"Ăn của dân không từ một cái gì"

Ấy là lời thím Doan khi còn giữ chức Phó chủ tịch nước, BVN lấy luôn làm tiêu đề cho loạt bài dưới đây. Cũng thím này từng khẳng định: "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản".

Bauxite Việt Nam

Giật mình một con lợn giống cấp cho hộ nghèo có giá 7 triệu đồng

Vinh Duy

Chương trình hỗ trợ sản xuất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững từ Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai tại huyện Nậm Nhùn - tỉnh Lai Châu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập. Tuy nhiên giá con giống được cấp cho người dân phải chịu quá nhiều loại phí, dẫn đến cao ngất trời...

Lợn "chính sách" từ 50-60%

Từ năm 2014 đến nay, người dân huyện Nậm Nhùn vẫn chưa hết xôn xao việc lợn giống cấp theo Chương trình 30a cho người dân với giá cao ngất ngưởng. Trong khi giá lợn giống tại địa phương rất thấp, khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg thì lợn giống của Chương trình 30a cấp cho người dân lên đến... 230.000 đồng/kg.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4-2017, huyện Nậm Nhùn tiến hành hỗ trợ cho 454 hộ tương ứng 454 con lợn (khoảng 2,8 tỉ đồng) với 100% giống lợn nái Móng Cái, trọng lượng tối thiểu 30 kg/con. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện, đã có chuyện nhập nhằng trọng lượng con giống khi cấp (có những con dưới 30 kg). Tỉ lệ con giống chết nhiều ở xã Nậm Hàng, khi cấp 103 con thì chết 81 con, xã Lê Lợi cấp 60 con thì chết gần 30 con...

Tình trạng lợn chính sách cấp bị chết xảy ra ở tất cả các xã nằm trong Chương trình 30a. Nhiều con giống sống được thì không sinh sản dù đã phối giống đúng kĩ thuật. Ông Lý Văn Hoài, Bí thư Chi bộ bản Nậm Hàng - thị trấn Nậm Nhùn cho biết: "Trong 2 năm 2015 và 2016, bản tôi được cấp 30 con lợn giống Móng Cái. Khi đến thời kì sinh sản, dù tất cả được phối giống đúng kĩ thuật nhưng chỉ có duy nhất 1 con đẻ. Nhưng lợn con đẻ xong cũng chết. Cấp ủy, chính quyền thị trấn Nậm Nhùn và cơ quan chuyên môn huyện xuống kiểm tra, cho phép các hộ bán số lợn giống Móng Cái không đẻ để mua giống địa phương nuôi thay thế".

Theo chia sẻ của người dân bản Huổi Van 1 - xã Nậm Hàng: Năm 2016 bản được cấp 38 con lợn giống nhưng chỉ sống được 5 con. Lợn giống cấp không đều nhau, con to có mà con nhỏ cũng có. Ngày đầu mang con giống về thì ăn tốt nhưng mấy tuần sau cho thức ăn nó không ăn, thân lợn run rẩy. Bà con gọi người tiêm thuốc cứu chữa nhưng vẫn không cứu được lợn giống. "Có trường hợp có 8 con chết trong thời gian "bảo hành" và 8 con giống chết đã được cấp lại nhưng sau vẫn chết 6 con. Bà con trong bản cho biết: Lúc mới nhận lợn giống, nhìn con nào cũng rất đẹp, mỡ màng nhưng chỉ ăn được vài bữa đầu, sau đó thì quay ra bỏ ăn, yếu và chết" - anh Lò Văn Xuông ở bản Huổi Van 1 - xã Nậm Hàng chia sẻ. Anh Xuông cũng cho biết bà con có kiến nghị nên để người dân tự mua lợn giống địa phương, sau đó đưa tiền hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn bởi cũng số tiền đó có thể mua được tới 2-3 con lợn giống.

3 năm không kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Giáp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nậm Nhùn cho biết: Từ năm 2014 tới năm 2017, huyện không làm báo cáo chi tiết đánh giá về hiệu quả, sự sinh trưởng, phát triển lợn giống theo nguồn vốn Chương trình 30a mà chỉ lồng ghép vào báo cáo tổng kết chung của huyện về lĩnh vực nông nghiệp hàng năm. Về việc lợn chết do nguyên nhân nào, cơ quan chuyên môn thú y mới biết được. "Việc cấp giống lợn Móng Cái  được thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT" - ông Giáp nói.

Phóng viên đặt câu hỏi: Trong giai đoạn 2014-2017, khi không có báo cáo đánh giá cụ thể về hiệu quả cấp lợn giống theo nguồn vốn 30a, tại sao huyện vẫn hỗ trợ? Ông Nguyễn Quang Hải - Phó chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn - cho biết rất ngắn gọn: "Do nhu cầu của  người dân vẫn đề nghị lên và huyện vẫn tiến hành cấp giống".

Tuy vậy, câu trả lời của ông Hải hoàn toàn trái ngược với ý kiến của người dân. Khi người dân trong huyện mong muốn được hỗ trợ giống lợn địa phương, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán chăn nuôi, đặc biệt giá rẻ hơn nhưng huyện vẫn kiên quyết bắt dân nhận giống lợn Móng Cái.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, năm 2016 huyện lập hồ sơ tính toán (có dựa trên thẩm định giá các đơn vị và các loại phí) để đưa ra khung giá giống lợn khoảng 230.000 đồng/kg. Như vậy bình quân mỗi con lợn 30 kg được hỗ trợ cho người dân có giá gần 7 triệu đồng. Trong khi cùng thời điểm, giá lợn địa phương chỉ rơi vào khoảng 70.000- 90.000 đồng/kg.

V.D

Nguồn: http://danviet.vn/nha-nong/giat-minh-mot-con-lon-giong-cap-cho-ho-ngheo-co-gia-7-trieu-dong-807994.html

Khó tin: Cấp cây sa nhân giống cho hộ nghèo với giá cao gấp 5 lần

Vinh Duy

Năm 2017, huyện Mường Nhé (Điện Biên) trồng thử nghiệm 50 ha cây sa nhân tím tại 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng. Dự án do các xã làm chủ đầu tư. Điều đáng nói là cây sa nhân giống cấp cho người dân có giá "trên trời", cao gấp 5 lần so với bán tại các trại cây giống.

Cấp giá trên trời, Phòng NN&PTNT không hay biết?

Thực hiện dự án, 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng của huyện Mường Nhé tiến hành trồng thử nghiệm 50 ha cây sa nhân tím vào trung tuần tháng 9-2017. Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, giá cây giống mà các đơn vị cung ứng cấp cho người dân lên đến 15.000 đồng/cây, cao gấp 5 lần so với giá bán tại các trại giống. Mỗi xã được cấp 640 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua cây sa nhân giống từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

Làm việc với PV Dân Việt, ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé khẳng định: Việc thẩm định giá cây sa nhân giống, huyện không làm vì trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có đơn vị nào sản xuất loại cây này. Việc thẩm định giá do Công ty Cổ phần dịch vụ thẩm định giá Việt Nam có địa chỉ ở Hà Nội tiến hành. Do các xã làm chủ đầu tư nên việc cung ứng, thẩm định giá đều do các xã làm, Phòng NN&PTNT chỉ là cơ quan chuyên môn, vì vậy việc cấp cây cho người dân với giá cao hay thấp, đơn vị không nắm được.

Trên thực tế, người dân các xã được hưởng dự án cũng không biết chính xác giá của cây sa nhân là bao nhiêu. Người dân chỉ được thông báo đi nhận cây giống về trồng. Chị Sùng Sé Pa (bản Sín Thầu - xã Sín Thầu) cho biết: "Giữa tháng 9, tôi được xã thông báo đến nhận cây sa nhân về trồng. Nhà tôi được cấp hơn 1.000 cây nhưng giá 1 cây bao nhiêu tiền tôi không được biết. Hôm nay nghe cán bộ nói giá 15.000 đồng/cây thì cao quá".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu khẳng định: "Năm 2017, xã Sín Thầu tiến hành trồng 29 ha cây sa nhân tím. Thời điểm cấp cây giống, xã thống nhất với đơn vị cung ứng là 15.000 đồng/cây, tuy nhiên xã chưa kí hợp đồng với đơn vị cung ứng do ngày 26-10-2017, Hội đồng Thẩm định giá của huyện Mường Nhé mới có thông báo kết luận thẩm định giá, vì thế chúng tôi đang thương thảo lại hợp đồng với nhà cung ứng".

Về việc giá cây sa nhân tím cao so với thực tế, lãnh đạo các xã đều khẳng định do trên địa bàn không có đơn vị làm giống cây này nên không biết giá. Giá đều do Công ty Cổ phần dịch vụ thẩm định giá Việt Nam thẩm định và cung cấp bằng Chứng thư thẩm định giá cho các xã. Dựa trên Chứng thư thẩm định giá này mà các xã tiến hành lựa chọn nhà cung ứng.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Trung tâm Giống cây trồng vườn ươm Bắc bộ ở Tam Đảo có bán cây giống sa nhân tím với tiêu chuẩn cây trong bầu, cao trên 20 cm, giá bán 2.600 đồng/cây. Đại diện trung tâm cũng khẳng định sẽ cung cấp cây giống đến tận địa phương và bảo hành cây giống theo đúng quy định của hợp đồng kinh tế đã được 2 bên kí kết.

Cấp vội vã cây giống vào mùa khô

Điều ngạc nhiên là việc cung ứng cây giống cho các xã được thực hiện dồn dập vào đầu mùa khô. Lí giải việc này, ông Trịnh Duy Đáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết vì huyện mới có chủ trương trồng thử nghiệm cây sa nhân tím, nếu các xã trong dự án không triển khai thì sẽ hết năm, nguồn vốn sẽ bị cắt. Ông Đáp còn lí giải năm nay mưa kéo dài nên việc trồng vào giữa tháng 9 không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tuy nhiên, chính vì trồng vào đầu mùa khô mà qua kiểm tra tại xã Leng Su Sìn, chỉ có khoảng 40 - 45% số cây sống.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cũng khẳng định việc cấp cây giống vào tháng 9 là không đúng theo quy trình trồng cây lâm nghiệp nhưng do chủ trương của huyện quá gấp, nếu không triển khai thì nguồn vốn sẽ bị cắt, người dân sẽ chịu thiệt. "Để khắc phục nhược điểm trồng vào đầu mùa khô, chúng tôi đã yêu cầu các hộ phải trồng dưới tán rừng để bảo đảm tỉ lệ cây sống cao. Năm nay mùa mưa cũng kéo dài sang đến tháng 11, qua kiểm tra, tỉ lệ cây sống của xã Sín Thầu đạt trên 80%" - ông Phan cho hay.

Dân Việt sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin vụ việc đến bạn đọc.

V.D

Nguồn: http://m.danviet.vn/nha-nong/kho-tin-cap-cay-sa-nhan-giong-cho-ho-ngheo-voi-gia-cao-gap-5-lan-829847.html

Thanh Hóa: Dân được đền bù 100 triệu, cán bộ phường "xin" 65 triệu?

Trần Lê

Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại phố 7 và phố 8 - phường Đông Cương - TP Thanh Hóa, thời gian qua họ nhận tiền đền bù đất sản xuất nông nghiệp theo thỏa thuận với Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Tuấn Minh. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đền bù, nhiều hộ dân bị cán bộ phường "xin" lại một phần.

Nhiều gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn, mặc dù được nhận tiền đền bù nhưng lại phải trích một phần để nộp cho phường. Đơn cử như trường hợp bà Lê Thị Lũy (73 tuổi, ở phố 7 - phường Đông Cương) sống một mình trong căn dột nát, xập xệ. Theo bà Lũy, thời gian vừa rồi bà được nhận 21 triệu tiền đền bù đất nhưng sau đó bà bị cán bộ thu lại 11 triệu. "Họ (cán bộ phường Đông Cương - PV) nói thu lại tiền để đóng nhưng không nói dùng vào việc gì. Cán bộ bảo kí vào giấy gì đó, nhưng tôi không biết nội dung" - bà Lũy cho biết.

Theo tìm hiểu được biết, tại phố 7 và phố 8 - phường Đông Cương, không chỉ trường hợp bà Lũy bị thu lại một phần tiền sau khi nhận đền bù mà còn có nhiều hộ gia đình khác sau khi nhận tiền đền bù cũng bị cán bộ phường "xin" lại một phần mà không hiểu lí do thu là gì. Có trường hợp sau khi nhận tiền đền bù hơn 100 triệu đồng như gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở phố 8, được cán bộ "vận động" nộp lại 65 triệu. Tuy nhiên, khi gia đình thắc mắc thu tiền không có biên lai, hóa đơn và sau nhiều lần khiếu nại thì hộ bà Phượng đã được cán bộ trả lại tiền.

Ông Lê Đình Mão - Chủ tịch UBND phường Đông Cương - thừa nhận có sự việc trên. Theo giải thích của ông Mão thì không phải là thu lại tiền của dân mà phường kêu gọi dân đóng góp xây dựng địa phương trên tinh thần tự nguyện. Việc này là do cấp dưới triển khai, trước khi thu, phường có tổ chức họp dân và khi thu có hóa đơn. Tuy nhiên khi được hỏi về việc tại sao thu đóng góp xây dựng của dân với một khoản tiền lớn như vậy thì ông Mão không giải thích được. Đồng thời ông Mão cho biết sẽ chỉ đạo rà soát, trả lại tiền cho dân.

Liên quan vấn đề nêu trên, ông Đào Trong Quy - Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa - cho biết sẽ xác minh thông tin phản ánh, đồng thời yêu cầu lãnh đạo lãnh đạo phường Đông Cương báo cáo sự việc nêu trên.

Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề trên đến bạn đọc.

T.L

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/dan-duoc-den-bu-100-trieu-can-bo-phuong-xin-65-trieu-20161202121706725.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn