Như vành khăn tang trên trán

Phạm Đình Trọng

Ngày 14.3.2015 Hà Nội và Sài Gòn cùng tổ chức tưởng niệm những dòng máu Việt Nam đã đổ ở Gạc Ma, Trường Sa hai mươi bảy năm trước, ngày 14.3.1988.

Cuộc tập hợp ở Sài Gòn vẫn chỉ có hơn hai chục gương mặt quen thuộc đã từ mấy năm nay, vẫn nề nếp, trình tự, khuôn mẫu cũ: thắp hương – diễn văn – giải tán. Khi tình cảm dào dạt dâng lên, con người có nhiều cách diễn đạt mà không cần lời nói. Giao hưởng là như vậy. Tiếng piano say đắm tình yêu cuộc sống của Richard Clayderman là như vậy. Cuộc tập hợp của những trái tim Việt Nam nặng lòng với nước là một bản giao hưởng dào dạt trào dâng tình cảm yêu nước thương nòi không cần bất kì lời nói nào diễn giải, dù chân thành hay văn hoa. Vì thế những hình ảnh sáng ngày 14.3.2015 bên chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng cạnh sông Sài Gòn không để lại nhiều hiệu ứng tình cảm trong tôi.

Nhưng hình ảnh về cuộc tập hợp ngày 14.3.2015 ở Hà Nội đã để lại cho tôi ấn tượng mạnh về một màu đỏ mà mang hai sắc thái, hai cung bậc cảm xúc, ấn tượng đau xót về một dân tộc vốn suốt chiều dài lịch sử luôn thương yêu đùm bọc nhau vượt qua thiên tai, chống trả giặc để giữ mình và giữ nước, nhờ thế, dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam mới còn được đến hôm nay, mà nay chia rẽ, li tán tan tác do màu đỏ kia mang lại. Lúc khác tôi sẽ viết về các cháu dư luận viên nông nổi, tội nghiệp, bị xui khôn xui dại mang cờ đỏ búa liềm cộng sản đến nhảy múa, hát hò lạc lõng phá niềm thương cảm với số phận con dân nước Việt đã chết trên núm cát mang hồn thiêng tổ tiên ngoài khơi xa Biển Đông, phá cuộc tập hợp của những tâm hồn Việt Nam tìm đến nhau, chia sẻ với nhau nỗi niềm người dân nước Việt về số phận bi thương của đất nước. Các cháu đã khoét sâu thêm nỗi đau li tán dân tộc, khoét sâu thêm nỗi đau mất mát trong từng trái tim Việt Nam. Ở đây tôi xin ghi nhận cảm xúc, ấn tượng của tôi về cuộc tập hợp của những trái tim Việt Nam bên Hồ Gươm Tháp Bút, bên tượng đài Quyết Tử Cho Tổ Quốc Quyết Sinh.

Cuộc tập hợp khởi đầu trên sảnh rộng trước pho tượng khắc tên vua Lý Thái Tổ. Nhưng tôi không muốn cuộc tập hợp của những trái tim Việt Nam lại gắn với bức tượng mũ cao áo thụng, cân đai quyền trượng uy nghi vương giả vô cùng xa lạ, lạc lõng với tâm thức Việt Nam. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, đời nhà Trần, kinh thành Thăng Long còn lênh láng nước, tối tối các vua nhà Trần vẫn đi thuyền từ trong Hoàng thành ra ngồi quán nước, ra dự những đêm hát đúm, hát chèo với dân gian. Đời nhà Lê, trong chuyến về với thiên nhiên đất nước, về với cuộc đời tất bật lam lũ của dân, vua Lê còn ngủ đêm ở trại vải Lệ Chi giữa dân dã làng quê, trong đơn sơ hương đồng cỏ nội. Vua Lý trước đó mấy trăm năm càng chân chất, bình dị, xuềnh xoàng, gần dân, không mũ bình thiên vênh vang, không lỉnh kỉnh cân đai rồng phượng như những vua Tàu. Mãi sau này khi các triều vua suy vi chìm đắm trong xa hoa lộng lẫy, trong hưởng thụ hoan lạc mới đai rồng, hia phượng, mũ chuồn, áo gấm, vẻ mặt cao ngạo xa dân. Nhưng càng xa dân, vương triều càng ngắn ngủi. Triều Lý kéo dài tới 216 năm là một triều thịnh trị, gần dân nhất và cũng nâng niu hồn Việt Nam nhất, không thể có ông vua mang đậm vóc dáng, hồn cốt, trang phục hoàng đế Tàu như bức tượng khắc tên vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm mang linh khí lịch sử Việt Nam.

Cuộc tập hợp sẽ qua đi êm ả lặng lẽ như bao sự việc dân sự đời thường vẫn diễn ra hàng ngày nếu không bị chính trị hóa, nghiêm trọng hóa, nếu không có cao trào, xung đột kịch tính của cái màu đỏ. Những người dân nặng lòng với nước gặp nhau, chia sẻ với nhau nỗi đau Gạc Ma 1988 trên trán đều mang dải băng đỏ với chữ GẠC MA 1988 màu vàng. Màu đỏ vàng máu lửa của cách mạng vô sản đã được họ đề cao tôn vinh đến mức đó. Còn những người miệng hô Đảng Cộng sản muôn năm lại hạ thấp màu đỏ cộng sản của họ xuống tận cùng khi họ mang lá cờ búa liềm cộng sản ra làm việc mất lòng dân, phá rối buổi lễ tưởng niệm ghi ơn những anh hùng lẫm liệt hi sinh vì dân vì nước.

Màu đỏ và màu vàng của máu và lửa là màu bao trùm thế giới suốt thế kỉ XX sôi sục cách mạng vô sản và chiến tranh ý thức hệ. Màu đỏ của lá cờ cộng sản thế giới, màu đỏ của lá cờ nhà nước cộng sản, màu đỏ của máu lửa cách mạng vô sản đã trở thành đặc hữu của thể chế cộng sản, màu đỏ đã trở thành biểu tượng của bạo lực chuyên chính và quyền lực cộng sản.

Vì thế cuộc tập hợp dân sự hiền hòa của lòng yêu nước Việt Nam để tưởng nhớ và ghi ơn những cái chết cho non nước Việt Nam ở Gạc Ma năm 1988 không nên sử dụng màu đỏ của bạo lực cách mạng vô sản. Nếu dải băng trên trán những người đến tượng đài Quyết Tử Cho Tổ Quốc Quyết Sinh thắp nhang làm giỗ những người con nước Việt chết ở Gạc Ma năm 1988 không cùng màu với lá cờ búa liềm cộng sản trong tay những dư luận viên mang đến phá cuộc họp mặt thành kính trang nghiêm mà là dải băng trắng như vành khăn tang trên trán. Vành băng tang đó không phải chỉ để tang 64 người anh hùng ngã xuống ở Gạc Ma năm 1988 mà còn để tang cho những núm đất Việt Nam thiêng liêng đã bị Tàu Cộng cướp mất, để khắc ghi vào lòng ý chí giành lại toàn vẹn non sông hương hỏa của tổ tiên để lại. Và hàng chữ GẠC MA 1988 là màu đỏ như dòng máu những người con nước Việt đổ ra ở Gạc Ma năm đó thì dải băng tang và dòng chữ máu trên trán còn gây xúc động mạnh mẽ biết bao cho mọi trái tim Việt Nam.

P. Đ. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn