Địa chính trị (Kỳ 2) (*)

Nicolas Monceau, Universté de Bordeaux

Phan Thành Đạt dịch

Địa chính trị của Đức và Mỹ

clip_image002Các cuốn sách về địa chính trị do Mackinder và Mahan viết, tạo được tiếng vang ở Đức. Ngành địa chính trị ở Đức được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc. Địa chính trị của Đức là sự tiếp nối của địa chính trị châu Âu và thế giới. Ngành khoa học này cần phải tạo ra sức mạnh cho nước Đức trên biển và trên đất liền, đồng thời cần đưa ra các luận điểm cho những người theo chủ nghĩa dân tộc nhằm xóa bỏ nội dung của hiệp ước Versailles đánh dấu sự thất bại của Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Friedrich Ratzel (1844-1904) là giáo sư nổi tiếng ở Đức, dưới thời vua Guillaume II. Ông được ví như một trong những nhà địa chính trị tiên phong. Tư tưởng địa chính trị của ông được nhiều người quan tâm. Là giáo sư dạy địa lí, ông phân tích mối liên hệ giữa lãnh thổ và chính trị trên cơ sở lí thuyết và thực tế. Ông xây dựng lí thuyết địa chính trị được xếp loại là thuyết định mệnh. Điểm mập mờ trong phân tích của ông là cách diễn giải các lí do hợp lí hóa cho một nền chính trị tạo ảnh hưởng bằng biện pháp mở rộng lãnh thổ ở mỗi quốc gia. Ông là người theo chủ nghĩa dân tộc và là người bảo vệ đến cùng chủ nghĩa thực dân. Ông bênh vực cho các chính sách thực dân, đồng thời phản đối quan điểm địa chính trị về lục địa. Để tạo nhiều ảnh hưởng đối với thế giới, nước Đức cần có một đế chế bao gồm các vùng thuộc địa rộng lớn. Friedrich Ratzel biên soạn nhiều cuốn sách bàn về các vấn đề thuộc địa. Những chủ đề về lợi ích thuộc địa được các cường quốc đưa ra bàn bạc trong Hiệp ước Berlin nhằm phân chia quyền lợi ở các vùng này.

Lí thuyết của Friedrich Ratzel được nhiều người chú ý nhất, là quan điểm về không gian sinh tồn. Sau chuyến đi đến Mỹ, ông ý thức được tầm quan trọng của các nước có diện tích rộng lớn. Ông đề cập đến địa chính trị của các nước lớn. Các nhà lãnh đạo cần có kế hoạch chính trị mang tầm vĩ mô và cần có nhiều tham vọng. Ông nhận định địa chính trị của Đức và vị thế của châu Âu có những nét tương đồng, vì các quốc gia châu Âu thường có diện tích nhỏ hẹp, lại ở cạnh nhau, nên thường có các biên giới chung. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Đức cần phải chú ý nhiều hơn đến các quốc gia ở châu Mỹ và châu Á. Nước Đức không nên chỉ có vai trò quan trọng ở châu Âu. Nước Đức cần có không gian sinh tồn trải rộng ở các vùng thuộc địa để tạo nên sức mạnh. Nước Đức cần liên minh với với một số quốc gia có ảnh hưởng ở các châu lục. Khi phân tích mối quan hệ giữa lãnh thổ và chính trị, Friedrich Ratzel kết luận Nhà nước như một thực thể sống, Nhà nước muốn có tầm ảnh hưởng và có sức sống mạnh mẽ hơn, cần có diện tích rộng lớn hơn. Mỗi nước đều phải tuân theo các quy luật về tổ chức, nếu không, Nhà nước sẽ suy tàn. Quan điểm này được Friedrich Ratzel trình bày trong cuốn sách Địa lí chính trị, xuất bản năm 1887. Các nước về bản chất luôn phát triển cạnh tranh với các nước láng giềng. Thách thức lớn là những tranh chấp thường trực về đất đai. “Các nước đều phải gánh chịu nhiều tác động, như con người phải chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống. Mọi việc sẽ không biết sẽ ra sao, nếu một quốc gia không có diện tích rộng lớn”.

Friedrich Ratzel định nghĩa dân tộc là các nhóm người và các cá nhân không phải gắn bó vì cùng chung một chủng tộc, hay cùng chia sẻ một ngôn ngữ, mà dân tộc là một cộng đồng cùng sống chung trong một không gian lãnh thổ. Ông không quan tâm đến quan điểm: Dân tộc phải gắn liền cùng một nguồn gốc mà dân tộc cần gắn bó với một vùng lãnh thổ. Ratzel phản đối chính sách về các dân tộc, vì nó đặt ra mối quan tâm của Nhà nước về khía cạnh ngôn ngữ, chứ không phải về vấn đề đất đai. Mỗi quốc gia là một cơ thể sống khác nhau, bị chi phối bởi không gian lãnh thổ và phân bố dân cư. Có quốc gia chiếm giữ không gian sinh tồn quan trọng hơn các quốc gia khác, điều này dựa trên các yếu tố địa lí. Diện tích quốc gia cần được mở rộng đến các vùng đất nơi các điều kiện địa lí giống với vùng lãnh thổ mà quốc gia đang có chủ quyền. Nhờ đó không gian sinh tồn sẽ càng lớn. Các chính sách không được dựa trên vấn đề nguồn gốc chủng tộc mà phải dựa trên các điều kiện về đất đai. Ông đưa ra các quy luật mở rộng không gian cho mỗi quốc gia. Năm 1901, ông bảo vệ khái niệm không gian sinh tồn của nước Đức. Ông định nghĩa các đạo luật có tính phổ quát về Nhà nước.

7 quy luật về mở rộng không gian:

· Mở rộng không gian sống của các quốc gia luôn đi kèm với việc phát triển và tạo ảnh hưởng về văn hóa.

· Khi diện tích lãnh thổ của một quốc gia được mở rộng thêm, sức mạnh kinh tế thương mại, hệ tư tưởng sẽ tạo nhiều ảnh hưởng hơn đối với các nước xung quanh.

· Khi Nhà nước mở rộng thêm diện tích, nước đó sẽ tiến tới sát nhập và đồng hóa các nước nhỏ hơn.

· Biên giới là một thực thể sống động, có thể dịch chuyển. Biên giới thể hiện sự năng động, sức mạnh và làm thay đổi diện tích của một quốc gia.

· Tính logic của địa lí luôn đề cao mọi tiến trình mở rộng vùng lãnh thổ của mỗi quốc gia. Bởi vì, Nhà nước luôn cố gắng sát nhập các vùng đất rộng lớn để tăng thêm diện tích cho không gian sinh tồn. Các vùng lãnh thổ càng giàu có về khoáng sản và có vị trí địa lí quan trọng càng cần phải sát nhập vào vùng diện tích thuộc chủ quyền của Nhà nước.

· Nhà nước luôn có xu hướng mở rộng diện tích ra các khu vực ngoại vi nơi sinh sống của các dân tộc kém văn minh hơn so với nền văn minh của đất nước muốn mở rộng.

· Khuynh hướng chung là tiến đến đồng hóa hoặc sát nhập các quốc gia nhỏ yếu, để tăng thêm diện tích đất đai, điều này sẽ đem lại sức mạnh cho Nhà nước.

Khái niệm không gian sinh tồn gắn các nhóm người với không gian lãnh thổ, ở đó các cộng đồng người cùng sinh sống và phát triển. Không gian sinh tồn thể hiện Nhà nước sẽ mở rộng hay thu hẹp các biên giới theo các điều kiện về nhu cầu và lợi ích riêng. Friedrich Ratzel phát triển lí thuyết về không gian sinh tồn năm 1901. Quan điểm địa chính trị của ông có nhiều tác động đến nền chính trị của Đức Quốc xã.

clip_image004Karl Haushofer (1869-1946) là người đã có công xây dựng ngành địa chính trị trong nửa đầu thế kỉ XX. Ông là một vị tướng và là giáo sư giảng dạy ở trường quân sự. Ông đã có dịp đến Nhật và lưu lại đó hai năm từ năm 1908 đến năm 1910, để tìm hiểu về quân đội Nhật. Karl Haushofer quan tâm đến chính sách bành trướng của Nhật ở châu Á, ông coi đó là chủ đề cho luận án của mình, ông phân tích chi tiết trong cuốn sách Địa chính trị ở Thái Bình Dương. Ông rời quân đội và tập trung cho sự nghiệp giảng dạy ở đại học. Cũng giống như nhiều người Đức, Karl Haushofer rất thất vọng và lo lắng cho tương lai nước Đức. Sau thất bại trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Đức phải bồi thường các khoản lệ phí chiến tranh nặng nề do các nước đồng minh thắng trận đặt ra tại hội nghị Versailles. Địa chính trị Đức cần phải đảm bảo sự hồi sinh cho nước Đức bại trận.

Nước Đức có diện tích nhỏ hẹp và có biên giới chung với nhiều nước, nên vị trí địa lí bị kìm kẹp bởi các nước láng giềng. Tương lai không thuộc về nước Đức mà thuộc về các nước lớn một khi họ tập hợp lại, đề ra các nguyên tắc ứng xử chung. Nhưng các nước này sẽ chịu sự điều khiển của một nước có sức mạnh vượt trội. Năm 1924, ông lập ra tạp chí địa chính trị, tạo được tiếng vang trên thế giới. Tạp chí địa chính trị cổ điển của Đức nhận được sự hợp tác của nhiều học giả quốc tế. Ông đã gặp gỡ Adolf Hitler nhiều lần. Quan điểm địa chính trị của ông có một số ảnh hưởng đến chính sách của Đức Quốc xã; Hitler cũng bàn về địa chính trị trong cuốn sách Cuộc chiến đấu của tôi (Mein Kampf).

Ông trình bày nội dung về địa chính trị theo tính hệ thống giữa Nhà nước, lãnh thổ và nhân dân có mối liên hệ chặt chẽ. Địa chính trị của Đức cần giải thích rõ mối liên hệ này. Ông khẳng định người Đức là những người văn minh, họ luôn bày tỏ mong muốn được sống cùng nhau trong một cộng đồng. Ông ủng hộ việc thiết lập một không gian sinh tồn rộng lớn cho người Đức. Nước Đức cần phải là một nước lớn, có diện tích rộng. Những biến động chính trị trong những năm 30 khiến cho ý tưởng này ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Nước Đức có ý định thực hiện các chính sách mở rộng lãnh thổ và tạo ảnh hưởng ra các châu lục. Những đề xuất về các vùng đệm là những nét cơ bản trong quan điểm về địa chính trị của Karl Haushofer. Từ ý tưởng về vùng đệm, con người hình dung ra các vùng bao quanh. Thế giới phải được phân chia thành các vùng khác nhau, ở mỗi vùng sẽ có các quốc gia thống trị, có 4 vùng được phân chia trên bản đồ thế giới:

· Châu Mỹ sẽ là vùng bao quanh của nước Mỹ.

· Châu Âu và châu Phi sẽ là vùng đệm của Đức, người Đức sẽ thống trị những khu vực này.

· Nước Nga sẽ lãnh đạo toàn bộ các nước thuộc Liên bang Xô viết.

· Châu Á sẽ là khu vực xung quanh của Nhật.

Sau khi nước Đức bại trận, nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ của Karl Haushofer với chế độ Đức Quốc xã. Ông bị phía Mỹ tố cáo là người có tác động đến các chính sách quân sự và đối ngoại của Đế chế thứ Ba (III Reich). Các nhà nghiên cứu ở Mỹ cho rằng địa chính trị của Đức là phương tiện tuyên truyền để hợp thức hóa các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng các chiến dịch quân sự của Hitler. Karl Haushofer không ủng hộ toàn bộ các chính sách quân sự của Đức Quốc xã, nhưng ông tán thành một số kế hoạch như xâm chiếm Áo, thôn tính vùng Sudètes của Tiệp... Ông chưa bao giờ là thành viên của Đảng Quốc xã. Đức Quốc xã cũng không tiếp thu toàn bộ những góp ý của ông về các vấn đề quan trọng có tính địa chiến lược, thậm chí một số nhân vật cao cấp của chế độ còn phải đối những ý tưởng đó.

Karl Haushofer quan tâm đến vùng tâm thế giới, ông đề xuất một liên minh quân sự giữa Đức và Liên bang Xô viết, để cùng nhau kiểm soát vùng này. Tuy nhiên, Đức đã chủ động tấn công Liên bang Xô viết năm 1941. Việc Đức xâm chiếm Liên bang Xô viết đã chứng minh rằng những lời khuyên của ông không được chế độ độc tài chấp nhận, do đó có thể kết luận, ảnh hưởng của ông đối với Đức Quốc xã không nhiều. Ông là người phản đối kế hoạch quân sự chống lại các dân tộc Slave. Ông có dịp gặp gỡ Hitler 10 lần, nhưng không muốn trở thành cố vấn cho Hitler. Hơn nữa Karl Haushofer cũng là một nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc vì vợ ông là người Do Thái, con trai ông bị lực lượng Gestapo sát hại, ông lại có thời gian bị tạm giam trong trại tập trung Dachau. Sau khi chiến tranh kết thúc, các nước đồng minh đã tiến hành điều tra để xem ông có phải ra tòa vì tội ác chiến tranh hay không. Khi vụ việc đang được điều tra dang dở, ông và vợ tự tử năm 1946.

clip_image006Nicholas Spykman (1893-1943) là nhà địa chính trị nổi tiếng người Mỹ. Quan điểm về địa chính trị của ông được giới thiệu trong cuốn sách Chiến lược của Mỹ trong nền chính trị quốc tế: Nước Mỹ và cân bằng quyền lực (1942). Trong giai đoạn này, địa chính trị được công chúng quan tâm và được tìm hiểu kỹ hơn vì nước Mỹ đã tham gia chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc xung đột vũ trang trên quy mô rộng lớn cần được phân tích cẩn thận về không gian nơi diễn ra chiến tranh, về mối liên hệ sức mạnh quân sự giữa các bên. Tổng thống Roosevelt đã nói với dân chúng: “Tôi yêu cầu người Mỹ hãy mở bản đồ ra theo dõi, tôi sẽ giải thích một chút về địa lí cho các bạn”.

Nicholas Spykman xem xét và phân tích lại các vấn đề địa chính trị được Mackinder đưa ra trước đây. Ông nghĩ ra một khái niệm mới “vùng trung gian” (Rimland). Ông cho rằng địa chính trị của Mỹ cần phải lưu ý đến vùng trung gian, sau khi chiến tranh kết thúc. Ông cũng dự đoán những kịch bản về quan hệ quốc tế, mối tương quan lực lượng giữa các quốc gia. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng đảo thế giới, nhưng nguyên tắc cơ bản giúp cho một quốc gia thống trị thế giới không phải là vấn đề kiểm soát được tâm thế giới mà là khu vực trung gian giữa tâm thế giới và các khu vực trung quanh trên đảo thế giới.

Rimland là vùng nằm giữa tâm thế giới và các vùng biển gần bờ trải rộng từ Tây Âu, đến Thổ Nhĩ Kì, Iran, Pakistan, bán đảo Ả rập và Biển Đông ở châu Á. Không gian rộng lớn này sẽ là nơi cạch tranh giữa cường quốc về biển (Mỹ) và cường quốc lục địa (Liên bang Xô viết). Sau khi chiến tranh kết thúc, hai đồng minh chiến thắng sẽ trở thành kẻ thù của nhau. Mỹ cần làm chủ vùng trung gian vì khu vực này trở thành thách thức lớn cho chính sách đối ngoại quốc tế. Nếu thành công, Mỹ sẽ có cơ hội tiếp cận với các vùng giàu có về tài nguyên thuộc đảo thế giới và Mỹ sẽ chế ngự được Liên bang Xô viết. Nếu các nước trong khu vực trung gian của thế giới cùng đi đến thống nhất và Liên bang Xô viết có ảnh hưởng sâu rộng ở đây, đó sẽ là một thách thức lớn cho Mỹ.

Nicholas Spykman đưa ra một số lời khuyên cho các nhà lãnh đạo Mỹ, ông nhận định nước Mỹ cần thiết lập các liên minh chặt chẽ và thân thiện với các nước trong vùng trung gian giữa đảo thế giới và tâm thế giới. Nước Mỹ cần liên minh quân sự với châu Âu để lập ra một tổ chức quốc tế trong khu vực này và Mỹ sẽ là thành viên không thuộc châu Âu. Theo một số nhận xét, đây chính là ý tưởng thành lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nước Mỹ cần phải liên minh quân sự với Nhật, sau khi chiến tranh thế giới kết thúc. (Các sáng kiến về địa chính trị được Nicholas Spykman đưa ra năm 1942, cũng vào thời điểm đó, Mỹ tham gia chiến tranh chống lại Nhật, quan hệ của hai bên rất căng thẳng.)

Trung Quốc sẽ nổi lên thành quốc gia có sức mạnh kinh tế lớn nhất và có quân đội đông và mạnh nhất ở khu vực châu Á. Quốc gia đáng ngờ này sẽ thách thức sức mạnh của Mỹ trong khu vực. Do đó, cân bằng lực lượng ở vùng Viễn Đông cần phải được duy trì thường xuyên cả trong hiện tại lẫn tương lai, Mỹ cần thông qua chính sách bảo vệ Nhật như Mỹ đã làm với Anh. (Các nhà lãnh đạo Mỹ đã kí hiệp ước an ninh quốc phòng với Nhật năm 1951, nhờ đó Nhật không phải đầu tư cho quốc phòng mà tập trung nguồn lực phát triển kinh tế kĩ thuật sau chiến tranh. Trung Quốc trở thành mối đe dọa chính cho trật tự thế giới, đặc biệt là trật tự ở châu Á. Những dự báo của Nicholas Spykman về cơ bản có cơ sở).

Địa chính trị Mỹ được phác họa qua những ý tưởng của Nicholas Spykman: Mỹ tìm mọi cách ngăn chặn sức mạnh của Liên bang Xô viết ra khu vực trung gian, bằng cách xây dựng các liên minh quân sự, để cùng nhau giải quyết những căng thẳng về chính trị, những bất đồng về ý thức hệ, giữ cân bằng sức mạnh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp quân sự như việc Mỹ tham chiến tại Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan. Những phân tích của Nicholas Spykman mang tính dự báo, vì ông không biết đến chiến tranh lạnh do qua đời năm 1943.

Lí thuyết địa chính trị được Nicholas Spykman xây dựng không nhận được sự ủng hộ của đa số các nhà nghiên cứu. Có người phê bình phương pháp của ông dựa theo Karl Haushofer khi đề cập đến các vấn đề của địa chính trị. Khi ông lấy lại ý tưởng của Karl Haushofer, bằng cách thừa nhận các mối quan hệ giữa các nước chỉ là những liên hệ dựa trên sức mạnh. Nhà địa lí người Pháp Jean Gottmann phê bình Nicholas Spykman và cho rằng ông dựa theo lập luận của Mackinder để phân tích các vấn đề địa chính trị của Mỹ. Ông cũng thường xuyên vay mượn các phân tích của các nhà địa chính trị Đức, kết hợp với các mánh khóe chính trị của Hitler trong Cuộc chiến đấu của tôi.

Khái niệm địa chính trị hầu như không còn được nhắc đến trong các bài diễn văn, giới lãnh đạo ít khi nhắc đến từ địa chính trị vì khái niệm này có nhiều mối liên quan đến chế độ Đức Quốc xã, nên nó không có tính hợp pháp sau khi kết thúc chiến tranh. Tìm hiểu về địa chính trị đồng nghĩa với tìm hiểu các kế hoạch chiến lược của Đức Quốc xã nhằm thống trị thế giới. Các công trình của Karl Haushofer bị đánh giá như những biến thái của địa chính trị đã được người Đức sử dụng như một công cụ để thực hiện mục đích của mình. Địa chính trị bị cấm đề cập tại các nước Đông Âu và Liên Xô vì khi bàn về địa chính trị, các nhà lãnh đạo cộng sản hay liên hệ đến hiệp ước Đức-Liên Xô. Staline luôn tin tưởng vào hiệp ước này và đã ủng hộ nội dung địa chính trị trong hiệp ước trong suốt 2 năm (1939 và 1941), chỉ đến khi Đức tấn công Liên bang Xô viết, Staline mới tỉnh ngộ.

Các nhà trí thức marxist lại luôn theo quan điểm kinh tế quyết định chính trị, tiêu chí địa lí chỉ là phụ. Địa chính trị trở nên vô ích vì chiến tranh lạnh đòi hỏi các bên phải duy trì mức độ cân bằng về sức mạnh chính trị và quân sự để tránh mọi nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Phe tư bản và phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ và Nga cần giữ cân bằng sức mạnh hạt nhân. Địa chính trị không phải là yếu tố quyết định đến cân bằng sức mạnh giữa các cường quốc khác biệt về ý thức hệ, cân bằng sức mạnh ở đây chính là khả năng đối đầu về kĩ thuật và công nghệ chứ không phải đối đầu về vị trí địa lí chiến lực giữa hai phe trong thời kì chiến tranh lạnh.

Ngành hàng không có những tiến bộ vượt bậc, giúp cho con người đi lại dễ dàng hơn. Tin học, viễn thông cũng giảm bớt những trở ngại về khoảng cách, tạo điều kiện cho con người giao lưu tốt hơn. Hơn nữa, các nước ngày càng hòa nhập vào các tổ chức kinh tế. Một số khu vực như Liên hiệp châu Âu có thị trường chung, điều đó giảm bớt chủ quyền của các nước về các vấn đề kinh tế, các nước bị giới hạn chủ quyền về trao đổi thương mại và tiền tệ. Những thay đổi này, khiến các quốc gia mất đi vai trò trọng tâm về chiến lược phát triển, đây lại chính là nội dung chính của địa chính trị, cho nên địa chính trị không có vị trí quan trọng như trước.

Địa chính trị, sau một thời gian ít được bàn đến lại được nhắc đến nhiều hơn kể từ khi Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau, sau khi Nixon thăm chính thức Trung Quốc năm 1972. Cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thấy có nhiều lợi ích khi hợp tác với nhau, Mỹ là đối thủ của Liên bang Xô viết, Trung Quốc lại có những xung đột với quốc gia này, cả hai bên đều muốn đấu tranh để giảm bớt ảnh hưởng của Liên bang Xô viết. Các vấn đề về địa lí, lợi ích chính trị lại được đề cập đến.

Chính sách đối ngoại của Pháp do De Gaulle khởi xướng cũng phản ánh địa chính trị của Pháp. De Gaulle đề xuất thành lập một tổ chức hợp tác giữa các nước châu Âu để tạo thế cân bằng giữa Mỹ và Liên Xô. Pháp công nhận Trung Quốc là một nước có chủ quyền hợp pháp ngay từ năm 1964, đó cũng là một quyết định mang tính địa chính trị.

Khái niệm địa chính trị được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều lần năm 1979, trước đó, quân đội Việt Nam tiến đánh Campuchia, giải phóng nước này khỏi chế độ diệt chủng Khmer đỏ, chế độ của Polpot lại được Trung Quốc hậu thuẫn. Đáp trả hành động này, Trung Quốc đã gây chiến tại các vùng biên giới của Việt Nam. Henry Kissinger sử dụng từ địa chính trị để chỉ cân bằng về sức mạnh chính trị trên toàn cầu. Năm 1976, nhà địa lí người Pháp Yves Lacoste cho xuất bản tạp chí Hérodote chuyên về các vấn đề địa chính trị của Pháp.

N. M.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

(*) Trích phần 1, trong bài giảng Địa chính trị cho năm học 2012-2013, Master 1 de droit public et science politique, l'Université de Bordeaux.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn