Quốc hội Việt Nam gián tiếp xác nhận «chấp nhận công đoàn độc lập»?

Thụy My

clip_image002

Công nhân một công ty sản xuất phụ tùng xe hơi và xe gắn máy ở Vĩnh Yên, ngoại thành Hà Nội, 19/08/2015. REUTERS/Kham

Trên một tờ báo mạng Việt Nam cách đây hai ngày xuất hiện một bài báo đáng chú ý mang tựa đề «Chúng ta chỉ còn hai lựa chọn, mở cửa hay là chết». Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khi trả lời phỏng vấn đã hé lộ việc Việt Nam đã vượt qua được các điều kiện về công đoàn và lao động, khi kết thúc đàm phán song phương TPP với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Như vậy có thể hiểu là Hà Nội đã nhượng bộ về vấn đề công đoàn độc lập khi thương lượng Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, tuy không tuyên bố chính thức ? Sự kiện này có liên hệ gì với việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp trọng thể tại Mỹ trong chuyến công du hồi tháng Bảy hay không ?

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Thưa anh, ngày 10/09/2015, báo điện tử Vietnamnet đã đăng bài phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên về vấn đề «lao động khi tham gia các FTA» - một khía cạnh rất thường bị Việt Nam xem là «nhạy cảm» hoặc thậm chí bị gán ghép «diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch». Anh có ấn tượng gì về bài phỏng vấn này?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Đây là bài phỏng vấn cần được dư luận đặc biệt lưu ý, vì nếu tôi nhớ không lầm, đây là lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm của Việt Nam công khai một số thông tin về tiến trình hình thành tổ chức công đoàn độc lập ở Việt Nam, liên quan trực tiếp đến quá trình Việt Nam đàm phán đa phương và song phương với các nước khác về Hiệp định TPP. Còn trước đây, mọi thông tin về công đoàn độc lập hầu như không tồn tại trên mặt báo chí nhà nước.

Việt Nam đã chấp nhận công đoàn độc lập?

RFI : Theo cách nhìn của anh, ông Nguyễn Đức Kiên đã công khai vấn đề gì đáng lưu ý nhất?

Nội dung đặc biệt nhất trong toàn bộ bài phỏng vấn là câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên: «Chúng ta cam kết thế, phải luật hóa các cam kết đó, và phải thực hiện 24 tiếng sau khi phê chuẩn TPP» cho câu hỏi của phóng viên «Theo thông tin của ông, Việt Nam có được hưởng ân hạn trong cam kết về công đoàn và lao động hay không?».

Khái niệm «công đoàn và lao động» mà phóng viên hỏi chính là yêu cầu bắt buộc về sự hình thành tổ chức công đoàn độc lập, là một trong những điều kiện then chốt của TPP nếu phía Việt Nam muốn tham gia hiệp định này. Câu trả lời của ông Nguyễn Đức Kiên đã gián tiếp xác nhận rằng Nhà nước Việt Nam đã chính thức chấp nhận và cam kết điều kiện cho thành lập tổ chức công đoàn độc lập (hay «công đoàn cơ sở» theo cách gọi né tránh của Việt Nam) sau khi hoàn tất đàm phán song phương với các nước, đặc biệt với phía Hoa Kỳ.

Nhưng điều thú vị của bài phỏng vấn này là còn gợi ra cho độc giả một kỹ thuật đọc báo theo cách «đọc câu hỏi», hoặc nói cách khác là «thông tin không nằm trong câu trả lời mà trong chính câu hỏi». Kỹ thuật đặt câu hỏi vừa khéo léo vừa mang tính gợi mở của phóng viên đã cung cấp những thông tin đắt giá cho độc giả, mặc dù người trả lời phỏng vấn mà vì lý do tế nhị nào đó đã không thể trả lời trực diện toàn bộ các vấn đề.

Câu hỏi vừa nêu của phóng viên đã gián tiếp xác nhận một vấn đề quan trọng không kém là không có thời gian ân hạn, nói cách khác là độ trễ muộn, dành cho việc thực hiện công đoàn độc lập khi vào TPP. Còn trước đây, chỉ có một số tin tức không chính thức cho biết phía Việt Nam đề nghị thời gian ân hạn thực hiện công đoàn độc lập là 5 năm, tương đương với thời gian ân hạn đề nghị để cải tổ doanh nghiệp nhà nước để được quốc tế công nhận là «kinh tế thị trường đầy đủ».

RFI : Từ cuối năm 2014 và sang quý I năm 2015, khi diễn ra chuyến làm việc của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang tại Washington, có phải đã bắt đầu xuất hiện những thông tin không chính thức và vài tín hiệu nào đó, về khả năng phía Việt Nam chấp nhận công đoàn độc lập?

Đúng như vậy, có những tín hiệu đã xuất hiện từ cuối năm ngoái và đầu năm nay. Vào cuối tháng 8/2014, tức chỉ ít ngày sau chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Manuel Barroso, một sự kiện có vẻ khá «bất ngờ» là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo «Việc làm, quan hệ lao động và hoạt động công đoàn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA)» tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ấn tượng lớn nhất của cuộc hội thảo này là sự đề cập «Hai hiệp định này có nhiều nội dung mang tính phi thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn lao động, tự do hiệp hội-công đoàn… đặt ra yêu cầu các nước tham gia phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế».

Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu là vấn đề tự do hiệp hội và tự do công đoàn của hội thảo này chính là «tự do lập hội»«công đoàn độc lập». Cũng tại hội thảo này, chi tiết đáng chú ý là ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết vấn đề tự do hiệp hội - công đoàn cũng là những hiệp định đòi hỏi các quốc gia khi tham gia phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật lao động-công đoàn.

Còn vào đầu năm 2015, Hoa Kỳ bất chợt sôi nổi hẳn và mời ông Trần Đại Quang đi Mỹ. Chuyến đi này mang mục đích quan trọng nhất là chuẩn bị cho chuyến công du Washington của ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư (TBT) đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời điểm đó, dư luận và cả giới quan sát có vẻ bất ngờ trước động thái nhiệt tình của Mỹ cùng sự đáp ứng không mấy ngần ngại của Việt Nam.

RFI : Không những không ngần ngại mà ông Nguyễn Phú Trọng còn tỏ ra khá thoải mái và tự tin khi gặp Tổng thống Obama tại Phòng Bầu dục vào tháng 7/2015. Liệu thái độ ấy có liên quan gì đến bài nói chuyện khá mạnh bạo của ông Obama tại Nhà máy Nike vào tháng 5/2015 về chủ đề lao động và công đoàn độc lập cho Việt Nam?

Tôi cho là cách nói có nét tuyên bố khẳng định của ông Obama về công đoàn độc lập cho Việt Nam là có cơ sở, còn khi đặt chân lên đất Mỹ, ông Trọng cũng đã thừa hiểu Việt Nam đã phải «trả giá» đến mức nào để được tiếp hết sức trân trọng tại Phòng Bầu dục.

Chúng ta hãy nhớ lại là vào ngày 08/05/2015, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hiện diện tại trụ sở công ty Nike (Portland, Oregon), với một bài phát biểu rất đặc biệt, không phải dành cho nước Mỹ mà chính Việt Nam.

Lần đầu tiên, ông Obama dùng thể khẳng định trong đoạn phát biểu để nêu ra vấn đề Công đoàn độc lập: «Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo ra sự thay đổi».

Một khả năng có thể là phát biểu của Tổng thống Mỹ được căn cứ trên cơ sở một văn bản nào đó chưa công bố giữa Việt Nam và Mỹ với cam kết của Nhà nước Việt Nam sẽ chấp thuận thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.

Tại thời điểm đó, theo một nguồn tin đáng tin cậy mà tôi có được, phía Việt Nam hầu như đã chấp nhận điều kiện hình thành công đoàn độc lập do phía Mỹ nêu ra. Cụ thể, công đoàn độc lập sẽ được cho phép ra đời và hoạt động tại cấp cơ sở là các doanh nghiệp (chưa rõ doanh nghiệp thuộc thành phần nào - nhà nước, tư nhân hay đầu tư nước ngoài). Hai vấn đề mà nói theo ngôn ngữ ngoại giao «vẫn còn những điểm khác biệt» mà phía Việt Nam chưa đồng ý là tính liên kết của các tổ chức công đoàn độc lập giữa các doanh nghiệp với nhau, và tính quan hệ quốc tế của công đoàn độc lập tại Việt Nam với các tổ chức lao động, nghiệp đoàn quốc tế.

Ngay sau lời phát biểu của Tổng thống Obama về chủ đề công đoàn độc lập ở Việt Nam, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng bắt đầu hé lộ khả năng TBT Trọng sẽ được tiếp bởi tổng thống Mỹ.

Đến ngày 13/5/2015 thì sự việc đã khá rõ ràng. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ted Osius - xuất hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và tương lai Mỹ - Việt. Song chi tiết được dư luận đặc biệt chú ý trong bài trả lời phỏng vấn của Ted Osius là: «Chúng tôi sẽ đón tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất».

Đến khi đó, phương trình đa ẩn số đã được giải mã cơ bản. Bất chấp nhiều đồn đoán và dự đoán về việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không được Tổng thống Mỹ tiếp, hoặc có được tiếp thì chỉ theo nghi lễ rất thông thường do ông Trọng không phải nguyên thủ quốc gia, «nghi thức cấp cao nhất» mà đại sứ Mỹ xác nhận đã đưa vai trò của Tổng bí thư Việt Nam và đoàn tùy tùng «nâng lên một tầm cao mới».

RFI : Theo anh, thỏa thuận ý nghĩa nhất mà hai quốc gia Mỹ và Việt Nam đạt được trong chuyến công du của TBT Trọng là gì?

Trước khi ông Trọng đi Mỹ, những thông tin chính thức và không chính thức vẫn đề cập đến những chủ đề chính trong nghị sự là TPP, hợp tác quốc phòng và nhân quyền. Nhưng chẳng mấy người nhắc đến công đoàn độc lập. Khi đó, TPP vừa vượt qua được cửa ải Lưỡng viện Mỹ về quyền đàm phán nhanh (TPA) và người ta xem TPP là lĩnh vực có thể dễ được thỏa thuận nhất giữa Việt Nam và Mỹ, nhất là khi cuộc hội đàm cấp bộ trưởng các nước về TPP trong tháng 7/2015 được coi là «cuối cùng».

Nhưng té ra cuộc hội đàm ấy kết thúc có phần bế tắc, dù theo Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman thì đã giải quyết được đến 98% các bất đồng trong đàm phán. Trong khi đó, vấn đề hợp tác quốc phòng Mỹ và Việt Nam vẫn chỉ tạm dừng lại ở cơ chế «giao lưu hải quân» - theo những tin tức được công khai. Còn nhân quyền mới đáng thất vọng, nhất là khi trong dịp lễ Quốc khánh 2/9, chính quyền Việt Nam đã không đặc xá cho bất kỳ tù nhân chính trị nào, cho dù con số được đặc xá năm 2015 là chưa từng có - hơn 18.000 phạm nhân.

Rốt cuộc, chỉ còn lại vấn đề có thể ít được hy vọng nhất là công đoàn độc lập, thì lại trở thành một trong những kết quả lớn nhất cho chuyến công du Mỹ của TBT Trọng. Theo tôi, chính kết quả này, đạt được từ trước khi ông Trọng đặt chân lên Washington, đã giải thích vì sao ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp trân trọng đến vậy.

Quyền tự do lập hội cho mọi người dân Việt Nam

RFI : Công đoàn độc lập được chấp nhận hình thành sẽ mở ra cho dân chủ Việt Nam triển vọng ra sao?

Còn hơn cả lĩnh vực tù nhân lương tâm, công đoàn độc lập mang tính bao trùm về quyền lập hội của công nhân và do đó là công dân. Tất cả những gì đã được hứa hẹn, và cả hiến định từ tận Hiến pháp 1992, về quyền tự do lập hội của công dân nhưng cho tới nay vẫn chưa được thực thi, sẽ có cơ hội hiện thực hóa dần. Vào đầu năm nay, « bỗng dưng » Quốc hội Việt Nam đưa ra dự thảo Luật về hội là vấn đề vẫn còn bị coi là rất nhạy cảm chính trị, cho dù cho tới nay xã hội dân sự ở Việt Nam đã hình thành và đã tồn tại gần ba chục tổ chức hội đoàn độc lập.

Khi trả lời câu hỏi «những cam kết về lao động và công đoàn trong TPP cũng chỉ là lặp lại những cam kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên » của báo Vietnamnet, ông Nguyễn Đức Kiên cũng đã trở thành quan chức đầu tiên của VN tiết lộ một sự thật ít người biết:

« Việt Nam trở thành thành viên của ILO năm 1998 sau khi đạt được thỏa thuận lùi thời gian thực hiện lại, tức có lộ trình. Có 13 công ước của ILO, trong đó, chúng ta đã và đang thực hiện 8, và 5 chưa thực hiện.

Có hai công ước quan trọng nhất. Thứ nhất là Công ước 87 về quyền tự do lập hội của người lao động ở cơ sở, hay nói nôm na là quyền lập công đoàn cơ sở. Một nhà máy có thể có nhiều công đoàn, như công đoàn công chức, công đoàn công nghiệp, công đoàn hóa chất, hay thậm chí là hội thợ may quê Nghệ An,… Người lao động được tự do gia nhập các tổ chức ấy, hoặc là họ tự lập ra một tổ chức và chính quyền phải chấp nhận. Họ có quy chế, có đăng ký, và các tổ chức ấy được đối xử bình đẳng.

Thứ hai là Công ước 107, khi công đoàn tập hợp được trên 50% người lao động thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; và nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Công đoàn này có thể hỗ trợ công đoàn khác. Họ liên kết ngang, liên kết dọc».

Chúng ta có thể hiểu những quy tắc mà ông Kiên dẫn lại cũng sẽ là những nội dung mà các tổ chức công đoàn độc lập của công nhân Việt Nam có thể thực hành trong những năm tới. Ông Kiên còn chi tiết hóa thêm thế này: «Cố vấn pháp luật của một đoàn đàm phán ngồi riêng nói với chúng tôi, tại sao các ngài cứ lo về cái điều mà chúng tôi có bắt các ngài làm ngay sáng hôm sau đâu. Cam kết ở đây là để các ngài xây dựng luật, phù hợp với các hệ thống luật khác của các ngài.

Các ngài có thể đồng ý cho công nhân thành lập công đoàn, nhưng các ngài quy định, người đứng ra thành lập công đoàn cơ sở đó phải 25 tuổi trở lên; phải làm việc trong doanh nghiệp đó ít nhất 3 năm; không có tiền án, tiền sự; có gia sản ít nhất bằng này, vì có gia sản mới lấy tiền đó đi hoạt động được, mà không phải lấy đóng góp từ người lao động. Xong 4 điều kỹ thuật đó, lại quy định tiếp là người đó phải lấy được ít nhất 10% ý kiến của người lao động ở doanh nghiệp, họ ký vào đây đồng ý, thì Nhà nước mới cho ông lập ».

Nói tóm lại, sự chấp nhận của chính quyền Việt Nam về công đoàn độc lập chính là thắng lợi lớn lao của cuộc vận động không mệt mỏi trong những năm qua, của các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là của người Việt hải ngoại, cũng là một thành công nho nhỏ trên bàn đàm phán của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu với Nhà nước Việt Nam.

Câu cuối trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Đức Kiên là lời trần thuật rất tâm trạng: «Nói thực ra là nhiều người Việt Nam cũng nghĩ đến điều này…». Ông ấy giải thích thêm: «Nếu Đảng và các tổ chức chính trị xã hội đi cùng không tự vươn lên, không trở thành thỏi nam châm để thu hút người lao động, thì người lao động họ sẽ tách ra và đi theo guồng máy của lực hút khác. Những thách thức đó còn khốc liệt hơn nhiều, thách thức toàn diện, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà sang cả chính trị… ».

Tôi cho rằng ông Kiên đã nói ra một sự thật trần trụi. Đã khá muộn nhưng vẫn còn hơn không. Đảng cầm quyền ở Việt Nam phải thay đổi cách nghĩ, đừng cho rằng cứ có công đoàn độc lập là sẽ tái hiện Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan để lật đổ chế độ. Mà công đoàn độc lập thật ra chỉ là một thứ quyền đương nhiên và mưu sinh của người dân.

RFI : Nhưng muốn thực thi công đoàn độc lập cho công nhân thì lại phải chờ kết quả đàm phán TPP?

Tất nhiên là như vậy. Nhưng tôi cho rằng đàm phán TPP chỉ còn là vấn đề thời gian. Có thể sẽ diễn ra một cuộc đàm phán «cuối cùng» theo đúng nghĩa của cấp bộ trưởng các nước vào tháng Chín này, hoặc cũng có thể muộn hơn một chút, nhưng khó mà kéo dài sang năm 2016. Tiến độ có thể nhìn thấy là nếu đàm phán TPP kết thúc trong năm 2015 thì Quốc hội Mỹ sẽ xem xét bản thảo đàm phán trong nửa đầu năm 2016, và căn cứ vào kết quả đạt được hay vi phạm về nhân quyền của chính quyền Việt Nam mà Quốc hội Mỹ sẽ ‘yes’ hay ‘no’ đối với TPP Việt Nam.

Bao nhiêu phần trăm cho «kịch bản Miến Điện»?

RFI : Trước đây anh vẫn hàm ý có khả năng xu hướng dân chủ hóa ở Việt Nam có thể phần nào đó biến diễn theo cách của Miến Điện. Những gì mà Việt Nam đang cải cách có thực chất không?

Cải cách khung luật pháp là điều kiện lớn của TPP và của Mỹ lẫn Tây Âu. Từ cuối năm 2014, Quốc hội Việt Nam bắt đầu hé lộ ý định «sẽ ban hành các luật Trưng cầu ý dân, Luật về hội».

Sang năm 2015, Việt Nam bắt đầu «điều chỉnh» các luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, và các dự Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin. Hiện tượng này gần như tương tự với Miến Điện vào những năm 2012 – 2013, khi Tổng thống Thein Sein ban hành các luật về tự do lập hội, tự do báo chí và luật biểu tình. Đồng thời tiến hành thả đại trà đến hơn 300 tù nhân chính trị, thậm chí thả cả người bị kết án đến hơn 100 năm tù.

Chính vì những cử chỉ thành tâm này mà vào cuối năm 2012, Tổng thống Mỹ Obama đã lần đầu tiên công du Miến Điện, kéo theo làn sóng xóa nợ lên đến 6 tỉ USD cho Miến Điện từ các quốc gia Đức, Nhật Bản, Na Uy, Câu lạc bộ Paris…

Nhưng còn ở Việt Nam thì khác hẳn. Cho tới nay khung luật pháp vẫn chỉ được điều chỉnh mang tính đối phó, các dự luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và lập hội tràn ngập từ ngữ «xin – cho», còn dự luật Hình sự sửa đổi thì thật ra chẳng sửa đổi gì hết. Vì những điều khoản bị cộng đồng quốc tế lên án là mơ hồ và dễ bị lạm dụng như điều 79 (lật đổ chính quyền), điều 88 (tuyên truyền chống chế độ), điều 258 (lợi dụng quyền tự do dân chủ) vẫn được giữ nguyên mà chỉ thay đổi vị trí và cách đánh số trong dự luật mà thôi.

RFI : Câu hỏi cuối cùng: nếu có thể lượng hóa, anh thấy Việt Nam đang và sẽ thay đổi ứng với kịch bản Miến Điện ra sao?

Cần nói chân thành rằng kịch bản Miến Điện không mang mục tiêu lật đổ hoặc thay thế hoàn toàn chính thể cầm quyền, mà diễn ra một cách êm thấm theo xu hướng dân chủ hóa từng giai đoạn và tránh đổ máu - là kịch bản mà giới quan chức chính quyền Thein Sein có lẽ cũng không mong gì hơn.

Và tôi cũng cho rằng trong thế bế tắc chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, hiện nay tỉ lệ quan chức trung - cao tuy không dám nói ra nhưng mong đợi Việt Nam sẽ thay đổi theo cách của Miến Điện không phải là nhỏ. Đơn giản đó là cách để kìm giữ quyền lực và tài sản một cách hữu hiệu nhất, còn không thì rất có thể sẽ mất trắng nếu dân chúng nổi loạn. Một cách nào đó, tỉ lệ này phản ánh cho tỉ lệ đến 85% người Việt Nam ủng hộ quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và chỉ hơn 10% thích Trung Quốc - như một bản khảo sát dư luận vào giữa năm 2015 của Trung tâm nghiên cứu Pew - Hoa Kỳ.

Hồi trước còn có quan điểm cho rằng « theo Mỹ mất đảng còn nước », nhưng bây giờ khi phía Mỹ đã tuyên bố tôn trọng triết lý chính trị của chính thể Việt Nam, có lẽ phải điều chỉnh lại đôi chút: theo Mỹ còn nước và còn cả đảng, nếu đảng đó biết đặt Tổ quốc lên trên hết.

Sau chuyến công du Hoa Kỳ của TBT Trọng được giới tuyên giáo đảng cho là «thành công lịch sử và vượt hơn cả mong đợi», tôi cho rằng việc chính thể Hà Nội chấp nhận định chế công đoàn độc lập mà không còn quá lo lắng về tiền lệ Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan những năm 80 của thế kỷ trước, cho thấy đã có một sự chuyển đổi không quá nhỏ về tư duy não trạng.

Nếu sau chuyến công du Mỹ vào năm 2013 của ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước, tôi còn thận trọng đánh giá tỉ lệ tương ứng với kịch bản Miến Điện mới đạt chỉ khoảng 3-4%, thì sau chuyến đi Mỹ của TBT Trọng, có vẻ như tỉ lệ này đã lên đến 10%. Còn sau khi thông tin về công đoàn độc lập được Nhà nước Việt Nam chấp nhận, dù thông tin này chỉ mang tính gián tiếp qua một quan chức Quốc hội, tôi cho rằng tỉ lệ tương ứng kịch bản Miến Điện cho trường hợp Việt Nam đang đạt đến 15%.

Chúng ta có thể hy vọng và đã có một ít cơ sở để hy vọng vào triển vọng này. Thậm chí nếu sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 mà xuất hiện một gương mặt Tổng bí thư cởi mở hơn, xác suất tái hiện kịch bản Miến Điện còn cao hơn.

RFI : Nếu Thụy My nhớ không lầm, thì năm ngoái khi trả lời RFI anh cũng đã có đặt vấn đề là người Mỹ dường như đang bắt tay giới bảo thủ Hà Nội. Bây giờ có vẻ như nhận định đó càng được củng cố thêm phải không thưa anh. Xin cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

T.M. – P.C.D.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150912-quoc-hoi-viet-nam-gian-tiep-xac-nhan-«-chap-nhan-cong-doan-doc-lap-»

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn