Những chi tiết quan trọng bên trong tuyên bố chung Việt – Trung

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thảo luận tại Hà Nội ngày 13 tháng 10 năm 2013. AFP PHOTO

Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Việt Nam trong khi quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa chấm dứt nhưng hai phía Việt-Trung cũng đạt được thỏa thuận về nhiều phương điện kinh tế và chính trị qua tuyến bố chung của hai nước. Mặc Lâm phỏng vấn TS kinh tế Phạm Chí Dũng để tìm hiểu thêm những chi tiết quan trọng bên trong bản tuyên bố chung này.

Xu hướng xem thường dư luận

Mặc Lâm: Trong một thời gian dài vì ngần ngại dư luận trong nước, Việt Nam không công bố những ngôn từ như “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. (16 chữ vàng, 4 tốt)... tuy nhiên VN đã công khai lập lại nhóm từ này trong tuyên bố chung giữa hai thủ tướng VN và TQ vừa mới ký xong. Phải chăng đã đến thời điểm mà Hà Nội không còn xem dư luận là quan trọng nữa?

TS Phạm Chí Dũng: Tôi cũng có nhận xét như vậy. Tôi chú ý đến một điều là từ giữa hai năm 2011 đến gần giữa năm 2013 thì 16 chữ vàng và 4 tốt gần như mờ nhạt và biến mất trong khẩu ngữ quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Trước đó hàng loạt động tác gây hấn của Trung Quốc trong khu vực biển Đông đã gây bức xúc trong dân chúng Việt Nam và đã tạo ra 11 cuộc biểu tình vào giữa năm 2011. Trong suốt hai năm từ 2011 đến 2013 lãnh  đạo và giới quân sự Trung Quốc đã liên tục gây sức ép buộc Việt Nam phải nhân nhượng về một số vấn đề chủ quyền biển kể cả những vấn đề thuộc về chính trị. Trước sự gây hấn đó lãnh đạo Việt Nam đã làm gì?

Tôi cho là có một sự xem thường dư luận nhất định trong giới lãnh đạo Việt Nam và xu hướng xem thường dư luận này ngày càng rõ hơn.

-TS Phạm Chí Dũng

Tôi cho là có một sự xem thường dư luận nhất định trong giới lãnh đạo Việt Nam và xu hướng xem thường dư luận này ngày càng rõ hơn. Tại vì sau nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc như là đưa hàng ngàn tàu cá, tàu hải giám xâm phạm vùng biển Trường Sa của Việt Nam, những hành động như bắn đuổi ngư dân Việt Nam, bắt và đâm hòng tàu cá của ngư dân kể cả phá hoại tàu khảo sát của Việt Nam rồi diễn ra 11 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội... sau đó lãnh đạo Việt Nam xem như là không có vấn đề gì và thực tế cho tới nay vẫn xem như thế sau khi đã ra hai tuyên bố chung.

Giới lãnh đạo cũng bỏ qua kiến nghị của các cán bộ, đảng viên đặc biệt là những cán bộ lão thành cách mạng như là ông Nguyễn Trọng Vĩnh. Ông Vĩnh là cựu thiếu tướng quân đội và cũng là cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và là một  người rất có uy tín trong quân đội và trong giới ngoại giao. Việt Nam đã không những xem thường dư luận mà còn có xu hướng, chiều hướng càng ngày càng xem thường dư luận hơn.

Mặc Lâm: Trong tuyên bố chung hình như mọi cụm từ thuộc lĩnh vực nhà nước như: công an, an ninh, tình báo, quốc phòng, báo chí, tuyên giáo... đều thoải mái mang ra hết cho thấy VN đã mở hết gan ruột ra để hợp tác với TQ. Điều này có ý nghĩa thế nào?

TS Phạm Chí Dũng: Riêng cá nhân tôi thì tôi không cho rằng lãnh đạo Việt Nam dám mở hết gan ruột để đối tác với Trung Quốc lần này bởi hai lý do. Một là vẫn còn nhiều người trong giới lãnh đạo Việt Nam e ngại tâm địa sâu xa thâm hiểm của Trung Quốc. Hai nữa dù có muốn mở hết gan ruột thì họ vẫn e ngại sự phản ứng của dư luận trong nước. Sự phản ứng này từ năm 2011 đến năm 2013 đã cho thấy không chỉ là 11 cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn mà còn rất nhiều trí thức và tướng lĩnh đã ký tên kiến nghị với lãnh đạo nhà nước cần hết sức thận trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc.

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) cùng Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại Hà Nội ngày 14 Tháng 10 năm 2013. AFP PHOTO.

Ngoài ra nó còn có thâm ý như thế này: hiện nay dư luận nhắm vào chuyến đi của thủ tướng Lý Khắc Cường và cho là có thể tác động tích cực đến một nhóm lãnh đạo có xu hướng thân thiện với Trung Quốc và do đó có thể làm giảm sức ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây đối với một nhóm lãnh đạo khác có thể thân thiện với Mỹ và phương Tây.

Những từ ngữ mà anh vừa đặt ra như công an, an ninh, quốc phòng, tuyên giáo... thật ra những từ ngữ này là quá trình đã diễn ra từ khoảng gần giữa năm tới nay. Chẳng hạn như chuyến đi của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đến Trung Quốc hợp tác với Ban Tuyên giáo Trung ương của Trung Quốc. Chuyến đi của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam hợp tác về quốc phòng với Bộ Quốc phòng Trung Quốc và một số hoạt động khác về hợp tác an ninh giữa ngành công an Việt Nam và công an Trung Quốc.

Thực ra vấn đề quốc phòng Việt - Trung vẫn chỉ hợp tác ở mức độ bình thường mà thôi và chưa có gì gọi là mở gan mở ruột ra vì họ vẫn đang thăm dò lẫn nhau. Có điều là Việt Nam và Trung Quốc đang thiên về hợp tác an ninh đối nội vì hiện nay bối cảnh của hai nước đang phải đối mặt với làn sóng dân chủ, nhân quyền và những phản ứng xã hội diện rộng và sâu đang dâng lên, do đó họ thấy cần phải xiết chặt an ninh và đỉnh cao là không khí an ninh đối nội.

Bất lợi kinh tế cho VN

Mặc Lâm: Là một TS kinh tế ông có đồng ý qua tuyên bố chung này VN và TQ có được thế lưỡng lợi trong những hợp đồng xuất nhập khẩu hay không?

Việc Việt Nam có thể hưởng lợi trong cái thế tương đương với Trung Quốc là điều không tưởng, ít nhất cho tới thời điểm hiện nay.

-TS Phạm Chí Dũng

TS Phạm Chí Dũng: Việc Việt Nam có thể hưởng lợi trong cái thế tương đương với Trung Quốc là điều không tưởng, ít nhất cho tới thời điểm hiện nay. Một điều đơn giản như thế này: chúng ta căn cứ vào tình hình nhập siêu thì mới 8 tháng đầu năm 2013 mà Việt Nam đã nhập siêu gần 15 tỷ đô la của Trung Quốc rồi, trong khi vào năm 2002 thì nhập siêu lúc đó chỉ 1 tỷ rưỡi đô la. Sau 10 năm giá trị nhập siêu tăng 10 lần điều đó cho thấy một sự bất cân xứng rất lớn trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, kim ngạch song phương càng tăng, nhập siêu càng lớn và càng bất lợi cho Việt Nam. Việc quan hệ song phương như thế này và nhập siêu với Trung Quốc không có lợi cho Việt Nam. Cộng với hiện trạng Trung Quốc đang lũng đoạn thị trường Việt Nam, hàng hóa tràn ngập kể cả hàng hóa độc hại chèn ép hàng hóa Việt Nam. Dư luận cũng đang nói tới điều hiểm ác của Trung Quốc đó là đã thông qua thương lái để phá hoại kinh tế của Việt Nam.

Mặc Lâm: Cũng trong lĩnh vực kinh tế nhưng liên quan rất sâu tới chinh trị, đó là sự nguy hiểm được gọi là hợp tác trên biển mà nhiều người đã cảnh báo. Tại sao Trung Quốc lại cần tới sự hợp tác này của Việt Nam khi họ đã có sẵn phương tiện, tiền bạc? Phải chăng Việt Nam đem chủ quyền của mình ra để hợp tác?

TS Phạm Chí Dũng: Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam thì tất nhiên có một điều gì đó hơi phi lý, trừ khi họ có ý đồ chính trị. Sự có mặt ngày càng đông và rộng của người Trung Quốc trong việc hợp tác ở một số khu vực, một số dự án chắc chắn sẽ làm giảm hình ảnh chủ quyền của Việt Nam.

Theo tôi đối với lãnh đạo Việt Nam thì có lẽ chưa tới mức họ đem chủ quyền ra để mà hợp tác, nhưng cũng không loại trừ vấn đề này bởi hiện nay các nguồn tài nguyên ở Việt Nam đã gần như cạn kiệt.

Tôi cũng muốn đề cập là nếu có hợp tác với Trung Quốc thì tất cả sự hợp tác không phải chỉ dựa trên sự chủ quan duy ý chí của một nhóm cá nhân, một nhóm quyền lực không đại diện cho toàn bộ dân chúng, mà toàn bộ sự hợp tác phải dựa trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 vì đây là một văn bản pháp lý có tính công bằng nhất. Khi dựa vào công ước này thì Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối so với Trung Quốc, còn nếu không thì Việt Nam chắc chắn sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc với các dự án khai thác dầu khí kể cả cảng quân sự và sau đó chắc chắn khó thoát khỏi sự ràng buộc lệ thuộc vào lãnh thổ kể cả dân tộc đối với Trung Quốc.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Phạm Chí Dũng về cuộc phỏng vấn này.

M.L. – P.C.D.

Nguồn: rfa.org

*********************************

TUYÊN BỐ CHUNG VỀ QUAN HỆ VIỆT – TRUNG THỜI KỲ MỚI

Việt Nam và Trung Quốc ngày 15/10 đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.

clip_image003

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gặp gỡ báo chí sau khi hội đàm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường đã thăm chính thức nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.

Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như tình hình quốc tế, khu vực hiện nay và các vấn đề cùng quan tâm.

2. Hai bên đã nhìn lại và đánh giá cao sự phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Hai bên nhất trí cho rằng trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.

3. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng không thể thay thế của tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và thăm viếng cấp cao, xuất phát từ tầm cao chiến lược nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi cấp cao qua nhiều hình thức như gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương, sử dụng tốt đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao để đi sâu trao đổi các vấn đề trọng đại trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.

4. Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận..., góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước.

5. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chung của hai nước, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây:

a. Về hợp tác trên bộ

(i) Hai bên nhất trí nhanh chóng thực hiện “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm; thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa hai nước để quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các dự án cụ thể; sớm đạt nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng. Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này theo nguyên tắc thị trường, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn trong khả năng. Các bộ, ngành hữu quan hai nước đẩy nhanh công tác, sớm khởi động nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Hai bên nhất trí thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung” (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước.

(ii) Hai bên đồng ý tăng cường điều phối chính sách kinh tế thương mại, thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản” và “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia,” để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở bảo đảm thương mại tăng trưởng ổn định, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD. Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường. Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.

(iii) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế...

(iv) Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác hàng năm; tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước, thúc đẩy công tác mở cửa, nâng cấp một số cặp cửa khẩu biên giới trên bộ, sớm chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô-Động Trung; thúc đẩy đàm phán về “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc” sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về “Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân”, sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa địa phương hai nước.

b. Về hợp tác tiền tệ

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên. Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á.

c. Về hợp tác trên biển

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc,” sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như Hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ, Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.

Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

6. Hai bên nhất trí tổ chức tốt các hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, Liên hoan Nhân dân Việt-Trung…, nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, thiết thực tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, làm sâu sắc sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước.

7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.

8. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á..., cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Hai bên đánh giá cao những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất trí lấy dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc làm cơ hội tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, nâng cấp Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai hợp tác rộng rãi có vai trò hết sức quan trọng đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau tại khu vực Đông Nam Á.

Hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).

9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia,” “Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới,” “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam,” “Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu” và Nghị định thư kèm theo, “Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ,” “Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang,” “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội” và một số văn kiện hợp tác kinh tế.

10. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhất trí cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển và hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực.

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

Theo Chinhphu

Nguồn: dantri.com.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn