Ngày kỷ niệm buồn của giới báo cung đình cộng sản

Nguyễn Đình Ấm

Hôm nay gọi là “ngày báo chí cách mạng VN”, là ngày báo chí “nô bộc” của đảng CSVN như nhà báo Lê Phú Khải nói. Ngày này giới báo chí “công cụ” kỷ niệm có lẽ là buồn nhất so với những ngày trước kia, do làm “công cụ” thời nay cũng khó hơn bao giờ hết.
Hôm trước ông Hữu Thọ cỡ “cây đa, cây đề” trong giới đã thốt lên ” 50 năm cầm bút nhưng chưa chưa bao giờ thấy báo chí mất uy tín như bây giờ”!
Điều đó là tất nhiên thôi, thưa ông. Bởi vì, báo chí chuyên tuyên truyền cái tốt, thêu dệt thành tích cho đảng, nhưng bản thân đảng lại tha hóa, tham nhũng “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có” thì chẳng khác gì bắt anh thợ sơn phải sơn lên bức tượng gỗ đã mục nát.
Hơn nữa, dân cầm bút có kẻ ngu dốt, coi đồng tiền, bát gạo hơn phẩm giá, nhân cách, nhưng cũng không ít người thông minh có lương tâm, họ thấy việc viết lên những điều sai bản chất, làm ngơ trước sự thật là một sự sỉ nhục, hổ thẹn, nên cũng không đang tâm làm nô bộc một cách mẫn cán. Làm sao không áy náy khi một lời nói cửa miệng rất bình thường chỉ của ông bộ trưởng Đinh La Thăng (không tính đến lãnh đạo cao hơn) cũng được hàng chục tờ báo nhao nhao đăng trên trang nhất, trong khi cả ngàn bà con dân oan ngày đêm lang thang, khắc khoải khắp các cửa quan ở Hà Nội, Sài Gòn đi khiếu nại đòi công lý, hàng nghìn người xuống đường diễu hành bảo vệ cây xanh, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cả tuần, cả tháng, cả năm, khi Trung Quốc ngày đêm xâm phạm biển đảo, cướp bóc giết hại dân ta, xây công trình quân sự trên đảo của ta… mà 700 tờ báo không hề “biết”, hãn hữu khi “biết” cũng chỉ dám gọi là “tàu lạ”. Họ biết, họ đang chịu nhục lừa dối dư luận, nhân dân và cả bản thân họ.
Do cách đây cỡ hơn chục năm trở về trước nhà cầm quyền chưa nhiều kinh nghiệm khắc chế những tờ báo có “hàm lượng” sự thật “vượt ngưỡng” như Tuổi trẻ, Thanh Niên… nên nghề báo tỏ ra vừa dễ sống, lại có vẻ có quyền hành, hãnh diện, vì vậy một bộ phận lớn sinh viên đổ xô vào học nghề này, làm cho giá các suất vào học viện báo chí nghe nói lên rất cao, và hàng năm xuất ra cả vài trăm nhà báo. Nhưng những năm gần đây, báo chí bị kiểm soát chặt hơn về nội dung. Tất cả những sự thật không có lợi cho đảng CS bị hạn chế. Khi báo chí xa rời sự thật thì nó còn giá trị gì, ai muốn đọc? Vì vậy, dù số đầu báo tăng, nhưng độc giả lại giảm nghiêm trọng. Chính vì vậy trong số SV báo chí ra trường, phần lớn chỉ “con ông cháu cha” trong làng báo và một số con nhà giàu xin được việc, còn lại về quê làm ruộng, đi công nhân, bán hàng, làm “đầu sai vặt” không công, chuyên xin quảng cáo cho các tờ báo dưới danh nghĩa “thử việc”. Nhiều tay tổng biên tập rất dã man, lợi dụng các cháu phóng viên thử việc “không từ cái gì”. Hiện nay số sinh viên báo chí ra trường thất nghiệp rất lớn.
Khi nghề báo còn chút “thơm tho”, một số phóng viên “có máu mặt” ở các báo lớn van nài lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo cơ quan chạy chọt cơ quan chức năng để ra tờ báo, tạp chí, tập san… với phương châm tự nuôi, tự lo kinh phí để làm tổng biên tập, dẫn đến các tạp chí, tập san, trang điện tử mọc lên như nấm, nhưng nay ít độc giả, ít quảng cáo, đời sống cán bộ, phóng viên khó khăn, nhiều tờ “chạy ăn từng bữa”.
Nhiều tờ báo lớn không ăn ngân sách đảng buộc phải tiếp cận sự thật để có độc giả trước kia như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Việt Nam net, Đất Việt… nhưng gần đây bị “đì”, bị thay lãnh đạo, nên ngày càng phải xa rời sự thật, dẫn đến số phát hành, số độc giả ngày càng sa sút, tờ báo trở nên tầm thường nên càng khó khăn. Để cầm cự và giữ độc giả, hầu hết các báo “tự nuôi” phải tìm đến các nội dung câu khách như cướp, giết, hiếp, chân dài lộ hàng, váy ngắn, chân kheo…
Xã hội lưu manh thì nhà báo cũng là sản phẩm của xã hội ấy. Ngoài săn lùng, đăng tải những thông tin nhơ nhớp, nhiều nhà báo cũng dùng mọi mánh khóe để kiếm tiền như “5 cái bệnh” ông Hữu Thọ nói: “đâm thuê, chém mướn, dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp, trấn lột tiền, bảo kê, rủ nhau “đánh hội đồng”… Những nhà báo này dù có đời sống vật chất cao hơn đồng nghiệp nhưng chất lưu manh của họ trước sau cũng bị lộ tẩy, có thể nhiều kẻ sợ họ nhưng cũng không ít người khinh ghét, ghê tởm… Nhà báo khi bị dân nghi ngờ, không tin tưởng thì không còn ai cung cấp thông tin mặt trái xã hội, nên chỉ còn con đường nô bộc ôm chân kẻ mạnh và tồn tại ngoài nghề nghiệp.
Mặc dù xã hội đang băng hoại mọi mặt, nhất là đạo đức, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều nhà báo chân chính, họ biết tôn trọng sự thật, yêu nước, thương nòi, tuy nhiên vì bát cơm manh áo họ phải theo đuổi nghề “nói dối”. Dù vậy, họ không an tâm khi làm ngơ trước sự thật, chỉ nêu một nửa sự thật… nên họ lăn lộn tìm sự thật và lợi dụng mọi cơ hội để nói lên sự thật. Đó là các bài báo tố cáo tiêu cực, tham nhũng, độc ác… ở các quan chức cỡ “được phép”, lách đưa các thông tin có vẻ vô tình nhưng nói lên sự thật phũ phàng mà đảng không muốn, đăng tải trên mạng xã hội, ngầm cung cấp cho các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ khi biết các thế lực đang “chiến” với nhau… Những nhà báo này phải luôn đề phòng, đương đầu với nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Năm nay kỷ niệm ngày 21/6, giới báo chí phụng sự đảng nhận nhiều sự “đau đớn”. Hàng loạt vụ phóng viên bị đánh, cướp máy ảnh, máy quay khi đang hành nghề. Đặc biệt, chỉ một phần rất nhỏ số vụ được điều tra xử lý hình sự (năm 2014 là 2/16 vụ).
Đúng thôi! Nhà báo dù có cái danh “quyền lực thứ 4″ nhưng cũng chỉ là nô bộc, đặc biệt công an không thể ưng nhà báo vì là đó lực lượng gần như duy nhất ít sợ họ, đồng thời tố cáo họ nhiều nhất.
Cái buồn nữa của năm nay là chiêu trò “quy hoạch” lại báo chí.
Theo ước tính, khoảng 70% số các ấn phẩm đảng khó kiểm soát sẽ bị xóa và hàng nghìn phóng viên, nhà báo cuộc sống vốn đã gieo neo đang bị đẩy ra đường. Ngay từ đầu năm nay và những ngày này nhiều gia đình, phóng viên mất việc đang chạy xô các cửa để xin vào tờ báo này, cơ quan nọ, nhưng số có “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” không nhiều… Từ nay giá vào học viện báo chí tuyên truyền của đảng bị giảm là cái chắc.
Tờ tạp chí Hàng không Việt Nam – nơi tôi công tác trước đây – ra đời từ năm 1983, là cơ quan ngôn luận duy nhất của ngành hàng không Việt Nam. Khi chúng tôi còn làm việc, biết dân VN không có kiến thức về hàng không nên số nào cũng có bài tư vấn về máy bay, sử dụng máy bay, đi máy bay… Tờ tạp chí tự nuôi, không tiêu đồng nào của nhà nước, năm nào cũng nộp ngân sách hàng trăm triệu… Thế nhưng khi vừa có chủ trương quy hoạch báo chí, ngày 25/3/2015 bộ Giao thông Vận tải lập tức rút giấy phép khi bài vở maket tháng Tư đã làm xong, tiền quảng cáo đã vào tài khoản… Thế là lập tức cả chục con người bị xáo trộn công tác, nhiều cháu nay bơ vơ, nghe nói đã phải mất khoản tiền lớn để vào đây… Nhận xét về sự vụ này, CTV Thanh Lê nói trên FB: “Đó là anh Thăng muốn ghi điểm với cấp trên…”.
Ở bộ GTVT còn 5 tờ báo, tạp chí nữa chung số phận “ghi điểm” và không biết cả nước là bao nhiêu. Bao nhiêu nhà báo, phóng viên nguyện làm nô bộc cho đảng CS mà cũng không xong?
21/6 năm nay quả là kỷ niệm buồn của giới báo chí “cách mạng” của đảng CS.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn