Người dân Kỳ Anh nói gì sau cuộc bao vây Formosa?

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA

clip_image001

Cuộc biểu tình chống Formosa tại Hà Tĩnh vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người. Citizen photo

Hơn 10.000 người dân ở Thị xã Kỳ Anh hôm 2/10 đã bao vây công ty Fomosa để đòi môi trường sạch, đền bù thỏa đáng, không được xả thải chất độc xuống dòng sống Quyền và đóng cửa Fomosa. Những người dân trực tiếp tham gia nói gì về sự kiện này?

Sáng ngày 2/10/2016, toàn thể Giáo dân trong hạt Kỳ Anh đã đến cổng trước và cổng sau của công ty Formosa, để hướng ứng lời kêu gọi của các Linh mục trong Giáo hạt. Đã có hơn 10.000 người bao vây công ty Formosa để yêu cầu lãnh đạo của công ty này trực tiếp đối thoại với người dân.

Sự phẫn uất của người dân

Từ khi xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển đến nay, người dân ở Kỳ Anh nhận được rất ít sự hỗ trợ từ phía chính quyền, dù cho chính phủ Việt Nam đã nhận 11.500 tỷ từ Công ty Fomosa, điều này khiến cho người dân không hài lòng. Tuy nhiên, điều khiến cho người dân bực bội nhiều hơn là việc Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền thị xã Kỳ Anh đã cho phép công ty Fomosa xả thải chất độc ra sông Quyền trước khi đổ ra biển.

Một cô giáo ở Kỳ Anh, người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình nói về cuộc biểu tình ngày hôm qua của hơn 10.000 người dân:

“Ngày 2/10/2016 là ngày giáo dân toàn Giáo hạt hưởng ứng lời kêu gọi của cha quản hạt Kỳ Anh, các cha trong giáo hạt để tuần hành biểu tình ôn hòa, đòi Formosa phải minh bạch cho dân, đền bù thiệt hại thỏa đáng. Yêu cầu Formosa dừng ngay việc xả thải ra sông Quyền.”

Giáo dân toàn Giáo hạt hưởng ứng lời kêu gọi của cha quản hạt Kỳ Anh, các cha trong giáo hạt để tuần hành biểu tình ôn hòa, đòi Formosa phải minh bạch cho dân, đền bù thiệt hại thỏa đáng.

- Một người biểu tình

Cô giáo còn cho biết, đã có đến hàng trăm cảnh sát, cơ động, quân đội, dân phòng bán vũ trang, các loại xe chuyên dụng được trang bị vũ khí đầy đủ đến để bảo vệ cho công ty Formosa, và cô giáo đặt dấu hỏi về cách hành xử của chính quyền địa phương đối với công ty Formosa, cô nói:

“Công ty Formosa là cái gì, mà phải hàng trăm cơ động, hàng trăm cảnh sát, hàng trăm giao thông vàng, chở bao nhiêu là máy, xe kéo, phòng cháy chữa cháy, xe thùng và trang bị trên đầu thùng bao nhiêu là máy, xe phòng cháy chữa cháy, có cả xe thùng được trang bị bao nhiêu súng ống? Người dân đã làm gì?”

Anh Phục, người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm qua cho biết, giáo xứ Dũ Yên, Kỳ Anh nơi anh sống có con sông Quyền chạy qua, dòng sông này mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân ở đây. Tuy nhiên, từ khi biết tin bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và chính quyền thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định cho Fomosa xả thải chất độc ra sông Quyền, nên anh và bà con đã tham gia biểu tình:

“Theo như cuộc họp báo ngày 12/09/2016 vừa rồi, họ họp báo và quyết định xả thải xuống sông Quyền trước khi chảy ra biển. Chúng tôi đang lên án vấn đề đó, chúng tôi sẽ sống chết không cho công ty Formosa xả thải ra sông Quyền, và chúng tôi sẽ bảo vệ dòng sông Quyền.”

Chị Phượng, một giáo dân ở xứ Quý Hòa, Kỳ Anh, chị nói về cảm nhận của bản thân khi tham gia cuộc biểu tình trong ngày hôm qua:

clip_image002

Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Citizen photo

“Từ trước đến nay thì hôm qua là cuộc biểu tình có đông người nhất, ở trước cổng công ty Formosa, vì nó xả ra chất thải ra sông Quyền, nên người dân uất hận, họ vào Formosa để đối thoại với những người lãnh đạo trong đó, nhưng không có một người nào ra đối thoại hay gặp dân trực tiếp cả cả, mà chỉ thấy có cảnh sát, cơ động,… chắn thành hàng ngang để bảo vệ cổng thành Formosa.”

Chị Việt ở Xã Kỳ Hà, Kỳ Anh thấy rằng, trong ngày hôm qua, bà con tham gia biểu tình trong ôn hòa trật tự, không ảnh hưởng đến người khác. Sở dĩ có chuyện này là do có sự điều hành nghiêm ngặt của các linh mục và những người tổ chức cuộc biểu tình. Chị nhận định:

“Chị thấy người dân đi biểu tình rất ôn hòa. Ngay từ đầu đến cuối có thấy chuyện gì xảy ra đâu. Khi đến cổng, thì dân cũng có trèo lên cổng và phất cờ mà thôi, chứ cũng không làm gì ảnh hưởng đến nhà máy, đến công ty. Khi biểu tình xong, bà con đi về trong ôn hòa, bà con có giăng một số biểu ngữ, chứ không làm gì thiệt hại cả.”

Thông điệp

Cuộc biểu tình đã kết thúc, nhưng tinh thần và quyết tâm của bà con ở đây vẫn không hề suy giảm. Những người dân nơi đây khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi Formosa rời khỏi Việt Nam mới thôi, như chia sẻ của chị Phượng:

“Sẽ đi biểu tình đến lúc nào đền bù thỏa đáng và đuổi được Formosa ra khỏi Việt Nam thì thôi. Không phải riêng bản thân em, mà tất cả mọi người dân chắc chắn muốn thế. Dù có tăng tiền đền bù đến cỡ nào đi nữa mà Formosa còn hiện diện ngày nào ở đất nước Việt Nam, thì chắc chắn nhân dân sẽ tiếp tục đấu tranh tới phút cuối, khi nào Formosa ra khỏi Việt Nam thì thôi.”

Phía chính quyền thì cứ bao bọc cho Formosa, thậm chí tỉnh cũng đã đồng ý cho Formosa xả thải ra sông Quyền. Nếu Formosa mà xả ra sông Quyền là dân chết, xả ra biển mà dân còn chết.

- Chị Việt

Chị Việt cho biết, sở dĩ người dân quyết tâm bảo vệ môi trường là vì biển đã bị nhiễm độc nặng nề, đến bây giờ chính quyền địa phương và Formosa vẫn chưa trả lại biển sạch cho dân. Mà nay chính quyền lại chấp nhận cho Formosa xả thải chất độc ra sông Quyền, điều này làm cho quyết tâm bảo vệ môi trường sống của bà con lại càng cao. Chị quả quyết:

“Lần sau dân trở lại cổng Formosa nữa thì sẽ khác. Dân ở đây không có một người nào sợ, một chút sợ cũng không có, vì họ luôn nghĩ chính quyền đã làm sai. Phía chính quyền thì cứ bao bọc cho Formosa, thậm chí tỉnh cũng đã đồng ý cho Formosa xả thải ra sông Quyền. Nếu Formosa mà xả ra sông Quyền là dân chết, xả ra biển mà dân còn chết, còn ảnh hưởng, giờ lại xả ra sông Quyền.”

Riêng cô giáo ở Kỳ Anh gửi thông điệp đến chính quyền thị xã Kỳ Anh và nhà nước Việt Nam rằng, hãy lắng nghe những than thở, thao thức của người dân trong vùng thảm họa, và hãy đứng về phía dân để đuổi Formosa về nước, trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân. Cô nói:

“Qua đài phát thanh Á Châu Tự Do, tôi muốn gửi thông điệp:

Ngày hôm nay, chính quyền tỉnh và thị xã Kỳ Anh phải làm rõ ràng cho dân, không phải cứ ăn bớt tiền, gạo hỗ trợ, phải làm cho đầy đủ, nhà nước ở trên phát xuống cho rõ ràng, cho họ thấy, chứ không phải à ơ cho qua chuyện. Thứ hai là chính quyền Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh phải làm sao để Formosa ngừng tất cả việc xả thải đường biển và sông Quyền. Nếu không ngừng thì chính quyền Hà Tĩnh sẽ nhận nhiều hậu quả. Cũng xin nhắn gửi cho chính phủ Việt Nam, hãy đứng ra làm cho dân, và đây mới chỉ bước đầu thôi, lần sau thì sẽ khác.”

Những người tham gia cuộc biểu tình trong ngày hôm qua mà chúng tôi có hội tiếp xúc đều cho biết, sẽ tiếp tục xuống đường trong ôn hòa để đấu tranh, không bao giờ chấp nhận chuyện Fomosa tiếp tục xả thải chất độc ở Kỳ Anh. Chỉ khi nào Formosa cuốn gói rời khỏi Việt Nam thì họ mới ngưng đấu tranh.

X. N.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vxn031016-10042016103930.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn