Gánh nặng quê nghèo: Thu như ở Hà Tĩnh thì nông dân chịu sao nổi

Hoàng Anh - Văn Hùng
“Tôi không hiểu, căn cứ vào đâu mà một số xã ở tỉnh Hà Tĩnh lại có những loại thuế, quỹ, phí chưa từng có trong quy định…” – ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định với NNVN sau khi đọc chuyên đề “Gánh nặng quê nghèo”.
“Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ có Nghị định, Chỉ thị nhắc nhở nhiều nhưng không hiểu sao họ vẫn vi phạm”, ông Lượng trò chuyện với PV.
Cán bộ quan liêu, dân khổ
Ông đánh giá thế nào về vấn đề lạm thu tại một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh mà Báo NNVN đã phản ánh?
Tôi cảm ơn Báo NNVN đã có loạt bài điều tra kỹ lưỡng thực tế ở cơ sở, phản ánh những bức xúc, trăn trở của người nông dân. Phản ánh được những thực trạng không chỉ ở Hà Tĩnh mà có thể có ở những địa phương khác.
Bác Hồ đã từng nói: “Độc lập rồi mà dân còn nghèo thì không có nghĩa lý gì”. Đảng, Nhà nước cũng khẳng định: Giai cấp nông dân có những đóng góp quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước. Căn cứ vào số liệu điều tra, thu nhập của người nông dân ở vùng SX lúa hiện nay rất thấp. Một sào ruộng 500 m2/vụ, tính toán, trừ đầu vào, chi phí, chỉ lãi khoảng một, hai trăm ngàn đồng, có khi còn lỗ. Vì thế họ chán ruộng, trả ruộng. Nếu phải gánh thêm các khoản thu như ở tỉnh Hà Tĩnh thì nông dân không ai chịu nổi.
Tôi không hiểu, căn cứ vào đâu mà một số xã ở Hà Tĩnh lại có những loại thuế, quỹ, phí chưa từng có quy định. Ví dụ như thu quỹ, phí theo hạng đất, quỹ “nuôi cán bộ”, quỹ tang tế, quỹ làm thủy lợi, giao thông, công ích, quỹ phát triển SX, xây dựng trụ sở, trường học…
Nói chung là rất nhiều khoản thu vô lý và vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, nhất là các khoản thu với nông dân, nhưng nhiều địa phương vẫn không chấp hành. Họ tổ chức thu bất hợp pháp, thu vô căn cứ, thu sai… Nói cách khác, họ đã làm liều. Thử hình dung xem, những khẩu không lao động được thì lấy gì mà thu? Thế mà xã thu xong, HTX thu rồi thôn xóm lại thu tiếp. Người dân họ quá bức xúc.
Thưa ông, để tình trạng cấp xã tự lập ra các khoản thu trái với pháp luật thì trách nhiệm này thuộc về ai?
Những vấn đề xảy ra ở huyện Can Lộc – Hà Tĩnh đã biểu hiện rất rõ sự quan liêu, của một số cán bộ công quyền được giao nhiệm vụ.
Điều này thể hiện rõ ở việc họ vẫn tổ chức thu thuế nông nghiệp của người dân, trong khi Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết này của Chính phủ đã miễn, giảm.
Như thế là vi phạm luật. Thêm nữa, việc các xã tự ban hành những khoản thu là một sự tùy tiện, không tôn trọng người dân, vi phạm quyền dân chủ. Không thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực trạng này vô cùng nguy hiểm.
Căn bệnh thành tích
Ông nghĩ sao khi nghe lãnh đạo huyện và xã lý giải rằng, sở dĩ phải thu nhiều là để xây dựng nông thôn mới (NTM)?
Tôi cho rằng, NTM là Chương trình MTQG dài hơi. Việc đặt ra mục tiêu là để toàn Đảng, toàn dân chung sức phấn đấu nhưng không phải làm bằng mọi giá.
Ép dân thu nhiều khoản bất hợp pháp với các khoản thu nặng nề thì không thể chấp nhận được. Thành công của NTM đầu tiên phải làm cho người dân được no ấm. Tôi được nghe nhiều lần đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh rằng: Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, không được nóng vội, cần những bước đi vững chắc và điều quan trọng là cần phải đảm bảo được người dân đủ ăn, đủ ở. Đủ ăn là thu nhập của người dân phải đủ trang trải cuộc sống. Đủ ở là phải xóa hết nhà tạm. Sau đó mới tính đến các tiêu chí khác.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu các địa phương không được thu đóng góp quá sức dân, đặc biệt không được thu tiền của hộ nghèo để làm giao thông nông thôn. Thế nhưng không phải địa phương nào cũng chấp hành. Như báo phản ánh thì mấy xã ở huyện Can Lộc có chừa ai đâu.
Việc xảy ra những vấn đề Báo NNVN phản ánh, tôi cho rằng các đồng chí có trách nhiệm của tỉnh cần sớm về địa phương này để nắm bắt mọi việc và chỉ đạo xử lý dứt điểm mọi phát sinh, nổi cộm xảy ra. Theo cảm nhận của tôi qua mấy bài báo thì nhân dân ở đó bức xúc lắm rồi.
Người nông dân phải bán sạch cả thóc để đóng góp, phải bỏ ruộng. Tiếng là vận động đóng góp, nhưng nếu không nộp hoặc nợ thì xem chừng khá phức tạp với chính quyền, ông đánh giá gì về những thực trạng này?
Đúng là có thực trạng một số xã nặng về đóng góp trong khi đời sống người dân đang khó khăn. Sản xuất khó khăn, giá lúa thấp, chi phí đầu tư cao… thì người nông dân làm sao đảm bảo được mức sống, thế mà còn bắt họ phải đóng góp. Lấy gì cho họ đóng đây?
Hạt thóc của người nông dân bán đi cũng phải trả lại các khoản vay mượn để đầu tư SX. Nếu phải đóng góp các khoản cho xã nữa thì họ đói, không còn gì.
Thực tế, ở nhiều nơi, tiếng là hoàn thành tiêu chí này nọ, nhưng có thể cũng chỉ là bộ mặt, hình thức bề ngoài, chứ đời sống sinh hoạt người nông dân rất khó khăn.
Chúng ta nhấn mạnh chỉ tiêu về thu nhập nhưng có thể xã báo cáo chưa đúng hoặc loại trừ tiêu chí thu nhập chưa báo cáo. Chung quy cũng là chạy theo thành tích, đánh bóng cá nhân.
Bỏ ruộng và trả ruộng xuất phát từ người nông dân không sống được trên đồng ruộng của mình. Khi mà người nông dân bán hết toàn bộ số thóc để lấy tiền trả chi phí đầu tư và đóng nộp cho xã, HTX, thôn xóm kết quả là lỗ thì có nông dân nào mà chịu được?
Chỉ độc canh mỗi cây lúa, cộng với thu thuế, quỹ vô tội vạ thì dân đành ly hương, ly nông thôi.
Tôi có nghe nói đến các hệ lụy như chính quyền cắt giao dịch với người dân hoặc sẽ phạt thêm khi việc đóng nộp chậm. Cái này tôi cho rằng, chính các cán bộ ở những nơi này sống và làm việc không nghiêm túc, chưa chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trung ương Hội sẽ lên tiếng
Trung ương Hội Nông dân VN có trách nhiệm như thế nào đối với hội viên, những nông dân ở các vùng quê đang phải gánh những khoản thu đã được phản ánh là bất hợp pháp như ở huyện Can Lộc?
Ngay sau đây, tôi sẽ điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh. Trung ương Hội đề nghị Tỉnh hội sớm đến tận các địa điểm, gặp gỡ các hộ dân, hội viên của mình mà Báo NNVN phản ánh để nắm tình hình có báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Trung ương Hội.
Phải nói rằng, các cấp Hội Nông dân đã làm được rất nhiều việc nhưng không phải là không có yếu kém. Có cán bộ của Hội còn yếu về năng lực để phân tích, lý giải các vấn đề nắm được ở cơ sở mà báo cáo cho lãnh đạo.
Nhưng sự thực, có nhiều chủ trương, việc làm phía Hội không được họp bàn, tham gia. Đến khi giải quyết mọi phát sinh thì lại “mời” Hội vào để “chia lửa”. Cũng có thể do nể, sợ bị thay chân nên có người đã im lặng, không báo cáo. Đấy là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người cán bộ như thế. Để đến khi báo chí lên tiếng rồi mình mới đi sau là điều rất đáng tiếc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

H. A. – V. H.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn