Phản kháng phi bạo lực (Phần 1)

Phạm Đoan Trang

Người dân không nhất nhất làm những gì nhà cầm quyền bắt họ phải làm. Đôi khi, họ có thể làm những việc bị cấm đoán. Họ có thể không tuân theo những luật mà họ đã bác bỏ. Công nhân có thể đình công, làm tê liệt nền kinh tế. Bộ máy hành chính có thể ngừng hướng dẫn mọi người làm các quy trình, thủ tục. Công an, cảnh sát, quân đội có thể lơi lỏng trong chuyện đàn áp; thậm chí có thể nổi dậy. Khi tất cả những sự việc đó diễn ra đồng thời, những kẻ đang là “nhà cầm quyền” sẽ trở thành người bình thường như mọi người dân khác.

Nếu có đủ đông người không hợp tác, không vâng lời trong thời gian đủ dài, toàn hệ thống chính trị sẽ chẳng còn quyền hành gì nữa. Đó là định đề căn bản của đấu tranh phi bạo lực.

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

Bạn đọc thân mến,

Cuốn sách này được viết dành riêng cho bạn, nếu bạn là người yêu nước, yêu tự do, ghét độc tài, mong muốn một đất nước Việt Nam dân chủ, và đặc biệt, nếu bạn khao khát làm một điều gì đó để thay đổi Việt Nam mà lại không biết phải làm gì và như thế nào.

Bạn có thể coi sách như một cẩm nang mỏng, dễ đọc, nhưng đã bao gồm tất cả những điều quan trọng nhất mà một người đấu tranh vì dân chủ, chống độc tài, cần phải biết.

Nội dung của sách dựa theo những tài liệu về đấu tranh phi bạo lực (ở Việt Nam lâu nay vẫn gọi là “bất bạo động”) do các nhà hoạt động dân chủ người Serbia, thành viên nhóm Otpor!, viết. Họ là những người đã bỏ ra tất cả những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của cuộc đời để dấn thân vào cuộc chiến đấu gian khổ, không cân sức, chống chế độ độc tài của Milosevic.

Kết quả của cuộc chiến đấu ấy là chính quyền Milosevic sụp đổ, Serbia trở thành một nền dân chủ mới ở châu Âu. Còn họ thì nghiên cứu và viết lại câu chuyện của họ, với đầy đủ những kinh nghiệm mà họ rút ra được.

Và tôi chỉ làm mỗi cái việc là lược dịch và địa phương hóa cuốn sách của họ cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Tất cả các chương, trừ Chương I (“Hiểu đối thủ”), đều được lấy từ cuốn “Blueprint for Revolution” của Srdja Popovic, người lãnh đạo trẻ tuổi của phong trào Otpor! Cũng chỉ có Chương I là chương dài, và dài nhất. Còn lại, tôi cố gắng để sách đúng là một cẩm nang: ngắn gọn, rõ ràng và dễ đọc hết mức có thể.

Tôi tin rằng độc giả sẽ nhận được nhiều điều sau khi đọc sách. Ngay cả nếu bạn không phải là nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền, bạn cũng vẫn có thể đọc và rút ra từ sách những bí quyết thú vị để áp dụng vào công việc và cuộc sống của bạn.

Việt Nam, 05/8/2017

Phạm Đoan Trang

*

Chương I

HIỂU ĐỐI THỦ

Xin cam đoan với bạn đây là chương dài nhất, nhiều lý thuyết nhất của sách nên đọc sẽ lâu hơn. Các chương khác sẽ không làm bạn phải mất nhiều thời gian đâu. Trong Chương I này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số khái niệm căn bản. Ít nhất, chúng ta cần thống nhất được với nhau rằng thể chế cộng sản ở Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị, và vì thế nó cần phải được xóa bỏ.

** *

Chế độ toàn trị

Chế độ toàn trị là một hệ thống chính trị trong đó ách cai trị bao trùm lên tất cả, toàn bộ, các mặt của đời sống (hiểu nôm na là toàn trị nghĩa là cai trị toàn bộ); ách cai trị đó được xác lập với việc áp đặt một ý thức hệ bao trùm và sự tàn bạo, hà khắc, gây sợ hãi.

Chế độ toàn trị khác với chế độ chuyên quyền và chế độ độc đoán ở chỗ nó tìm kiếm “toàn bộ quyền lực”, “quyền lực tuyệt đối” thông qua việc chính trị hóa mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Còn chế độ chuyên quyền và chế độ độc đoán có mục tiêu khiêm tốn hơn, là chỉ nắm độc quyền về quyền lực chính trị, thường là bằng cách loại quần chúng ra khỏi chính trị.

Chế độ toàn trị thẳng thừng xóa bỏ xã hội dân sự: tiêu diệt cái cá nhân, cái riêng, của tư nhân.

Đôi khi chế độ toàn trị được xác định nhờ có “hội chứng sáu điểm” như sau:

1. Có một ý thức hệ chính thức;

2. Nhà nước độc đảng, có khi bị cai quản bởi một nhà lãnh đạo hùng mạnh, toàn năng;

3. Một hệ thống cảnh sát giám sát, gây sợ hãi;

4. Độc quyền các phương tiện truyền thông đại chúng;

5. Độc quyền các phương tiện vũ trang;

6. Nhà nước kiểm soát tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế.

Căn cứ vào các triệu chứng ấy thì rõ ràng Việt Nam dưới thời cộng sản là một nhà nước toàn trị.

Một tí lý thuyết nữa: chế độ quân phiệt và chế độ công an trị

Đặc trưng của chế độ quân phiệt hay nhà nước quân sự là:

• Tướng lĩnh quân đội nắm giữ các chức vụ lãnh đạo của nhà nước – những chức vụ mà lẽ ra là thuần túy dân sự.

• Quân đội kiểm soát tiến trình chính sách.

• Chủ nghĩa quân phiệt trở thành ý thức hệ bao trùm: Quốc phòng, quân sự phải mạnh thì đất nước mới hùng cường; chiến tranh là một công cụ chính sách chính đáng và hiệu quả; quân nhân được tôn vinh và được hưởng đặc quyền, đặc lợi; tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, kỷ luật nhà binh, sự phục tùng, cống hiến, xả thân được ngợi ca.

• Luật nhà binh, tòa án quân sự được tăng cường và áp đặt rộng rãi; thiết quân luật có thể được áp dụng thường xuyên và kéo dài. Đất nước bị quân sự hóa (có thể đến mức độ như đang trong thời chiến).

• Các quyền tự do dân sự bị bóp nghẹt.

Để lấy ví dụ về nhà nước quân phiệt, có thể kể đến: Chile dưới thời Pinochet, Myanmar từ 1962 đến khi cải cách dân chủ, Lybia dưới thời đại tá Gaddafi.

Đặc trưng của chế độ công an trị hay nhà nước cảnh sát là:

• Lực lượng công an phát triển rất hùng mạnh về quân số.

• Công an được hưởng đặc quyền đặc lợi, hoạt động ngoài sự giới hạn của luật pháp, có thể nói là đứng trên luật pháp.

• Công an nắm quyền lực hành pháp không giới hạn, không bị kiểm soát, và có thể sử dụng tùy tiện, không phải chịu trách nhiệm giải trình trước bất kỳ lực lượng nào khác trong xã hội (công chúng, báo chí, quốc hội hay tòa án).

• Công an can thiệp và kiểm soát tiến trình chính sách.

• Công an can thiệp và kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống dân sự, bằng các biện pháp nghiệp vụ như theo dõi, nghe lén, quay phim trộm, quay phim công khai.

• Các quyền tự do dân sự bị bóp nghẹt.

Ví dụ về các nhà nước cảnh sát, có thể kể đến Đông Đức cũ (CHDC Đức), và chính đất nước nơi chúng ta đang sống: Việt Nam cộng sản (CHXHCN Việt Nam).

Các bạn chú ý điểm giống nhau lớn giữa chúng là ở cả hai loại xã hội này, các quyền tự do dân sự đều bị bóp nghẹt. Đó là những nhân quyền mà người dân có trong quan hệ của họ với nhà nước, tức là các nhân quyền để bảo vệ người dân khỏi sự can thiệp tùy tiện của nhà nước, ví dụ: tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và lương tâm, tự do đi lại, tự do tụ tập, tự do hiệp hội. Khi quyền lực được tập trung cao độ vào một người hoặc một nhóm người ở cương vị lãnh đạo, và các quyền tự do dân sự bị siết chặt, quốc gia có thể đã trở thành độc tài quân sự hoặc độc tài công an trị.

Đã nhất trí với nhau được rằng Việt Nam dưới thời cộng sản là một nhà nước độc tài toàn trị, công an trị rồi, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu một lý thuyết rất quan trọng của một học giả hàng đầu thế giới về đấu tranh phi bạo lực, kẻ thù của mọi chế độ độc tài: lý thuyết về nguồn gốc của quyền lực, của Gene Sharp.

** *

Nguồn của quyền lực

Có hai quan điểm chính về bản chất của quyền lực.

Quan điểm “chính quyền mạnh” nhìn nhận người dân sống lệ thuộc vào ý chí, quyết định, và sự ban ơn của chính quyền. Quyền lực chính trị bắt nguồn từ một số ít cá nhân đứng ở nấc thang cao nhất, chỉ huy tất cả bên dưới. Quyền lực ấy tự duy trì và rất bền vững, không dễ bị kiểm soát hoặc phá hủy.

Quan điểm “xã hội” cho rằng chính quyền mới phải lệ thuộc vào ý chí, quyết định và sự ủng hộ của người dân. Quyền lực liên tục nổi lên từ những bộ phận khác nhau trong xã hội. Quyền lực chính trị là cái rất mong manh, nó tồn tại được hoàn toàn nhờ vào việc củng cố các nguồn của nó. Do vậy, có thể kiểm soát quyền lực chính trị bằng cách kiểm soát các nguồn của nó.

Các nguồn đó là gì vậy? Hay nói cách khác, quyền lực khởi phát từ nơi đâu?

1. Tính chính danh của nhà cầm quyền

Tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng, chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng. Nói cách khác, chính quyền có chính danh tức là việc cầm quyền của họ là phù hợp, thích đáng trong suy nghĩ của người dân, và vì thế người dân chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.

Từ niềm tin ấy, dân chúng chấp nhận rằng nhà cầm quyền có quyền ra lệnh, lãnh đạo, chỉ huy, mà dân phải lắng nghe và tuân theo.

Quyền lực của cái tổ chức được gọi là chính quyền bắt nguồn từ đó. Nguồn quan trọng nhất của quyền lực chính trị là tính chính danh của nhà cầm quyền hay là niềm tin của dân chúng.

Điều đó cũng có nghĩa là một khi chính quyền đã hết tính chính danh – tức là không còn được số đông dân chúng ủng hộ – nó sẽ sụp đổ.

2. Các nguồn lực con người (nhân lực)

Quyền lực chính trị bị ảnh hưởng mạnh bởi số lượng người tuân lệnh nhà cầm quyền, hợp tác với nhà cầm quyền, hoặc ủng hộ nhà cầm quyền, cũng như bởi tỷ lệ số người đó trên toàn thể dân số, và bởi mức độ tổ chức của họ, hình thức tổ chức của họ.

Điều này nghĩa là nếu số đông người dân tuân theo, hợp tác và ủng hộ chính quyền, và họ có tổ chức, thì nhà cầm quyền ấy có một nguồn lực rất lớn cho quyền lực chính trị của mình.

Đồng thời, cũng có nghĩa là nếu số người bất tuân, bất hợp tác, không ủng hộ, thậm chí chống đối chính quyền, mà đông đảo, và lại có tổ chức nữa thì quyền lực chính trị của nhà cầm quyền lung lay đáng kể.

3. Kỹ năng, kiến thức, năng lực

Quyền lực chính trị cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi kỹ năng, kiến thức và năng lực của những người tuân theo, hợp tác và ủng hộ chính quyền (đặc biệt trong trường hợp kỹ năng, kiến thức và năng lực ấy đáp ứng đòi hỏi của nhà cầm quyền khi cần).

4. Các yếu tố vô hình

Quyền lực chính trị cũng xuất phát từ một nguồn nữa, đó là các yếu tố tâm lý và ý thức hệ, thói quen và thái độ về sự tuân phục, về sứ mệnh, và việc có hay không có một tôn giáo, tín ngưỡng, niềm tin hay ý thức hệ chung.

5. Các nguồn lực vật chất

Một nguồn nữa của quyền lực chính trị, và nuôi dưỡng quyền lực chính trị, là mức độ nhà cầm quyền kiểm soát đất đai, tài nguyên thiên nhiên, tài chính, hệ thống kinh tế, cỗ máy truyền thông, hệ thống giao thông vận tải, v.v. Mức độ kiểm soát càng chặt chẽ, càng rộng lớn, thì quyền lực chính trị càng được nuôi dưỡng.

6. Hình phạt

Hình thức trừng phạt và mức độ trừng phạt mà nhà cầm quyền áp đặt để cưỡng ép người ta phải tuân phục mình cũng là một nguồn sinh ra quyền lực chính trị.

** *

Quyền lực chính trị được sinh ra từ 6 nguồn trên. Và bạn thấy không, cả sáu cái nguồn đẻ ra quyền lực này đều lệ thuộc vào một thứ thôi, đó là sự tuân lệnh và hợp tác của kẻ bị trị.

Cốt lõi của quyền lực chính trị là sự phục tùng

Quan hệ giữa mệnh lệnh và sự tuân lệnh luôn là một mối quan hệ hai chiều: Kẻ ra lệnh và người tuân lệnh vừa tương tác với nhau vừa có ảnh hưởng lẫn nhau.

Trong một tổ chức, cấp trên luôn lệ thuộc vào cấp dưới trong việc thực thi các mệnh lệnh và nghĩa vụ. Trong một quốc gia cũng vậy, mệnh lệnh không phải tự nhiên mà được tuân thủ ngay. Nhà cầm quyền thi hành quyền lực của mình được hay không là tùy thuộc vào mức độ phục tùng và hợp tác của kẻ bị trị.

Tại sao người ta phục tùng kẻ thống trị?

Người dân – những người bị trị – khuất phục và tuân lệnh kẻ thống trị vì nhiều nguyên nhân, như:

- Thói quen;

- Nỗi sợ bị trừng phạt;

- Quan niệm rằng phục tùng là một nghĩa vụ đạo đức;

- Lợi ích riêng;

- Tâm lý đồng nhất mình với kẻ thống trị;

- Sự thờ ơ, vô cảm;

- Thiếu tự tin, tự chủ.

Sự phục tùng về bản chất là tự nguyện. Nó chỉ tồn tại khi người ta tuân theo mệnh lệnh của kẻ thống trị.

Ví dụ của Gene Sharp thế này: Nếu bạn tự bước chân vào tù, tức là bạn đã phục tùng. Nếu bạn không chịu đi mà cảnh sát phải lôi bạn đi, tức là bạn đã không phục tùng (dù cuối cùng tất nhiên bạn cũng ở trong tù). Trong cả hai tình huống, cái kết của bạn đều là ở trong tù, nhưng ít ra ở tình huống 2, bạn đã không phục tùng, ý chí của bạn đã không khuất phục trước mệnh lệnh “mày phải đi vào trong đó”.

Ví dụ của thủ lĩnh nhóm Otpor!, Srdja Popovic, có màu sắc phim ảnh hơn: Giả sử có một băng đảng mafia bắt cóc bạn đến một nơi xa lạ, dí súng vào đầu bạn, bắt bạn phải đào một cái hố. Chúng nói nếu bạn không đào, chúng sẽ bắn chết.

“Chắc chắn chúng có sức mạnh để đe dọa bạn, và chắc chắn không dễ nói lý lẽ với một kẻ đang dí đầu súng vào thái dương mình. Nhưng liệu có ai có thể thực sự khiến bạn phải làm một việc gì không? Không ai cả. Chỉ bạn là người quyết định có đào hay không đào hố. Bạn có toàn quyền nói không. Sự trừng phạt sẽ là khủng khiếp, nhưng bạn vẫn có thể từ chối đào hố. Và nếu bạn dứt khoát không chịu cầm xẻng lên, chúng bắn chết bạn, thì cũng có nghĩa là bạn đã không đào hố theo lệnh chúng”.

Từ đây, ta rút ra một kết luận quan trọng: Không phải các hình phạt tạo nên sự phục tùng, mà là nỗi sợ bị trừng phạt mới khiến người ta phục tùng.

Vậy nên, vấn đề cốt lõi của đấu tranh chống độc tài là làm thế nào để nhiều người cùng vượt qua nỗi sợ hãi, chấm dứt hợp tác và phục tùng nhà cầm quyền độc tài. Càng nhiều người như vậy càng tốt, hay nói đúng hơn, càng nhiều người như vậy thì khả năng chiến thắng độc tài càng cao hơn.

Người dân không nhất nhất làm những gì nhà cầm quyền bắt họ phải làm. Đôi khi, họ có thể làm những việc bị cấm đoán. Họ có thể không tuân theo những luật mà họ đã bác bỏ. Công nhân có thể đình công, làm tê liệt nền kinh tế. Bộ máy hành chính có thể ngừng hướng dẫn mọi người làm các quy trình, thủ tục. Công an, cảnh sát, quân đội có thể lơi lỏng trong chuyện đàn áp; thậm chí có thể nổi dậy. Khi tất cả những sự việc đó diễn ra đồng thời, những kẻ đang là “nhà cầm quyền” sẽ trở thành người bình thường như mọi người dân khác.

Nếu có đủ đông người không hợp tác, không vâng lời trong thời gian đủ dài, toàn hệ thống chính trị sẽ chẳng còn quyền hành gì nữa. Đó là định đề căn bản của đấu tranh phi bạo lực.

P.Đ.T.

(Còn tiếp)

Nguồn: bit.ly/phankhang

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn