Chữ/nghĩa trong tranh cử tổng thống Hoa Kỳ

Trần Hữu Thục
You campaign in poetry. You govern in prose.
(Mario Cuomo)
Trước khi các cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016 bắt đầu, dư luận hầu như chỉ chú ý đến Hillary Clinton (Dân chủ) và Jeb Bush hay Marco Rubio (Cộng Hòa), chắc mẩm đó là những ứng cử viên thuộc loại “đảng cử dân bầu”, establishment candidates. Nhưng rồi, rất đột ngột, bên Cộng Hoà, Donald Trump xuất hiện và bằng những cú ra đòn liên tiếp, đầy hiệu quả, ông ta lần lượt đánh bại 14 địch thủ, chiếm ngôi đầu bảng. Và cũng đột ngột không kém, bên Dân Chủ, Bernie Sanders, tưởng chỉ là một nhân vật “đệm” cho Hillary, càng về sau càng nổi lên như diều gặp gió, đe dọa làm lung lay giấc mơ làm ứng cử viên nguyên đệ nhất phu nhân. Bây giờ, ván bài đã xong. Hillary và Trump đã trở thành các ứng cử viên chính thức của hai đảng. Sanders, tuy thua, nhưng chắc chắn ảnh hưởng của cuộc cách mạng chính trị (political revolution) mà ông đề xướng sẽ để lại một dấu ấn sâu đậm trong chính trường Hoa Kỳ.
Có thể nói, cuộc tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ lần này tập trung vào ba nhân vật nổi bật: Hillary (để khỏi lẫn lộn với Bill Clinton, tôi dùng Hillary để chỉ Hillary Clinton), Sanders, và Trump. Ba khuôn mặt, ba cách ứng xử, ba quan điểm. Trong lúc Hillary là một chính trị gia chuyên nghiệp, hiện diện trên chính trường cả mấy thập niên, nhất cử nhất động của bà ai cũng hiểu rõ, thì Sanders và Trump là hai khuôn mặt mới toanh. Họ nhập vào cuộc đua như những kẻ “ngoại đạo”. Trump là một đại gia, xuất hiện với một cá tính mạnh mẽ khác thường; Sanders là một chính trị gia lý tưởng, xuất hiện như một tư tưởng gia cấp tiến.
Một bà. Hai ông.
Hillary thận trọng, cân nhắc, chuẩn bị, nghiêm túc.
Sanders sôi nổi, nhiệt tình, lý tưởng, hăm hở, say mê.
Trump bộc trực, bày tỏ, xông xáo, tràn đầy cá tính.
Chữ và người
Vận động tranh cử, ở một xứ sở được tự do diễn đạt như Hoa Kỳ, là một cuộc chạy đua sử dụng chữ. Một cuộc đấu lời / đấu chữ / đấu nghĩa. Word matters! Chữ đóng vai trò quan trọng. “Chữ”, nói như N. A. Berdyaev, “có một quyền năng lớn lao trên đời sống chúng ta, đó là một quyền năng huyền bí. Chúng ta bị chữ quyến rũ và với một mức độ đáng kể, chúng ta sống trong vương quốc của chúng. Chữ hành động, giống như những quyền năng độc lập, và độc lập với chính nội dung của chúng.”[1] Chữ không phản ảnh hiện thực, nhưng lại có tác động vô cùng to lớn vào hiện thực. Nó làm biến dạng, thay đổi hay thậm chí tạo ra hiện thực. Một lý thuyết hay có thể chuyển đổi khuôn mặt xã hội và nếp sống hàng ngày. Một cuốn sách, một bản tuyên ngôn, đôi khi một câu khẩu hiệu có thể huy động người ta lao vào chỗ chết.
Trong một cuộc thăm dò dư luận về trợ cấp xã hội do National Opinion Research Center thực hiện năm 2006, khi được hỏi tiền trợ cấp xã hội là để “assistance to the poor” (giúp đỡ cho người nghèo), 65% người được thăm dò trả lời là chính phủ đã chi ra “too little” (quá ít). Nhưng nếu thay nhóm từ “assistance to the poor” bằng “welfare” thì 45% trả lời là nhà nước đã chi ra “too much” (quá nhiều). Mặc dầu “assistance to the poor” và “welfare” đều có nghĩa là giúp đỡ cho người có lợi tức thấp. Mới đây ở Việt Nam, chỉ vì dùng từ “tan xác” (thay vì máy bay rơi, hay máy bay bị tai nạn) trong một cuộc thăm dò ý kiến độc giả để mô tả chiếc máy bay Casa 212 bị tai nạn, mà nhà báo Mai Phan Lợi bị mất việc, bị điều tra và bị báo nhà nước tố cáo, lên án dữ dội. Cũng thế Việt Cộng thì khác Cộng sản; tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến thì khác phản động. Vân vân.
Trong vận động tranh cử, quy cho đối thủ bằng một từ hay một nhóm từ ngắn gọn, cụ thể, tính cách tiêu cực và dễ nhớ, có thể biến chữ thành hiện thực, khiến cho cá nhân đó bị dính liền với chữ y như thể là một sinh mệnh. Chữ đột nhiên trở thành nhân cách, bản sắc, thói quen hay quan điểm của người đó. Marco Rubio, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa, là một tay trẻ tuổi hùng biện, nhưng cách ăn nói lặp đi lặp lại của ông trong khi đi vận động tranh cử khiến cho ông bị gọi là “robotic” (máy móc). Rubio Robot trở thành một cách nói ẩn dụ, ám chỉ Rubio. Trong một lần tranh luận tại New Hampshire tháng 2/2016, Marco Rubio (đang có điểm thăm dò dư luận rất cao, ngang ngửa với Trump) cố gắng thoát khỏi cái nhãn hiệu quái ác này. Nhưng trong khi cố thoát, ông lặp đi lặp lại đến bốn lần câu “He knows exactly what he's doing.” Nắm cơ hội này, Chris Christie, một ứng cử viên khác, chế giễu ngay: “Thấy chưa, đó chỉ là một phát biểu 30-giây-học-thuộc-lòng” (the memorized 30-second speech). Chỉ trong vòng ít phút sau, đoạn video quay lại lời nói lặp đi lặp lại đó lan truyền khắp mạng lưới điện toán hình ảnh của một Rubio “the memorized 30-second speech”! Nhóm từ này trở thành biệt danh mới của Rubio! Và với biệt danh này, Rubio bị thua phiếu một cách thảm hại tại cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa diễn ra vài ngày sau đó tại tiểu bang New Hampshire. Quả là một cách chụp mũ vô cùng hiệu quả!
Nhưng chính Trump mới là bậc thầy trong nghệ thuật chụp mũ. Ông gọi các đối thủ, đôi khi khá tùy hứng, bằng những tên khác nhau: chế giễu dáng người nhỏ nhắn, thấp của Rubio là small Rubio; chế giễu cái tật hay uống nước của Rubio khi đi vận động sweat Rubio. Chế giễu đối thủ nặng ký Hillary về việc bà này bỏ phiếu ủng hộ cuộc xâm lăng Iraq (rồi sau đó, xin lỗi) hay sử dụng email cá nhân (rồi sau đó xin lỗi) là crooked Hillary (Hillary lươn lẹo). Chế giễu cung cách vận động từ tốn, đơn điệu của Jeb Bush bằng low-energy Jeb, hoặc chế giễu số tiền quyên góp khá nhiều của Jeb là “puppet of the donors” (con bù nhìn của những người tài trợ). Trong một lần tranh luận, Trump gọi Cruz là “Lying Ted” (Ted dối trá). Trong thực tế, không hẳn Cruz dối trá, nhưng cách nói của ông ta có cái gì ít đáng tin trong lúc Trump thì nghe có vẻ thành thật. Rõ ràng là Trump cường điệu hóa, nhưng ông ta dường như tin những điều ông ta nói và nói thẳng ra những gì mình nghĩ. Rốt cuộc, hóa ra, cách chụp mũ của Trump có hiệu quả: Ted Cruz trông có vẻ dối trá thật! Tóm lại, có thể nói, chụp mũ là một đòn tu từ độc hiểm, một cách đặt tên tuy đơn sơ, khôi hài và thậm chí hạ cấp nhưng có một hiệu quả đáng kể. Các đối thủ của Trump trong đảng Cộng Hòa dường như bất lực, không tìm ra được cách đối phó, ngoài những phản ứng khá thụ động hay im lặng chịu trận.
Nói chung, cách sử dụng ngôn ngữ của Trump giản dị nhưng sắc bén hơn các đối thủ. Ông nói ngắn, gọn, trực tiếp, khẳng định, dứt khoát. Theo cuộc nghiên cứu về ngôn ngữ của các ứng cử viên tổng thống năm nay,[2] thì trong cách chọn chữ, Sanders là nhất, trình độ trên học sinh lớp 10, chỉ thua Reagan chút ít. Kế đó là Rubio, tiếp theo là Hillary và Cruz. Trump xếp hạng chót, tương đương trình độ lớp 7. Về văn phạm, Rubio cao nhất, trung bình ở lớp 7; Hillary, Sanders và Cruz thấp hơn nhiều. Còn Trump vẫn ở hạng chót. Về từ vựng, phong phú và thay đổi nhiều nhất từ diễn văn này đến diễn văn khác là Hillary. Là một chính trị gia chuyên nghiệp, Hillary hiểu rõ sự khác nhau giữa các loại khán giả đến nghe, nên thay đổi cho hợp sở thích và quan điểm của mỗi loại người. Trump vẫn ở hạng chót, với một số lượng từ vựng giới hạn. Tuy thế, do tính cách dễ hiểu và trực tiếp, cách nói của ông dễ dàng truyền đạt đến nhiều thành phần khác nhau trong cùng một lúc. Vả lại, là người có xu hướng chống lại cơ chế quyền lực hiện đương, từ chính phủ ở Washington cho đến bộ máy điều khiển hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, Trump xuất hiện như một khuôn mặt mới lạ, không giống cung cách đơn điệu của các chính trị gia chuyên nghiệp và do đó, dễ lôi cuốn quần chúng, nhất là những người da trắng quá chán nản với những bế tắc chính trị thường diễn ra trong chính trường Hoa Kỳ.
Tất nhiên, các chính trị gia và giới học giả đánh giá thấp Trump. Ít ra là lúc đầu. Lý do rất đơn giản: họ cho rằng thái độ thận trọng và sử dụng ngôn ngữ thích hợp trong cung cách ứng xử với quần chúng là tiêu chuẩn phổ biến, được mọi người chấp nhận. Tiêu chuẩn đó không hẳn lúc nào cũng hay, cũng đúng và cũng gây nên hiệu quả mong muốn nhưng rõ ràng là một cách ứng xử đầy ưu thế, nhất là đối với những người nổi tiếng. Vô hình chung, điều này tạo thành một trục văn hóa quyền lực bao gồm giới trí thức, ngành truyền thông và ngành giải trí (academia/media/entertainment Axis). Chữ/nghĩa của Trump là một nghịch đảo đối với trục văn hóa đó. Thay vì “phải đạo” (political correctness = PC), ông ta ăn nói bừa phứa theo kiểu “chống-phải đạo” (anti-PC); thay vì lời nói phải trước sau như một (nhất dĩ quán chi = nhất quán) để tạo sự tin cậy, Trump là phi-nhất quán. Nhiều lần, Trump flip-flop một cách hồn nhiên, thậm chí, như một thủ thuật. Hôm nay nói thế này, mai nói thế khác và mốt lại nói khác nữa. Tất nhiên, đây là khuyết điểm. Nhưng ông tìm cách khai thác nó như một lợi điểm. Trước khi ông ta đến nói chuyện trong một cuộc tập họp quần chúng nào đó, thường thì khán giả và báo chí không đoán biết ông ta sẽ nói những gì, sẽ sỉ nhục hay xúc phạm những ai và sỉ nhục, xúc phạm kiểu nào. Điều này khêu gợi trí tưởng tượng và sự tò mò của quần chúng, nhất là đối với giới truyền thông, luôn luôn cần tin giật gân. Chả thế mà, so với các đối thủ, Trump tiêu rất ít tiền để quảng cáo, nhưng lại hưởng được sự chú ý tối đa của nghành truyền thông đến nỗi giới kinh tế gia ước tính trị giá đến cả hai tỷ đô la nếu phải thuê bao trực tiếp.
Bảng phân tích sau đây cho ta một cái nhìn về cách ăn nói biểu lộ tính cách con người như thế nào:[3]
imageTheo thứ tự con số từ cao đến thấp, người có vẻ nói láo nhiều nhất là Cruz (+.88), kế đến là Rubio (-.10), rồi Hillary (-.46), Sanders (-.65) và ít nói láo nhất – có nghĩa là thành thật nhất – là Trump (-.97).
Cruz trông ra vẻ “giáo sư” nhất (+0.89) kế đến là Sanders (+0.74) rồi Hillary (+0.24). Trump là người ít có vẻ “giáo sư nhất” (-1.78).
Cũng theo thang điểm trên, người ăn nói ít đàn bà nhất (hay có tính cách đàn ông nhất) là Sanders (-3.18). Trong lúc đó, người ăn nói có vẻ đàn bà nhất lại là Trump (+ 4. 24) rồi sau đó mới đến Hillary (+1.14). Nói khác đi, Hillary ít có vẻ đàn bà hơn Trump. Trump “đàn bà” vì hay đề cập đến “cái tôi” của mình: tôi giàu, tôi giỏi, tôi đúng. Ông sử dụng cách nói nhắm vào cảm tính người nghe (xây bức tường ở biên giới Mexico-Mỹ, cấm người Hồi giáo nhập cư), hay nói kiểu xách mé, xuy tì cá nhân, chẳng hạn chế giễu tật hay uống nước của Rubio. Nói chung, ngôn ngữ của Trump có tính sỉ nhục và kỳ thị. Những nhà nghiên cứu cho đó là thứ ngôn ngữ gây xúc động (emotionally-charged language), tuy khó nghe, nhưng lại khiến cho Trump có vẻ thành thật (hơn các ứng cử viên khác).[4] Trong lúc đó, Hillary thường dùng những từ nghe kêu (big words), nặng tính suy tư và kế hoạch hơn là gây xúc động, chẳng hạn như chính phủ, gia đình, kinh nghiệm, thành tích, y tế, tiền nong, trợ cấp, vân vân. Nghe không có gì mới, nếu không muốn nói là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!
Ăn nói có vẻ là một người thất vọng nhất là Cruz (+1.16), kế đó là Trump (+.23) và ít thất vọng nhất (lạc quan nhất) là Rubio.
Người ăn nói có vẻ “tổng thống” nhất là Hillary (+1.99) kế đó là Sanders (+.92) và ít “tổng thống” nhất là Trump (-3.17).
Tóm lại, Trump thường chiếm cái “ít nhất” và “nhiều nhất”.
Văn và thơ
Hillary là người vất vả nhất trong cuộc vận động tranh sự đề cử của mình vì sự nổi lên bất ngờ của Sanders. Sanders đề ra một cuộc cách mạng, gọi là cách mạng chính trị (political revolution) dựa vào quần chúng: tố cáo giới tài phiệt, đòi tăng lương tối thiểu, đòi miễn phí cho sinh viên đại học. Để chống lại một Hillary sành sõi và là ứng cử viên con cưng của đảng, được sự hỗ trợ dồi dào về tiền bạc của giới giàu có, Sanders đưa ra hình ảnh của một Hillary nhận tiền tài trợ của Wall Street và chỉ phục vụ quyền lợi cho giới tài phiệt. Để lôi kéo thế hệ trẻ, thế hệ millennials (Millennial Generation = những người trẻ tuổi ra đời trong khoảng trước và sau năm 2000), Sanders hô hào học đại học miễn phí. Để lôi kéo giai cấp công nhân, Sanders đòi hỏi tăng lương tối thiểu lên 15 đô la/giờ và đề ra chính sách y tế toàn dân, ai cũng được bảo hiểm sức khỏe không tốn tiền. Tóm lại, Sanders xuất hiện như một niềm hy vọng, một hình ảnh mới mẻ và xán lạn của tương lai. Ngay lập tức, ông thu hút một cách mạnh mẽ giới trẻ. Trong lúc những cuộc nói chuyện của Hillary chỉ có chừng vài trăm người tham dự, cao lắm là 1000, hầu hết là giới già, những cuộc tập họp của Sanders thường rất hoành tráng, rất sôi nổi với sự tham dự cuồng nhiệt khác thường của hàng chục ngàn người. Điều đó đưa đến chỗ Sanders thắng Hillary ở rất nhiều tiểu bang, có nơi thắng rất đậm. Có lúc, trước phong trào ủng hộ Sanders của giới trẻ, tưởng chừng như lịch sử được lặp lại: một Hillary nguyên đệ nhất phu nhân và thượng nghị sĩ nổi danh hoàn vũ thua một Obama da màu vô danh tiểu tốt một cách cay đắng 8 năm trước đây.
Để chống lại Sanders, Hillary làm gì?
Bà ta sử dụng một ý tưởng khá lạ: campaign-in-poetry, govern-in-prose. Ý tưởng này xuất phát từ một thành ngữ dân gian, “you campaign in poetry, you govern in prose” (vận động bằng thơ, cai trị bằng văn) đã được Mario Cuomo, vốn là thị trưởng New York, biến thành một ẩn dụ chính trị dùng làm tiêu đề tranh cử. Quái! Văn thơ thì dính líu gì đến vận động tranh cử tổng thống? Hillary chẳng phải là nhà văn và Sanders cũng chẳng phải là nhà thơ. Hãy nghe Hillary giải thích: “Như quý vị biết, ta có thể nói tất cả mọi sự ta muốn nói trong khi tranh cử, nhưng một khi bầu cử xong rồi, chúng ta phải cùng nhau làm việc để giải quyết vấn nạn mà đất nước đang gặp phải.” Với một người từng trải trong chính trường, Hillary biết rõ biến những lời hứa hẹn thành hiện thực là một điều rất khó. Khi chưa nắm quyền, người ta có thể hứa hẹn đủ điều, nhưng khi nắm quyền rồi, thực tế không cho phép thực hiện được. Cho nên, bà không hứa hẹn. Bà không muổn chỉ “hô khẩu hiệu” hay “tranh cãi tu từ” mà chỉ muốn đưa ra kế hoạch, muốn giải quyết vấn đề bằng kinh nghiệm và kiến thức.
Thì ra thế! Với Hillary, những chính sách Sanders đề ra trong cuộc tranh cử chỉ là những bài thơ. Thơ thì tùy hứng, tùy thích, muốn gì nói nấy, không cần quan tâm tới chỗ có thực hiện được hay không. Nghĩa là những hứa hẹn vu vơ. Còn bà, bà chỉ quan tâm đến việc thực hiện những gì có thể thực hiện được. Liệu có làm được thì mới đề ra, liệu không làm được thì… thôi. Chẳng thế mà, các bài diễn văn của Hillary nặng về các sáng kiến và chính sách, nhưng nhẹ về ước mơ. Trong một lần tranh luận, được hỏi về ưu tiên hàng đầu là gì, bà liệt kê một lô các điều cần làm, từ sử dụng điện mặt trời cho đến hạ giá thuốc hay chăm sóc gia đình, vân vân. Theo bà, phe cấp tiến đi tìm vần thơ, trong lúc bà là một người đam mê những điều cần làm để đưa ra quốc hội thông qua, nghĩa là bà chỉ muốn viết văn, thứ văn xuôi, văn tả thực. Hillary cho rằng Sanders hình như tin tưởng rằng ông ta có thể hoàn thành chương trình của ông như một chiếc đũa thần, vung chiếc đũa lên là… mọi chuyện thay đổi, là cách mạng hoàn thành. Đây cũng chính là điều mà bà cáo buộc ứng cử viên trẻ tuổi da đen Obama trước đây. “Lý thuyết không đủ, một tổng thống phải thực tế,” Hillary phát biểu. Bà không quan tâm đến những ý tưởng nghe rất hay trên giấy tờ nhưng không bao giờ thực hiện được. Hillary gọi Sanders là ứng cử viên một-vấn-đề (one-issue candidate); hơn thế nữa, ứng cử viên tưởng tượng (imaginary candidate).
Trong lúc đó, Sanders tập trung, chuyên tâm quảng diễn thế giới quan và viễn kiến của mình, không cần biết đến những trở ngại. Hình ảnh một Sanders tóc tai nhàu nhò, bạc phơ, dáng dấp nghệ sĩ, ăn nói hùng hồn, nhiệt tình trước hàng chục ngàn thanh thiếu niên ngời ngời sức sống, là một bài thơ lớn, đủ sức đánh bạt một Hillary đệ-nhất-phu-nhân-thượng-nghị-sĩ-bộ-trưởng-ngoại-giao. Điều quan trọng không phải là tài hùng biện, nghệ thuật tranh cãi của ông, mà là niềm cảm hứng và sự say mê của những người trẻ đang khát khao sự thay đổi. Thành thử, các luận cứ thực tế mà Hillary nêu ra không dễ dàng đánh đổ được cơn lốc Sanders. Giới trẻ vẫn tìm đến Sanders. Như trước đây giới trẻ tìm đến với Obama, chỉ vì họ tin rằng “Yes, we can.” Họ mơ mộng. Họ thích được vuốt ve bởi niềm hy vọng hơn là những trở ngại trong thực tế.
Dường như dần dần, Hillary đã nhận ra điều đó. Trong những lần vận động về sau, Hillary có thêm vào một ít chất “thơ”: cũng đòi tăng lương tối thiểu lên 12, rồi 15; cũng phê phán giới tài phiệt, phê phán Wall Street… Báo chí gọi là bà bị Sanders đẩy dần sang “tả” (tả khuynh). Và rốt cuộc, bà cũng thắng. Hú hồn! Thực ra, cái cách làm thơ của Hillary chỉ là thứ thơ gượng, chẳng gây nên tác dụng gì đáng kể. Chẳng qua, ngọn lửa Sanders cũng chỉ là lửa rơm. Ông khoái trá với giới trẻ mà quên mất giới già, khoái người da trắng mà quên mất người da màu, khoái mặt nổi mà quên mất bề chìm. Người ta thà ăn cơm nguội mà yên tâm hơn ăn cơm mới, biết đâu đau bụng! Viết văn dở còn hơn làm thơ hay.
image
Thực ra, Hillary chẳng hề viết văn.
Còn Sanders thì chẳng muốn làm thơ. Thậm chí, ông quên luôn cả người làm thơ cho mình. Do một tình cờ trong khi đi lục tìm hồ sơ của Sanders tại Burlington tháng 6 năm 2015, một thông tín viên của tờ Guardian Anh, tìm thấy một bài thơ viết tay có tựa đề là Burlington Snow (Tuyết Burlington). Tác giả là một nhà thơ tên tuổi Hoa Kỳ, Allen Ginsberg.[5] Ginsberg là người Mỹ gốc Do Thái, cũng như Sanders. Bài thơ được viết vào một ngày tuyết phủ tháng 2 năm 1986, khi nhà thơ đến thăm Burlington và thăm người thị trưởng 4 nhiệm kỳ của thành phố này là Sanders. Tuy không hề nhắc đến tên Sanders nhưng rõ ràng là bài thơ được cảm hứng bởi – và gián tiếp ca ngợi – người thị trưởng xã hội chủ nghĩa này. Được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới trong thời gian Sanders đi vận động tranh cử, bài thơ đã tăng thêm niềm cảm hứng cho những người yêu thơ và các người ủng hộ Sanders. [6]
Bài thơ tìm thấy quả là một tình cờ lý thú trong cuộc tranh cử năm nay.
image
image
Socialist snow on the streets
Socialist talk in the Maverick bookstore
Socialist kids sucking socialist lollipops
Socialist poetry in socialist mouths
aren’t the birds frozen socialists?
Aren’t the snowclouds blocking the airfield
Social Democratic Appearances?
Isn’t the socialist sky owned by
the socialist sun?
Earth itself socialist, forests, rivers, lakes
furry mountains, socialist salt
in oceans?
Isn’t this poem socialist? It doesn’t
belong to me anymore.
(Tạm dịch: Tuyết xã hội chủ nghĩa trên đường
Chuyện trò xã hội chủ nghĩa trong tiệm sách Maverick
Những đứa bé xã hội chủ nghĩa mút kẹo xã hội chủ nghĩa
Thơ xã hội chủ nghĩa trong những cái miệng xã hội chủ nghĩa
– phải chăng những con chim cũng là những nhà xã hội chủ nghĩa lạnh cóng?
Phải chăng những đám tuyết xã hội chủ nghĩa phủ kín phi trường cũng là Những Diện Mạo Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa?
Phải chăng bầu trời xã hội chủ nghĩa cũng được sở hữu bởi mặt trời xã hội chủ nghĩa?
Đất đai chính nó cũng là xã hội chủ nghĩa, rồi rừng, rồi sông, rồi hồ ao, núi rừng rậm rạp, và cả muối trong đại dương cũng xã hội chủ nghĩa
Và ngay cả bài thơ này cũng xã hội chủ nghĩa? Nó chẳng còn thuộc về tôi nữa rồi)
Bài thơ không có gỉ đặc sắc, nhưng tạo khá nhiều ấn tượng vì sự lặp đi lặp lại nhóm từ “xã hội chủ nghĩa”. Nó không nói đến hình ảnh một thiên đường hay một xã hội hoàn chỉnh, hạnh phúc mà chỉ đưa ra những hình ảnh đầy ước mơ của một xã hội, nơi mà mọi sự vật đều nhuốm màu xã hội chủ nghĩa, từ tuyết trên đường phố cho đến bầu trời, chim chóc, mặt trời… Và kể cả chính bài thơ. Isn’t this poem socialist? It doesn’t belong to me anymore. À, thì ra, xã hội chủ nghĩa có nghĩa là phi-cá nhân! Bài thơ mang hơi hướm của một khôi hài ý nhị.
Rất nhiều lần, nhìn Sanders hùng hồn thuyết trình về cuộc cách mạng chính trị của ông trước hàng chục ngàn thanh niên sinh viên học sinh lứa tuổi millennials, tôi không khỏi nhớ lại niềm say mê của thế hệ chúng tôi ở Việt Nam thời thập niên 1960. Một số bạn tôi say mê lý tưởng Cộng Sản và tham gia hoạt động. Riêng tôi và nhiều bạn bè khác thì không thích Cộng sản, nhưng hầu như ai cũng ước mơ một cuộc cách mạng xã hội: bình đẳng, dân tộc, giải phóng, không còn áp bức, bất công, không có kẻ giàu người nghèo… Thực tế cho thấy, trong cả thế kỷ qua, tất cả chỉ là những ước mơ. Cái gọi là xã hội chủ nghĩa chỉ đưa đất nước vào chỗ lạc hậu, áp bức, chiến tranh, nghèo đói. Những tưởng các kinh nghiệm cay đắng từ các nước Cộng sản đã đẩy chủ nghĩa xã hội trôi hẳn vào lãng quên của lịch sử, ấy thế mà ở nước Hoa Kỳ đại tư bản vào thế kỷ 21 này, vẫn còn một Sanders hùng hồn hô hào cách mạng xã hội chủ nghĩa và lôi kéo hàng trăm ngàn thanh thiếu niên vào cuộc. Chẳng lẽ ông muốn biến Hoa Kỳ thành một Trung Cộng, Việt Nam? Hay Bắc Hàn, Cu Ba?
Đúng làông Sanders làm… thơ!
Nói thơ và văn, nhưng chẳng có bài văn nào cũng chẳng có bài thơ nào. Chỉ là một cái nắp đầy thơ để che đậy một hiện thực văn xuôi xương xóc!
*
image
Người và chữ
Sau những ồn ào náo nhiệt đua tranh của những người muốn thử sức, bây giờ chỉ còn Trump đối diện với Hillary. Một ông/một bà. Hai ứng cử viên và hai bộ máy tranh cử bắt đầu vận hành. Bây giờ thì không còn văn. Cũng chẳng còn thơ. Mà là một cuộc đấu loại hoành tráng kéo dài đến tháng 11. Chính sách thì đã có. Chiêu bài cũng đã có. Chiêu thức nào sẽ được sử dụng? Những vết đen nào trong tiểu sử cá nhân sẽ bị đem ra soi mói, mổ xẻ? Biến động xảy ra, tạo ảnh hưởng lên cuộc đua?
Riêng tôi, tôi quan tâm đến chữ/nghĩa. Nên để kết luận bài viết, tôi chọn ra một số lời/chữđiển hình màTrump và Hillary phát biểu trong nhiều dịp khác nhau.
Trump:
- “My life has been about winning. My life has not been about losing.” (Đời tôi chỉ toàn là thành công. Đời tôi không hề thất bại)
- “Part of the beauty of me is that I am very rich.” (Sở dĩ tôi đẹp, một phần là vì tôi rất giàu/một phần trong cái đẹp ở tôi là tôi rất giàu)
- “We can’t continue to allow China to rape our country” (Chúng ta không thể cho phép Tàu cứ mãi hiếp dâm đất nước chúng ta)
- “With the proper woman you don’t need Viagra.” (Với người phụ nữ thích hợp thì bạn không cần đến Viagra)
- “I will build a great wall – and nobody builds walls better than me, believe me – and I’ll build them very inexpensively. I will build a great, great wall on our southern border, and I will make Mexico pay for that wall. Mark my words.” (Tôi sẽ xây một bức tường lớn – tin tôi đi, chẳng ai xây tường giỏi hơn tôi đâu – và tôi sẽ xây chúng giá rất rẻ. Tôi sẽ xây một bức tường lớn, thật lớn trên biên giới phía Nam nước ta, và tôi sẽ buộc Mexico phải trả tiền xây tường. Hãy nhớ lời tôi nói.)
- “It’s freezing and snowing in New York – we need global warming!” (Ở New York, trời quá lạnh và tuyết nhiều – chúng ta cần ấm nóng toàn cầu!)
- “I’ve said if Ivanka weren’t my daughter, perhaps I’d be dating her.” (Tôi đã nói là nếu Ivanka mà không phải là con gái tôi, có lẽ tôi sẽ hẹn hò với nàng)
image
Hillary:
- "Like it or not, women are always subject to criticism if they show too much feeling in public." (Dù thích hay không, phụ nữ luôn luôn dễ bị phê bình nếu họ bày tỏ quá nhiều xúc cảm giữa chốn công cộng)
- "I have a million ideas. The country can't afford them all." (Tôi có cả triệu ý tưởng. (Nhưng) đất nước không thể dung chứa tất cả chúng)
- "The difference between a politician and a statesman is that a politician thinks about the next election while the statesman think about the next generation." (Sự khác nhau giữa một chính trị gia và một chính khách là chính trị gia thì suy nghĩ về cuộc bầu cử sắp tới trong khi chính khách thì suy nghĩ về thế hệ sắp tới)
- "I think that you can disagree with people and debate over their positions with issues without engaging in the politics of personal destruction." (Tôi cho rằng bạn có thể không đồng ý với người khác và tranh cãi về các vấn đề họ nêu ra mà không mưu đồphá hoại cá nhân)
- "If I want to knock a story off the front page, I just change my hairstyle." (Nếu tôi muốn lấy đi một câu chuyện ra khỏi trang bìa, tôi chỉ cần thay kiểu tóc)
- “Women are the largest untapped reservoir of talent in the world.” (Phụ nữ là hồ chứa tài năng lớn nhất chưa khai thác hết của thế giới)
- "Human rights are women's rights, and women's rights are human rights." (Quyền con người là quyền phụ nữ và quyền phụ nữ là quyền con người)
- "I think that if you live long enough, you realize that so much of what happens in life is out of your control, but how you respond to it is in your control. That's what I try to remember. " (Tôi cho rằng nếu bạn sống đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng bạn không thể kiểm soát hết rất nhiều điều xảy ra trong cuộc đời của bạn, nhưng bạn có thể kiểm soát được cách mà bạn đối phó với chúng. Đó là điều mà tôi cố nhớ)
Trump: lạ chữ, lạ nghĩa.
Hillary: quen chữ, quen nghĩa. So so!
Người sao chữ vậy! Phải chăng?
*
Cứ bốn năm một lần, người Mỹ lại lấy dao kéo ra tự giải phẫu chính mình. Khác với tinh thần tốt khoe xấu che thường thấy, Mỹ lại tốt khoe, xấu cũng khoe. Vận động tranh cử y như thể là cái dịp để các ứng cử viên tố cáo chính đất nước mình. Nước Mỹ rốt cuộc, qua tranh cử, là một con bệnh kinh niên. Cái mã ngoài nào là giàu có, văn minh, tân tiến, hùng mạnh, nhân quyền, tự do, dân chủ, vân vân và vân vân, qua miệng của các ứng cử viên, là một đất nước đầy dẫy những điều tiêu cực: bất công, giết người, khoảng cách biệt lớn lao giữa giàu-nghèo, tham nhũng, kinh tế suy thoái, người giàu thì trốn thuế, kẻ lợi tức thấp lại đóng thuế nhiều… Sự hiện diện của Sanders với hàng trăm ngàn sinh viên học sinh ủng hộ cũng như sự hiện diện của Trump với những chính sách mới lạ, khác thường, cực đoan, cho thấy nước Mỹ đang đối diện với những vấn nạn lớn lao. Y như thể nước Mỹ này là một cái gì đang hư hỏng, tan rã. Nó cần một cuộc “cách mạng”: political revolution(Sanders). Nó mất đi tính cách vĩ đại vốn có, nên phải “make America great again” (Trump). Các tầng lớp nhân dân bị ngăn cách, không được hưởng thụ quyền lời đồng đều, cần phải phá vỡ các rào cản: break down all barriers (Hillary).
Ấy thế mà, cái nước Mỹ đó, mới đây, lại vẫn được Putin, con người Nga kiêu ngạo ấy, thừa nhận: Mỹ vẫn là siêu cường.
Cái gì làm Mỹ trở thành một siêu cường? Có lẽ vì nó biết giải phẫu chính mình.
Nó biết mình là một con bệnh. Luôn luôn có bệnh. Nhà nước là một con bệnh. Đảng phái là một con bệnh. Không ai là hào quang của ai. Không ai là anh hùng của ai. Không ai là sự nghiệp của ai. Không ai là thần thánh của ai. Không ai phải nợ ai. Không ai phải biết ơn ai. Không có cái gì làđúng, sai vĩnh viễn.
Vâng, Mỹ là siêu cường.
Một siêu cường bệnh hoạn!
(6/2016)
T. H. T.
Tác giả gửi BVN.

[1]Words and Reality in Societal Life, Nikolai Alexandrovich Berdyaev (1874-1948).
[2]Tracking the language of public figures/Kayla N. Jordan and James W. Pennebaker, University of Texas at Austin.
[3] Bđd.
[5]Allen Ginsberg (1926-1997), thủ lãnh của phong trào Thế hệ Beat (Beat Generation) Hoa Kỳ, tác gia bài thơ nổi tiếng “Howl” (Tiếng tru).
[6]Allen Ginsberg’s Handwritten Poem For Bernie Sanders, “Burlington Snow” (1986), trang mạng Openculture.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn