Thư giãn Chủ nhật - Chuyện bây giờ mới kể: NGƯỜI VIỆT ANH HÙNG

Chu Mộng Long

Phần thứ ba

Sau khi tiễn John, tôi buồn vì lấy làm tiếc về một cái gì đó khó cắt nghĩa. Lúc không cãi được John, tôi có buột miệng nói câu: “Những đứa tuyên truyền diễn biến hòa bình như mày chỉ có thể là thành phần bất hảo”. John vẫn thản nhiên. Còn tôi thì thừa biết John có thiện ý, nhưng vì tự ái dân tộc, vì lập trường tư tưởng, đành phải nói vậy thôi. Nếu thân thiện với John, tôi sẽ có lợi nhiều thứ, có thể được John mời sang Mỹ một chuyến bằng nguồn tài trợ nào đó. Trong thâm tâm của tôi, John là nhà nghiên cứu lịch sử uyên bác trên lập trường nhân văn hiện đại…

Ba hôm sau, khi tôi đang cặm cụi với bàn phím thì người đưa thư mang đến một phong thư. Vợ nhận thư thấy lạ và mở ra xem trước. Nhiều anh chồng tự ái rồi nổi nóng vì sự tò mò của vợ như vậy chứ tôi thì rất yên tâm. Vợ là cơ quan an ninh nội bộ chắc chắn nhất. Tôi viết gì và trao đổi gì với ai đều được kiểm duyệt trước, cho nên không lo bị nhà cầm quyền nhắc nhở.

Bức thư của John ngắn gọn với nhã ý mời tôi dự một cuộc hội thảo tầm quốc tế tổ chức tại Việt Nam do chính John chủ động đề xuất trong chuyến sang Việt Nam lần này. Nội dung như đề tài mà John đã từng làm nghiên cứu sinh: Chiến tranh Việt Nam nhìn từ tính cách Việt, trong đó có cả vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Thành phần gồm các học giả Mỹ, các học giả Việt Nam và học giả các nước khu vực Đông Nam Á. Thú thực, đây là vấn đề tôi rất thích, nhưng cũng phân vân khó xử. Không phải vì sự “nhạy cảm chính trị” gì vì hội thảo hoàn toàn hợp pháp, mà vì cái câu nói lúc tiễn John, xem anh ta thuộc thành phần bất hảo. Tôi phúc đáp thư của John, tỏ ra lấy làm tiếc vì tôi phải đi công tác ở một quốc gia láng giềng. Tôi bảo vợ đi thay và nhớ ghi âm lại toàn bộ hội thảo. Vợ tôi nghe nói gặp Mỹ thì nó thích, vì dù nó cũng không ưa giặc Mỹ, nhưng vẫn hay khen bọn Mỹ đẹp giai.

Tôi dặn vợ cố gắng tiếp xúc John, nếu cần cứ tranh luận thẳng thắn với John để nó thấy người Việt không dễ lung lạc bằng đô la hay diễn biến hòa bình. Tôi tin vợ là một chiến sĩ an ninh tư tưởng tốt. Vợ nhận lời.

Trước khi đi, vợ ngửa tay hỏi tiền, hiển nhiên là nhiều tiền mới đi đến hội thảo ấy được. Tôi hỏi, tiền nhiều để làm gì? Cứ đi đến đó, thằng John nó cho. Vợ nghe nói tiền Mỹ thì ưng bụng, không hỏi gì thêm.

Hôm nay thì tôi rã băng ghi âm. Băng ghi âm dài hơn 4 tiếng, nghe tiếng được tiếng mất. Chỉ có phần vợ nói chuyện trực tiếp với John thì rõ mồn một. Mà chỉ phần này cũng đủ hình dung nội dung toàn cuộc hội thảo.

- Chào anh John. Chồng tôi rất lấy làm tiếc vì đã thô lỗ với anh – Vợ tôi cất lời giao đãi trước.

- Không sao – John cởi mở ngay – Tôi hiểu anh ấy mà. Đó là một phần của khí khái Việt Nam.

Ngưng một đoạn, John hỏi:

- Bạn thấy hội thảo thế nào?

Tôi hình dung vợ tôi nở nụ cười rất thân thiện, vì nói chuyện với giai bên ngoài, nàng vẫn thường có nụ cười thân thiện. Nàng nói có những câu như đã chuẩn bị trước, xen vào những câu sáng tạo mới:

- Hội thảo thành công tốt đẹp. Chúc quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ nâng lên một tầm cao mới. Riêng em thấy anh Mỹ nào cũng đẹp giai. Em rất mong mỗi anh Mỹ là một chiến sĩ, nước Mỹ luôn sẽ là đầu tàu giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Lập trường của em là giải quyết một cách hòa bình. Và Việt Nam sẽ là trung tâm hòa giải các xung đột…

Tôi nghe trong ghi âm tiếng cười khẽ của John. Mà hình như tiếng cười này tôi đã gặp ở đâu đó thời làng tôi bị Mỹ đi càn. Tiếng cười hơi đểu nhưng đã từng quyến rũ gái làng tôi và hậu quả là làng tôi có không ít con lai. Tôi hơi nổi cáu vì cách ngoại giao của vợ. Nó như con mụ nhà quê, nói như cái máy và gì cũng bốc phét được. Mà không chỉ đàn bà. Mấy lần ăn giỗ ở quê, tôi đã ngán ngẩm mấy anh nông dân bốc phét, đến mức thi nhau bốc phét một hồi, có anh bốc phét luôn cả chuyện nhà anh ta có con ở Mỹ ở Nhật gì đó gửi về đủ thứ, thậm có cả... cái máy ỉa.

Băng ghi âm xuất hiện tiếng của John. John không cương trực như đối thoại với tôi mà mềm mỏng. Bọn Tây với phụ nữ đều vậy.

- Cảm ơn bạn đề cao về vai trò của Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn vì lợi ích của nước Mỹ trước. Nước Mỹ chứ không phải “dân tộc Mỹ” hay “chủ nghĩa dân tộc” như nhiều người nhầm tưởng, vì Mỹ không có một sắc tộc hay “bản sắc dân tộc” như Việt Nam – John nhấn mạnh vào cụm từ “bản sắc dân tộc”.

Xen vào đoạn John đang nói là lời vợ tôi:

- Ôi nước Mỹ thật tuyệt vời…

Nàng cười, tiếng cười mà nếu là nhà thơ thì sẽ được khen là có duyên nhưng tôi thấy thật vô duyên, mất nết. Nếu nàng có mặt ở nhà thì tôi đã nổi máu anh hùng, tẩn cho một trận.

John vẫn say sưa như anh ta vẫn say sưa diễn thuyết. Tôi không còn phân biệt anh ta diễn thuyết chính trị - triết học hay là đang dụ gái. Tôi thốt lên: Mẹ kiếp thằng Mỹ!

John tiếp:

- Tiếc là người Việt có khả năng hòa giải với bên ngoài, nhưng nội bộ thì… John ngập ngừng một lát. Giọng vợ tôi xen vào:

- Nội bộ thì sao anh?

Nghe từ “anh” ngọt xớt trong ngữ cảnh này, tôi lộn cả ruột gan. Tôi hình dung vợ tôi ngước mắt nhìn John đăm đắm như đám gái bao nhìn lính Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. John nói:

- Lãnh tụ Hồ Chí Minh của các bạn có dạy hai điều chí lý: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Kỷ luật là sức mạnh”. Các bạn vẫn hay đề cao “chủ nghĩa dân tộc”, nhưng các bạn thiếu cả hai…

Đúng lúc ấy vợ tôi về. Tôi bấm dừng băng và hất hàm hỏi:

- Khi thằng John chỉ trích sự mất đoàn kết, mất kỷ luật của dân tộc ta, em nghĩ sao?

Vợ không hiểu gì, cứ ngơ ngác. Tôi vung tay chém gió như thể đối mặt với cả vợ và John:

- Nó là thằng đểu. Nó định nói cả hai nghĩa. Rằng đàn bà như em thấy Mỹ đẹp giai thì ngọt ngào xởi lởi, còn với chồng thì như dùi đục chấm mắm cáy. Nó chỉ trích dân tộc ta, rằng thấy bên ngoài xung đột thì nhanh mồm nhanh miệng hòa giải, nhưng nội bộ trong nhà thì choảng nhau, chửi nhau suốt ngày như quân thù địch.

Vợ tôi nổi cơn tam bành mà nhảy cẫng lên. Cứ như Út Tịch leo lên ngọn dừa đái xuống cho thiên hạ biết bi cao. Chưa bao giờ nàng hung hăng đến vậy. Nàng nói:

- Câm mẹ cái mồm của anh đi! Suy diễn ngu như những thằng nhà quê viết văn! Vừa ghen tuông vừa tự ái dân tộc rởm. Nghe hết băng ghi âm thằng John nói gì chưa mà vội quy kết?

Tôi định thần như thể điều tiết lại từng mạch máu đang chảy nhồi lên trong tim và nghe tiếp ghi âm. John giải thích như giảng bài cho sinh viên:

- Các bạn hận thù Pháp, hận thù Mỹ trong quá khứ cũng phải, vì người Mỹ và người Pháp từng gieo rắc quá nhiều đau thương cho các bạn. Nhưng sau khi đuổi Pháp, đuổi Mỹ, dù xóa bỏ hận thù với ngoại bang không dễ nhưng rồi cũng hòa giải được. Trong khi các bạn cùng dòng máu với nhau thì gần như không thể hòa giải. Gọi là vì lợi ích dân tộc mà không đội trời chung với nhau đằng đẵng, lợi ích bè phái đặt cao hơn mọi lợi ích chung thì luôn luôn là dân tộc yếu. Các bạn cũng yêu tự do và đòi hỏi nhân quyền, nhưng các bạn chưa hiểu gì về tự do và nhân quyền. Các bạn lấy tự do cá nhân của mình xâm phạm quyền tự do của người khác và dẫm đạp lên nhau hỗn loạn. Nhiều người tự cho mình có quyền làm người nhưng xem tất cả những người khác chỉ là chó mèo mà quên rằng khi thành phần chó mèo đông hơn người thì dân tộc đó càng yếu kém.

Tôi thở phào vì nội dung John nói không có câu từ nào ỡm ờ hay sàm sỡ với vợ tôi. Nhưng tôi cũng không đủ kiên nhẫn nghe hết băng ghi âm vì sự xúc phạm dân tộc đã quá ngưỡng. Tôi định tắt máy, nhưng vợ lại bật lên bắt nghe tiếp. John vẫn lưu loát từng câu:

- Lấy một ví dụ đơn giản thế này. Gần nửa thế kỷ, các bạn đã hàn gắn được quan hệ với các quốc gia, kể cả các cựu thù như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật. Nhưng với Việt Nam cộng hòa vẫn là thù địch, thù địch từ trong gia đình thù ra, vì đa số gia đình nào cũng có người theo Việt Nam cộng hòa. Rồi có mấy lần tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc hay tiếp đón Tổng thống Mỹ, các bạn lại phân đôi giới tuyến, một phe đi đón Chủ tịch Trung Quốc, còn phe kia thì nhiệt thành đón Tổng thống Mỹ…

Đến đây thì tôi bật cười. Không thể đánh giá John ngu hay khôn. Tưởng nó hiểu Việt Nam nhưng chẳng hiểu gì, hoặc hiểu mà hiểu rất đểu. Tôi nói với vợ bằng giọng bực tức vì hình như nàng có vẻ bênh vực anh John đẹp giai, có tiền đô:

- Lẽ ra lúc đó, em phải nói thẳng với John rằng, Việt Nam phải như thế nào thì mới được các quốc gia lớn đối xử tốt như vậy. Và việc chia hai phe đón Chủ tịch Trung Quốc và đón Tổng thống Mỹ cũng chỉ là để phân hóa quan hệ Trung – Mỹ. Trung và Mỹ yếu thì Việt Nam ta mới mạnh lên được, hiểu chưa?

(Còn nữa)

Tháng Giêng, năm Kỷ Hợi

C.M.L.

FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn