Hoãn phiên toà xét xử nhà hoạt động Hoàng Bình và Nam Phong



Nguyên Nguyễn/SBTN



Theo thông báo của toà án tỉnh Nghệ An sẽ đưa vụ án nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong ra xét xử lúc 7:30 sáng ngày 25/01/2018 với cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 258 và tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258, bộ luật Hình sự.
Ngay từ sáng sớm, linh mục JB Nguyễn Đình Thục và hai luật sư gồm: Hà Huy Sơn và Lê Luân cùng đông đảo người dân đã có mặt tại toà án để tham gia theo dõi phiên toà. Tuy nhiên, đến khoảng 08:05 thì cán bộ toà án ra thông báo phiên toà tạm hoãn vì “luật sư vắng mặt”.
Theo gia đình anh Hoàng Bình và Nam Phong cho biết: “Gia đình chúng tôi chỉ thuê hai luật sư Hà Huy Sơn và Lê Luân bào chữa trong vụ án này. Tuy nhiên, Toà án tỉnh Nghệ An lại đưa ra thông báo lý do tạm hoãn phiên toà do luật sư vắng mặt. Vậy vị luật sư vắng mặt này là ai?”.
Theo luật sư Hà Huy Sơn cho biết: “Ngay từ sáng sớm, tôi và LS. Lê Văn Luân đã có mặt ở đường Phạm Đình Toái thì phải dừng xe bởi barie Cảnh sát cách địa điểm xét xử khoảng 1km. Khi 2 LS. đến toà, thì toà đã quyết định hoãn phiên toà sáng nay và dự kiến sẽ mở vào lúc 7h30 ngày 6/2/2018 tới đây. Theo thông báo của toà án nhân dân tỉnh Nghệ An thì lý do hoãn: có LS. Ngô Anh Tuấn người bào chữa cho Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong trước đó có đơn báo vắng mặt do bận phiên toà khác”.
Luật sư Hà Huy Sơn cho biết thêm: “Việc hoãn phiên toà đã có dự định và được sắp xếp từ trước. Bằng chứng là tại địa điểm xét xử của phiên toà là trụ sở Toà án tỉnh Nghệ An  ở Tp. Vinh nhưng chúng tôi lại nhận được quyết định hoãn ngày 25/1/2018 tại Vinh có con dấu của Toà án Diễn Châu. Theo pháp luật quy định, con dấu của các cơ quan hành chính không được mang khỏi trụ sở chính, trừ trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép. Như vậy, chứng tỏ toà án tỉnh Nghệ An đã tạm hoãn phiên toà có chủ đích từ trước”.
Xin được nhắc lại, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đã bị nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã tổ chức bắt cóc hôm 14/05/2017 khi anh cùng với Linh mục Nguyễn Đình Thục và một số nhà hoạt động môi trường khác đang trên đường vào Hà Tĩnh. Anh bị bắt với cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 258 và tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258, thuộc bộ luật hình sự. Còn anh Nguyễn Nam Phong là người lái xe cho Linh mục Nguyễn Đình Thục trong hôm đoàn người giáo xứ Song Ngọc đi kiện Formosa hôm 14/02/2017 đã bị công an Nghệ An gài bẫy đưa đến địa bàn xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An rồi tổ chức bắt cóc hôm 27/11/2017 với cáo buộc tội danh “chống người thi hành công vụ” theo điều 257, bộ luật hình sự.
N.N.

***

HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền


Ngư dân Hà Tĩnh tới Tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đưa đơn kiện đòi bồi thường vụ ô nhiễm môi trường biển FORMOSA tháng 9/2016. REUTERS
Trong một thông cáo ra hôm nay, 24/01/2018, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các cáo buộc đối với nhà hoạt động nhân quyền Hoàng Đức Bình và một bị cáo khác là Nguyễn Nam Phong và trả tự do cho họ ngay lập tức. Hai nhà hoạt động này sẽ ra tòa ngày mai tại Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Theo HRW, cả hai người đều bị cáo buộc chiếu theo Bộ Luật Hình sự vì đã tham gia các cuộc biểu tình và vận động phản đối thảm họa môi trường biển quy mô lớn do công ty Formosa của Đài Loan gây ra dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng 04/ 2016.
Trong bản thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW nói : “Lại một lần nữa chính phủ Việt Nam sử dụng bộ luật hình sự hà khắc để trừng phạt những người dân chỉ hành xử quyền biểu tình và tự do ngôn luận. Phiên tòa này chứng tỏ điều mọi người đã biết từ lâu: các nhà lãnh đạo Việt Nam không tôn trọng các quyền của chính người dân nước mình”.
Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, là phó chủ tịch phong trào Lao Động Việt, một tổ chức độc lập được thành lập từ năm 2008 để thúc đẩy quyền của người lao động. Anh đã từng bị công an câu lưu vào tháng 12/2015 vì vận động thành lập công đoàn độc lập. Hoàng Đức Bình cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Formosa và góp phần tổ chức các nhóm vận động đòi bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng do thảm họa môi trường biển năm 2016.
Còn Nguyễn Nam Phong, 37 tuổi, làm tài xế cho nhà hoạt động nhân quyền, Linh mục Nguyễn Đình Thục. Cả hai đều bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 của Bộ Luật Hình sự và tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257.
Trong bản thông cáo, HRW nhắc lại: Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm phê phán chính quyền, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, gia nhập các nhóm tôn giáo không được chính quyền cấp phép, hoặc tham gia các tổ chức dân sự hay chính trị bị Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền cho là đe dọa độc quyền lãnh đạo của họ.
Cũng về nhân quyền tại Việt Nam, hôm qua, tòa án tỉnh An Giang đã tuyên án tù 4 nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo về tội «tuyên truyền chống Nhà nước» do đã treo cờ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30/04/2017. Lãnh án nặng nhất là ông Vương Văn Thả với 12 năm tù, con trai ông là Vương Thanh Thuận, bị 7 năm tù và hai bị cáo kia, Nguyễn Văn Thượng và Nguyễn Nhật Trường, hai anh em sinh đôi, thì bị tuyên phạt 6 năm tù.
T.P.



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn