Kẻ gieo rắc sợ hãi cũng biết sợ hãi

Vũ Đông Hà

(Dân Làm Báo)

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quảng trường Thiên An Môn nhuộm máu. Quân đội và xe tăng được lệnh của lãnh đạo Đảng CSTQ xả súng vào quần chúng. Trong suốt gần 7 tuần lễ trước đó, bắt đầu từ 15 tháng 4, nửa triệu người dân Trung Hoa, phần lớn là sinh viên, đã vượt qua sợ hãi để làm người tự do đúng nghĩa tại quảng trường có hình chân dung vĩ đại của Mao. Cả ngàn thanh niên thiếu nữ đã chết. Họ đã thắng nỗi sợ hãi nhưng bị dẹp tan trong máu và nước mắt vì một điều đơn giản: họ đã đẩy một guồng máy cai trị tàn ác vào vị trí đường cùng khi thiểu số lãnh đạo và tập đoàn thừa hành của guồng máy ấy chưa biết sợ; vẫn còn những cái đầu điên cuồng tuân lệnh và những ngón tay chưa biết run bấm vào cò súng.

Cuộc cách mạng của sợ hãi không chỉ là một cuộc cách mạng một chiều: làm người dân hết sợ. Nó còn cần được thực hiện theo một tiến trình khôn ngoan, có lượng giá để từng bước: làm cho độc tài bắt đầu biết lo; chùn bước chùng tay; hãi sợ; và cuối cùng là đầu hàng.

Cách mạng chỉ nên được đẩy đến giai đoạn dứt điểm để thành công khi “cán cân sợ hãi” bắt đầu nghiêng về phía độc tài. Nếu không sẽ có nhiều xác suất dẫn đến một cuộc tắm máu vì vũ khí đang nằm trong tay kẻ thống trị. Ngay cả khi buộc phải có “sự thương lượng” với tập đoàn độc tài, cán cân sức mạnh giữa quần chúng và guồng máy lúc đó phải được tương đối cân bằng thì những đòi hỏi chính đáng và lâu dài của nhân dân mới có thể được đáp ứng. Nếu không thì “sự thương lượng” sẽ mở cho độc tài một giải pháp thoát hiểm và công cuộc đấu tranh bị rơi vào một trò chơi chính trị.

Câu chuyện của một cô gái xuất khẩu lao động và một cán bộ công an phường

Hồng Lĩnh là một sinh viên ở một tỉnh miền Tây. Trong khi bạn bè rủ nhau trở thành cô dâu Đài Loan thì Hồng Lĩnh làm đơn xin đi lao động hợp tác. Cán bộ phường là một gã côn đồ, hống hách, xem dân như cỏ rác. Hồng Lĩnh cũng không thoát khỏi hoàn cảnh đó, vừa sợ hãi, vừa căm giận, vừa phải nhịn nhục khi đến xin chữ ký. “Cuối cùng em nghiệm ra rằng em là nô lệ cho sự sợ hãi của chính em và từ đó danh dự, nhân phẩm của em đã trở thành nô lệ cho chúng nó “ - Hồng Lĩnh tâm sự.

Ba năm sau, Hồng Lĩnh về nước. Những cảm nhận ở nước ngoài làm em có một nhận thức mới về chính mình. Ngày lên phường để khai báo, cũng tên cán bộ phường đó, cũng thái độ hống hách, coi thường người dân. “Em đã đứng thẳng dậy, nhìn thẳng vào mắt nó và rất nghiêm trang nhưng rất dữ, “quạt” nó cả 10 phút không ngừng nghĩ. Anh biết gì không? Mặt mày nó tái mét, khi em dừng nói nó bối rối dữ lắm, không biết phản ứng ra sao. Cuối cùng nó lí nhí xin lỗi và bỏ tuốt vào bên trong. Từ đó đến nay, thái độ của nó đối với em khác hẳn. Em ngộ ra một điều là qua nhiều năm, tụi em vì thời thế đã tự tạo cho mình khả năng tự vệ khi bị làm khó làm dễ; ngược lại có kẻ quen tấn công người khác thì không có khả năng phản ứng khi bị tấn công vì chưa có kinh nghiệm bao giờ. Tụi nó chỉ biết núp bóng bộ đồng phục ở trên người và cái bóng của hệ thống.”

Nỗi sợ hãi của kẻ bị tách riêng để tấn công

Không riêng gì đảng CSVN, những cá nhân cầm quyền và thuộc hạ của các nước độc tài khác đều núp bóng cơ chế để vừa trốn tránh trách nhiệm vừa mang cảm giác an toàn. Những tấn công vào cơ chế không làm cho cá nhân trong tập đoàn cai trị lo sợ nhiều mà đôi khi lại gia tăng cảm giác an toàn của họ khi chúng ta vô tình kết họ vào một khối.

Viễn ảnh về ngày tàn của chế độ không phải không có trong đầu của một bộ trưởng hay bí thư tỉnh ủy hoặc một tên công an côn đồ. Hình ảnh của Muammar Gaddafi bị lôi ra khỏi ống cống và bị giết không phải không ẩn hiện trong đầu của họ. Nhưng trong viễn ảnh nhiều ác mộng đó, họ tự nhủ rằng, cùng lắm thì cả một thể chế sụp đổ, một vài “đồng chí” cao cấp nhất sẽ bị đem ra xử còn “ta” sẽ hạ cánh an toàn. Từ đó, họ “yên tâm” tiếp tục thủ ác trong khung cảnh toàn cơ chế, hệ thống bị tấn công.

Không ai có thể phản biện được với khuynh hướng lên án toàn bộ, không để sót kẻ gây ra tội ác vì đó là phán xét hợp lý và mang tính công bằng, phù hợp với chuẩn mực của công lý. Tuy nhiên, trong tiến trình tranh đấu, đôi khi cảm xúc, công bằng và công lý đành phải nhường chỗ cho nhu cầu thực tiễn của mục tiêu xóa bỏ độc tài: hiệu quả đạt được. Sẽ không mang lại nhiều hiệu quả mong đợi khi tấn công cả hệ thống tham nhũng, cả tập đoàn công an còn đảng còn mình là ác ôn, trong khi mỗi cá nhân trong tập thể xấu xa đó không có cảm giác cá nhân mình đang bị tấn công. Đối với những kẻ gieo ác, khi một tên sợ hãi sẽ dẫn đến tâm lý sợ hãi của đồng bọn. Bệnh sợ hãi là bệnh hay lây cho dù chúng là những kẻ nắm quyền. Ngược lại, khi lực chúng ta còn mỏng và còn yếu, tập trung tấn công vào một điểm vẫn mang lại nhiều kết quả hơn là tấn công cả một tảng núi.

Khi bắt đầu bằng những kế hoạch, việc nhắm vào một cá nhân, một thành phần đang bị oán ghét nhất trong bộ máy cai trị sẽ có khả năng làm nhiều người tham gia hơn. Nó sẽ tạo ảnh hưởng đến cá nhân kẻ thủ ác. Nỗi sợ hãi sẽ lây lan, ảnh hưởng và làm suy yếu guồng máy. Khi gió bắt đầu xoay chiều, chính những người phục vụ trong guồng máy sẽ xé rào và chạy về phía nhân dân - đó là trường hợp của một số đại sứ, bộ trưởng của chế độ Gaddafi trong thời điểm quyết định của cuộc cách mạng tại Lybia.

Đánh vào những tên cai ngục, nhà tù sẽ đổ.

V.Đ.H.

Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2017/04/ke-gieo-rac-so-hai-cung-biet-so-hai.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn