Bài viết trả lời các bạn già và trẻ

Lê Công Giàu

Nguyên Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn năm 1966, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Tp HCM 1975, nguyên Giám đốc SAVIMEX.

Thân gửi các bạn

Sau cuộc biểu tình ngày 10/6/2018, bị chặn ở nhà, tôi nhận được nhiều lời hỏi thăm, trao đổi của các bạn già và nhiều bạn trẻ, tôi xin có đôi điều trao đổi về sự kiện đáng suy nghĩ này. Vì không thể nói dài qua điện thoại, tôi viết ra đây để gửi đến các bạn, nhất là các bạn già thường ít và lúng túng tìm đọc tin trên mạng.

1/ Một bạn hỏi: Là một người đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc biểu tình trước năm 1975 trong phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh Sài Gòn, ông có nhận xét gì về các cuộc biểu tình vừa qua?

Xin trả lời vắn tắt như sau

- Tôi và các bạn già nghĩ sẽ có biểu tình nhưng không ngờ cuộc biểu tình này lại nổ ra theo kiểu như vậy. Có lẽ đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 1975 đến nay! Ước tính có xấp xỉ trên dưới một vạn người tại nhiều địa điểm của thành phố Sài Gòn, còn nếu tính trên cả nước có thể có đến khoảng 20 ngàn người. Như vậy là, nếu so với những cuộc biểu tình chống Mỹ trước 1975 thì hồi ấy số người đông hơn, nhưng chỉ nổ ra ở Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Huế còn các nơi khác thì ít xảy ra.

- Cuộc biểu tình này không có những nhân sĩ, trí thức, các bậc lão thành cách mạng dẫn đầu như các lần trước vì tất cả những nhân vật này đã bị ngăn chặn một cách phi pháp và đôi lúc rất ngang ngược, thô bạo, thế nhưng vẫn không ngăn chặn được sức mạnh của lòng phẫn nộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân Sài Gòn, cuộc biểu tình vẫn nổ ra đồng loạt và rộng khắp! Bị chặn tại nhà, điều ấy không ngăn được ý chí và quyết tâm góp tiếng nói của mình nhằm hòa vào trong tiếng hô khẩu hiệu của bà con mình trên đường phố, những nhân sĩ trí thức và nhiều người khác đã “biểu tình tại nhà”.

Từ trái sang: Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu.

NGỒI: Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Tương Lai, linh mục Huỳnh Công Minh, Đào Công Tiến, Huỳnh Tấn Mẫm.

ĐỨNG: Lưu Trọng Văn, Nguyễn Công Bình, Trần Thế Việt, Kha Lương Ngãi, Lê Công Giàu, Lê Phú Khải, Nguyễn Quốc Thái, Tô Lê Sơn

- Một số nơi, Nhà thờ Công Giáo đã tổ chức bà con công giáo biểu tình ôn hòa trật tự. Đến nay chưa thấy bà con Phật giáo tham gia đông đảo như trước 1975.

- Khẩu hiệu rất tập trung: phản đối đòi hủy bỏ hai điều luật, phản đối Trung Quốc xâm lược chiếm đảo, không có khẩu hiệu quá khích nhưng cũng không có cờ đỏ sao vàng.

- Bà con lao động tham gia rất đông: Công nhân các xí nghiệp, khu công nghiệp, các chị, các bà má buôn bán nhỏ, người nghèo buôn thúng bán bưng có mặt rất nhiều và rất năng nổ, hăng hái. Đây là một biểu hiện mới so với những cuộc biểu tình trước đây. Liệu có phải những người này “mất thì chỉ mất xiềng xích” mà cụ Mác đã từng phân tích không? Lớp người này ở dưới đáy xã hội, và trong sự phân tầng xã hội đang diễn ra rất gay gắt, bên cạnh sự giàu sang, trác táng của lớp người giàu lên một cách thần tốc nhờ vào tham nhũng và sự câu kết giữa các nhóm lợi ích sân sau của đám quyền lực thoái hóa kết thành lực lượng mafia là cuộc sống tăm tối của người nghèo bị cướp đất, bị dồn vào những ổ chuột. Sự nhẫn nhục bị dồn nén đã lâu, nay đã có dịp bục vỡ và bùng nổ?

- Nhìn chung, các cuộc biểu tình trên cả nước là ôn hòa. Chỉ trừ tại Bình Thuận. Tại sao lại có sự bùng nổ gay gắt ở Bình Thuận? Chính ở đây có hiện tượng rất đáng chú ý là cảnh sát cơ động cởi áo giáp, bỏ về nhà. Liên hệ với hiện tượng ở Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội trước đây chắc cần có một nghiên cứu thật nghiêm túc mới thấy hết được ý nghĩa của nó.

- Phản ứng của chính quyền quyết liệt chưa từng có: sử dụng công an, dân phòng, than niên xung phong, kể cả thuê bọn du đãng, băng nhóm xã hội đen… để thẳng tay đàn áp, bắt về đồn, về trụ sở UBND phường, quận để đánh đập, ép cung, bắt ký giấy nhận tội là đã đập phá tài sản, chống lại người thi hành ông vụ, đánh lại công an… Cùng với việc đánh đập bắt bớ vô tội vạ đó, lại huy động một số văn nghệ sĩ có tiếng tăm, vài trí thức, luật sư lên tivi chửi bới, vu khống người biểu tình một cách trơ trẽn, rồi cho xe loa đi khắp nơi lặp lại những vu khống, chửi rủa đó. Khắp thành phố, tại những nơi có thể nổ ra biểu tình thì công an, cảnh sát, dân phòng, thanh niên xung phong đứng dày đặc mà dân bảo là “đông như quân Nguyên”.

- Lãnh đạo cấp cao thì cao giọng quy tội cho dân là thiếu hiểu biết, bị lừa gạt, bị bọn xấu lợi dụng lòng yêu nước… Ngay trên xe buýt người dân nói thẳng, lãnh đạo mà nói như thế là coi thường dân. Người dân hỏi, thế bọn xấu, bọn phản động là ai? Sao không công khai đưa ra tòa xét xử mà lại đánh đập tra tấn, gây thương tật, có người đã chết? Thực chất việc dân biểu tình là chống Trung Quốc xâm lược, tai sao lại ngăn cản? Lòng yêu nước của người Việt Nam là sức mạnh to lớn, không có thế lực nào đánh bại được, kẻ nào cố tình không hiểu hiểu điều đó mà quyết đàn áp dân nhất định sẽ bị thất bại.

- Lần đầu tiên, nhiều người, nhiều thành phần xã hội bàn tán xôn xao về tình hình đất nước tại quán café, chợ búa, bệnh viện,… Người chạy xe ôm, người lái xe taxi, những nguời trước đây rất ít quan tâm đến tình hình chính trị đất nuớc thì nay sục sôi bàn tán, đặt ra nhiều câu hỏi rất khó trả lời. Trong lúc đó thì tuy đài báo nhà nước đều mở hết công suất, nhưng vì nói dối nhiều quá rồi nên nay dân không tin nữa.

Một số người già có cảm giác không khí căng thẳng này sao giống như tình hình trước ngày 30/4/1975. Chỉ khác là chưa có tiếng súng, chứ nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, thì sục sôi trước sự đàn áp thô bạo, muốn bắt ai thì bắt, đánh ai thì đánh, rất hỗn loạn, rất bất an trong đời sống thường nhật. Thế mà Sài Gòn đã được giải phóng 43 năm rồi!

2/ Hỏi: Ông và các bạn của ông có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ ngày nay?

Kinh nghiệm cũ chỉ để tham khảo vì thời cuộc, hoàn cảnh đã thay đổi, nội dung hoạt động ngày xưa rất rộng, chỉ xin nói vài điểm chúng tôi đã làm:

a/ Phải xác định rõ hướng đi

Mục tiêu của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh lúc đó là đấu tranh đòi Mỹ phải rút quân, xóa bỏ chính quyền tay sai. Từng giai đoạn lại có mục tiêu khác như đấu tranh cho quyền lợi, đời sống của thanh niên, sinh viên, học sinh như: học phí, dạy học bằng tiếng Việt, tự trị Đại học, rồi chuyển sang đấu tranh cho quyền lợi cho nguoi nghèo như chống thuế cao, con cái được học miễn phí từ tiểu học đến đại học… dần dần chuyển lên những vấn đề chính trị như chống bầu cử độc diễn (tức chỉ có một người ứng cử, người khác bị loại), chống bầu cử gian lận, cuối cùng là chống Mỹ, đòi Mỹ phải rút quân, chính quyền Sài Gòn phải giải tán…

b/ Vấn đề tổ chức và tập họp lực lượng quần chúng

Muốn đấu tranh thắng lợi phải có một tổ chức tốt, cán bộ lãnh đạo tài đức, trong thời gian chống Mỹ, có nhiều tổ chức được thành lập, các tổ chức công khai như:

- Tổng Đoàn Học sinh do Ban đại diện học sinh các trường Trung học bầu ra

- Tổng Hội Sinh viên do Ban Đại diện sinh viên các trường Đại học bầu ra

- Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn…

và nhiều tổ chức khác.

Các tổ chức này không cần xin phép chính quyền, hoạt động tự do, công khai, Ban Giám hiệu các trường cũng không được can thiệp. Cảnh sát, công an vào trường phải xin phép Hiệu trưởng (tất nhiên khi cần họ vẫn tràn vào tấn công sinh viên đang hội thảo và sẽ kéo đi biểu tình!).

Chỉ các tổ chức cộng sản là bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấm tuyệt đối và là phạm pháp.

- Nằm trong bóng tối là các tổ chức bí mật chỉ đạo các tổ chức công khai, đó là các chi bộ, Đảng ủy… Đảng Cộng sản Việt Nam giành thắng lợi trong khi các đảng phái khác thất bại do không có tổ chức tốt, mà chủ yếu là không có chính nghĩa.

Trong đấu tranh chính trị, quân sự… muốn thắng đối phương, phải tập họp được đông đảo dân chúng, nhất là thanh niên. Với hệ thống tổ chức tốt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập họp được hàng triệu người ở nông thôn, thành thị và đã đánh thắng Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Tại Sài Gòn lúc đầu, lực lượng đấu tranh còn yếu chỉ biểu tình với vài trăm người, không tạo ra tác động gì, nhưng khi cuộc biểu tình lên đến vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn người thì chính trường Miền Nam rối loạn và đảo chính xảy ra… Do đó chính quyền Sài Gòn rất sợ biểu tình lớn, nên cố gắng tìm ra ai là người cầm đầu để bắt. Tại Mỹ, những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, từ vài ngàn người đến hàng trăm ngàn, hàng triệu người, xảy ra liên tục làm cho Chính phủ Mỹ phải chịu thua và làm theo ý dân. Như vậy rõ ràng chính số đông người dân dám hành động mới có khả năng làm thay đổi vận mệnh của đất nước.

c/ Freedom is not free! (Tự do, không ai cho không!)

Muốn có Độc lập, người Việt Nam phải trả giá rất đắt, hàng triệu sinh mạng đã mất. Tự Do, Dân chủ cũng vậy. Lớp thanh niên thời đó đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định dấn thân vào cuộc đấu tranh rất ác liệt. Vượt qua sự sợ hãi, chúng tôi đã chấp nhận hy sinh, kể cả tính mạng, do đó khi bị bắt, bị tra tấn, chúng tôi không đầu hàng, và nhiều người đã anh dũng hy sinh vì nước. Tuổi trẻ thời đó hành động là do yêu nước, chống ngoại xâm, toàn dân tập trung sức lực cho mục tiêu này. Thanh niên, tuổi 16, 20 như chúng tôi làm sao mà ngồi yên khi đất nước đang bị xâm lược, người nghèo đang thiếu cơm, áo mặc?

L.C.G.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn