Từ ăn nho ướt áo đến nữ quyền ở Việt Nam

Phương Thảo

…bao nhiêu triệu người phụ nữ Việt Nam phải chịu bạo hành trong gia đình, nơi công cộng hay bị quấy rối tình dục mà không được hội phụ nữ, công đoàn chứ đừng nói tới công lý hay thủ tướng đoái hoài đến…

clip_image002

Từ “ăn nho ướt áo”...

Tờ Dailymail của Anh trong tháng 9-2016 đã có đăng bài viết kèm theo hình ảnh và đoạn phim ngắn của một công ty mà họ cho là công ty Trung Quốc đang có cuộc sinh hoạt nội bộ công ty. Các hoạt động nhằm nâng cao sự đoàn kết và kết nối các thành viên trong công ty là một hành động tốt và luôn được chú trọng, nhưng điều gây bất ngờ ở chỗ hoạt động này được thể hiện qua việc “ăn nho được treo ở ngực của các nữ nhân viên”.

Sự việc cũng chẳng có gì đáng nói nếu là việc xảy ra ở bên Tàu. Nhưng xem đoạn phim quay lại, nghe những lời nói của người dẫn chương trình, lời hô hào của cả nam thanh nữ tú tham gia trò chơi lẫn người cổ vũ thì mới biết đó là nhân viên của FPT khu vực phía Bắc Việt Nam. Tuyệt nhiên không mảy may một ai trong số những người tham gia hay chứng kiến tỏ vẻ bất bình mà còn rất hào hứng cổ vũ nhiệt tình trong khi những người nước ngoài tham gia bình luận vào bài viết đều cho rằng đây là hành vi quấy rối tình dục nếu không phải chỉ được thực hiện giữa những người có mối quan hệ tình cảm với nhau.

FPT là một công ty lớn, những người lãnh đạo công ty không ít người là du học sinh đã từng được đào tạo ở nước ngoài hay thậm chí đã làm việc ở nước ngoài hay cho các tổ chức và công ty nước ngoài ở Việt Nam. Chắc hẳn không phải họ không hiểu biết như thế nào là quấy rối tình dục và không tôn trọng phụ nữ, bên cạnh đó các nữ nhân viên FPT cũng không phải là những người có trình độ văn hoá và nhận thức về giới kém; thế nhưng vụ việc xảy ra công khai và không có một tờ báo nào trong nước vào cuộc... có lẽ họ cho rằng báo Anh nói chuyện ở bên Tàu nên không cần phải quan tâm hay đào xới lên làm gì mà cứ cho chìm xuồng cho êm chuyện.

Tới “choàng tay trúng đùi”...

Vụ “choàng tay trúng đùi nữ tạp vụ” của ông Hồ Ngọc Tấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Cà Mau cũng có cả một đoạn phim ngắn làm bằng chứng cho hành vi quấy rối tình dục của ông Tấn. Thế nhưng vụ việc chỉ dừng lại ở mức lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ xử lý ông Tấn với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Giải thích với PV Thanh Niên về dư luận không tốt về mình là do bị hiểu nhầm, ông Tấn nói: “Tôi cũng không có tình cảm riêng tư, hay ý định xúc phạm nữ nhân viên. Hôm đó cô ấy nói trong máy điện thoại của mình có tấm ảnh đẹp muốn cho xem. Khi tôi bước lại cầm điện thoại thì cô này chụp lại giấu dưới đùi, lúc đó tôi choàng tay vào đùi cô ấy để lấy điện thoại nhưng không ngờ bị ghi hình”.

Người bình thường cũng có thể nhận thấy việc một người đàn ông choàng tay vào đùi cua một người phụ nữ không phải là người hôn phối hay bạn gái của họ là việc làm không thể chấp nhận được, nhưng lãnh đạo tỉnh Cà mau lại ngây thơ tin lời vị Phó giám đốc Sở và không cho đó là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cán bộ, công chức nênBan giám đốc đã nhắc nhở ông Tấn nên thận trọng rút kinh nghiệm trong quan hệ ứng xử nếu có. Do chỉ mới có dư luận, không có chứng cứ nên không thể xử lý ông Tấn”.

Cho tới “nữ nhân viên sân bay bị đánh vào đầu”...

Ngày 18-10-2016, một nhân viên hãng hàng không bị hành khách nam đánh vào đầu sân bay đã làm cho nhiều người bức xúc, một hành khách chứng kiến đã lao vào đánh trả lại người hạ tay đánh cô gái yếu đuối đã được tung hô là “Lục Vân Tiên”, tin tức lan truyền trên mạng xã hội và truyền thông một cách nhanh chóng. Ngày 20-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 10-2016. Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo Công an TP Hà Nội thụ lý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ bốn ngày sau đó, ngày 24-10-2016, Sở GTVT TP Hà Nội, cơ quan chủ quản của người tấn công, đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đào Vịnh Thuấn từ ngày 1-11-2016.

Điều không bình thường ở đây là người bị bạo hành nơi công cộng là Đội phó Đội Dịch vụ hàng không chuyến bay, tức một người có chức vụ. Không cần nói ra ai cũng biết để có lọt được vào sân bay và nắm chức vụ cao không phải một người dân quèn nào cũng có thể làm được. Phải chăng vì như thế mà đích thân Thủ tướng đã phải lên tiếng chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc?

Điều không bình thường nữa là báo chí không cố dùng các từ ngữ nói giảm để làm nhẹ đi hình ảnh xuống tay đánh phụ nữ của ông Thuấn như “hành động gạt tay” của Công an Hà nội với phóng viên Quang Thế của báo Tuổi trẻ và việc “trừng phạt kẻ phạm tội “diễn ra một cách nhanh chóng đến không ngờ.

Và nữ quyền

Cả ba sự việc đều liên quan đến phụ nữ và cùng có ba đoạn phim ngắn ghi lại. Điều muốn nói ở đây là nữ quyền - trong đó là vấn đề bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực thân thể, quấy rối tình dục - đã được coi trọng ra sao? Tại sao chỉ có một trong ba người được bảo vệ một cách nhanh chóng đến không ngờ; còn lại thì bị quên lãng nhanh chóng không kém.

Công lý đã được thực thi cho một nữ nhân viên hàng không vì ông Thuấn đã phạm tội tấn công, cố ý gây thương tích cho người khác. Còn bao nhiêu triệu người phụ nữ Việt Nam phải chịu bạo hành trong gia đình, nơi công cộng hay bị quấy rối tình dục mà không được hội phụ nữ, công đoàn chứ đừng nói tới công lý hay thủ tướng đoái hoài đến?

Những phụ nữ là nhân viên của FPT không ý thức được việc làm của họ vô hình trung đã biến họ thành nạn nhân của việc quấy rối tình dục, và tự biến mình thành phương tiện giải trí cho đám đông, nhưng nam giới tham gia “ăn nho” không cho rằng họ đang có hành vi quấy rối tình dục. Người phụ nữ tạp vụ của Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Cà Mau sau khi tung đoạn phim ghi hình lên mạng có lẽ chẳng được yên ổn làm việc vì gây ra hiểu lầm cho ông Phó giám đốc Sở, bản thân ông Tấn vẫn chỉ cho rằng ông không hề phạm tội gì dù Bộ Quy tắc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng quấy rối tình dục có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, ...quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Nhân viên hãng hàng không Việt Nam, nữ tạp vụ ở Cà mau hay những nữ nhân viên FPT chỉ là một cái chấm nhỏ xíu cho tảng băng trôi khổng lồ của những phụ nữ là nạn nhân của việc xâm phạm nữ quyền ở Việt Nam. Việt Nam có hẳn hai ngày để vinh danh phụ nữ là ngày 8 tháng 3 và ngày 20 tháng 10 và có lẽ chỉ có phụ nữ Việt Nam mới sung sướng với hai ngày ít ỏi dành cho phụ nữ trong năm đến như thế. Những ngày còn lại trong năm, phần lớn phụ nữ cam chịu, không biết kêu ai và thậm chí còn chưa hiểu được hết thế nào là bảo vệ chính mình khỏi việc bị bạo hành lời nói và thân thể hay quấy rối tình dục. Phải chăng họ mới nhận thức rằng nữ quyền chỉ bị xâm phạm khi họ bị đánh đập vì đó mới là bằng chứng để tố cáo việc bị bạo hành thân thể còn các hành vi quấy rối tình dục hay bạo hành lời nói sẽ bị bỏ qua vì không gây hậu quả nghiêm trọng và khó chứng minh hậu quả?

P.T.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/10/vntb-tu-nho-uot-ao-en-nu-quyen-o-viet.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn