Chống Cộng sản và chống Đảng Cộng sản có gì khác nhau?

Thiện Tùng

Cần phải giải mã hiện tượng: nhiều Đảng Cộng sản vẫn đang tồn tại ở nhiều nước, nhưng cớ sao chỉ có một số nước dân chúng chống Đảng Cộng sản, như ở Việt Nam chẳng hạn?

Đảng Cộng sản cũng như bao đảng phái khác, là bộ phận trong cộng đồng dân tộc, tên của chúng chẳng qua chỉ là một danh xưng, như cái mác của một thương hiệu, vậy thì mắc mớ gì dân chúng phải nhọc công chống chúng?

“Chống Cộng sản” không đồng nghĩa với “chống Đảng Cộng sản”. Chống Cộng sản là chống hành vi (đường lối, chính sách...), còn chống Đảng Cộng sản là chống về tổ chức. Ở Việt Nam, cho đến giờ này, người ta nhiều lắm chỉ dùng hình thức phản biện bất bạo động chống lại hành vi sai trái của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là việc tiếp tục áp dụng học thuyết Mác Lê Mao lỗi thời và áp đặt thể chế độc tài đảng trị.

Thử nghĩ lại xem: trong chiến tranh, Đảng Lao Động Việt Nam đưa ra đường lối “Cách mạng Dân tộc Dân chủ” và chính sách “Người cày có ruộng”... phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, họ sẵn sàng “đầu tư” sức người sức của vào những cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt. Sau khi kết thúc chiến tranh, tại Đại hội 4 (năm 1976), Đảng Lao Động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thiết lập thể chế độc tài Đảng Cộng sản trị trên toàn cõi Việt Nam, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa về mọi mặt. Từ đó, người dân bắt đầu tỏ thái độ không hài lòng, từng bước lên tiếng chống lại hành vi của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy rõ ràng, người ta chống đường lối, chủ trương, chính sách... của thể chế chính trị độc tài toàn trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đại diện cho thể chế chính trị bất hảo ấy.

Đến nay, cũng còn không ít người ngụy biện hay cạn suy cho rằng, dưới sự lãnh đạo “anh minh, tài tình” của Đảng, đất nước Việt Nam được xây dựng đàng hoàng, to đẹp hơn; đời sống nhân dân cũng đỡ khổ hơn những năm tháng sau chiến tranh – đúng có to đẹp, đàng hoàng hơn, đời sống có khá hơn nhưng không phải do sự lãnh đạo “tài tình” của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chịu khó nghĩ lại xem: Nếu không có những người quên mình “xé rào”, dấn thân đấu tranh đòi cải tổ thể chế, bị liệt vào tội “những phần tử xét lại chống Đảng” thì đất nước ta hiện nay chắc không khác gì Bắc Triều Tiên? Nhờ những “con thiêu thân” ấy mà Đảng mới thức tỉnh một bước, chấp nhận chuyển đổi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa từ “tập trung bao cấp” sang “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” – tức là chưa chịu buông hẳn chủ nghĩa xã hội. Đã 29 năm qua (1986-2015), nhờ Đảng ép lòng buông tha không trói chặt về kinh tế (đổi mới kinh tế), nhân dân ta cần cù sáng tạo, ăn nên làm ra, ngoài tự lo cho mình, góp phần thuế má đáng kể để Nhà nước xã hội chủ nghĩa có mà nuôi bộ máy cầm quyền và chỉnh trang lại đất nước.

Cụ Hồ nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Đã là thể chế độc tài Đảng trị thì mong gì có sự công bằng ở đây. Ngoài nắm hầu bao của đất nước, Đảng còn đi vay hàng trăm tỷ đô la ở nước ngoài, một phần xây dựng những cơ sở công cộng, phần còn lại xây trụ sở, cung vua phủ chúa, đền đài lăng tẩm. Không phải trung thực trong xây dựng mà làm dối, làm ẩu móc ruột công trình:

Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại

Chi cho di lại cao sang

Chi cho ăn uống như ông hoàng

Chi boa cho những cô nàng bồ nhí

Chi cho cô cậu Tí đi học nước ngoài

Chi cho Ngài trị bịnh ngoại quốc

Chi cho xây cất từ đường

Chi cho sắm sẵn hàng rương, nhà mộ

Chi hối lộ lúc lâm nguy

Tính lại suy đi biết bao là đủ

Đôi lời nhắn nhủ:

Hãy tận thu cho đủ để có mà chi.

Tham thì ai cũng có thể, còn nhũng phải là người có quyền. Tham nhũng là ám chỉ người có quyền mà tham. Đã trở thành điệp khúc, cứ đến mùa bầu cử thì người ta tranh quyền, mua quan bán chức. Bởi vì quyền trở thành phương tiện đi đến mục đích tham nhũng. Làm quan ngày nay cái chính là để vụ lợi chớ không phải để làm đầy tớ cho dân như Cụ Hồ nói.

Lực lượng bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tăng về số lượng, phong phú về hình thức tổ chức, sâu sắc về mặt nội dung. Nhìn kỹ, hiện tại họ không có ý định lật đổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, họ chỉ làm áp lực buộc Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển đổi thể chế chính trị từ Độc tài sang Dân chủ Đa nguyên, nhằm chọn người tài đức lên nắm quyền cứu dân, cứu nước đang thời sắp mạt vận. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam chịu “xuống thang” như các Đảng Cộng sản ở Đông Âu thì trên dưới đề huề, cùng có lợi, chung lo việc dân việc nước. Và nếu Đảng Cộng sản Việt Nam quyết giữ độc quyền toàn trị thì việc gì sẽ xảy ra làm sao đoán trước được, điều chắc chắn rằng câu khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” như phần cuối bài diễn văn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên đọc hôm 2/9/2015 cũng chỉ là ước vọng mà thôi. Đáng nói hơn, trong tình thế nầy, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cho “hành quân cảnh sát” hay sử dụng côn đồ trấn áp bất đồng chính kiến có khác chi đổ dầu vào lửa.

Để tiếp tục giữ quyền thống tri của mình, một số quan chức ngụy biện rằng: đa nguyên, đa đảng sẽ cãi vã với nhau gây rối loạn, hoặc lấy việc độc đảng ở Singapore ra để biện hộ cho mình. Họ không thấy rằng: nhờ đa nguyên, đa đảng cãi qua cãi lại với nhau mới tìm ra chân lý, hạn chế đến mức thấp nhứt sai lầm trong đối nội và đối ngoại, tránh được bảo thủ chủ quan; giám sát qua lại với nhau, hạn chế tối đa “dơ bẩn”. Còn Singapore, không có đảng nào chính danh, đủ mạnh ra thi thố tài năng với đảng đương quyền. Dầu một mình một chợ, đảng đương quyền vẫn nghiêm túc thực hiện dân chủ, đa nguyên, thách đấu về xây dựng phát triển đất nước với các đảng đương quyền trên thế giới – trong quốc gia không có đối thủ thì thi đấu với quốc tế.

Cứ kiểm lại xem, những người được xem là đại diện cho đa số công chúng, ra mặt đấu tranh bất bạo động, đòi thay đổi thể chế chính trị không ai khác hơn là những đảng viên, nguyên đảng viên, con em đảng viên, hay ít ra họ đã có một thời cùng Đảng làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Ngoài ra còn có không ít đảng viên hổ thẹn, thầm lặng bất bình đối với những việc làm sai trái của lãnh đạo Đảng.

Bất đồng quan điểm trong nội bộ ngày thêm gay gắt, Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tồn tại miên trường với dân tộc phải từ bỏ độc quyền, nếu Đảng không từ bỏ độc quyền thì sớm muộn gì cũng sẽ tự tiêu vong trong thúi nát, đó là quy luật. Gần đây, lãnh đạo Đảng không còn đổ cho yếu tố khách quan tác động, mà cho rằng chính từ bên trong Đảng có sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vậy là Đảng tự thấy mình đã mắc bịnh ung thư?

Không biết mắc chứng gì, gần đây Tập Cận Bình yêu cầu toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc “Phải dũng cảm đối mặt, tiếp thu sự thật tha hóa – vong Đảng”, Phải dũng cảm tiếp thu quá trình sinh-hưng-thịnh-suy-nguy-vong của Đảng Cộng sản như một quá trình tất yếu theo quy luật tự nhiên và xã hội” (theo Đại Công Báo 2/7/2015).

Là Đảng cầm quyền, hết năm này qua năm khác, giải quyết chuyện nội bộ không xong, mong gì kham nổi việc dân việc nước? Hãy tự cứu mình đi “Lượm” ơi!

5/9/2015

T. T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn