34 năm cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc

17/02/2013 - 11:24

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc. Dù quân xâm lược đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề và rút về sau hơn một tháng vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân dân ta, nhưng cuộc cuộc chiến đã khai màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới suốt 10 năm sau đó.

clip_image001

Sống Mới xin đăng tải lại bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, trên báo Thanh niên nhân dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh vệ quốc.

clip_image002

Thiếu tướng Lê Văn Cương.

Hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?

Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của Việt Nam gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Đó còn là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2/1979 và gần 10 năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình, bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Có ý kiến rằng nhắc đến những chuyện này có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định nói như vậy là ngụy biện.

Những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của Trung Quốc tung ra trung bình 600-800 tin, bài với những cái tít có nội dung gần như giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam”. Có thông tin cho rằng hiện tại trên 90% người dân Trung Quốc vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội Việt Nam đã vượt biên giới sang tấn công và buộc Trung Quốc phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền Trung Quốc đã nhồi nhét vào đầu người dân rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của Việt Nam.

Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, ở kênh nhà nước, nhân dân và cả trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần giúp cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân Trung Quốc đã vượt biên giới xâm lược Việt Nam. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Nói ra không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc Trung Quốc tung hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.

clip_image001[1]

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979.

clip_image003

Với độ lùi về thời gian, chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?

Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Nhưng đến giờ phút này tôi cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.

Thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề phải được nhận thức rõ từ cấp cao nhất và được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.

Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh từ cấp tiểu học, trung học và cả đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chúng ta chắc chắn sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Quan điểm của tôi là Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ, không thể lờ đi vấn đề lịch sử này được.

clip_image004

Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2/1979.

Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài, họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc năm 1979 không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của Việt Nam. Tôi đã phải chống chế rằng người Việt Nam muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản phản bác tôi bởi “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói: “Chúng tôi biết người Việt Nam rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế trang sử chống ngoại xâm này được”.

Thứ hai, trong thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không nước nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi,đó là 3 thứ: chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây cần phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn khác với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Người Việt Nam có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người Việt trong và ngoài nước.

Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những thứ “dĩ bất biến”, những thứ còn lại là “ứng vạn biến”. Chuyện “16 chữ”, “4 tốt” trong quan hệ với Trung Quốc là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến tranh chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này sẽ rất nguy hiểm.

Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7/2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy một quan điểm bây giờ vẫn đúng: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh".

clip_image005

Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng.

Từ câu chuyện 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề Biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ?

Tạo lòng tin, sự hữu nghị chân thật là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài, và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng sẽ có được trong vài ba năm tới. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ, điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc chắc chắn không kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử Việt Nam cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước Công nguyên, An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì không thể tránh khỏi mất nước. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến độ chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly. Năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là một ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nguồn: songmoi.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn