là vận động toàn Dân tộc, vận động mọi lực lượng của Dân tộc để thực hiện kháng chiến cứu quốc. Một nguyên nhân cơ bản để kháng chiến thành công chính là dân vận đã thực hiện được các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, giành độc lập và thống nhất đất nước.

Dân vận hôm nay lại có những mục tiêu mới, những nội dung mới.

Nét mới đó là những mục tiêu thời đại mà dân tộc ta đang hướng tới, giữ vững độc lập dân tộc, hòa bình, xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, văn minh và hạnh phúc, một nền kinh tế thị trường văn minh phát huy con người và mọi lợi thế tài nguyên, địa - chính trị của Đất nước, một nền văn hóa, giáo dục khoa học kỹ thuật có dân trí ngày càng cao, chất lượng con người, chất lượng cuộc sống tốt đẹp, một xã hội dân sự hài hòa, một thể chế chính trị văn minh, tiến bộ, nhân văn.

Do đó, dân vận hôm nay bao gồm hai động thái.

Thứ nhất là động thái vận động toàn dân tộc hướng tới những mục tiêu thời đại của mình, như những nội dung then chốt nêu ở trên.

Thứ hai là động thái vận động toàn Đảng cả trong nhận thức, cả trong hoạt động thực tiễn để thực hiện hóa những mục tiêu và nội dung trên. Đồng thời nói “Dân vận hôm nay” là nói sự vận động của dân tộc và toàn xã hội để hình thành nên một Đảng chính trị thật sự “văn minh và đạo đức”. Quá trình dân vận cũ là cuộc vận động của Đảng đối với dân. Dân (bấy giờ) chủ yếu là đối tượng được vận động. Dân vận hôm nay phải mang tính chất là cuộc vận động của Dân. Dân vận động chính bản thân mình và vận động cả những thiết chế chính trị của Đất nước là Đảng, là chính quyền và các thiết chế khác như Hội, Đoàn, tôn giáo... Cần nhận thức rõ động thái này thì mới có đổi mới thật sự về Dân vận. Đây sẽ là cuộc vận động hai chiều. Đảng, chính quyền vận động dân và Dân vận động Đảng và chính phủ. Nếu nghĩ như thế thì năng lực dân vận phải cao (không nhắm mắt ăn theo) mà có năng lực và ý chí suy nghĩ và hành động rộng, tham mưu được cho Đảng mà cả cho xã hội.

2. Nước Độc lập – Thống nhất – Hòa bình, sánh vai với năm châu. Minh Triết Hồ Chí Minh mách bảo một nền Độc lập bền vững đi đôi với Hòa bình, gắn liền với “liên lập” làm bạn với năm châu. Khái niệm thống nhất quả thật không đơn giản. Một đất nước có 54 dân tộc hướng tới thống nhất được lâu dài, bền vững không hề đơn giản. Phải thật sự suy nghĩ và đổi mới. Vấn đề văn hóa của các dân tộc, vấn đề quyền chính trị của các dân tộc, đâu có đơn giản và bất biến. Một đất nước trải qua nửa thế kỷ vừa chiến tranh chống xâm lược vừa có trạng thái nội chiến, hòa bình rồi phải hòa hợp, hòa giải, thậm chí cần hóa giải (hóa giải hận thù, bất đồng...).

3. Nước được độc lập, thống nhất mà Dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì chẳng nghĩa lý gì. Minh Triết Hồ Chí Minh mách bảo phải có kế hoạch thật tốt. Người ta thường chỉ nghĩ đến kế hoạch nhưng ít chú ý đến ý nghĩa của hai chữ “thật tốt”. Đúng là nhiều chính sách chủ trương trong hiện thực là chưa tốt. Phải có một ai đó thường trực làm nhiệm vụ đặt câu hỏi “đã thật tốt” chưa đối với mọi chủ trương, chính sách, đường lối. Nếu không làm được như thế thì vận động dân nỗi gì? Không phải bản thân người làm dân vận (các Ban) trực tiếp làm được. Cái chính là có ý thức, có cố gắng vươn lên để có năng lực đặng tổ chức cho Dân, cho Đảng, cho chính quyền làm hay không?

4. “Nước ta là nước Dân chủ. Vì Dân là chủ”. Đây vẫn là thách đố lớn của nền chính trị Việt Nam hiện đại. Có một thực trạng là cái tên nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Nhiều khi, nhiều việc người ta chỉ chú ý tới cái xã hội chủ nghĩa mà bỏ quên, coi nhẹ cái “Dân chủ”. Có những sự thật dân chủ rất có ích, có lợi, cần thiết cho dân nhưng vì nó trái với nguyên lý của chủ nghĩa xã hội nên bị coi thường hoặc gạt bỏ. Dù là chủ nghĩa gì gì thì “Dân chủ” phải là nội dung, là phương thức hoạt động của nhà nước, của xã hội.

Một đất nước, một xã hội mà con người, người dân không có quyền tư hữu (kể cả đất đai, nhà cửa...) thì không thể gọi là dân chủ thật sự, dân chủ triệt để, như Hồ Chí Minh nói được.

Phải đặt lại rất nhiều về dân chủ ở nước ta hôm nay để dân thật sự là chủ. Chứ không phải là quan chủ như từng xảy ra.

Như thế phải sửa đổi hiến pháp, sửa đổi thiết chế chính trị làm cho dân khi trao quyền lực nhà nước cho các hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp rồi thì có quyền và có khả năng hiện thực giám sát các bộ máy mà mình đã trao quyền lực.

Nói thật quyết liệt và chính xác là mô hình nhà nước kiểu Xô Viết và tư tưởng Diên An đang ngự trị ở nước ta đã tỏ rõ tính lạc hậu và tiếm quyền. Nếu Ban lãnh đạo của Đảng thật sự vì nước vì dân phải nghiên cứu sửa đổi điều rất cơ bản này.

Như thế phải tôn trọng và tạo dựng xã hội dân sự. Các đảng viên ngày xưa đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì ngày nay sao lại không đi đầu để xây dựng một xã hội dân sự trong đó năng lượng, tài trí, của cải của Dân được hoạt động hanh thông? Chính nhờ phát huy xã hội dân sự mà các nước quanh ta đang tiến vọt và ngày càng bỏ xa chúng ta! Tạo thế, tạo luật, tạo cảm hứng yêu nước, tạo quyền làm chủ của dân thì mới hiểu và làm được theo Minh Triết Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu quyền hạn là của Dân, bao nhiêu lực lượng là ở nơi Dân, trách nhiệm kháng chiến, kiến quốc là của Dân”! Hồ Chí Minh tha thiết một nền dân chủ, một xã hội dân sự, người dân thật sự làm chủ. Nói học theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thì tư tưởng, đạo đức yêu dân, kính dân, trọng dân phải được thực hiện thật thà và nghiêm túc. Muốn thế không chỉ hô hào đạo đức mà thực sự phải có cơ chế, có luật.

Cho nên Hồ Chí Minh nói: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”. Vì chính có dân chủ, “có thần linh pháp quyền” mới thật là trao vào tay dân cái chìa khóa vạn năng (passe par tout) để Dân tự mở các cánh cửa đi vào tương lai, văn minh, hạnh phúc, nhân ái, giàu mạnh, công bằng hiện đại.

5. Điều lo lắng “trước hết về Đảng”. Hồ Chí Minh nhiều lần nói trong Đảng kém dân chủ, lại nói Đảng có khuyết điểm là lý luận kém, lại nói “chớ dán nhãn cộng sản lên trán”. Nếu còn sống, chứng kiến cái hiện thực hôm nay về quan liêu, tham nhũng chắc chắn Hồ Chí Minh sẽ nhận định: “Đảng ta kém cả về đạo đức”. Sự suy diễn này có lý. Vì những người không mắc bệnh tâm thần đều có thể quan sát và nhận định như thế.

Chỉ xin nói về ba cái lo lắng của Hồ Chí Minh về Đảng.

Một là vấn đề dân chủ trong Đảng. Hồ Chí Minh thường nói “quan liêu và tham nhũng vì kém dân chủ”. Đúng thế, nếu đảng viên thường (nghĩa là toàn Đảng) có cơ chế giám sát nhất định ngăn ngừa và chống được tham nhũng, quan liêu. Chính thế, vì kém dân chủ nên không tôn vinh được tài năng, không đề cao được đạo đức và văn minh. Kẻ kém tài đi tìm kẻ kém tài hơn, kẻ kém đức đi tìm người đức mỏng, mua quan, chạy chức, sự sàng lọc của cộng đồng (toàn Đảng) không thể xảy ra. Một đời lại một đời. Suy thoái, thoái hóa đã thấy ở trước mắt. Gần như mấy chục năm nay (có thể từ khi lập Đảng) hầu như không có người lãnh đạo nào quan tâm đến ý kiến sau đây của F. Ăngghen khi nói về dân chủ trong Đảng. Cái nguyên tắc được đề cao đến tuyệt đối lại là tư tưởng phản động của Staline về cái gọi là “nguyên tắc tập trung dân chủ”. Trong bài viết “Ngày hội của các dân tộc ở Luân Đôn”, Ăngghen viết: “Cuối cùng cũng phải làm sao để mọi người chấm dứt kiểu cư xử với các quan chức của Đảng – những người đầy tớ của mình – luôn luôn bằng sự tế nhị đặc biệt và thay thế cho sự phê bình lại ngoan ngoãn vâng lời họ như những kẻ quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”.

Nếu cứ để tình trạng như Ăngghen nhận xét tồn tại chắc chắn khó thể hiện cái mong ước chân thành và Minh Triết về đạo đức và văn minh của Đảng.

Hai là khuyết điểm lý luận kém của Đảng thể hiện rõ và tai hại ở chỗ Đảng không nghiên cứu để làm theo những giá trị Minh Triết của C. Mác, Ăngghen, Hồ Chí Minh mà khư khư ôm lấy những giáo điều của mô hình Xô Viết, tư tưởng Diên An, những tư tưởng tả khuynh biệt phái và phản động Mao ít và Stalinien.

Ba là về lời khuyên chớ dán nhãn cộng sản thì ít ra là phải sửa một số điều quan trọng sau đây:

Về tên Đảng, comunism mà dịch là “cộng sản” thì do người Nhật dịch sai. Trong thuật ngữ comunism không có yếu tố nào chỉ sản mà ngữ nghĩa chỉ là chủ nghĩa cộng đồng. Ta theo Tàu, theo Nhật dùng sai ngót trăm năm nay. Bây giờ phải đính chính.

Liên quan đến tên Đảng, nhiều luận điểm và chính sách, chủ trương cụ thể không hề phản ánh những tư tưởng tiến bộ, hợp lý của C. Mác, Ăngghen. Như nói về phải đoàn kết và hợp tác với các đảng dân chủ, dân tộc, như nói về phát triển tự do cá nhân trong xã hội. Như nói về Dân chủ, như nói về pháp quyền. Các Mác cho rằng khi chưa có con người phát triển toàn diện và nền kinh tế sản xuất của cải dồi dào trên cơ sở kỹ thuật cao thì dù pháp quyền tư sản có hạn hẹp cũng không thể vượt qua. Ban lãnh đạo của Đảng lại nói pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã hình thành (!!!).

Rất nhiều vấn đề của lý luận Mácxít của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng đồng (chứ không phải cộng sản) cần được đặt ra nghiêm túc, thận trọng để tiếp thu cái nguồn trong trẻo chứ không phải khơi lấy cái mạch đục.

Hồ Chí Minh mách bảo cần văn minh và đạo đức, cần “khôn khéo” và sáng suốt. Cần có Minh Triết để hiểu đúng, làm đúng, ứng xử đúng. Hồ Chí Minh rất Minh Triết khi mách bảo phải bổ sung học thuyết của Mác bằng dân tộc học Phương Đông (xem bài Về tình hình Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đăng ở phần Phụ lục, Tập II Toàn tập Hồ Chí Minh. Bộ mới). Hồ Chí Minh vận dụng Minh Triết của Việt Nam, của Phương Đông để dặn dò, huấn luyện Đảng Việt Nam, một Đảng mà Hồ Chí Minh mơ tưởng và ôm ấp, kỳ vọng.

6. Kết luận: Xin nêu lời khuyên về ứng dụng Minh Triết.

Thomas Jefferson (Tổng thống thứ tư và cha đẻ của Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ mà Hồ Chí Minh rất mê): “Nếu biết hội nhập Minh Triết vào quyền lực thì sẽ ít dùng quyền lực mà hiệu quả lớn”.

Lloyd Bruce (Anh quốc, Tiến sĩ chuyên ngành chiến lược điều hành, lãnh đạo): “Nếu những người lãnh đạo không biết Minh Triết và dùng Minh Triết, họ sẽ trả giá đắt cho sự vô tâm của mình”.

N.K.M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn