Việt Nam năm 2014: Dự báo những diễn biến chủ lưu

Nhà báo, TS. Phạm Chí Dũng

Những động thái nội bộ

Ngược lại năm 2013, Việt Nam năm 2014 sẽ mang đặc trưng biểu hiện đối nội nổi bật hơn so với hoạt động đối ngoại. Hoạt động đối nội như vậy có thể khá đặc sắc và có tính tranh đấu. Nếu vào năm 2013, hoạt động đối ngoại diễn ra rộng khắp với Trung Quốc, Nga, Pháp và Mỹ, thì năm 2014 có thể được xem là năm khởi động cho “chiến dịch hai năm” sắp xếp các vị trí của đại hội đảng lần thứ 12 vào năm 2016. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị nhân sự không còn nhiều, có thể đến giữa năm 2015 phải cơ bản hoàn thành phương án bố trí các chức vụ chủ chốt trong Bộ Chính trị. Do vậy có thể xem đây là cuộc chạy đua mang tính nước rút. Một trong những tín hiệu rõ rệt cho cuộc vận động này là thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với hàm ý “đổi mới thể chế”. Một tín hiệu khác còn rõ rệt hơn về không khí tranh đấu nội tình sẽ khá đậm đặc trong năm 2014 là lời khai đặc biệt “bất ngờ” của cựu quan chức Vinalines Dương Chí Dũng về một thứ trưởng Bộ Công an đã “làm lộ bí mật công tác”. Và hai tín hiệu này chỉ cách nhau đúng một tuần.

Những nhân sự cao cấp trong Bộ Chính trị trong đại hội 12 sẽ phụ thuộc cơ bản vào ba tiêu chí: mức độ ảnh hưởng mà họ tạo ra trong nội bộ đảng, ảnh hưởng của họ đối với khối trí thức và dân chúng, và cuối cùng là dấn ấn của họ trong quan hệ đối ngoại. Trong đó, ảnh hưởng trong nội bộ đảng là yếu tố quyết định, kế đến là ảnh hưởng trong dân chúng.

Một đặc thù khác ngày càng lộ diện rõ hơn và đáng được quan tâm là sẽ gia tăng khuynh hướng tản quyền và tự trị tại một số chính quyền địa phương, đồng thời “tự chuyển hóa” hơn nữa bằng quá trình tiết giảm vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của đảng. Khuynh hướng này sẽ càng rõ nét theo quy luật ly tâm chính trị vào những năm tới, khi bối cảnh và tình thế chính trường trở nên phức tạp hơn hẳn hiện thời.

Năm 2014 cũng sẽ xác nhận những tác động theo chiều sâu của vấn đề Campuchia đối với chính trường và xã hội Việt Nam. Sau sự kiện năm 1979, có thể xem đây là lần thứ hai mối nguy cơ Campuchia phát lộ, do khả năng đất nước này có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn về chính trị và xã hội bởi cuộc tranh giành được đẩy lên thế tương đối cân bằng và khó dung hòa giữa đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen với đảng đối lập của ông Sam Rainsy. Tình hình này có thể dẫn tới khả năng đảng cầm quyền không còn trụ vững và có thể bị thay đổi hoặc bị thay thế vai trò trong 3-4 năm tới, thậm chí sớm hơn, dẫn đến khả năng sức ép chính trị và cả quân sự sẽ gia tăng lên khu vực biên giới Tây Nam của Việt Nam, đồng thời gây nên hiệu ứng phân hóa hơn nữa đối với nền chính trị Việt Nam.

Những đối sách về nhân quyền

Liên quan đến việc tạo dựng hình ảnh đối với dân chúng, những câu chuyện bề nổi mà giới lãnh đạo nhắm tới vẫn chủ yếu là những nội dung then chốt thuộc điều 69 của Hiến pháp năm 1992 hay điều 25 của Hiến pháp năm 2013 về các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do biểu tình và có thể cả quyền được trưng cầu dân ý.

Vì thế trong năm 2014, có khả năng Quốc hội sẽ được tác động ở mức độ nhất định để ban hành Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lập hội và có thể cả Luật Biểu tình. Cả ba đạo luật này đều mặc nhiên xuất phát từ nhu cầu và cũng là xu thế đương nhiên của xã hội công dân, đồng thời là một trong những điều kiện của khối phương Tây trong mối quan hệ thương mại đa phương với Việt Nam. Một chi tiết đáng chú ý là thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập “người dân có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm”.

Cũng nhằm thỏa mãn nhiều hơn yêu cầu của người dân và đòi hỏi của cộng đồng quốc tế, giới chính khách trong nước nhiều khả năng sẽ thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia trong năm 2014. Cơ quan này có thể tồn tại dưới hình thức Hội đồng Nhân quyền quốc gia hoặc như một ủy ban nhân quyền quốc gia trực thuộc chính phủ, thay thế cho ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia trước đây. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hứa hẹn cho việc cơ quan nhân quyền quốc gia này sẽ nhận thức và hành động cân bằng giữa nhiệm vụ “phòng, chống các thế lực lợi dụng nhân quyền” với việc quan tâm thực chất đến quyền con người của dân chúng.

Một thỏa hiệp khác của Nhà nước Việt Nam với phương Tây là sẽ dần thừa nhận vai trò và dần chấp nhận sự tồn tại và vận động của xã hội dân sự ở Việt Nam, và thái độ này sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2014. Tình hình này dẫn đến việc năm 2014 sẽ xuất hiện nhiều tổ chức dân sự hơn năm 2013. Nếu chỉ xét đến các tổ chức dân sự theo đường hướng xã hội - chính trị, số tổ chức hình thành trong năm 2014 có thể gấp đôi năm 2013. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là một số trong đó hoạt động thiếu tính thực chất.

Trong bối cảnh xã hội dân sự bắt đầu được thừa nhận, hoạt động truyền thông xã hội (còn gọi là “lề trái”) sẽ được “hợp thức hóa” và sẽ gia tăng về số lượng, trong khi cơ chế cản trở bằng bức tường lửa trên mạng Internet sẽ giảm bớt.

Năm 2014 cũng có thể chứng kiến một số biểu hiện giao lưu, kết nối kín đáo giữa báo chí “lề phải” với truyền thông “lề trái” về quan điểm và mối tương tác trong một số vụ việc nhạy cảm của xã hội, kinh tế. Theo đó, hiện tượng nhà báo, phóng viên “lề phải” trực tiếp hoặc gián tiếp gia nhập hoạt động truyền thông “lề trái” sẽ gia tăng về số lượng, cung cấp thêm cho “lề trái” một lực lượng nhỏ cây viết chuyên nghiệp. Hiện tượng này sẽ diễn ra bất chấp sự ngăn cản và cấm đoán của hệ thống tuyên giáo.

Trong xu thế hé dần cửa đối ngoại, chủ đề hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ một lần nữa được nêu lại, sau hai lần chỉ mang tính hình thức sau Hiệp định song phương Việt - Mỹ (2001) - thể hiện bằng nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, và sau thời điểm năm 2006 khi Việt Nam được chấp nhận tham gia vào WTO. Năm 2014 có thể là giai đoạn khởi đầu cho việc Nhà nước Việt Nam xem xét lại chế độ xuất cảnh đối với một số nhân vật bất đồng chính kiến theo đường lối ôn hòa, cũng như cơ chế nhập cảnh cho một số nhân vật người Việt hải ngoại không đến mức bị coi là “chống phá nhà nước”.

Cùng với khả năng tăng tiến lộ trình tham gia vào TPP, chính quyền có thể tiến hành trả tự do có điều kiện cho một ít nhân vật bất đồng chính kiến, trong đó có Lê Quốc Quân, Phạm Viết Đào.

Tình hình trên cũng có thể dẫn đến chủ trương chính quyền tạm thời không thi hành biện pháp bắt bớ giới bất đồng chính kiến, nhưng thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường hành động gây khó khăn cản trở, sách nhiễu đối với giới này. Đặc biệt tại một số địa phương, những nhóm dân chủ hoạt động công khai ngoài đường phố sẽ có thể hứng chịu hình ảnh “đấm đá nhân quyền” hoặc những hành vi dưới tầm mức văn hóa của nhân viên công lực.

Xu thế chính trị đối ngoại lẫn đối nội cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện đảng chính trị độc lập và còn có thể xuất hiện đảng chính trị đối lập trong dân chúng, tuy chỉ với quy mô nhỏ.

Đồng thời, hiện tượng thoái - bỏ đảng sẽ lan tỏa rộng hơn và công khai hơn, đặc biệt vào quý cuối của năm 2014 khi nền kinh tế tiếp tục xuống dốc. Cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều tổ chức hội đoàn độc lập với nhà nước, hiện tượng thoái - bỏ đảng sẽ chính thức trở thành một trào lưu mang tính xu thế vào cuối năm 2014, làm đề dẫn cho một xu thế mạnh mẽ hơn vào những năm sau đó.

Ứng với bối cảnh như thế, Dự luật Nhân quyền Việt Nam (HR 1897) và Dự luật Chế tài nhân quyền Việt Nam nhiều khả năng vẫn chưa được thông qua tại Thượng viện Hoa Kỳ, sau khi HR 1897 đã được thông qua tại Hạ viện vào tháng 8/2013 với số phiếu thuận gần như tuyệt đối.

Động thái ngả về phương tây

Xu hướng và xu thế thoái - bỏ đảng đương nhiên sẽ tạo thêm một tác động không nhỏ đối với nhận thức, hành vi ứng xử cách biệt và phân hóa trong nội bộ đảng. Với những dấu hiệu manh nha từ năm 2013, xu hướng nhóm chính khách mang quan điểm gần gũi hơn với phương Tây sẽ nổi lên rõ hơn vào năm 2014, dần trở nên cân bằng và có thể còn có phần lấn ảnh hưởng của nhóm chính khách “thân Trung Quốc” ở Hà Nội và tại một số tỉnh thành. Biểu hiện sớm nhất và rõ nhất của sự đối chọi giữa hai xu hướng này là mối giao kết về hợp tác hải quân Việt - Mỹ sẽ gia tăng, trong khi Trung Quốc sẽ lại xúc tiến gây hấn tại biển Đông vào một số thời điểm, trùng với thời gian mà mối quan hệ Việt Nam - phương Tây trở nên “nồng ấm” hơn.

Xu hướng ly khai dần khỏi tâm điểm Bắc Kinh cũng liên quan mật thiết đến chính sách nhập khẩu nguyên, phụ liệu của Việt Nam từ Trung Quốc. Để có thể tham gia đầy đủ vào TPP và được miễn thuế xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu là hàng hóa đó phải có xuất xứ từ các nước nội khối TPP, trong khi Trung quốc vẫn chưa phải là thành viên TPP. Do đó, Chính phủ Việt Nam có thể phải tìm nhiều cách để giảm bớt cơ cấu nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc và chuyển đổi vùng nhập khẩu sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức vì trước đó có đến 80-90% nguyên phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc, và bởi sức ép về chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam là liên tục và sẵn sàng căng thẳng.

Tuy nhiên, với “quyết tâm” tìm phao cứu sinh từ ngoại viện phương Tây, Việt Nam sẽ được chấp thuận tham gia vào TPP trong năm 2014, thậm chí khả năng này có thể xảy ra ngay trong nửa đầu năm 2014. Tuy nhiên, tính hiệu quả của TPP là không thể tức thời, khi thời hiệu áp dụng sớm nhất của hiệp định này là giữa năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Để được chính thức chấp thuận tham gia vào TPP, Nhà nước Việt Nam sẽ chấp nhận một số điều kiện của phương Tây về cho phép hình thành nghiệp đoàn lao động, lập hội và cải cách doanh nghiệp nhà nước (liên quan đến cơ chế giảm dần và tiến đến xóa độc quyền của một số doanh nghiệp như điện lực, xăng dầu…).

Cuối 2014: khởi đầu khủng hoảng kinh tế

Một sự thật không thể chối bỏ là cho dù được chấp thuận bởi TPP, nền kinh tế Việt Nam vẫn quá khó trong năm 2014. Rất nhiều khả năng nền kinh tế này sẽ vận động ngang trong năm 2014 chứ không thể tăng tốc được, và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ “thoát đáy”.

Gần như toàn bộ mấu chốt của nan giải kinh tế Việt Nam nằm ở nợ xấu, trong đó ít nhất 70% thuộc về nợ xấu bất động sản. Với những dấu hiệu rõ ràng của nửa cuối năm 2013, gói kích thích 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản coi như đã hoàn thành vai trò lịch sử đậm nghĩa thất bại của nó. Những chính sách hỗ trợ khác như chính sách cho người nước ngoài mua nhà và cho phân lô bán nền cũng sẽ chỉ có tác dụng rất nhỏ. Hệ số tiêu thụ của phân khúc căn hộ cao cấp rất thấp. Hệ số tiêu thụ của căn hộ trung cấp nhỉnh hơn nhưng cũng không hề khả quan. Tồn kho bất động sản, đặc biệt là bất động sản cao cấp sẽ giữ gần như nguyên trạng, trong khi số căn hộ cao cấp và trung cấp cung ứng cho thị trường sẽ càng tăng, tạo nên hiện tượng bội cung ngày càng lớn. Trong khi đó, các thị trường đầu cơ như vàng, chứng khoán đều rất thiếu triển vọng.

Nhìn chung, Ngân hàng nhà nước và các ngành liên quan sẽ không thể xử lý được nợ xấu nói chung và nợ xấu bất động sản nói riêng. Vào giữa năm 2014, công cuộc xử lý này nhiều khả năng sẽ bế tắc hoàn toàn.

Với những dấu hiệu khá rõ ràng về nợ xấu, thực trạng khan hiếm tiền mặt, tình trạng bi đát của hệ thống ngân hàng thương mại vào cuối năm 2013, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng bắt đầu bước chân vào giai đoạn đổ vỡ vào nửa cuối năm 2014. Khi đó nền kinh tế cũng bắt đầu thời kỳ đầu tiên lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, khi trước đó đã có 7 năm suy thoái.

Trong bối cảnh đó, lưu thông tiền tệ càng suy thoái, một số kênh kinh doanh trở nên bất động. Tâm lý người dân găm giữ tiền và vàng mà không đưa vào lưu thông trở nên rất phổ biến.

Vào năm 2014, Nhà nước sẽ phải tìm mọi cách huy động vàng trong dân để cứu nguy nền kinh tế, nhưng sứ mệnh này sẽ thất bại do niềm tin tiêu dùng và cả niềm tin chính thể của người dân xuống đến mức thấp chưa từng có. Ngân hàng nhà nước có khả năng sẽ phải bán ngoại tệ dự trữ để thu tiền mặt phục vụ cho ngân sách chi tiêu, nhưng hệ quả không tránh khỏi của sứ mệnh này lại càng làm tăng lạm phát. Theo đó, chỉ số lạm phát năm 2014 có thể “ngoài dự kiến”.

Để giải quyết vấn nạn thiếu tiền mặt, nhiều ngân hàng thương mại sẽ đẩy cao lãi suất tiền gửi như tình trạng tương tự vào nửa cuối năm 2011. Chính sách cho vay giá rẻ cũng vì thế sẽ hầu như phá sản. Một phần lớn doanh nghiệp thiếu vốn sẽ càng khó khăn và tỷ lệ doanh nghiệp phá sản sẽ càng tăng. Trong đó, “cái chết” của doanh nghiệp bất động sản là một hệ quả đặc trưng nhất.

Không thể giải quyết cơ bản hàng tồn kho và cũng không thể thanh toán được nợ vay, năm 2014 sẽ chứng kiến khoảng 30% doanh nghiệp bất động sản phải phá sản. Những năm sau đó sẽ có khoảng 30-40% doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phá sản, khiến cho toàn bộ hoạt động kinh doanh nhà đất ở Việt Nam tê liệt và chính thức rơi vào “thập kỷ mất mát”.

Bất ổn và phản kháng: giai đoạn đầu của khủng hoảng xã hội

Kinh tế tiếp tục suy thoái và bắt đầu bước chân vào khủng hoảng là mảnh đất phì nhiêu cho các mầm mống bất ổn xã hội. Nếu trong năm 2013, bất ổn đã sinh ra từ nhiều phản ứng và phản kháng của dân chúng đối với chính quyền, thì đến năm 2014, số lượng và quy mô phản kháng chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Bản hiến pháp năm 2013 được thông qua với nhiều nội dung không được cải cách cũng là nguồn gốc dẫn đến tâm thế trục lợi không thay đổi và bất chấp dân sinh của các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu, đặc biệt là những nhóm lợi ích về chính sách và đất đai.

Hơn ai hết, các nhóm lợi ích là người điều khiển thị trường và hiểu rằng nền kinh tế đang đi đến hồi kết bi kịch. Do vậy, những năm tới sẽ là giai đoạn trục lợi và vơ vét cuối cùng trước khi nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Đó là lý do khiến mức độ và tính chất vơ vét sẽ tăng tốc, tàn nhẫn và hung bạo hơn, dẫn đến thái độ và hành vi khản kháng của dân chúng càng phẫn uất và quyết liệt không kém.

Phản kháng dân chúng sẽ tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, điều kiện lao động, giá cả. Số cuộc và số người dân tuần hành, biểu tình sẽ gia tăng so với năm 2013.

Hiện tượng chống nhân viên công lực và hiện tượng “tự xử” của người dân cũng sẽ gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương và ngay tại Hà Nội. Hầu hết hiện tượng như vậy đều diễn biến theo chiều hướng tự phát và thiếu kiểm soát. Trong một số trường hợp gặp phải tác động tiêu cực từ phía cơ quan công quyền, phản ứng tự phát của người dân có thể biến thành bạo động cục bộ và quy mô nhỏ.

Vào cuối năm 2014, trong khung cảnh có thể khởi đầu khủng hoảng kinh tế, quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ lương hưu cũng có thể bắt đầu lâm vào tình trạng nguy hiểm. Cùng với làn sóng thoái - bỏ đảng phát sinh vào thời điểm này, có thể phát sinh những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên của tầng lớp hưu trí, làm tiền đề cho xu thế bỏ đảng trong giới hưu trí và cả một bộ phận thuộc giới đảng viên đương chức trong những năm sau.

Trước sự bất ổn của tình hình xã hội và chính trị, xu hướng di cư và chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ gia tăng, không chỉ tập trung vào tầng lớp nhóm lợi ích và một bộ phận quan chức đặc quyền đặc lợi mà với cả tầng lớp trung lưu.

Trước áp lực và các mâu thuẫn xã hội tăng vọt, bị ràng buộc bởi quyền lợi và mối quan hệ với các nhóm lợi ích, chương trình chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ sẽ chỉ còn tính tượng trưng và càng làm cho niềm tin chế độ của người dân bị “suy thoái” hơn bao giờ hết.

Kết

Dự báo tổng quan, năm 2014 sẽ chứng kiến 5 diễn biến chủ lưu ở Việt Nam:

(1) 2014 là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50% số ngân hàng hiện hữu, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016-2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị. Đây là diễn biến quan yếu nhất.

(2) Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng… Sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm độc lập của người dân như những tiền đề của xã hội dân sự.

(3) Bước khởi động cho cuộc tranh đua chính trị chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 12, đặc biệt là vị trí tổng bí thư đảng và vai trò thủ tướng, kể cả vấn đề “hậu chuyển tiếp” cho một mô hình chính trị mới.

(4) Xu hướng và lực lượng gần gũi với phương Tây sẽ rõ nét và chiếm ưu thế hơn trong nội bộ đảng. Nếu thành công trong hai năm 2014 - 2015, xu hướng này sẽ chuyển thành xu thế vào các năm 2016 – 2017 và có thể tạo nên một sự thay đổi lớn về bản chất chế độ chính trị.

(5) Hoạt động dân chủ gia tăng đáng kể về số lượng hội nhóm, nhưng bị hạn chế về nguồn nhân lực và thiếu tính trực tiếp với nhu cầu dân sinh nên không thu hút được số đông quần chúng. Chỉ một bộ phận nhỏ trong số các nhóm dân chủ hoạt động có tính thực chất và đạt được thành công ở mức độ khiêm tốn.

P.C.D.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn