Kim Jong Un đang làm gì?



Bùi Quang Vơm
Trước khi có cuộc đối thoại thượng đỉnh hai miền Triều Tiên vào tháng 4 và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5, Kim Jong Un đã đi Trung Quốc, ở lại Bắc Kinh 3 ngày, từ 25-28/03/18.

Từ khi lên cầm quyền năm 2011, nơi đầu tiên Kim chọn xuất ngoại là Bắc Kinh, điều này dễ dàng để lại một nhận định rằng với Kim quan hệ với đồng minh Trung Quốc có tầm quan trọng bậc nhất gắn với sự tồn vong của triều đại họ Kim. 

Người ta sẽ nghĩ ngay tới việc Kim sẽ trình bày và xin thỉnh thị toàn bộ chiến lược đàm phán với Nam Hàn và với Mỹ, đặc biệt phương án xấu nhất khi thương lượng thất bại, Trump có thể phát động chiến tranh tiêu diệt. Việc làm này có vẻ bề ngoài là một biểu hiện của sự tin cậy tuyệt đối và sự thuỷ chung bất di dịch của Kim với Bắc Kinh. Nhưng dù bề ngoài đúng như vậy, người ta cũng không thể biết bên trong có thực vậy không!

Kim Jong Un thực sự muốn gì?

Trong rất nhiều những tuyên bố chính thức, Triều Tiên đã cố gắng hết sức để làm thế giới hiểu rằng, họ muốn được chấp nhận như một thành viên đầy đủ và bình đẳng của cộng đồng thế giới, được quyền phát triển kinh tế bên cạnh quyền phát triển quốc gia hạt nhân, như Ấn Độ hay Pakistan, đồng thời với một chương trình thống nhất hai miền Bắc Nam Triều Tiên một cách hoà bình.

Đây là tư tưởng chiến lược bất biến, sợi chỉ xuyên suốt ba thế hệ họ Kim, kim chỉ nam mọi hành vi, mọi tính toán chiến thuật và chiến lược của chế độ.

Nhưng thế giới, đặc biệt là những quốc gia có vai trò rất lớn đối với Triều Tiên như Mỹ và Trung Quốc, thậm chí ngay cả Nam Hàn có vẻ như vẫn chưa hiểu hay chưa đánh giá hết ý nghĩa của lập trường này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khăng khăng điều kiện tiên quyết để có đối thoại là Bình Nhưỡng phải chấm dứt trên thực tế chương trình hạt nhân. Triều Tiên đã hy sinh tất cả để có hạt nhân và đã trở thành một thế lực hạt nhân. Chiến lược «Quân sự trước hết» được xem là đã thực hiện được một nửa, nửa còn lại là thống nhất trong hoà bình và độc lập.

Triều Tiên có chấp nhận từ bỏ sức mạnh hạt nhân chỉ để được Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và bao vây kinh tế không? Rõ ràng là không. Không một quốc gia nào trong tình trạng tương tự có thể chấp nhận. Hạt nhân là «độc lập», tất cả phần còn lại chỉ là «thịnh vượng». Giải pháp không phải là lấy cái này đổi cho cái kia, mà là một gói gồm cả hai.

Vì vậy để có thể đàm phán với Kim Jong Un, bài toán mà Mỹ phải đem lại lời giải là một Triều Tiên thống nhất như thế nào để vừa có độc lập, tự do và phồn thịnh, vừa được thừa nhận là quốc gia hạt nhân. 

Đàm phán thế nào?

Kim Jong Un có thể đã hiểu sự nông cạn và thói hợm hĩnh vinh quang của vị Tổng thống Mỹ, mà ai cũng biết rằng ông ta giống một tỷ phú bất động sản hơn một chính trị gia.

Với một đối tượng như vậy, những loại thông tin khác thường không thể có cách truyền đạt nào có thể được tiếp thu mà không chịu một nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. 

Sự mập mờ, nước đôi trong cách truyền đạt thông tin bị buộc phải sử dụng để ít nhất giữ được 50% xác suất an toàn sẽ là nguyên nhân của sự thất bại trong cuộc đàm phán sắp tới.

Thông tin tình báo trước đàm phán phải được truyền đạt chính xác tuyệt đối và mức độ tin cậy phải được đảm bảo 100%. Nhưng làm thế nào để có được sự tin cậy 100% để thông tin được truyền đạt chính xác tuyệt đối trong một thời gian quá ngắn, với chỉ một vài cuộc gặp ở cấp thấp tại một quốc gia trung lập như Thuỵ Điển hay Phần Lan? Làm thế nào để truyền thông tin tuyệt mật mà không bị rò rỉ ở cái cấp trung gian này?

Kim Jong Un đã linh cảm sự thất bại khó tránh khỏi.

Và nếu thất bại, với một vị tổng thống hãnh tiến và bất thường như Donald Trump, thì chiến tranh cũng khó tránh khỏi được.

Tại sao lại là Trung Quốc?

Không ai biết được Kim Jong Un và Tập Cận Bình đã nói gì với nhau trong vài ngày qua, nhưng có thể suy đoán được.

Mục đích của cuộc gặp Mỹ - Triều là một đảm bảo nền độc lập của một Triều Tiên thống nhất. Nhưng nếu nền độc lập đó được Mỹ đảm bảo thì là độc lập với ai? Đó là điều Mỹ phải hiểu và Trung Quốc không được phép biết. Mỹ mà không hiểu hoặc Mỹ hiểu nhưng Trung Quốc biết được, thì Triều Tiên có thể đều «chết».

Nhưng ai cũng biết, xác suất Donald Trump hiểu được là rất thấp, đồng nghĩa với thất bại đàm phán và khả năng chiến tranh huỷ diệt Bắc Triều là rất cao.

Như vậy, chuyến đến Bắc Kinh của Kim Jong Un có ý nghĩa sống còn đối với chế độ Bắc Triều một khi cuộc đàm phán Mỹ Triều xảy ra. Thắng, thì Triều Tiên tách khỏi sự khống chế truyền thống của Bắc Kinh. Nhưng thất bại, thì Bắc Triều chắc chắn bị tiêu diệt,  không thể thắng cuộc chiến tranh trừng phạt của Mỹ.

Đảm bảo duy nhất cho Kim Jong Un là cam kết của Tập Cận Bình.

Cuộc gặp là một món quà vô giá với Tập Cận Bình vốn ngạo mạn, giữa lúc uy tín của ông này đã và đang xuống đáy trong con mắt ngạo mạn không kém của Donald Trump.


Nhìn cách cư xử trang trọng có chút vì nể của Tập, khác với thái độ thường rất trịch thượng và khinh khi của Tập với lãnh đạo Việt Nam, có thể hiểu được ý nghĩa của «Sức mạnh hạt nhân» và sự «Chính xác!» của chiến lược «Quân sự trước hết».

Thế cờ bắt buộc Tập Cận Bình phải cam kết đảm bảo an toàn chế độ cho Kim. Nhưng Tập liệu có biết rằng ông ta, một người khổng lồ đang biến thành con bài trong tay anh chàng béo mới chỉ bằng tuổi con mình.

Và nếu Kim Jong Un có thể chơi trên tay cả hai con bài khổng lồ là Tập và Trump, thì ông Nguyễn Phú Trọng khi tự khoe: «Mình phải thế nào, người ta mới tiếp mình như thế chứ», rồi: «Tôi nói thế mà ông ấy có tự ái đâu», liệu có biết xấu hổ và tủi cho thân phận không?

29/03/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN
*****************
Phụ lục:
Kim Jong Un đến Bắc Kinh tìm chỗ dựa, trước đàm phán với Mỹ

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (phải) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiếp đón tại Bắc Kinh. Ảnh do Tân Hoa Xã công bố ngày 28/03/2018. CCTV via Reuters TV.
Chuyến đi bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc đầu tuần này khiến công luận đặt câu hỏi: Vì sao Kim Jong Un lại quyết định đi Bắc Kinh trong lúc quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang xấu đi, đặc biệt với các trừng phạt kinh tế mà Bắc Kinh tiến hành theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc? Câu trả lời của hầu hết các nhà quan sát là Bình Nhưỡng muốn tìm sự ủng hộ của đồng minh lịch sử, trước cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất khó khăn với Hoa Kỳ, nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài nhiều thập niên.
Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul nhận định:
«Đây là lần đầu tiên mà Kim Jong Un ra khỏi Bắc Triều Tiên và tiếp xúc với một lãnh đạo nước ngoài, kể từ khi lên cầm quyền năm 2011. Cuộc hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước hết cho phép lãnh đạo Bắc Triều Tiên phối hợp với đồng minh chủ yếu của Bình Nhưỡng, và cũng là để trấn an Bắc Kinh, trước các cuộc thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Hàn Quốc, và đặc biệt là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kim Jong Un cũng có thể tìm kiếm các bảo đảm về an ninh với Trung Quốc, đối mặt với Hoa Kỳ, trong bối cảnh Washington không ngừng coi can thiệp quân sự là một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng xấu đi nhiều kể từ khi Trung Quốc thi hành các biện pháp trừng phạt quốc tế, nhằm buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự. Tuy nhiên, khi thời điểm đàm phán tới gần, chế độ Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết cần hòa giải với «đàn anh» Trung Quốc». 
Tại sao lại vào lúc này?
Dựa vào Trung Quốc để có đủ sức mạnh tự vệ vào «thời điểm quyết định» là nhận định của chuyên gia về Trung Quốc Đặng Duật Văn (Deng Yuwen). Chuyến đi bất ngờ của Kim Jong Un diễn ra vào thời điểm vận động ngoại giao cho đối thoại thượng đỉnh hai miền Nam Bắc Triều Tiên và giữa Bình Nhưỡng với Washington đang diễn ra dồn dập. Nhưng tại sao Kim Jong Un lại chọn đúng thời điểm này?
Nhiều nhà phân tích cho rằng không thể không thấy mối liên hệ giữa chuyến đi này với việc tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm nhà cựu ngoại giao John Bolton, 69 tuổi, nổi tiếng là thành phần «diều hâu», làm cố vấn an ninh quốc gia. Việc bổ nhiệm diễn ra cuối tuần trước, thứ Năm 22/03.
Hai ngày sau khi được bổ nhiệm, lần đầu tiên trả lời truyền thông Mỹ với tư cách cố vấn an ninh quốc gia tân cử, ông John Bolton tuyên bố rất bi quan về triển vọng thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên, với nhận định: Bình Nhưỡng «muốn câu giờ để phát triển vũ khí hạt nhân». Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, được coi là một trong những kiến trúc sư của can thiệp quân sự vào Irak năm 2003, từng khuyến cáo dùng chiến tranh để xóa sổ chế độ Bắc Triều Tiên.
Hơn bao giờ hết, Bình Nhưỡng cần được chống lưng và phối hợp chặt hơn với Trung Quốc, trước khi bước vào các thương lượng. Ngày mai, thứ Năm 29/03, đại diện hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau để chuẩn bị cho cuộc thượng đỉnh Liên Triều dự kiến tổ chức trong tháng tới.
Lá bài cuối cùng?
Trả lời RFI, nhà bình luận chính trị độc lập Hoa Phách (Hua Po), sống tại Bắc Kinh, nhấn mạnh rằng chuyến công du Trung Quốc là «lá bài cuối cùng» của Kim Jong Un, bởi nếu đàm phán với Mỹ thất bại, nếu không có Bắc Kinh can thiệp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên khó thoát khỏi số phận của cố lãnh đạo Libya Kadhafi. «Bắc Triều Tiên không là gì cả, nếu không có Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc mới giúp cho Bình Nhưỡng không sụp đổ. Kim Jong Un rất cần đến Bắc Kinh, cả về kinh tế cũng như quân sự».

Giống như cha, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un khi công du láng giềng với chuyến tàu bọc thép, cũng hy vọng tìm thấy ở Trung Quốc - đối tác kinh tế và đồng minh ý thức hệ số một - sự hậu thuẫn sống còn đối với chế độ Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bắc Kinh ắt hẳn sẽ tìm mọi cách để ủng hộ Bắc Triều Tiên, bởi việc duy trì một chế độ Bắc Triều Tiên nguyên trạng nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Bình Nhưỡng sụp đổ và một quốc gia Triều Tiên thống nhất, với làn sóng người tị nạn tràn qua và binh sĩ Mỹ đồn trú sát biên giới đông bắc là cơn ác mộng của Bắc Kinh.

T.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn