Có phải A67 phá hoại EVFTA? Không, chính là những kẻ đang thèm khát rỏ giãi EVFTA tự tay giật sập cửa đấy!

Sáng nay sau khi nói chuyện với một nhà nghiên cứu Úc tại Cà Phê Highland, hơn 10h tôi xách va ly ra để chuẩn bị bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để bay tiếp đi ÚC. Đến Hoàng Diệu thì bị tống lên xe trực chỉ đồn Công An Nội Bài. Và tôi bị câu lưu cho đến 6 giờ tối (lần này là lần thứ 20 kể từ cuối 2014, hay lần thứ 18 kể từ 23-3-2016)

Vẫn chỗ cũ, vẫn ông trung tá A67. Tôi cực lực phản đối sự vi phạm pháp luật của A67. Nhưng họ cứ giữ tôi ở đó cho đến 6 giờ tối.

Hoá ra họ sợ tôi qua Úc rồi đi thẳng Brussells dự Điều trần của Quốc hội Châu Âu về Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 10-10 vì họ cứ hỏi tôi có đi thẳng châu Âu không? Tôi bào KHÔNG, tôi sẽ về Việt Nam 5-10 và chỉ đến 9-10 mới bay đi Brussells.

Trời cực kỳ oi, phòng có 3 chiếc điều hoà đứng đều hỏng, không có quạt. Họ giữ tôi ở đó và tôi đã bảo họ EVFTA là tốt cho Việt Nam, bất cứ kẻ nào cản trở nó kẻ đó phản bội dân Việt Nam và việc cản trở tôi đi dự điều trần là một việc như vậy.

Một sự việc vô cùng nghiêm trọng đã xảy ra, họ lục tung va ly của tôi tìm xem tôi có mang xách tài liệu gì đi không (sao nghiệp vụ họ kém thế). Tôi phản đối kịch liệt và nói họ vi phạm pháp luật trắng trợn. Hải quan cũng chỉ có quyền khám xét hành lý ở nơi quy định tại cửa khẩu, còn các vị không phải Hải quan. Họ lần hết quần áo, thậm chí cả bít tất,... cũng nắn xem trong đó có gì không.

Trời rất ơi, họ chia nhau ra ngoài gốc cây hóng mát để tôi và luôn có 1 người kèm ở trong phòng dù đã mở cửa nhưng vẫn rất ngột ngạt vì trời oi. Uống hơi nhiều nước nên hay phải đi tè (trên tầng 2) lúc nào cũng 1 cậu kè kè canh cho mình đái. Thật quái đản.

Họ mang hộ chiếu của tôi đi đâu không biết, rồi đến 6 giờ tối ông Trung tá bảo trong thời gian tới bác đừng đi đâu cả (ý nói đng đi Brussells). Tôi bảo trả tôi hộ chiếu nếu không tôi không về. Anh ta bảo bác cứ lên xe về đến nhà anh em đưa trả hộ chiếu cho bác. Tôi lên xe, họ chở tôi về nhà và như thế lỡ mất chuyến đi. Họ đưa lại hộ chiếu cho tôi. Lý do chính là họ sợ tôi sang EU.

Vài ngày tới tôi sẽ mua vé đi Brussell và nếu họ lại chặn không cho tôi đi thì đó sẽ là điều chứng minh hùng hồn nhất rằng A67 là lực lượng phá hoại EVFTA (dù có mất vài chục triệu để vạch trần bộ mặt của những kẻ phá hoại cũng được).

Nguyễn Quang A

32 nghị sĩ EU đòi VN cải thiện nhân quyền trước khi thông qua EVFTA

VOA Tiếng Việt


Toàn cảnh Nghị viện châu Âu

Toàn cảnh Nghị viện châu Âu

Một nhóm nghị sĩ Liên hiệp châu Âu mới đây đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).

Bức thư của 32 nghị sĩ đề ngày 17/9, được gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom.

Nội dung bức thư viết bằng tiếng Anh, được tải lên trang web của nghị sĩ Ramon Tremosa, một đại diện của Tây Ban Nha trong nghị viện EU, có đoạn nói rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam hiện nay “làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc” và “gây nghi ngại lớn” về cam kết của Việt Nam đối với tôn trọng nhân quyền.

Lưu ý đến cam kết của EU về việc cổ vũ cho nhân quyền trong các chính sách đối ngoại và thương mại, 32 nghị sĩ viết trong thư là họ tin rằng điều cấp thiết EU phải làm là “nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng” trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện EU để phê chuẩn.

Từ Pháp, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng nhận xét với VOA rằng bức thư của nhóm nghị sĩ EU là một động thái “tích cực” song không gây ngạc nhiên nếu xét đến bối cảnh trong hơn một năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam liên tiếp ra những bản án nặng nề tổng cộng lên đến trên 220 năm tù đối với khoảng 20 người đấu tranh vì dân chủ.

Chỉ 1 tháng trước, một tòa án ở Nghệ An kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, mức án cao nhất từ trước đến nay cho một người bất đồng chính kiến.

Ông Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên đại học bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về Pháp hồi năm ngoái, cho biết trong một vài tháng gần đây, ông đã tiếp xúc với các nghị sĩ trong nghị viện châu Âu, thuyết phục họ tích cực bày tỏ thái độ về những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Ông nói với VOA:

“Trên thế giới không ai có thể yên lặng trước những hành động có thể gọi là tàn nhẫn như thế này. Và tôi ước mong rằng các nghị sĩ lên tiếng nhiều hơn nữa để những áp lực này sẽ có những thành quả, những hiệu quả tốt, đặc biệt là cho những người đấu tranh dân chủ ở trong nước, cũng như là cho đất nước của chúng ta trong tương lai”.

Nhóm nghị sĩ nêu ra một số việc cụ thể mà Việt Nam cần làm, hàng đầu là bãi bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 trong Bộ luật Hình sự - là các điều về “chống phá”, “lật đổ” - và bảo đảm rằng bộ luật phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Các điều 74 và 173 của Luật Tố tụng Hình sự cũng phải bị bãi bỏ, và chính quyền cần cho phép tất cả những ai bị giam giữ, kể cả những người bị cáo buộc phạm các tội liên quan đến an ninh quốc gia, đều được tư vấn pháp lý ngay sau khi bị bắt, theo bức thư.

Một đề nghị quan trọng khác được 32 nghị sĩ nêu ra là Việt Nam cần thả tất cả những người đã bị kết án tù hoặc đang bị tạm giam chỉ vì họ thực hiện các quyền cơ bản. Thư nêu tên của 21 nhà hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Độ, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Hoàng Đức Bình, và nhiều người khác.

Bức thư của nhóm nghị sĩ EU cũng đề nghị Việt Nam sửa đổi các luật về an ninh mạng và tôn giáo-tín ngưỡng, công nhận công đoàn độc lập, và thông qua một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động.

Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần “nỗ lực một cách thực tâm” để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời “cho thấy những cải thiện cụ thể” trước khi nghị viện châu Âu bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, “chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định,” nhóm nghị sĩ nói trong thư.

Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng, chính quyền Việt Nam “hiện đang rất cần” hiệp định thương mại tự do giữa Âu châu và Việt Nam “bởi vì họ không còn nơi nào khác để nương tựa”.

Giáo sư Hoàng cũng thận trọng nói rằng xét đến tương quan giữa 32 nghị sĩ ký vào bức thư với tổng cộng 750 nghị sĩ trong nghị viện chung châu Âu, cần “chừng mực” khi kỳ vọng về tác động của bức thư:

“Tôi nghĩ việc 32 nghị sĩ Âu châu lên tiếng không phải là cái gì to tát hay vĩ đại lắm. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang nhờ cậy đến Âu châu, đây rõ là một áp lực mà nhà cầm quyền sẽ không thể mạnh tay. Và tôi hy vọng là họ sẽ phải dè chừng trước những bản án trong tương lai”.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Từ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA rằng tuy EU là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, song cách tiếp cận gây sức ép về nhân quyền có thể không đem lại hiệu quả mong muốn.

Ông nói:

“Nói chung, chính sách của Việt Nam là không chấp nhận sức ép từ bên ngoài. Tôi nghĩ phía Liên minh châu Âu nên có sự trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng để phía Việt Nam hiểu sự quan tâm của Liên minh châu Âu và có thể có các bước đi thích hợp có lợi cho cả hai bên”.

Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên vào tháng 6/2012 và hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 12/2015.

Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói ông mong rằng hai bên sẽ tích cực “trao đổi ý kiến” để quan điểm hai bên xích lại gần nhau hơn và đi đến ký kết, thông qua hiệp định vào tháng 3/2019, trước cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5.

Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định “sẽ diễn ra trong tháng 10” tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), “hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới”.

Ông nói thêm rằng “Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện châu Âu”.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/ba-hai-nghi-si-eu-doi-vn-cai-thien-nhan-quyen-truoc-khi-thong-qua-evfta/4576607.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn