Tại sao người Pháp biểu tình nhiều và ngày càng bạo lực hơn?

Nam Quỳnh

Những hình ảnh bạo lực diễn ra ngay trước Khải Hoàn Môn, thủ đô Paris. Ảnh: Mehdi Taamallah/NurPhoto via Getty Images

Đã có nhiều giải thích cặn kẽ và dễ hiểu về nguyên nhân của những cuộc biểu tình Áo khoác vàng (Gilets Jaunes) dẫn đến bạo loạn ở Pháp trong hơn một tháng qua.

Trên một tờ báo chính thống trong nước, nhà báo Louis Raymond giải thích khá cô đọng bối cảnh chính trị và nguyên nhân của phong trào Áo khoác vàng: bất mãn xã hội do chính phủ tăng thuế, sự bất tín nhiệm chính quyền tăng cao, và do người dân đang “ghét cái bản mặt” của ông Tổng thống có vẻ kiêu căng Emmanuel Macron.

Nhà báo Từ Thức sống tại Paris thì có một bài viết dài giải thích kỹ càng hơn lịch sử và truyền thống chính trị của Pháp, giúp cho người đọc hiểu rõ hơn tình hình hiện nay cũng như các lý do sâu xa hơn của phong trào Áo khoác vàng: khủng hoảng chính trị đến từ việc thiếu thốn các phe nhóm đối lập có thể giúp làm cân bằng các chính sách cải cách táo bạo của chính quyền Macron; và tâm lý sợ xuống cấp trong thang bậc xã hội của người dân Pháp.

Nhà báo Từ Thức còn cung cấp thêm một chi tiết quan trọng: bản chất của mô hình xã hội và cách người dân nhìn nhận vai trò của chính quyền theo truyền thống ở Pháp cũng góp phần giải thích tại sao người dân Pháp xuống đường biểu tình nhiều.

Xuất phát từ phân tích đó, chúng ta có thể nhìn rộng hơn phong trào biểu tình Áo khoác vàng để tìm hiểu về lịch sử hiện tượng biểu tình tại Pháp.

Tìm hiểu đó có ích cho nhiều tranh luận nóng bỏng hiện nay trong nước, ví dụ, người dân Việt Nam có nên được quyền biểu tình tự do không, và làm cách nào để biểu tình không dẫn đến bạo loạn.

Cảnh sát Pháp đối đầu những người biểu tình của phong trào Áo khoác vàng tại Paris. Ảnh: socialnews.xyz.

Tại sao người Pháp biểu tình chống chính quyền nhiều?

Trong phân tích về mô hình xã hội và vai trò chính quyền trong cái nhìn truyền thống của người Pháp, nhà báo Từ Thức viết:

“Đúng ra, từ Cách mạng 1789, giấc mơ thầm kín của người Pháp là một xã hội bình đẳng. Để thực hiện xã hội đó, [cần] một guồng máy trung ương vạn năng. Nhà nước có nhiệm vụ phân phát, thoả mãn các nhu cầu vật chất của mỗi cá nhân, san bằng mọi bất công xã hội.

Mô hình đó tuyệt vời, khi nhà nước mạnh, khi kinh tế thịnh vượng, khi quốc gia độc quyền hay đứng đầu thế giới về kỹ nghệ, xuất cảng. Nhà nước có dư khả năng cấp phát, bù đắp, trợ cấp những phần tử yếu kém của xã hội, để không ai bị gạt ra lề đường.

Dần dần, dân trao cho nhà nước bổn phận, trách nhiệm phải lo cho mình. Mỗi khi có khó khăn, gõ cửa nhà nước. Nếu không thoả mãn, sẽ phản kháng, đình công, bãi thị cho tới khi được thỏa mãn”.

Không ai đi nắm đầu người trọc. Người dân Pháp biết là chính quyền có nhiệm vụ chăm lo đầy đủ cho họ. Chính quyền có tóc thì phải nắm tóc chính quyền mà giật mỗi khi chính quyền “ngủ gật”, chểnh mảng nhiệm vụ.

Hãng thông tấn AFP của Pháp (nguồn tin tiếng Pháp lớn nhất thế giới) cũng có giải thích tương tự nhà báo Từ Thức.

AFP trích dẫn lời giáo sư Michel Pigenet, một nhà sử học từ trường Đại học Paris 1, rằng “đúng là nước Pháp có một truyền thống huy động tập thể quần chúng. Truyền thống đó mang một thái độ chung đó là ‘chính quyền phải lắng nghe chúng tôi, không cách này thì cách khác'”.

Giáo sư Pigenet giải thích cái gốc lâu đời của thái độ “nắm tóc chính quyền mà giật” này:

Bản Hiến pháp quốc gia năm 1793 của Pháp, ra đời bốn năm sau cuộc Cách mạng Pháp 1789, đã tuyên bố là người dân có “quyền khởi nghĩa” (điều 35) mỗi khi chính quyền không lắng nghe dân.

Cho dù Hiến pháp 1793 không còn hiệu lực, giáo sư Pigenet cho rằng cái ý niệm này vẫn còn tồn tại trong tâm trí người dân Pháp.

Trang tin Vox cũng cung cấp thêm một giải thích xã hội học có cơ sở thực tế rõ ràng hơn cho truyền thống “nắm tóc chính quyền mà giật” của người Pháp.

Nghiên cứu của nhà xã hội học Charles Tilly cho thấy người dân Pháp từ trước cuộc cách mạng Pháp 1789 đã có một văn hóa dân gian đặc trưng. Đó là tụ tập thành những nhóm đông người cùng đem nồi niêu xoong chảo đến la hét và quấy phá ồn ào trước cửa nhà của những người dân bị cho là đã làm những điều xằng bậy, ví dụ như ngoại tình hay tham nhũng của công.

Qua vài trăm năm, văn hóa dân gian này dần phát triển thành văn hóa tụ họp đông người nhằm chống đối những vấn đề to lớn hơn. Thay vì chỉ phản đối những cá nhân làm điều bậy bạ ở địa phương, càng về sau này người Pháp càng công kích chính quyền và các chính sách quốc gia.

Theo nhà xã hội học Tilly, người Pháp dần dần ngày càng tập trung công kích chính quyền hơn bởi vì chính quyền Pháp thực tế trong lịch sử đã ngày càng trở nên to lớn và ôm đồm nhiều trách nhiệm hơn.

Chính quyền Pháp càng có quyền lực to lớn, ngày càng kiểm soát nhiều mặt đời sống của người dân hơn bao nhiêu thì người dân Pháp cũng ngày càng xem chính quyền Pháp là một mục tiêu cho các hoạt động chống đối, “gõ nồi đập chảo” tập thể của họ hơn bấy nhiêu.

Tờ tạp chí The New Yorker cung cấp một giải thích khác liên quan nhiều hơn đến cấu trúc của hệ thống chính trị và nhà nước Pháp, giải thích này đến từ nhà sử học chuyên nghiên cứu về nước Pháp, Herrick Chapman.

Theo nhà sử học Chapman, bản Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp, vốn được chính quyền Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ban hành năm 1958 đã tập trung hóa quá nhiều quyền lực nhà nước vào vị trí tổng thống Pháp.

Nếu như quyền lực nhà nước được chia sẻ giữa nhiều vị trí khác nhau, ví dụ nếu Quốc hội và Tổng thống cùng có tiếng nói gần ngang nhau về hoạch định chính sách quốc gia, thì người dân Pháp sẽ có nhiều con đường để tác động thay đổi chính sách quốc gia hơn.

Giả sử mồm miệng của Quốc hội cũng “có gang có thép”, người dân Pháp có thể trông cậy nhiều hơn vào các vị nghị sĩ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ.

Ví dụ, xăng tăng giá nhiều quá có thể tìm đến gõ cửa nhà ông/bà nghị nào đại diện địa phương họ. Ông/bà này bị “sạc” cho một bài xong thể nào hôm sau cũng phải ra nghị trường mà đòi xăng giảm giá cho dân khu ông.

Thế nhưng, Hiến pháp 1958 đã tập trung quá nhiều quyền lực vào tay Tổng thống, khiến cho cả Quốc hội biến thành một “đoàn binh không mọc tóc”, chẳng còn sợi nào cho người dân Pháp giật khi bất bình với chính quyền.

Không giật được tóc Quốc hội thì chỉ có thể giật tóc ông/bà Tổng thống. Và cách hữu hiệu nhất để ông/bà ấy nghe không phải từng người một đến gõ cửa cái phủ tổng thống to đùng, mà là tụ họp nhau lại cùng tổ chức biểu tình lớn tại những nơi công cộng.

Thực tế là người Pháp đã học được điều đó bằng thực nghiệm, chứ không phải lý thuyết suông.

Hãng tin AFP trích dẫn nghiên cứu của giáo sư Oliver Cahn từ trường Đại học Tours cho thấy rằng hoạt động biểu tình tại Pháp có tác dụng thay đổi chính sách nhà nước.

Đợt biểu tình (và bạo động) lớn năm 1968 dẫn đến việc tăng mức lương tối thiểu. Biểu tình năm 1986 khiến cho chính quyền phải bãi bỏ việc áp đặt tiêu chuẩn đầu vào khắt khe trong tuyển sinh đại học. Biểu tình năm 2006 thì khiến chính phủ phải bãi bỏ một mẫu hợp đồng lao động mới vốn làm cho việc thuê mướn và sa thải người làm của chủ doanh nghiệp dễ dàng hơn.

Chính trong giải thích của mình, nhà báo Từ Thức đã nhắc đến thực tế “khó cải cách” của nước Pháp. Ai muốn cải cách cũng vấp phải những rào cản lớn, mà lớn nhất có lẽ là cái truyền thống sẵn sàng biểu tình, sẵn sàng “giật tóc chính quyền” bằng mọi cách của người dân.

Thật sự là phong trào biểu tình Áo khoác vàng đã cho thấy một ví dụ thành công khác của biểu tình tại Pháp: Chính phủ Macron đã nhượng bộ không tăng giá xăng tiếp và nay còn nhượng bộ hơn bằng cách tăng mức lương tối thiểu cho người dân.

Người Pháp biểu tình nhiều vì họ sẵn có truyền thống văn hóa “giật tóc chính quyền”, vì hệ thống chính trị Pháp được thiết kế theo cách khiến cho phủ Tổng thống Pháp là nơi duy nhất có thể bị “giật tóc”, và vì đúng là việc “giật tóc” đó mang lại kết quả.

Cuộc biểu tình nào cũng dẫn đến bạo lực? Ảnh: newsapi.com.au

Tại sao biểu tình ở Pháp ngày càng kém ôn hòa hơn?

Phát biểu với AFP, giáo sư sử học Michel Pigenet cho rằng bạo lực trong biểu tình không phải là một truyền thống đặc trưng của người Pháp.

Tuy nhiên, thực tế là riêng trong các cuộc biểu tình và bạo động của phong trào Áo khoác vàng tính từ ngày 17/11 tới ngày 08/12 đã có ít nhất bốn người chết, 874 người bị thương.

Đợt biểu tình năm 1968 từng khiến ít nhất bốn người chết, bao gồm một cảnh sát và một sinh viên Pháp.

Không có thống kê đầy đủ về tổng số người chết và bị thương trong tất cả các cuộc biểu tình tại Pháp, nhưng có thể nói một cách chắc chắn rằng cho dù bạo lực khi biểu tình không phải là truyền thống của người Pháp thì nó vẫn đã và đang diễn ra.

Nhiều nhà quan sát cho rằng biểu tình ở Pháp ngày càng có khuynh hướng bạo lực dẫn đến việc đập phá nhà cửa tài sản và gây thương tích của người dân. Giáo sư Pigenet cũng ghi nhận rằng bạo lực trong biểu tình tại Pháp đã tăng dần từ những năm 2000.

Theo quan sát của nhà báo Từ Thức, bạo lực bắt nguồn từ một lực lượng gọi là “casseurs” (có thể dịch là những kẻ gây rối). Những kẻ gây rối này xuất hiện “trong bất cứ cuộc biểu tình hay ‘tụ tập đông người’ nào” và họ tham gia biểu tình “để đốt phá, để giao chiến với nhân viên công lực”.

Nhà báo Từ thức xác định hai dạng casseur:

  • Các phần tử bất mãn, đa số từ các ngoại ô nghèo, lợi dụng cơ hội để đốt phá và ăn cướp;

  • Các nhóm cực đoan, từ cực hữu tới cực tả muốn lợi dụng bất cứ cơ hội nào để giao chiến với cảnh sát, với mục tiêu là tiêu diệt thể chế dân chủ.

Việc xác định chính xác các phần tử gây rối và mức độ gây ra bạo lực của họ trong các cuộc biểu tình của phong trào Áo khoác vàng chỉ có thể được thực hiện bởi các cơ quan chức năng Pháp, sau khi họ đã ổn định được tình hình và xác định rõ tội trạng của hơn 1.000 người mà họ đã bắt trong các ngày qua.

Theo giáo sư Pigenet, một phần lý do bạo lực tăng cao là vì các lực lượng xã hội đã từng giúp tổ chức và lãnh đạo các phong trào biểu tình tại Pháp hiện đang yếu đi.

Thiếu vắng các hội nhóm dân sự có khả năng lãnh đạo và tổ chức biểu tình, các cuộc biểu tình ở Pháp có lẽ không còn đảm bảo được là các thành viên tham gia biểu tình đều sẽ giữ kỷ luật và duy trì biểu tình ôn hòa.

Vừa không có công tác lãnh đạo tổ chức, đảm bảo kỷ luật tốt, vừa ngày càng dễ bị các nhóm cực đoan chính trị lợi dụng để tạo ra bạo loạn, các cuộc biểu tình ở Pháp trong tương lai chắc sẽ còn nhuốm màu bạo lực.

Khuynh hướng bạo lực xảy ra trong biểu tình có lẽ là lý do lớn nhất khiến cho nhiều người trên thế giới không ủng hộ hình thức phản kháng dân sự này.

Một vài quan sát nói trên từ các cuộc biểu tình, bạo động đã diễn ra ở Pháp ít ra vẫn cho chúng ta thấy rằng có những lý do sâu xa hơn dẫn đến bạo lực trong biểu tình, chứ không phải cứ biểu tình là có bạo lực.

N.Q.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2018/12/tai-sao-nguoi-phap-bieu-tinh-nhieu-va-ngay-cang-bao-luc-hon/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn