Hồng Nga tường thuật từ Đối thoại Shangri-La, Singapore
Ông Ash Carter có bài phát biểu mở đầu diễn đàn an ninh
Diễn đàn An ninh khu
vực Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 vừa chính thức bắt đầu tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng
Hoa Kỳ Ash Carter có bài phát biểu quan trọng, trong đó ông khẳng định Hoa Kỳ
và các nước trong khu vực hết sức quan ngại về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo
của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông kêu gọi các quốc
gia cùng nỗ lực bảo đảm hoà bình và tự do hàng hải trong khu vực.
Đặc biệt Bộ trưởng
Carter cho hay sau Đối thoại Shangri-La ông sẽ đi Việt Nam, nơi ông cùng Bộ
trưởng Phùng Quang Thanh sẽ ký một thoả thuận đầu tiên về thúc đẩy hợp tác quốc
phòng một cách thực chất.
Thỏa thuận có tên
“Thông cáo chung về viễn cảnh” hợp tác quốc phòng sẽ tạo tiền đề cho các hoạt
động hợp tác trong tương lai gần.
Pháo
trên Đá Gạc Ma?
Lần đầu tiên người
đứng đầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc rất nặng nề, rằng nước này
đã vượt quá khuôn khổ luật lệ quốc tế.
Với hành động của
mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã vượt khỏi khuôn khổ luật lệ quốc tế vốn làm nền
cho kiến trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng như quan điểm đồng thuận
trong khu vực là nghiêng về ngoại giao mà chống ép buộc bằng sức mạnh - Bộ
trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter
Ông gọi các hoạt động
cải tạo đảo của Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ”.
Ông nói trước cử tọa
của diễn đàn an ninh lớn thuộc loại hàng đầu thế giới: “Với hành động của mình
ở Biển Đông, Trung Quốc đã vượt khỏi khuôn khổ luật lệ quốc tế vốn làm nền cho
kiến trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương, cũng như quan điểm đồng thuận trong
khu vực là nghiêng về ngoại giao mà chống ép buộc bằng sức mạnh”.
Tờ Wall Street Journal hôm 29/5 cho hay máy
bay do thám của quân đội Hoa Kỳ phát hiện ra Trung Quốc đã đặt pháo trên một
hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông mà nước này đang tiến hành cơi nới cải tạo.
Nguồn tin của BBC nói
rằng đây chính là đảo Gạc Ma, mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam từ năm 1988 sau
trận hải chiến đẫm máu làm hơn 60 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.
Đảo này nằm ngay cạnh
các đảo mà Việt Nam hiện đang kiểm soát, có nghĩa là đảo của Việt Nam nằm trong
tầm đạn pháo của Trung Quốc.
Tuy khả năng tấn công
bằng hỏa lực theo các đánh giá là chưa lớn, việc mang pháo binh đặt tại đây
mang ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ gây quan ngại cho giới chức Hà Nội.
Bộ trưởng Ash Carter
cho hay Hạ viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận cấp tới 425 triệu đôla (trong 5 năm) cho
Sáng kiến an ninh hàng hải mà nước này vừa đưa ra nhằm giúp các quốc gia trong
khu vực, trong đó có Việt Nam, nâng cao năng lực tự vệ trên biển.
Ông cũng nhận định
“không thể có giải pháp quân sự cho Biển Đông” và kêu gọi các nước đoàn kết để
giải quyết căng thẳng một cách hòa bình.
Bộ trưởng Carter tái
khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “bay, đi biển và hoạt động” ở Biển Đông.
Nới
lỏng cấm vận vũ khí
Quan điểm này của ông
Ash Carter được Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sỹ John
McCain, đồng thuận.
Ông McCain nói tuy
đối đầu bao giờ cũng là một khả năng, Trung Quốc “không có lợi ích gì trong
việc đối đầu bằng quân sự”.
Ông nói lịch sử cho
thấy Trung Quốc luôn kiếm lợi trong các hoàn cảnh căng thẳng nhưng lại khôn
khéo tránh đối đầu.
“Có thể sẽ có những
tình huống căng thẳng, nhưng nếu các nước trong khu vực đoàn kết với nhau, điều
đó sẽ khiến Trung Quốc chùn bước”.
Tình hình cấp bách
trên khiến Hoa Kỳ sẽ “nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam sớm nhất
có thể được”, theo ông Thượng Nghị sỹ.
Phát biểu của ông ra
chỉ dấu rằng có thể điều khoản này sẽ được đưa ra trong Thông cáo chung về viễn
cảnh hợp tác quốc phòng mà hai Bộ trưởng Mỹ-Việt sẽ ký kết tuần tới.
Các vũ khí có thể
được cung cấp sẽ chủ yếu mang tính phòng vệ, nâng cao năng lực bảo vệ biển cho
Việt Nam trước các thách thức của Trung Quốc - Thượng nghị sỹ John McCain
Tuy nhiên, ông McCain
cho biết Hoa Kỳ sẽ không bỏ cấm vận đối với các loại vũ khí có thể gây hại cho
các cá nhân và bị sử dụng để lạm dụng nhân quyền ở Việt Nam.
“Các vũ khí có thể
được cung cấp sẽ chủ yếu mang tính phòng vệ, nâng cao năng lực bảo vệ biển cho
Việt Nam trước các thách thức của Trung Quốc”.
Diễn đàn Đối thoại
Shangri-La sẽ tiếp tục hai ngày và kết thúc vào Chủ nhật 31/5 với sự tham gia
của hơn 450 đại biểu.
Đoàn Việt Nam do
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, dẫn đầu.
H.N.
2. TNS McCain đề nghị
Mỹ cấp ngân khoản cho các nước châu Á đối phó với TQ
Thượng nghị sĩ John McCain, một chính khách hàng đầu trong
chính giới Mỹ, đề nghị Mỹ nên cung cấp hàng trăm triệu đôla để giúp huấn luyện
và trang bị cho các lực lượng vũ trang của các nước Đông Nam Á đối mặt với
những thách thức lãnh thổ xuất phát từ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban
Quân vụ Thượng viện, đưa ra đề xuất này trong một sửa đổi đối với Đạo luật Ủy
quyền Quốc phòng Mỹ 2016, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay, mang tên
Kế hoạch Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).
Sửa đổi này cho phép cấp tới 425 triệu đôla trong khoảng
thời gian năm năm cho những nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan
và Việt Nam với "thiết bị, vật phẩm, hoạt động huấn luyện và xây dựng quân
sự quy mô nhỏ."
Sửa đổi này, được Ủy ban Quân vụ thông qua vào ngày 14
tháng 5 với tỉ lệ 22-4, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng. Sửa đổi này
vẫn cần được cả Thượng viện và Hạ viện chuẩn thuận, và lưỡng viện sẽ bỏ phiếu
về dự luật tổng thể vào cuối năm nay.
Vào ngày thứ Sáu, Mỹ cho biết Trung Quốc đã đưa những giàn
trọng pháo di động lên một hòn đảo được bồi đáp ở Biển Đông, một động thái mà
ông McCain gọi là "đáng lo ngại và leo thang tình hình."
Ông McCain, người từng bị bắt làm tù binh trong chiến tranh
Việt Nam và bị giam cầm năm năm rưỡi, phát biểu trong một cuộc họp báo tại
Thành phố Hồ Chí Minh rằng Mỹ cần thiết "đưa ra những biện pháp nhất định
có tác dụng ngăn cản Trung Quốc tiếp tục những hoạt động này. "
Nguồn: Reuters
3. Mỹ - Nhật lên án Trung Quốc làm tổn hại an ninh Châu Á -Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong phiên khai
mạc "Đối thoại Sangri-La" tại Singapore, ngày
29/05/2015.REUTERS/Edgar Su
Tại diễn đàn «Đối thoại Sangri-La» được tổ chức
hàng năm ở Singapore, Trung Quốc bị hai nước Mỹ và Nhật Bản gọi đích danh là
thủ phạm đe dọa an ninh khu vực qua các hành vi xây dựng, lấn chiếm ở Biển
Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết sẽ tiếp tục đưa thêm tàu chiến và máy bay
vào vùng tranh chấp và yêu cầu Bắc Kinh ngưng «tức khắc» các công trình củng cố
đảo nhân tạo.
Trong cuộc hội thảo tại Singapore quy tụ các lãnh đạo quốc
phòng thế giới, trong đó có Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
tuyên bố «Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế»
khi xây dựng các đảo nhân tạo, phi trường, trại lính trong quần đảo Trường Sa.
"Chỉ trong vòng 18 tháng, Trung Quốc đã xây thêm 800 hecta nhiều hơn
tổng cộng diện tích bồi đấp của tất cả các nước khác có tranh chấp và nhiều hơn
cả suốt chiều dài lịch sử của khu vực".
Nhìn nhận là các nước khác từ Việt Nam, Philippines,
Malaysia cho đến Đài Loan đều có hành động xây dựng tiền đồn nhưng Bộ trưởng
Quốc phòng Mỹ khẳng định "chỉ có Trung Quốc là nước xây dựng nhiều
nhất và trong thời gian ngắn nhất". Sau khi đặt câu hỏi «Ai biết
được Trung Quốc muốn đi về đâu?» Bộ trưởng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh «tất
cả các bên phải tìm một giải pháp ôn hòa và ngưng ngay hành động xây dựng»
tại Trường Sa.
Trong bối cảnh này Hoa Kỳ sẽ làm gì? Bộ trưởng Ashton
Carter cảnh cáo Trung Quốc "đừng coi thường vì tàu chiến và máy bay Mỹ
sẽ tiếp tục hoạt động tại Biển Đông, bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép,
như quân lực Mỹ đang làm ở khắp nơi trên thế giới".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakataki cũng tố cáo hành
động Trung Quốc lấn chiếm tại Biển Đông có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn.
Lãnh đạo quốc phòng Nhật kêu gọi các bên, nhất là Trung Quốc, phải có tinh thần
trách nhiệm. Bộ trưởng Gen Nakataki e rằng nếu không có biện pháp đối phó với
tình trạng mà ông gọi là vô luật pháp thì «trật tự sẽ biến thành rối loạn
và hòa bình ổn định sẽ sụp đổ».
T.A.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20150530-my-nb-tq-an-ca-tbd/
4. Thủ tướng Lý Hiển Long lên tiếng
Steve Herman
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm nay cảnh báo rằng “mọi
quốc gia châu Á sẽ chịu tổn thất” nếu các hành động tranh giành chủ quyền ở
biển Đông biến thành các phản ứng mang tính đe dọa.
Lời phát biểu của ông Lý được đưa ra vài ngày sau khi bạch
thư quốc phòng có tính chất hung hãn của Trung Quốc được công bố và gặp phải sự
chỉ trích mạnh mẽ từ người đứng đầu Ngũ giác đài, dẫn tới những lo ngại sẽ xảy
ra xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn hàng đầu về an ninh
khu vực hôm nay trước gần 30 quan chức quốc phòng cấp cao, ông Lý cũng kêu gọi
Trung Quốc và các nước ASEAN “phá vỡ vòng luẩn quẩn” bằng cách tuân thủ luật
pháp quốc tế, và hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.
Hội nghị an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày hôm
nay và kéo dài cho tới ngày chủ nhật.
Cuộc họp thường được gọi là Đối thoại Shangri-La được tổ
chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có bản doanh ở London. Ông
Tim Huxley, một nhà nghiên cứu của IISS, nói với đài VOA rằng hội nghị này cho
phép các nước thảo luận về vấn đề “làm thế nào để những mối căng thẳng ở Biển
Đông có thể được xử lý một cách tốt hơn và làm thế nào để ngăn không cho căng
thẳng leo thang”.
Cuộc họp diễn ra trong lúc các nhà phân tích cho biết bạch
thư quốc phòng mà Trung Quốc công bố hôm thứ ba vừa qua là một sự cảnh báo mạnh
mẽ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á châu và Hoa Kỳ về việc quân
đội Mỹ “không ngừng ra sức quấy rối” ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết
xây dựng các cơ sở quân sự qui mô lớn tại những bãi cạn mà họ chiếm đóng ở
ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Trong bài diễn văn đọc tại Trân Châu Cảng ở Hawaii một ngày
sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hô hào cho “một sự chấm dứt
ngay tức khắc và kéo dài” của những hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc
trong vùng biển có tranh chấp và nói rằng quân đội Mỹ “sẽ thỏa mãn” những yêu
cầu mỗi lúc một tăng đòi Washington tích cực hoạt động tại khu vực Á châu Thái
Bình Dương vì những hành động trên biển của Trung Quốc.
Quyền lợi quốc gia
Trong lúc đáp máy bay tới Singapore, Bộ trưởng Carter cho
báo chí biết rằng tuy Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền trong khu vực, “Hoa Kỳ
và tất cả các nước khác trong vùng có quyền lợi và quan tâm đối với vấn đề này
vì nó liên hệ tới quyền tự do hàng hải, các quyền tự do ở biển cả, quyền không
bị cưỡng ép, tuân theo những tiến trình hoà bình và hợp pháp”.
Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô
đốc Harry Harris, mô tả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô
lý” khi ông phát biểu tại buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy ở Hawaii hôm thứ tư.
Vị Đô đốc này tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng để
“chiến đấu ngay tối hôm nay để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng Á châu Ấn
Độ Dương Thái Bình Dương rộng lớn”.
Theo dự liệu, Bộ trưởng Carter và Đô đốc Harris sẽ trình
bày chi tiết hơn về các lập trường này khi họ phát biểu tại hội nghị ở
Singapore.
Người cầm đầu phái đoàn 18 người của Trung Quốc tại Đối thoại
Shangri-La là Thượng tướng Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng
quân đội. Theo lịch trình, vị tướng 4 sao này sẽ phát biểu tại hội nghị vào
ngày Chủ nhật và nhiều người dự kiến ông sẽ khẳng định sự trỗi dậy của Trung
Quốc như một cường quốc quân sự là có tính chất hoà bình, phù hợp với những
điều mà Bắc Kinh đã nói trong những năm trước tại hội nghị thường niên này.
Trong khi đó, những người khác ở Trung Quốc đưa ra những
phát biểu có tính chất hung hăng hơn.
Hôm thứ hai, một bài bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng “Nếu chủ
trương của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng những hoạt động xây dựng này, thì một
cuộc chiến tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi” ở vùng biển mà Bắc Kinh gọi
là Nam Hải.
Hôm nay, một bài tường thuật của tờ Wall Street Journal cho biết Hoa Kỳ phát giác các loại vũ khí của
Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa.
Bài báo nói rằng tuy không tạo ra một mối đe dọa cho tàu thuyền và máy bay của
Mỹ trong khu vực, những khẩu đại pháo đó có thể bắn tới một hòn đảo của Việt
Nam. Các giới chức Mỹ cho biết Hà Nội đã bố trí các loại vũ khí trên hòn đảo
đó.
S.H.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/quan-chuc-quoc-phong-cap-cao-nhom-hop-trong-luc-cang-thang-leo-thang-o-bien-dong/2797125.html