VN “xin lỗi” Nhật vụ sân bay Long Thành

clip_image001

Đại sứ quán Nhật Bản cho biết Tokyo vẫn chưa có quyết định về vốn vay cho sân bay Long Thành

Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Việt Nam gửi thư xin lỗi đến Đại sứ quán Nhật Bản sau khi Tokyo bác thông tin cho Hà Nội vay vốn xây sân bay Long Thành.

Trước đó, hôm 17/10, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Quý Tiêu cho biết trong một buổi tọa đàm trực tuyến ngày 17/10 rằng "phía Nhật Bản quan tâm và sẽ dành khoảng 2 tỷ đôla cho dự án".

Tuy nhiên, chiều 17/10, ông Hayashi Hiroyuki, Bí thư thứ nhất phụ trách về vốn vay tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, nói với BBC thông tin do ông Tiêu đưa ra là "sai sự thật".

"Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định gì về khoản đầu tư nói trên và vì thế chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam về sân bay Long Thành", ông cho biết.

Đài VOV ngày 18/10 dẫn lời ông Tiêu thừa nhận đã có "sự nhầm lẫn về thông tin" trong buổi tọa đàm về chủ đề “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức”.

"Hiện phía Nhật Bản mới chỉ có cam kết tham gia hỗ trợ đầu tư phát triển dự án sân bay Long Thành nhưng chưa đưa ra số liệu cụ thể nào về số vốn vay để thực hiện dự án", ông Tiêu được dẫn lời nói.

"Con số 2 tỷ đôla là cam kết của Tập đoàn ADPi (Pháp) sẽ cho Việt Nam vay theo hình thức thương mại.”

“Do điều trị bệnh”

Trong thư gửi đến Đại sứ Nhật Bản Fudaka Hiroshi được các báo trong nước dẫn lại, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói ông đã "có nhầm lẫn khi đưa ra thông tin" về khoản vay 2 tỷ đôla.

“Tôi thành thật nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích nào thực sự thỏa đáng", thư có đoạn.

Ông Tiêu cũng "chia sẻ từ trái tim" nguyên nhân gây ra nhầm lẫn nói trên:

"Thời gian vừa qua, do tôi mới điều trị bệnh và đi làm lại, trong quá trình theo dõi chuẩn bị cho việc xin chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do có thông tin về một số nguồn có khả năng hỗ trợ tín dụng cho dự án này, vì vậy dẫn tới việc trong khi trả lời phỏng vấn tôi có phát biểu nhầm lẫn nói trên."

"Tôi thành thực xin lỗi Ngài Đại sứ và mong Ngài Đại sứ chuyển lời xin lỗi chân thành của cá nhân tôi với chính phủ và các cơ quan hữu quan của phía Nhật Bản”, thư viết.

Dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn.

Giai đoạn một của dự án có tổng chi phí được truyền thông trong nước nói là 7,8 tỷ đôla, trong đó 50% vốn ODA và trái phiếu chính phủ, 50% còn lại là các nguồn vốn khác.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2014/10/141018_longthanh_airport_apology

Xem thêm bài dưới đây:

Quan chức Việt Nam đang chơi trò "nhầm lẫn" với những tỉ đô la

Blog Người Đồng Bằng

clip_image002

Dư luận đang bức xúc với số tiền nợ công "khủng" 500.000 tỉ đồng chưa biết tiền đâu trả, ông Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Quốc Hội gợi ý móc túi dân cứ như dân là cái kho vô tận. Thì các quan lại thúc ép dự án sân bay Long Thành. Người ta choáng với những con số đầu tư nhảy múa 18 tỉ đô rồi hạ xuống 8 tỉ đô cứ như một trò đùa.

Tại buổi tọa đàm “Dự án Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 17.10, liên quan đến nguồn vốn vay ODA cho dự án Long Thành, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải hùng hồn tuyên bố “Tại sao đặt vấn đề ODA và trái phiếu Chính phủ, vì đến nay riêng hàng không dân dụng thì hạ tầng cơ sở gồm đường băng, đường lăn, sân đỗ chưa nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư theo hình thức BOT và PPP. Chính phủ quyết định phần hạ tầng và cơ sở để đảm bảo khẩn nguy an toàn hàng không thì phải có ODA, đã được cam kết giữa hai Thủ tướng Việt Nam - Nhật Bản vào cuối 2013, họ quan tâm và cam kết sẽ dành 2 tỉ USD cho cái này, nhưng từ nay đến đó chúng ta phải đàm phán rất nhiều”.

Đại sứ quán Nhật chưng hửng phải lập tức thông báo đính chính không có chủ trương đầu tư vào dự án này. Sự cố này không chỉ thêm vết gợn cho dự án sân bay Long Thành đáng ngờ mà còn thêm vết đen trong mối quan hệ đối ngoại vốn đã có nhiều vết đen với Nhật. Thông tin của ông Thứ trưởng lại được ngành GTVT trớ qua giải thích là nói nhầm nguồn vốn vay của một tập đoàn kinh tế của Pháp.

Với một vấn đề hệ trọng tầm cở quốc gia, với chức trách là Thứ trưởng, người ta có thể nhầm và được phép nhầm như vậy hay không?

Về nội dung, về chủ thể thì tính chất giữa chính phủ Nhật cho vay và tập đoàn kinh tế cho vay sẽ hoàn toàn khác nhau, liệu có thể nhầm lẫn được hay không?

Cách đây không lâu Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra đề án cải cách giáo khoa 32.000 tỉ đồng mãi đến khi Quốc hội chất vấn mới hay là bị nhầm.

Điều đáng nói là mọi sự nhầm lẫn này đều được xê xoa như không có chuyện gì xảy ra. Người nhầm không có đủ tự trọng để từ chức hay làm điều gì đó tương tự để thể hiện sự tự trọng còn cấp trên của họ cũng không làm gì để thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm của cán bộ cao cấp quốc gia.

Thực tế những người dân Việt đang còng lưng trả nợ và tiếp tục phải trả những món nợ khổng lồ từ những chủ trương đầu tư nhầm lẩn như thế từ Vianshin, Vinalines... Liệu có nên để cho các quan chức tiếp tục chơi trò nhẩm lẫn hàng tỉ đô la trên lưng người dân nghèo nữa hay không? Câu trả lời đã có "ném chuột không được vỡ bình". Xem ra người dân sẽ tiếp tục hưởng hạnh phúc sống chung với chuột, nuôi chuột để giữ bình.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2014/10/quan-chuc-viet-nam-ang-choi-tro-nham.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn