Một cái chết được chờ đợi

Nam Nguyên, phóng viên RFA

clip_image002

Tướng Phạm Quý Ngọ tại một hội nghị về an toàn giao thông trước đây, ảnh chụp ngày 22/3/2013. Courtesy chinhphu.vn

Thông tin thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần gây sự chú ý đặc biệt trên công luận báo chí. Ông Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an bị tố giác nhận hối lộ 1,5 triệu đô la đã qua đời, chỉ vài ngày sau khi Phó Ban Nội chính Trung ương nói rằng, về nguyên tắc thì phải đình chỉ chức vụ của tướng Ngọ để phục vụ công tác điều tra.

Có tội hay không có tội?

Trả lời Nam Nguyên tối 20/2, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Sài Gòn nhận định là, có nhiều quan điểm khác nhau về khả năng đình chỉ vụ án làm lộ bí mật Nhà nước.

“Có những ý kiến người ta mong rằng cần phải làm sáng tỏ ông này có tội hay không có tội. Cũng cần mở rộng xem ngoài ông Phạm Quý Ngọ còn ai nữa… Về cơ sở pháp luật thì thực sự đây là khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác bí mật nhà nước, chứ không phải khởi tố ông Phạm Qúy Ngọ mà nhiều người nói là đình chỉ vụ án.”

Theo Người Lao Động bản tin trên mạng ngày 19/2, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự TP Hà Nội, người đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, cho biết vụ án này sẽ phải đình chỉ. Vẫn theo lời vị thẩm phán, vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” sẽ đình chỉ theo tinh thần điều 107 của Bộ Luật hình sự.

Tờ báo cũng trích lời luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân trụ sở ở Hà Nội nhận định rằng, nếu vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” không chỉ có có một mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ đình chỉ bị can với ông Ngọ nhưng vẫn tiến hành điều tra như bình thường.

Nhắc lại, tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 7/1/2014 xét xử cựu đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh mình là ông Dương Chí Dũng nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn, ông Dương Chí Dũng đã bất ngờ tố giác người báo tin cho mình bỏ trốn nếu không sẽ bị bắt, chính là Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ. Ông Dương Chí Dũng đã bị tuyên án tử hình trong một phiên xử trước đó, nhưng đã được tòa triệu tập với tư cách nhân chứng trong phiên xét xử ông Dương Tự Trọng và các đồng phạm.

clip_image004

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines, tại Tòa án nhân dân Hà Nội hôm 14/12/2013

Tại phiên xử này, tử tội Dương Chí Dũng còn khai thêm đã hối lộ tướng Phạm Quý Ngọ 510.000 USD về vụ điều tra sai phạm ở Tổng Công ty Hàng hải Vinalines, ngoài ra còn môi giới đưa 1 triệu USD khác cho tướng Ngọ, liên quan đến dự án kinh tế mở rộng Cảng Sài Gòn, cộng chung là 1.510.000 USD.

Tòa án Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” ngay cùng phiên xử ngày 7/1, sau khi tử tội Dương Chí Dũng tố giác người báo tin cho ông ta bỏ trốn. Lúc đó TS Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu độc lập ở TP.HCM nói với chúng tôi là ông Dương Chí Dũng có khả năng thoát án tử, nếu làm rõ hơn được những người đứng đàng sau thượng tướng Phạm Quý Ngọ.

“Người ta đặt vấn đề sau ông Phạm Quý Ngọ là ai nữa, ông Phạm Quý Ngọ là Thượng tướng Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an nhưng cũng chỉ là hàm Ủy viên Trung ương Đảng. Như vậy trên Ủy viên Trung ương Đảng là cái gì và là ai, người ta đang đặt câu hỏi này.”

Không thể dừng vụ án

Đáp câu hỏi của chúng tôi về khả năng tướng Phạm Quý Ngọ không nhận hối lộ một mình, mà trên ông còn có các người khác có quyền lực cao hơn và tử tội Dương Chí Dũng sẽ khai thêm những người khác ngoài ông Phạm Quý Ngọ, trong trường hợp này không thể dừng vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” dù ông Phạm Quý Ngọ đã mất, LS Trần Quốc Thuận phát biểu:

“Theo dõi diễn biến vụ án Dương Chí Dũng thì thấy Dương Chí Dũng là một người có những mối quan hệ rất đặc biệt. Kể cả chuyện bổ nhiệm ông ta cũng là không bình thường, đương làm Tổng giám đốc Vinalines mà điều về Cục Đường Biển, quyết định của Thủ tướng cũng không bình thường, chức trách này là của ông Bộ trưởng Giao thông chứ không phải việc để ông Thủ tướng ký. Quyết định này ghi rõ điều chuyển về Bộ Giao thông để nhận chức vụ đó, tại sao phải rất chắc ăn như vậy, thì đó cũng là một câu chuyện. Ngoài ra còn chuyện Cảng Sài Gòn nữa… Nếu ông này nêu được chứng cứ làm rõ thì sẽ có màn khai thêm và ông ta sẽ làm như vậy thì mới thoát chết.”

Luật sư Trần Quốc Thuận phân tích thêm là vẫn còn một yếu tố rất quan trọng. Cựu đại tá Công an Dương Tự Trọng, nguyên phó Giám đốc Công an Hải Phòng, một người có thâm niên trong ngành, không thể chỉ hành động vì tình cảm gia đình mà tổ chức cả một đường dây hoàn hảo để ông anh Dương Chí Dũng bỏ trốn ra ngoại quốc. Ông Dương Tự Trọng đã bị xử 18 năm tù, vị cựu đại tá chắc chắn là người biết quá nhiều nhưng hiện vẫn còn im lặng.

“Dương Chí Dũng muốn em mình phải khai ra, anh đã nói với em là vì người kia báo tin nên em phải tổ chức cho anh trốn an toàn không có vấn đề gì, nhưng về sau tình hình đi ngược lại. Nó còn một đầu mối quan trọng là Dương Tự Trọng phải khai ra, đó là nhiệm vụ của các cơ quan điều tra. Đây không phải vấn đề tình cảm đạo đức anh em, mà phải có cái niềm tin về nghiệp vụ. Một người dám tổ chức cho anh mình trốn như thế, huy động cả bộ máy để tổ chức như thế không phải đơn giản. Ít người chú ý chỗ đó, nhưng tôi cho đó là điểm quan trọng.”

Người dân Việt Nam quá quen thuộc với vấn đề tham nhũng từ nhỏ tới lớn, họ cho rằng chẳng có cán bộ nào ăn tiền một mình mà có thể nuốt trôi, tất cả đều có phe nhóm với nhau. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội, một người tranh đấu cho sự công khai minh bạch nói rằng, ông đã hoàn toàn mất niềm tin vào hệ thống và vụ án làm lộ bí mật nhà nước sẽ chìm xuồng.

“Tôi thì lúc đầu cũng như những người dân thường mong muốn ông Nguyễn Bá Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay xử lý các vụ việc. Nhưng lúc này chín chắn nhìn lại thì ông Nguyễn Bá Thanh chỉ là Trưởng Ban Nội chính thôi, thực tế quyền hành không thể vượt được ông Thủ tướng, hay những người khác. Chắc chắn ông ấy sẽ bị vô việu hóa, chưa kể yếu tố tham nhũng bảo kê ở Việt Nam đã thành một đường dây, tầng tầng lớp lớp đan chéo nhau, bảo vệ nhau rất chặt chẽ thì làm sao một mình ông Nguyễn Bá Thanh làm được. Việt Nam cần hàng ngàn ông Nguyễn Bá Thanh ở tất cả các cấp… dẫu sao cũng nên có những người như ông ấy.”

Theo tiểu sử được các báo phổ biến, ông Phạm Quý Ngọ hưởng dương 60 tuổi, ông có đường quan lộ thênh thang lên nhanh như diều gặp gió. Từ cấp đại tá, bí thư đảng ủy kiêm Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, trong vòng 8 năm ông đã leo tới chức Thượng tướng Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực bộ Công an. Bên cạnh công danh, điều không may với ông Phạm Quý Ngọ chính là vấn đề sức khỏe, ông đã bị ung thư gan và duy trì cuộc sống được 5 năm nhờ được ghép gan ở Singapore và điều trị nhiều lần ở nước ngoài. Tướng Ngọ cũng từng qua Nhật để thực hiện liệu pháp cấy tế bào gốc nhưng không thành công.

Chung quanh câu hỏi cố thượng tướng Phạm Quý Ngọ có thực sự nhận hối lộ từ tử tội Dương Chí Dũng 1.510.000 USD hay không, Đảng Cộng sản và Chính quyền Việt Nam cần làm rõ để trả thanh danh lại cho một cán bộ cao cấp trong guồng máy.

Nhiều chuyên gia trong đó có TS Phạm Chí Dũng từng nói với chúng tôi, điều tra xác minh nguồn gốc tài sản của bất cứ cán bộ nào thì cũng có thể biết người ấy có tham ô, tham nhũng, bất minh hay không.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn