Nếu Việt Nam rơi vào kịch bản nhiều ngân hàng cùng lúc sụp đổ?

Phạm Chí Dũng

Dù không muốn bi thảm hóa tình hình, nhưng bức tranh xám ngoét đang phơi bày tông màu ngày càng đen đúa khó có thể khiến chúng ta nghĩ về một tương lai nào khác hơn ngoài bi kịch dành cho khối ngân hàng Việt Nam.

“G 1+8″

Chỉ ít ngày sau vụ việc cơ quan kiểm toán nhà nước “bất ngờ” công bố hàng loạt số liệu cực kỳ bất ổn về tình trạng tài chính của Ngân Hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Agribank), đến lượt số ngân hàng được xem là xương sống của đế chế tín dụng Việt Nam lộ hình báo cáo tài chính quý 2, 2014.

Bức tranh “ngồi mát ăn bát vàng” của những năm trước ngay lập tức được phủ lên một lớp màu cực thô kệch: có đến 8 ngân hàng rơi vào cơn mơ nợ xấu tăng chóng mặt: Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB, với tổng nợ xấu tăng gần 13.400 tỷ đồng trong 6 tháng.

Những ngân hàng trên lại đều nằm trong top 12 tổ chức tín dụng được coi là “điểm sáng” mà giới quan chức Ngân Hàng Nhà Nước thường tự hào trong các báo cáo thành tích luôn tô vẽ giáo điều và phủ mị.

Dẫn đầu về nợ có khả năng mất vốn ở thời điểm này lại chính là Vietcombank với 4.765 tỷ đồng, tăng 70% so với cách đây 6 tháng và chiếm hơn một nửa tổng nợ xấu. Vietcombank cũng là ngân hàng được xem là “phát ngôn viên” cho những chính sách tiền tệ – tín dụng của Ngân hàng nhà nước.

Tiếp đến là Vietinbank – ngân hàng dính chặt với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như làm thất thoát đến 4.000 tỷ đồng – với 3.172 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn, tăng 40% so với đầu năm. Tổng nợ xấu của ngân hàng này tăng 2,5 lần, từ 3.770 tỷ đồng cuối 2013 lên hơn 9.500 tỷ đồng hiện tại. Còn ACB – cũng là một “khổ chủ” trong vụ án trên – có tỷ lệ nợ xấu 3,6%; nợ có khả năng mất vốn chiếm gần 60% tổng nợ xấu và tăng 23% sau 6 tháng đầu năm.

Các ngân hàng khác như Eximbank ghi nhận gần 62% nợ xấu là có khả năng mất vốn với con số tuyệt đối gần 1.460 tỷ đồng; MB có tỷ lệ nợ xấu tăng 0,6% lên 3%; và ngân hàng SHB dẫn đầu với tỷ lệ 8,2% tăng 72,4% so 2013…

Ngay cả BIDV – ngân hàng thuộc loại “thái tử đỏ” và thường được Ngân Hàng Nhà Nước dành cho nhiều ưu ái và đặc quyền – dù có tỷ lệ nợ xấu tương đương năm 2013 nhưng nợ nhóm 5 lại tăng hơn 62% so 2013.

Bi kịch đang lộ diện ở chỗ không chỉ một Agribank, mà hầu hết các ngân hàng lớn nhất Việt Nam đều nằm trong tình thế nợ xấu quá tải và còn có thể chẳng có điểm dừng, nếu tình trạng thu hồi nợ từ các doanh nghiệp, trong đó có đến 70% hoặc hơn là nợ cho vay bất động sản, vẫn gần như vô phương hiện thời.

Ðến trung tuần tháng 8, 2014, có thể một cái tên mới đã hình thành: “G 1+8,” gồm quán quân Agribank và 8 ngân hàng khác mà nợ xấu bủa vây sẽ khiến các “thành viên” quá khó để ứng cứu lẫn nhau.

“Chết chùm”

Tỷ lệ nợ xấu được báo cáo bởi các ngân hàng thương mại thuộc nhóm “1+8” trên, dù có vượt quá ngưỡng 3%, vẫn chưa thể mô tả thực chất cơn ác mộng của chúng.

Ðiều đơn giản là nếu các ngân hàng phải cơ cấu lại nợ theo Quyết Ðịnh 780 của Ngân Hàng Nhà Nước thì con số sẽ phình to hơn nhiều.

Quyết Ðịnh 780 ra đời vào tháng 4, 2012 mà đã “giúp” các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản vừa hoãn nợ vừa đảo nợ. Tuy thế thời gian thoi đưa với lãi mẹ đẻ

lãi con. Nếu tại thời điểm ban hành văn bản 780, số nợ “tái cơ cấu” là khoảng 250.000 tỷ đồng, thì đến đầu năm 2014 cần cộng thêm hơn 20.000 tỷ đồng nữa.

Theo ước tính của Ngân Hàng Nhà Nước, tỷ lệ nợ xấu sau cơ cấu có thể chiếm khoảng 9,71% tổng dư nợ chứ không phải chỉ khoảng 4% như báo cáo hiện thời. Ðó cũng là lời “dạo đầu” mới xảy ra gần đây, có triệu chứng một lần nữa trốn tránh trách nhiệm của Thống Ðốc Nguyễn Văn Bình.

Thế nhưng vào tháng 3, 2014, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã ước tính tỷ lệ nợ xấu của giới ngân hàng Việt Nam lên đến 13%.

Một triệu chứng khác mà có thể dẫn đến cơn sang chấn bất thường là riêng tại TP. Hồ Chí Minh: nợ có khả năng mất vốn cũng đang là mối lo của các ngân hàng khi chiếm tới 70,5% trong tổng nợ xấu của các nhà băng trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm. Cần chú ý rằng đây là một trong số hiếm hoi lần mà chính quyền TP.HCM đủ can đảm công bố một tỷ lệ nợ xấu mà có thể tạm gọi là “minh bạch.”

Cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng cũng vì thế có sự dịch chuyển mạnh. Nợ xấu không tĩnh mà động với xu hướng từ nhóm 3 dịch chuyển càng ngày càng gần nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn.

Sự kiện này cũng đủ cho thấy tình trạng nợ xấu đang nan giải đến mức nào đối với ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ðã đến lúc giới ngân hàng nhìn ra hình bóng cú “chết chùm” quá khó để tránh thoát.

Lâm sàng bất động sản

Không có lửa tất chẳng có khói. Phần lớn ngân hàng thương mại đều liên quan đến một cơn ác mộng thực sự chỉ muốn quên: nợ cho vay và nợ xấu bất động sản.

2011 bắt đầu phát sinh nợ xấu, nhưng nhiều ngân hàng vẫn cố giấu diếm. Ðến năm 2012, bắt đầu lộ ra dấu vết một số ngân hàng là “mẹ đỡ đầu” cho các dự án bất động sản, liên quan đến hàng loạt đại gia tiếng tăm như Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Ðạt, Vinaconex… Tình cảnh két sắt chỉ còn vài tỷ đồng của Quốc Cường Gia Lai vào năm đó là một thực tồn ghê gớm về hiểm họa “chết trên đống tài sản” của các đại gia.

Ðại gia “chết” tất dẫn đến ngân hàng cho vay vốn sẽ “băng hà.” Từ nhiều năm qua, các ngân hàng đã bơm vốn theo lối “đầu tư ồ ạt cho đến lúc sụp đổ,” khá tương đồng với hình ảnh giới doanh nhân nhà đất Trung Hoa. Hậu quả là hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp ở ba miền Bắc-Trung-Nam cho tới nay vẫn nằm chết dí mà không có nổi vài phần trăm tiêu thụ, bất chấp làn sóng PR nhiệt tình đến mức đáng nghi ngờ của những hãng tư vấn bất động sản quốc tế đồng lợi ích tại Việt Nam như CBRE, Savills…

Lượng phân khúc căn hộ cao cấp và trung cấp lại chiếm đến hơn 80% tổng lượng căn hộ do các doanh nghiệp tung ra thị trường. Tỷ lệ này cho thấy nợ và nợ xấu bất động sản – ngân hàng nguy hiểm đến thế nào một khi người tiêu dùng vẫn kiên tâm giữ chặt tiền trong hầu bao.

Khi quá nhiều “thượng đế” còn cho rằng giá căn hộ sẽ còn xuống nữa, ngân hàng chủ nợ và doanh nghiệp con nợ phải quay sang cắng đắng và cấu xé lẫn nhau. Vào đầu quý 3, 2014, các số liệu về nợ xấu từ giới ngân hàng bất chợt “minh bạch” hơn hẳn vài năm trước.

Nhưng như dân gian truyền tụng, khi ngân hàng phải kêu thét lên thì đó chính là thời điểm mà hiệu ứng Minsky – các món cho vay đến hạn không thể thanh toán được – có thể ập tới bất kỳ lúc nào.

“Chẳng làm gì cả”

Bất kỳ lúc nào cũng có thể bùng nổ sự sụp đổ của một ngân hàng đầu tiên ôm nợ xấu bất động sản mà không thể bán lại cho bất kỳ ai. Xét về những triệu chứng sang chấn, ngân hàng đầu tiên có thể rơi vào tâm địa chấn mang tên Agribank, nếu tổ chức tín dụng này không được Ngân Hàng Nhà Nước và các ngân hàng “bạn” cấp cứu kịp thời.

Thế nhưng ngay cả như một chuyên gia tài chính thuộc khuynh hướng “phản biện trung thành” cũng phải cho rằng ngân hàng Việt Nam trong nhiều năm qua đã chỉ di chuyển theo lộ trình từ phòng cấp cứu sang khoa điều trị, còn giờ đây lại đưa trở về phòng cấp cứu.

Bi kịch có thể xảy ra là không chỉ một Agribank, mà có thể hàng loạt ngân hàng lớn rơi vào tình trạng nợ xấu vượt mặt. Cũng không giống như kịch bản của Hoa Kỳ chỉ tập trung cứu chữa chủ yếu cho một Lehman Brothers, giới điều hành tín dụng và tiền tệ Việt Nam rất có thể sẽ phải đối mặt với kịch bản có ít nhất từ 3-5 ngân hàng lớn cùng rơi vào tâm thế hôn mê, khiến cho phương án ứng cứu lẫn nhau trở nên khá vô nghĩa.

Gần đây, ông Bùi Kiến Thành – một chuyên gia ngân hàng có thực tâm, còn nói thẳng là Ngân Hàng Nhà Nước đã vô tâm đến mức “chẳng làm gì cả” đối với sự nghiệp “tái cấu trúc ngành ngân hàng.” Tức sau làn sóng sáp nhập một số ngân hàng “ngon ăn” vào năm 2012, cho tới nay vẫn còn nguyên trạng nhóm ngân hàng yếu kém mà không một ngân hàng “cá mập” nào thèm ngó ngàng.

Không thể sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh, cũng không có nổi một thái độ cưu mang từ những kẻ mà ích kỷ đã trở thành một đặc tính cố hữu, sẽ rất khó để chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cấp cứu, dù bằng biện pháp bơm máu – in tiền ồ ạt, nếu một loạt ngân hàng cả lớn lẫn nhỏ cùng lúc rơi vào đổ bể theo hiệu ứng “Minsky tập thể.”

P.C.D.

Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng ở nguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn