Tượng đài, một kiểu hiện thân của chế độ toàn trị

Hạ Đình Nguyên

Các nước xã hội chủ nghĩa đều có nét giống nhau về mặt văn hóa “tượng đài lãnh tụ”. Tuy nhiên, trào lưu tượng đài theo phong cách xã hội chủ nghĩa ấy đang ở giai đoạn cuối mùa trong phạm vi rộng, thì riêng ở Việt Nam lại đang được cấp tập triển khai, tuy là khá muộn màng. Nó làm dấy lên nhiều ngạc nhiên trong dư luận, trước hết là sự muộn màng về tính tư tưởng của thời đại, kế tiếp là sự chênh vênh về tình hình kinh tế quốc gia đang khốn khó, so với kinh phí đầu tư về quy mô và số lượng, càng đặc biệt hơn nữa là trong bối cảnh phức tạp và căng thẳng ở Biển Đông.

Ở đầu thế kỷ 21 bao nhiêu vấn đề mới của nhân loại xuất hiện, như xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển thế giới mạng, IS, chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc; hầu như không ở đâu còn quan tâm thật sự đến sự tồn tại đích thật của chủ nghĩa xã hội, ngoài cái tên gọi khơi khơi của một vài quốc gia đang trong cơn khó ở. Và chỉ là cái tên gọi thì cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng một trong những thuộc tính của nó là tệ “sùng bái cá nhân”, thông qua một trong những cách biểu hiện văn hóa là hệ thống tượng đài, cũng còn rơi rớt lại đó đây trong kho ký ức có khi khá phũ phàng. Tượng đài Lenin, Stalin ở Liên Xô đã bị kéo đổ ngổn ngang. Tượng đài Mao Trạch Đông thì có khắp Trung Quốc, nhưng đang tồn tại một cách gượng ép, trước sự dèm pha và thờ ơ của công chúng, trong bối cảnh cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra. Ở Bắc Triểu Tiên, tượng đài của cha con họ Kim vẫn đang hiên ngang, hoành tráng trước cảnh đói khát tập thể và sự “nín thở” của dân chúng trước cách trừng trị nội bộ bằng súng đại bác.

Tượng đài đã và đang là hiện thân của sự khủng khiếp trong chế độ toàn trị.

Riêng Việt Nam, có thể đã từ lâu – như truyền thống của nó – không ham chuộng lắm mốt “tượng đài”, nên chỉ phổ biến ở mức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các phòng họp? Có phòng họp là có tượng bán thân, có bình hoa, như để tăng phần uy nghi cho phiên họp. Cũng được, vì đó thuộc về đặc trưng của một đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thế rồi hôm nay, tượng đài - công viên hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, tất nhiên là hoành tráng, đang rộ lên như mùa nấm mọc, rực rỡ mà đau thương như mùa hoa “lê-ki-ma” nở ở nơi công cộng, trong bối cảnh của sự trống rỗng đầy đủ, từ “nhạt phai lý tưởng, suy thoái đạo đức, lối sống…”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang thủng đáy, đến sự uy hiếp chủ quyền quốc gia và xâm lăng biển đảo từ người “anh em” xã hội chủ nghĩa khăng khít một thời.

Liệu rằng ý lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn che lấp khoảng trống mênh mông kia bằng cách khắp nơi dựng tượng đài của Bác? Với tượng đài, bọn bành trướng sẽ sợ hãi, đạo đức suy đồi sẽ trở nên lành mạnh, lý tưởng sẽ thôi nhạt phai chăng? Hay tượng đài sẽ che chắn cho riêng Đảng được an toàn và bền vững? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất tháng 9 năm 1969. Ông không thể sống lại. Dù sống lại, ông chỉ là nhân vật của thiên niên kỷ trước, chẳng giúp ích được gì cho hôm nay. Tượng đài, khẩu hiệu, nghị quyết là những món ăn tinh thần, tuy dồi dào thịnh soạn nhưng rất khô khan, có thể làm kín khoảng trống ấy được chăng? Đã đến lúc phải quan tâm thật sự đến lòng dân, không khéo những món ăn phù phiếm kia lại biến tướng thành thực phẩm độc hại.

Tượng đài, vốn có giá trị riêng của nó, về tính biểu tượng, về nghệ thuật, và với liều lượng phù hợp bối cảnh xã hội, đặc biệt nó phải thuần khiết cho một lòng kính trọng, không bị lợi dụng không bị “quá giang” bởi một xu hướng thế lực nào. Không phải tượng đài - công viên nào cũng dành cho lãnh tụ chính trị. Ít nhất, bởi sự áp đặt quá độ có thể gây nên phản cảm. Vì không phải lúc nào và ai ai cũng quan tâm đến chính trị. Tượng đài - công viên là nơi thư giãn, giải trí với nhiều màu sắc văn hóa và mang hơi thở của cuộc sống. Bởi thế, tượng đài cô đào Marilyn Monroe xòe cái váy rộng giữa quảng trường lại gây ấn tượng vui vui, thật thật của đời sống, bởi cái sinh động của tự nhiên và có thật, mà thông thường ai cũng thích, kể cả phụ nữ. Ở Mỹ, tượng Nữ thần Tự do mang biểu trưng chứ không phải là toàn thân với da thịt, và không phải ở công viên nào cũng có bà ấy hay nàng ấy đứng (quả là không biết gọi bằng gì cho phải). Tượng Chúa, tượng Phật thì có khắp nơi, nhưng đó là tôn giáo, do tự nguyện của tín đồ làm nên.

Tượng đài ở các nước xã hội chủ nghĩa có phong cách na ná nhau, luôn luôn có khí thế, và ở chân tượng thì có ca hát và múa, thể hiện sự tôn vinh:

.clip_image001

Hồ Chí Minh (TP Pleiku, Gia Lai), và đàn con cháu đang múa hát để “mau khôn lớn”.

clip_image003

Mao Trạch Đông và niềm tin “hùng dũng” ở chân tượng. Nhìn kỹ thấy ghê ghê!

clip_image005

Cha và con Kim Nhật Thành, Kim Chánh Nhật. Ở trên có nét cao bồi và cờ bạc, dưới thì rất trang nghiêm.

clip_image007

Tượng đài Lenin. Không ai muốn chuyện “dựng lên” và chuyện “kéo xuống”.

clip_image009

Tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ “vắng lặng”, không thấy có “ca hát và nhảy nhót”.

clip_image011

Tượng Marilyn Monroe vui vẻ đời thường, hay “suy thoái lý tưởng”?

Nhân loại hay một dân tộc có thể ca ngợi một vĩ nhân – nếu đó là một vĩ nhân của nhân loại, hay của một dân tộc. Nhưng đâu là ranh giới giữa tệ nạn sùng bái cá nhân, sự áp đặt chính trị với giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử? Đâu là sự lợi dụng, đội lốt, núp bóng, nhân danh, và thậm chí là “bóc lột”? Bóc lột cái hình tượng để kiếm lợi ích vật chất và lợi ích vô hình. Nhà văn Phạm Đình Trọng đã bạo mồm và trắng trợn gọi cái dự án tượng đài Sơn La 1400 tỉ là “dự án tượng đài tham nhũng (“Dừng ngay những dự án tượng đài tham nhũng”). Lãnh đạo Sơn La nói, không phải tượng đài ngốn hết 1400 tỷ, mà chỉ 200 tỷ thôi. Rất khó mường tượng về giá trị định lượng nên người ta so sánh 200 tỷ cho tượng đài tương đương bao nhiêu căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, hay bao nhiêu tòa biệt thự, bao nhiêu cái trường học, bao nhiêu cây cầu treo bắt qua suối cho trẻ em không phải đu dây…

Và không chỉ một dự án tượng đài ở Sơn La! Đã có 158 cái, còn 58 nữa trong tương lai đã được dự kiến.

Có lẽ đó không chỉ là ý nghĩ riêng của nhà văn Phạm Đình Trọng, mà là não trạng chung mọi người đều nghĩ vậy, và như thế có gì quá đáng chăng, trên cái nền tham nhũng mà “cái gì cũng ăn”, như một lãnh đạo Quốc hội đã từng nói.

Và lãnh đạo Sơn La đã nói thật lòng: nếu không cho xây tượng đài ở Sơn La (như dự án) là thiệt thòi cho Sơn La. Lời nói ấy rất là chất phác. Tiếng “thiệt thòi” đã thốt lên tận “đáy lòng”, dù có phần thô thiển. Cái bánh đã chia, thì Sơn La cũng phải có phần. Vả lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có học vị hẳn hoi, cũng đã công bằng trong phân phối chỉ tiêu tượng Bác, nên đã ký duyệt. Cách nói của Sơn La là “theo ý nguyện của dân”, hay đó chỉ là lời nói thác của ông quan đầu tỉnh? Cấp Chính phủ lại nói, kinh phí ấy không phải của chính phủ, mà của địa phương. Phải chăng là cách nói tránh trách nhiệm? Nhưng cái kinh phí nào mà không phải từ dân!

Chiến dịch tượng đài này, mặc dù là tượng đài của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không liên quan đến ông, thậm chí nó phản bội ông, nếu so với lời trối trăng trong di chúc để lại. Ngay đám tang ông còn không muốn tốn kém, huống là tượng đài tốn kém đến thế, mà còn hơn thế, những 58 dự án sẽ tiếp tục: “Khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình…”. Không phúng điếu linh đình, nhưng bù lại, đúc tượng linh đình. Cũng vậy thôi! Trong di chúc, ông còn dặn dò ước nguyện là hỏa táng, nhưng đến nay gần tròn nửa thế kỷ hình hài ông còn để đấy, còn phơi ra trưng bày ở Ba Đình, tượng của ông thì được nhân ra khắp nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được thế hệ kế thừa tận khai thác?

Và cái tổn thương lớn, khác con số tỷ, vì không thể đo đếm được, đó là sự phản tác dụng về mặt tinh thần, niềm tin và tình cảm nếu ý Đảng muốn điều này. Nhà thơ Tố Hữu đã từng tai tiếng với cái bệnh lý “nói quá” của mình, cũng qua việc xây tượng đài, không phải bằng vật liệu xi măng cốt thép, hay đá hoa cương, nhưng bằng thơ ngợi ca Stalin, thì đây, những lời thơ về tượng đài Hồ Chí Minh rất đáng lưu tâm, lại bị hệ thống của mình làm phá sản nốt, theo một cách oái ăm khác.

Thơ ông làm bay bổng về hình tượng Hồ Chí Minh:

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…

Những lời thơ trên đã làm thăng hoa về một hình tượng, đã in trong sách giáo khoa, đã ngấm vào lòng bao nhiêu thế hệ, dù “nói quá” hay không, nhưng một thời đã động viên nhiều thế hệ liều thân lao ra chiến trường, nay họ nghĩ gì khi nhìn khắp nơi thấy “tượng đồng phơi”? Và họ thấy gì đằng sau những tượng đồng ấy, và thấy gì nơi những người chủ trương dựng tượng?

Tố Hữu đã dùng từ phơi với ý nghĩa không tốt. Và lối mòn tức không mới mẻ gì, không sáng tạo, không thực chất, theo quán tính và bắt chước, chưa nói tới ý lợi dụng… Thế nhưng, Tố Hữu không thoát được bệnh “nói quá” – vốn là thuộc tính của loại tư tưởng sùng bái cá nhân:

Bác mong con cháu mau khôn lớn

Nối gót cha ông bước kịp mình.

Đó cũng là tư tưởng của Đảng, nên không lạ gì việc hàng loạt tượng đài được dựng lên! Thế là lịch sử đã được chốt lại, và ngừng quay, dừng lại ở cái giai đoạn mà ông nhà thơ ấy đã một đời góp phần tự cho là vẻ vang. Từ đây, thế hệ sau và cả lịch sử mãi mãi là học trò, chỉ là kẻ đi theo cái “hồn cao muôn trượng”, với một thái độ chiêm ngưỡng duy nhất, nó cực kỳ thiếu bình đẳng. Như Khổng Tử đã từng đưa thời Nghiêu Thuấn huy hoàng đầy huyễn ảo làm chốt chận, ngăn sự phát triển của lịch sử Trung Hoa hàng nghìn năm. Từ đây chỉ có thờ cúng, dâng hoa, và lạy, và múa, và hát, và muôn năm… Cái lợi của các ông giữ chùa là được ăn oản.

Các tượng đài xuất hiện như một đợt “ra quân” mới, theo sau, và như để tạm kết thúc, một chiến dịch dài dòng không thành công mấy “Học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” kéo lê thê mấy năm qua. Một cỗ máy đã vận hành theo quán tính của nó…

Nếu khắp nơi đều có tượng Bác, từ chỗ trang nghiêm đến cả những nơi vui vẻ công cộng thì điều gì sẽ diễn ra? Cái gì quá đáng đều có thể trở nên lố bịch. Nhiều quá sẽ hóa nhàm. Một thời thiếu nhi cả nước bị hệ thống nhét vào mồm: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, vang vang cả nước, thì nay từ già đến trẻ đi đâu cũng thấy bác ấy, có thể trở thành nỗi ám ảnh, và cuộc dạo chơi bỗng dưng ngột ngạt!

Giới trẻ nhớ quê hương qua chùm khế ngọt, qua ếch nhái từ trong hang nhảy ra, qua hình ảnh một người yêu của thuở ban đầu…, qua cái “phất phơ hồn của bông hường”, vì đó là sự sống thật… Và cũng từ đó mà tư duy lớn lên để tự hiểu ra, để biết tri ân hay phê phán, những ai trong lớp tiền nhân đã nhìn xa thấy rộng và đã hy sinh để đem lại sự phồn vinh cho dân tộc, hay những ai đem lại sự khốn cùng.

Ai cũng nói “lấy dân làm gốc”, lẽ nào việc làm thì “lấy tượng làm gốc”. Lịch sử một quốc gia không chỉ là lịch sử của chiến tranh, càng không phải chỉ là lịch sử của những nhà lãnh đạo. Một dân tộc được sinh ra là để sống còn một cách lành mạnh và phát triển, chứ không phải để đem tâm lực thờ cúng một cá nhân. Nếu có một nhân vật xứng đáng thì đó là sự tri ân có tính tự nguyện, không áp đặt. Khổng Tử đã đầu độc học trò mình bằng phương châm “ôn cố tri tân”, lấy cái quá khứ không thể kiểm chứng làm gốc, và tri tân chẳng qua là hình bóng, là phiên bản. Cách mạng “vô sản” đã muốn biến con người cụ thể trở thành thần thánh, chẳng qua là một cách lợi dụng.

Một doanh nhân thời nay nói: “Thay vì đầu tư hàng ngàn tỉ vào những tượng đài đá không làm giàu gì thêm cho xã hội, hãy đầu tư vào một thế hệ trẻ các nhà tư bản Việt Nam mới!” (xem ở đây). Ý tưởng này là thực tế, cần thiết, khoa học, đáng thay thế cho những chủ trương viển vông.

Dân chúng đã mất nhiều năng lượng để bày tỏ thái độ trước những chuyện chẳng ra gì, như chiến dịch triệt hạ cây xanh thần tốc diễn ra ở thủ đô Hà Nội suốt nửa năm trời, thì nay gần hai tháng người dân đã phải mất sức – cũng chỉ để “bày tỏ” ý nghĩ của mình – trước “chiến dịch tượng đài”. Năng lượng của cả một dân tộc cứ phải sôi sục vòng quanh, rồi mất trắng, mất cả thời gian và thời cơ, vào những chuyện như thế này ư! Sau họa cây xanh, nạn tượng đài, tiếp theo sẽ là gì nữa, để làm mọi người quên đi cuộc hồ đồ của bọn chúng ở Biển Đông?

Ai chủ mưu quay tít Việt Nam thành cái đèn cù để Việt Nam kiệt sức, trở thành kẻ đang đội sổ về mọi mặt ở Đông Nam Á hiện nay?

Ai đã cố biến “tượng đài” – vốn chỉ là biểu tượng – thành nỗi ám ảnh của một thể chế toàn trị?

16-8-2015

H. Đ. N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn