Nghiệp đoàn độc lập có thể là Doanh nghiệp xã hội?

Minh Châu

Với tỉ lệ 96,7% đại biểu tán thành, chiều 12-11 Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hy vọng năm 2019 câu chuyện EVFTA [Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU] sẽ thành hiện thực như CPTPP. Tuy đó là hai đòn bẩy thương mại quan trọng nhất đối với Việt Nam, nhưng xét cho cùng, nếu không cải cách thể chế để phát huy nội lực, thì trông chờ vào các nước khác trong CPTPP, EVFTA (hay WTO) cũng chỉ là ảo tưởng.

Đã có thể thực thi

Thực thi CPTPP về vấn đề lao động, Việt Nam sẽ có 3 năm để thể chế hóa các luật pháp liên quan đến lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử; có 5 năm để cải cách và hoàn thiện các thiết chế về thương lượng tập thể và tự do liên kết. Khi đó, đối với tổ chức công đoàn, đó là ở cấp cơ sở sẽ xuất hiện tổ chức đại diện khác của người lao động, hay còn gọi là đa công đoàn.

Công đoàn Việt Nam hiện tại, khi đó sẽ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Các tổ chức này phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ, mục đích và điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEj1Q3E4fMGxCLWIKvkfKBiZEy7rVqJQNAjxL3ATl6i_xI5jEBMYadSrR4S7cPKDLIKQQn5w90t0copYLxKyuJLf6uML7yxjWOA0nnDOvau7w3obGBWNVIpvpRCsGpuBIUEPS5FwawiAUow/s640/doanh-nghi%25E1%25BB%2587p-x%25C3%25A3-h%25E1%25BB%2599i.jpg

Mô hình DNXH đang có xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam.

Với những yêu cầu đặt ra đó từ chính phủ, người viết cho rằng ngay sau ngày 12-11, thì các căn cứ pháp lý cho việc hình thành các tổ chức công đoàn/nghiệp đoàn độc lập, tính đến thời điểm này có thể vận dụng là: Điều 10 “Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội”, Luật Doanh nghiệp 2014; từ Điều 2 đến Điều 11 Nghị định 96/2015/NĐ-CP “quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp”.

Nếu chọn theo mô hình tương tự như Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam [http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-tong-lien-oan-lao-cong-mot-tham.html], có thể vận dụng loại hình “Doanh nghiệp xã hội”, thay cho quy định bắt buộc một cơ quan quản lý về mặt nhà nước gọi là ‘chủ quản’ đối với các tổ chức hội, đoàn nghề nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 10, cho biết Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật này, doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Duy trì mục tiêu và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c (đã nêu ở trên) trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;

b) Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật; c) Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

d) Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký; đ) Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

“Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội”. Điều 10.3. Luật Doanh nghiệp 2014.

Vì sao lại là Doanh nghiệp xã hội?

Luật Doanh nghiệp năm 2014 không đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp xã hội, nhưng có các tiêu chí để xác định doanh nghiệp xã hội tại Điều 10.

Theo tổ chức OECD [*], “doanh nghiệp xã hội là những tổ chức hoạt động dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, vận dụng tinh thần doanh nhân nhằm theo đuổi cả hai mục tiêu xã hội và kinh tế. Doanh nghiệp xã hội thường cung cấp các dịch vụ xã hội và việc làm cho các nhóm yếu thế ở cả thành thị và nông thôn. Ngoài ra, Doanh nghiệp xã hội còn cung cấp các dịch vụ cộng đồng trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, môi trường”.

Theo tổ chức hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng (CSIP), “doanh nghiệp xã hội là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể; doanh nghiệp lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội, môi trường và kinh tế”. [**]

Như vậy, theo điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

Các vấn đề xã hội, môi trường và cộng đồng như bảo vệ môi trường, bảo vệ và đáp ứng các quyền cơ bản của con người thông qua các hoạt động tạo công ăn việc làm cho những nhóm người khó hòa nhập, dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, ô nhiễm…

Chính các mục tiêu xã hội này trở thành động lực thôi thúc các doanh nhân xã hội thành lập doanh nghiệp xã hội và sử dụng phương án kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội.

Về mặt pháp lý, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định doanh nghiệp xã hội phải thông báo cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường cho cơ quan đăng ký kinh doanh, để công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc trong quá trình hoạt động.

Như vậy, nếu mai đây Việt Nam hình thành các doanh nghiệp xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, biểu tình, quyền công dân về chính trị… thì đó cũng chính là mô hình tương tự các nghiệp đoàn lao động ở Nhật, Singapore, Úc (đều là thành viên CPTPP) [tham khảo: http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-cong-oan-oc-lap-co-e-doa-su-ton.html]

Giải quyết được đầu bài của Đảng Cộng sản

Người viết cho rằng sở dĩ mà cả Quốc hội lẫn Chính phủ Việt Nam đều có vẻ như ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi bàn sâu hơn vào pháp lý cho hình thành các công đoàn/nghiệp đoàn độc lập, chính là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, “Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 5-11-2016.

Trong Nghị quyết này, một mặt thì Tổng Bí thư yêu cầu để đáp ứng yêu cầu hội nhập vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc soạn thảo văn bản pháp luật lao động phải “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”.

Tuy nhiên trong phần “Quan điểm chỉ đạo” của Nghị quyết, ông Nguyễn Phú Trọng lại yêu cầu “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là công đoàn, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới”, qua đó giúp “Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Một đầu bài không dễ giải khi vừa đáp ứng “phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế”, vừa “bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng”.

Nếu ngay lúc này đưa ra đề xuất mang tính căn cơ là cần chấm dứt sự phân biệt quyền lợi chính trị, quy định tại Điều 1, Luật Công đoàn 2012: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, thì chắc chắn dù ở cương vị Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng cũng không đời nào chấp nhận việc quyền lực của đảng bị sút giảm cho chuyện “phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế”.

Như vậy, hình thành những nghiệp đoàn với tư cách pháp nhân doanh nghiệp xã hội nhằm để bảo vệ quyền lợi của người lao động, có thể tạm coi như một trong số lựa chọn thích hợp trong giai đoạn hiện tại.

M.C. __________ Chú thích:

[*] Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (tiếng Anh: Organization for Economic Co-operation and Development; viết tắt: OECD, tiếng Pháp: Organisation de coopération et de développement économiques, OCDE) có mục đích là để tìm ra các chính sách phát triển kinh tế cùng phúc lợi của người dân.

Đây là một diễn đàn dành cho các thành viên, hiện là chính phủ của 34 nước kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cũng như 70 nước không phải là thành viên, cùng nhau bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề chung khác. Hiện OECD có 34 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao.

[**] Hiện không có một mô hình nhất quán cho mọi doanh nghiệp xã hội. Dựa trên thực tiễn vận động, có thể tóm tắt thành 3 loại hình như sau:

(i) Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (Non-profit Social Enterprises) thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện. Điểm khác biệt là khả năng đưa ra được những giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm.

(ii) Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận (Not-for-profit Social Enterprises); do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng, xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội;

(iii) Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận (Social Business Ventures). Mô hình này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô với các ví dụ như Grameen Bank và BRAC ở Bangladesh, SKS Microfinance ở Ấn Độ, Bina Swadaya ở Indonesia, KIVA ở Mỹ…

VNTB gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn