Đặc san số 5 - Mười năm “Bauxite Việt Nam” – nhớ thuở “nằm gai nếm mật”

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\CHHV.jpg

Cuộc sống hối hả, đời sống của xã hội và cá nhân từng người ắp đầy sự kiện cứ mỗi một ngày trôi qua. Chưa hiểu và phân tích hết những điều ập đến trong ngày thì đã phải trù tính mưu sinh cả về vật chất lẫn tinh thần cho ngày hôm sau, hôm sau nữa... Thành thử thời gian đánh vèo, việc mười năm trước mà ngỡ vừa xảy ra hôm qua. Bauxite Việt Nam là ví dụ.

Ra đời bởi “các ông giáo”

Bauxite Việt Nam ghi rõ gốc gác của của nó: “Khởi xướng: GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo dục Phạm Toàn và GS TS Nguyễn Thế Hùng”. Tóm lại, trang mạng này được “đẻ” ra bởi “ba ông giáo”. Thế nhưng, việc “ba ông giáo” này xắn tay làm ra Bauxite Việt Nam lại là để ủng hộ một “ông giáo” khác: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên giáo viên dạy môn lịch sử tại Trường tư thục Thăng Long, Hà Nội trong nửa cuối thập niên 30 của thế kỷ trước.

Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 167 cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, thực chất là tiếp tay nước bành trướng phương Bắc này tiến hành một cuộc xâm lược trá hình. Đầu tháng 11/2008 một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này. Thế nhưng nhận thấy kiến nghị này như “đàn gảy tai trâu” nên “ông giáo” – “người lính già đầu bạc” họ Võ đã gần trăm tuổi buộc lòng xung trận một lần nữa. Trong thư ngày 5/1/20019 gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Việc xác định một chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng” và ông “đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và báo cáo Bộ chính trị chỉ đạo tiến hành các nghiên cứu vĩ mô cần thiết làm căn cứ cho mọi quyết định”.

Ngỡ rằng trước sự phản đối quyết liệt của vị “khai quốc công thần” này của chế độ thì “dự án bán nước” đó phải bị hủy bỏ. Thế nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại khăng khăng đây là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” nên dự án vẫn cứ tằng tằng triển khai. Dĩ nhiên giới trí thức, các nhà khoa học trước hết, vô cùng phẫn nộ. Tại Đại hội của Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng họp đầu tháng 4/2019, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đã cảnh báo quyết liệt: “Khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì chúng ta sẽ mất cả chì lẫn chài!” “Ngay sau đại hội này – Giáo sư Nguyễn Thế Hùng nhớ lại – Tôi đã gọi điện và email cho anh Huệ Chi để bàn việc lên án việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Sở dĩ tôi liên hệ với anh Huệ Chi là vì bài phát biểu của anh tại Tọa đàm kỷ niệm 100 năm Einstein qua đời được tổ chức tại Hội An bốn năm trước đó, năm 2005, đã gây ấn tượng đối với tôi. Bài phát biểu này có đoạn: "... không phải người nghèo ai cũng tốt và người giàu ai cũng xấu...". Tôi có được bài phát biểu này của anh Huệ Chi trong đó có số điện thoại của anh. Anh Huệ Chi tán đồng ngay lập tức quan điểm của tôi và đề nghị làm to vụ này bằng cách làm Kiến nghị chống dự án bauxite rồi gửi email cho nhiều người khác để mời cùng ký tên trước khi gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam. Thế là ngày 12/4/2009, “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam” gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, trong đó có nêu lại yêu cầu dừng ngay dự án của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã ra đời. Khoảng hai tuần sau khi Kiến nghị được gửi đi thì anh Huệ Chi, anh Phạm Toàn và tôi nhận thấy phải lập Blog để “xã hội hóa” Kiến nghị. Với sự giúp đỡ của một số chuyên gia tin học, Blog “Bauxite Việt Nam” ra đời vào ngày 22/4. Tên của Blog là do anh Huệ Chi đặt. Thế nhưng chỉ một tuần sau thì Blog này chật cứng, khó đăng tải thông tin một cách linh hoạt. Do đó, các chuyên gia tin học đề xuất lập Website và dĩ nhiên chúng tôi đồng ý. Đến ngày 27/4/2009 thì Website “Bauxite Việt Nam” chính thức hoạt động” (1).

Tính đến chiều 14/5/2009 đã có trên 40 vạn lượt người vào Bauxite Việt Nam, như thể “đất hạn gặp mưa rào”! Cũng phải thôi, đúng lúc niềm tin của muôn vàn người yêu nước Việt bị “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” làm khô kiệt thì “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam” mà Bauxite Việt Nam mang tới rõ ràng là một sự cứu rỗi! Kết quả là Kiến nghị đã thu được hơn 3000 chữ ký và với kết quả đó, Bauxite Việt Nam cùng “ba ông giáo” khởi xướng đã đi vào lịch sử. Thực vậy, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam thời hậu chiến có một cuộc vận động dân sự rầm rộ đến như vậy.

Có một sự trùng hợp là các cuộc cách mạng và phong trào dân sự lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20 đều do các nhà giáo khởi xướng hoặc tham gia với vai trò then chốt. Phan Bội Châu dạy học ở Huế, sau phát động phong trào Đông du sang Nhật học võ trang để về nước chống Pháp. Phan Châu Trinh, người phát động phong trào Duy tân, đã tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ tại Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này, dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn lớp nhì Trường tư thục Dục Thanh ở Phan Thiết, trường này được thành lập để hưởng ứng phong trào Duy tân. Điều đáng chú ý là một trong những sáng lập viên của Trường là Nguyễn Hiệt Chi, anh ruột của Nguyễn Hàng Chi bị Pháp xử chém vì cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh năm 1908 và là ông nội của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Xuân Diệu, bác ruột và là cha nuôi của tôi, từ 1938 đến 1940 dạy văn tại Trường tư thục Thăng Long ở Hà Nội nơi Võ Nguyên Giáp dạy lịch sử. Huy Cận cha tôi dạy văn cho cả 3 lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam (Ban thành chung) tại Trường tư thục Chính Hoá ở Vinh, Nghệ An vào năm 1939. Cả Xuân Diệu và Huy Cận đều đóng vai trò then chốt trong phong trào Thơ mới – một cuộc Đại cách mạng trong Thi Ca Việt Nam. Với tư cách Bộ trưởng không bộ của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huy Cận là một trong ba vị đại diện Chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, chấm dứt chế độ quân chủ và khai sinh nền Cộng hòa ở Việt Nam. Cũng với tư cách ấy, Huy Cận cũng là người đã ký Tuyên ngôn Độc lập cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các Bộ trưởng khác vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của Pháp rồi của Nhật (2).

Cũng có lẽ do các “ông giáo” Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng lập ra nên Bauxite Việt Nam tự xác định là “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức”. Thực ra, “trí thức” đồng nghĩa với “phản biện”. Thành thử thoạt nhìn, “phản biện” được sử dụng để chỉ hành vi của “trí thức” là thừa. Nhưng ngẫm lại thì thấy “ba ông giáo” này thật “thâm nho”. Bởi chưng ở Việt Nam hiện nay nhan nhản “trí thức rởm”, có bằng cấp nhưng không hề đếm xỉa đến dân sinh quốc kế, tức việc có lợi cho dân cho nước. Loại “trí thức rởm” này thật đa dạng. “Ngậm miệng” hay “mở miệng” đều để “ăn tiền” theo kiểu lợi ích nhóm cũng có, xuất thân từ các trường chuyên “quán triệt” cũng có, hoặc đơn giản hơn, từ mua bằng cấp cũng có… Ấy là chưa kể loại “trí ngủ” hay “mũ ni che tai” trước mọi bức xúc của xã hội, tồn tại chẳng khác “giá áo túi cơm” vậy!

Những tấm lòng nghĩa hiệp

Trong mắt chế độ toàn trị ở Việt Nam, nhất là được điều khiển bởi những kẻ tham tàn như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “phản biện” vốn hỗ trợ cho sự hoàn thiện của Nhà nước, lại ngoắt thành “phản động”, tức chống Nhà nước. Chữ “tài” vì vậy chẳng mấy vần với chữ “tai”, nhẹ thì bị truy bức, nặng thì bị bắt bớ, bỏ tù. Biết vậy mà ba vị khởi xướng Bauxite Việt Nam lại còn quấn trên đầu băng “phản biện” thì quả là “gan cóc tía”!

Vậy vì sao “gan cóc tía”? Hỏi tức trả lời: vì nghĩa hiệp!

Nghĩa hiệp ở chỗ nhập cuộc bất chấp tuổi tác. Phạm Toàn sinh năm 1932, Nguyễn Huệ Chi sinh năm 1938, tức nhị vị tiên sinh ấy đã quá “tuổi xưa nay hiếm”.

Nghĩa hiệp ở chỗ Nguyễn Thế Hùng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Đại học bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thuỷ khí Việt Nam, nhập cuộc bất chấp có thể mất sự trọng vọng của chính quyền, thậm chí việc làm mà không ít người mơ ước.

Nghĩa hiệp ở chỗ Huệ Chi đôi khi vì việc chung khá là to tiếng với Phạm Toàn và Phạm Toàn, cũng vì việc chung mà cười xòa. Khi chứng kiến cảnh tượng ấy, bất giác tôi không khỏi so sánh Nguyễn tiên sinh với “hỏa diệm sơn”, và Phạm tiên sinh với “tảng băng ngầm”. Có điều “lửa” và “nước” này không triệt tiêu nhau, ngược lại là đằng khác, dưỡng nhau để làm sao Bauxite Việt Nam hoạt động có hiệu quả nhất.

Cũng như vậy, tranh nhau nhận hiểm nguy về mình cũng chỉ có ở những con người nghĩa hiệp.

Do chiếm được hộp thư của Huệ Chi bằng tin tặc nên cơ quan an ninh biết được Giáo sư Phùng Liên Đoàn ở Mỹ gửi cho Bauxite Việt Nam một số tiền, để giúp ba vị khởi xướng tổ chức một số chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Lực lượng “chuyên chính” này cũng biết được số tiền này chưa tiêu hết. Thế là với ý đồ bôi đen Bauxite Việt Nam, họ xoáy vào số tiền này như thể ai đó trong ba vị kia cố ý giữ lại để “tham nhũng”?! Huệ Chi và Phạm Toàn tức thời gọi điện tham khảo ý kiến của tôi với tư cách cố vấn pháp luật của trang mạng này mà nguyên do tôi sẽ nói sau đây. Tôi trả lời ngay: “Điều mấu chốt là nhận tài trợ để phục vụ hoạt động của Bauxite Việt Nam với tư cách một trang mạng yêu nước thì không có gì là bất hợp pháp cả. Tiền tài trợ cho tổ chức các chuyến đi cứu trợ tiêu không hết cũng không có gì là bất bình thường. Tiền còn dư thì ai giữ cũng thế, miễn là khi chi thì phải cho hoạt động của trang mạng và có sự bàn bạc tập thể”. Mặc dầu vậy, Huệ Chi vẫn lo an ninh sẽ gây chuyện cho người bạn và là đồng chí của mình, nói: "Tôi là người điều hành trang mạng nên tôi sẽ nói với an ninh chính tôi người quản lý số tiền này". Phạm Toàn vốn dĩ mát tính là thế, cương quyết không kém: “Việc đó là của tôi! Chính anh đã giao cho tôi quản, phải không nào? Thế thì tôi sẽ nói tôi để số tiền ấy trong tài khoản ngoại tệ của tôi (ông có bạn gái người Australia)”. Nghe hai vị giằng co với nhau mà tôi ứa nước mắt. Với những con người đầy nghĩa khí và dũng khí như thế này thì “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” sao có thể tắt tiếng trước cường quyền!

Kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh chung

Lần đầu tiên tôi gặp Huệ Chi là tại Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn do Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng, Hải Dương tổ chức vào tháng 5/2008. Chúng tôi nhanh chóng quý mến nhau, phần vì cùng quê Hà Tĩnh, phần vì cùng là “con nhà văn hóa”. Nhưng quan trọng nhất là vì Huệ Chi rất thích “nói có sách, mách có chứng” trong bài thuyết trình của tôi phần liên quan đến nhà văn Trần Tiêu, em ruột nhà văn Khái Hưng, khi tôi chứng minh nhà văn này không phải là thành viên Tự Lực Văn Đoàn như nhiều người ngộ nhận. Đó là lý do vì sao ngay sau khi thành lập Bauxite Việt Nam, mà ông lường trước chính quyền sẽ không để yên, Huệ Chi đã mời tôi và Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ do vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà làm Trưởng Văn phòng, làm cố vấn pháp luật cho trang mạng. Thế là từ đó, chúng tôi luôn kề vai sát cánh trong cuộc đấu tranh chung vì quốc kế, dân sinh, vì dân chủ hóa đất nước, ngay cả khi cánh cửa buồng giam ập lại sau lưng tôi.

D:\Pictures\CHHV HC PT tại nhà HC.jpg

Từ phải sang Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi, Cù Huy Hà Vũ tại nhà GS Huệ Chi

Hiệp đồng với “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam” cùa Bauxite Việt Nam, ngày 11/6/2009, tôi đâm đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội do ông ta đã cố ý làm trái Hiến pháp, Luật bảo vệ môi trường, Luật Quốc phòng và Luật Di sản văn hóa khi cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Ngay hôm sau, 12/6, Bauxite Việt Nam đăng toàn văn Đơn khởi kiện của tôi đồng thời khẳng định vụ kiện này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, là “Xô viết Nghệ - Tĩnh thời nay”.

Không nghi ngờ gì nữa, do không chịu được “nhiệt” của Bauxite Việt Nam trên đó bản thân tôi đã góp không ít bài nên đầu tháng 12/2009 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra công văn chỉ đạo “xóa” trang mạng hừng hực yêu nước này khi giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra các trang mạng “có phép và không phép” và báo cáo ông ta trước ngày 15/12! Ngay lập tức, căn cứ vào Luật Công nghệ thông tin, Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ ra văn bản khẳng định các cá nhận lập Bauxite Việt Nam không cần giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Đánh” Bauxite Việt Nam công khai không xong, Nguyễn Tấn Dũng bèn chỉ đạo cơ quan an ninh dùng đòn ngầm để triệt trang mạng. Điều này giải thích vì sao từ ngày 12/12, Bauxite Việt Nam liên tục bị tin tặc đánh phá khốc liệt, mạng nhiều lần bị sập. Không những thế, tin tặc còn trộm cắp mật khẩu và xâm nhập các hộp thư điện tử của Huệ Chi và Phạm Toàn để rồi “chế” và phát tán một số thư mạo danh người này để đả kích, xúc phạm danh dự người nọ, đến độ nhà giáo họ Phạm gọi chúng là “lưu manh”.

Ngày 9/1/2010, tôi viết “Bauxite Việt Nam quyết sống!” (3) và khẳng định: “với Bauxite Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Cộng sản, “xã hội dân sự” – thành phần quyết không thể thiếu của bất kỳ quốc gia Dân chủ và Pháp quyền nào – đã được thị phạm một cách vô cùng hoành tráng và sinh động!”… việc đánh phá Bauxite Việt Nam và những người chủ trương trang mạng dứt khoát không phải là hành vi đơn lẻ hay nhất thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm vô hiệu hóa những kẻ dám “chọc gậy bánh xe dự án bauxite” đang quay tít mà ngược lại, nằm trong cả một chiến dịch quy mô do Chính phủ tiến hành nhằm bóp nghẹt mọi phản ứng xã hội trước những “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” làm lén Quốc dân Đại hội nói riêng, bịt miệng giới Trí thức Yêu nước chuộng Công lý và Dân chủ nói chung để “giữ vững ổn định chính trị”, tức giữ statuquo – nguyên trạng “chế độ xã hội chủ nghĩa …”

Không chỉ hỗ trợ Bauxite Việt Nam về pháp luật ngay tại Hà Nội, Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ còn cử Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và chuyên viên Nguyễn Thị Xuân Dung tham gia các chuyến đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung (4) do các vị khởi xướng trang mạng tổ chức vào cuối 2009 và đầu tháng 1/2010. Mục đích là để can thiệp pháp lý kịp thời nếu đoàn cứu trợ bị chính quyền hay an ninh gây khó dễ.

Cùng với tính cách ngang nhiên, bản lĩnh của những người chủ xướng, lai có thêm “lá chắn pháp luật” của Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ như vậy, Bauxite Việt Nam vẫn sừng sững. Cùng đường, chính quyền Nguyễn Tấn Dũng phải giở “bài liều”. Ngày 13/1 Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an ập vào nhà Huệ Chi, khám xét, thu giữ tài liệu và máy vi tính của ông rồi bắt ông đi để thẩm vấn. Lúc đó tôi đang công tác tại Bình Thuận cùng Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà. Trong trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cùng ngày (5), tôi khẳng định hành vi này của công an Việt Nam là trái pháp luật vì không có quyết định khởi tố ông. Ngay sau khi về đến nhà, Huệ Chi cho tôi biết: “Khi an ninh hỏi “ông Cù Huy Hà Vũ có phải là H1 không” (Huệ Chi đặt cho những người vận hành Bauxite Việt Nam bí danh là H kèm với số thứ tự) và có vai trò gì trong trang mạng này thì tôi [Huệ Chi] đáp ngay rằng H1 chính là tôi, Huệ Chi. Anh Cù Huy Hà Vũ không có bất cứ vai trò gì trong việc điều hành trang mạng này, nhưng đó là người bảo hộ chúng tôi về mặt luật pháp”.

Ngày 14/1/2009, chỉ một ngày sau khi Huệ Chi bị an ninh khám nhà và thẩm vấn, vẫn Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an triệu tập Phạm Toàn để thẩm vấn. Trước câu hỏi về vai trò của Cù Huy Hà Vũ trong Bauxite Việt Nam, ông trả lời tương tự Huệ Chi: “Anh Vũ chỉ là cố vấn pháp luật của chúng tôi thôi”. Phạm Toàn nói tiếp: “Có vẻ như an ninh cho rằng Cù Huy Hà Vũ đứng sau “giật dây” tụi này”.

Trong suốt thời gian bị an ninh thẩm vấn, Huệ Chi giữ vững tinh thần gan góc, khí tiết, bảo vệ sự đúng đắn của những việc mình làm cũng như nội dung hết thảy các loạt bài mình đã cho đăng trên trang mạng. Như Phạm Toàn đã viết: chỉ vì phải tranh luận đến cùng kỳ lý cho hai bài bị vặn vẹo đến phút cuối là của La Thành và của Phạm Đình Trọng, vị Tổng biên tập Bauxite Việt Nam những tưởng được thôi thẩm vấn vào ngày 22.1.2010 như lời tuyên bố của họ, thế mà rồi lại còn phải trở đi trở lại để tốp chuyên trách điều tra “hỏi thêm” và yêu cầu “viết thêm bản khai” nhiều lần nữa, cho đến tận 4-2-2010 mới gọi là xong. Về phía tôi, cũng luôn quan tâm đến ông với tư cách cố vấn pháp luật để giúp ông tránh các “bẫy” mà an ninh giăng ra. Tất nhiên, do chưa bao giờ va chạm với an ninh, công cụ chính của “chuyên chính vô sản”, tính lại thẳng ngay, nên một trí thức “trói gà không chặt” như Huệ Chi cũng đã có lúc phải mệt mỏi, quyết định nhượng bộ những kẻ truy bức mình bằng lời cam kết sẽ đóng Bauxite Việt Nam lại. Tuy nhiên sau khi cùng Phạm Toàn hội ý chớp nhoáng có cả tôi, trong cái buổi tối rất nhiều người đến nhà chúc ông bình an trở về, hôm sau Huệ Chi nói với an ninh rằng ông không thể làm như vậy được vì trang mạng không phải của riêng ông, trong khi hai sáng lập viên khác lại không đồng ý đóng trang mạng. Trong bài “Ký họa chân dung vị Giáo sư Bauxite Việt Nam”(6), nhà văn Trần Nhương và Kiến trúc sư Trần Thanh Vân viết: “Tình thâm giao của họ thật đáng trân trọng. Suốt thời gian GS Huệ Chi đi “làm việc” (với an ninh - CHHV), TS Cù Huy Hà Vũ luôn luôn bên cạnh để giúp đỡ, động viên Huệ Chi ổn định huyết áp”.

D:\Pictures\CHHV vẽ Huệ Chi 2010.jpg

Cù Huy Hà Vũ vẽ chân dung Huệ Chi ngày 10/2/2010

Cũng phải nói rằng tôi đã quen làm “cố vấn pháp luật” như thế này vì mới nửa năm trước thôi, nhân danh Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ, ngày nào tôi đã cố vấn pháp luật cho Thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội (C14), Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, bị buộc tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” trong vụ PMU18. Trên thực tế ông chỉ là nạn nhân của “trò chơi chống tham nhũng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày ra nhằm khống chế Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh. Tôi cố vấn cho Tướng Quắc ngay cả khi ông đang bị thẩm vấn tại cơ quan an ninh, dĩ nhiên bằng điện thoại. Kết quả là tại tòa Tướng Quắc thoát án tù mà ông bị kiểm sát viên đề nghị trước đó. Có dịp tôi sẽ kể lại chuyện này một cách chi tiết hơn.

Không làm gì được Bauxite Việt Nam có lẽ vì ngại vấp “lá chắn pháp luật” của trang mạng là Văn phòng luật Cù Huy Hà Vũ và bản thân tôi nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn đường nào khác là phải tính triệt “lá chắn pháp luật” này trước bằng cách dùng bạo lực đe dọa vợ chồng chúng tôi. "Hồi 8 giờ 30 phút sáng nay, 27 tháng 01 năm 2010, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên Phủ quận Ba Đình, Hà Nội, Lê Văn Định hùng hổ dẫn đầu một lực lượng gồm cả công an áo xanh, dân phòng áo đen… đến 24 Điện Biên Phủ, nhà ở của gia đình Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, gọi là để "cưỡng chế" bức tường rào!... Bị người nhà TS Hà Vũ phẫn nộ hỏi riết nguyên do, ông Nguyễn Trọng Khanh, phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cực chẳng đã phải toạc móng heo: "Chúng tôi cũng chẳng muốn làm, nhưng đây là chỉ đạo của Thủ tướng !", Phạm Toàn thuật lại trong bài “Ai gây chuyện với gia đình Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ?” (7) đăng trên Bauxite Việt Nam cùng ngày.

Dĩ nhiên sự đe dọa bằng bạo lực này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hề làm tôi run sợ. Đầu giờ chiều hôm sau, 28/01/2010, tôi cùng em gái tôi là Cù Thị Xuân Bích đến Văn phòng Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh để tố cáo hành vi bạo lực trên. Đúng lúc đó tôi nhận được một cú điện thoại của Huệ Chi. Giọng ông thất thanh: “Vũ ơi! Đến giúp anh mau! An ninh xoáy đi xoáy lại có mỗi một chuyện làm anh mệt đến chết đây!” Thế là cùng em gái tôi, tôi xông thẳng tới nơi Huệ Chi bị thẩm vấn tại số 1 Ngõ 34 đường Âu Cơ và hét lên: “Chấm dứt ngay lập tức truy bức và các hành vi phạm pháp khác đối với Giáo sư Nguyễn Huệ Chi”. Một sĩ quan an ninh bước ra và nói với tôi rằng họ làm theo lệnh của Thiếu tướng an ninh Nguyễn Chí Thành thì tôi quát ngay: “Không thả ngay Giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì Nguyễn Chí Thành có là tướng cũng sẽ bị bắt”. Kết quả là một tuần sau đó an ninh đã chấm dứt liên tục thẩm vấn Huệ Chi (8). Sự kiện vị thủ lĩnh Bauxite Việt Nam bị an ninh đàn áp và cuộc giải cứu ông thành công đã được tôi “vần hóa” trong “Việt Nam Bauxite diễn ca” (9), đăng trên mạng ngày 15/2/2010. Diễn ca có đoạn:

…13 tháng Một sớm ngày

Công an bịt ngõ, tủa vây quanh tường

Huệ Chi điềm tĩnh lạ thường

Chông gai vốn phủ con đường đấu tranh.

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời ổ cứng, tan tành sách hay.

Bay đâu! Thẩm vấn tức thời

Qua trưa cho tới tối thui thả về

Nhiều tuần cứ thế phải ghê!

Dè đâu lão Huệ chẳng nề đại lao

Khăng khăng “Bauxite” Cờ Đào

Dựng vì Tổ quốc – Nghiệp nào rạng hơn.

Tiến sĩ Vũ, luật hùng hồn

Giải nguy lão Huệ, công đồn An ninh.

Lường trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ máy an ninh của ông ta lần này sẽ trả thù tôi một cách khốc liệt, tôi đã kết thúc Diễn ca này bằng câu: “Tôi cũng tin rằng Việt Nam ta sẽ không thiếu người tiếp tục Diễn ca này nếu lúc đó tôi – Cù Huy Hà Vũ “Thà làm Quỷ Nước Nam” – có đi vắng!” Sự trả thù đê hèn này đã diễn ra 9 tháng sau đó, vào ngày 5/11/2010, khi công an bắt tôi để tiếp đó truy tố tôi về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Chỉ 5 ngày sau khi tôi bị tòa sơ thẩm – Tòa án nhân dân Hà Nội kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế, ngày 9/4/2011, Bauxite Việt Nam đã đưa ra “Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ” (10), kiến nghi này sau đó đã thu thập được 3000 chữ ký, tương đương với số lượng người ký “Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam”. Hơn thế nữa, trong suốt thời gian tôi bị cầm tù, Bauxite Việt Nam cũng như cá nhân Huệ Chi và Phạm Toàn đã liên tục đấu tranh cho sự tự do của tôi, đặc biệt khi tôi tiến hành các đợt tuyệt thực vào năm 2013. Trước đó, ngày 24/2/2012, Huệ Chi đã dẫn đầu một đoàn 20 người tháp tùng vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đến thăm tôi tại trại giam số 5 (11) ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Cho dù cuối cùng không gặp được Huệ Chi và những người ủng hộ tôi vì Giám thị trại giam Lường Văn Tuyến không cho, tôi vẫn rất phấn chấn và đặc biệt xúc động khi được vợ tôi thông báo mọi người vẫn nghiêm chỉnh đứng chờ ngoài cổng trại giam.

  D:\Pictures\HC đến K5 thăm CHHV 2.jpg

Ngày 6/4/2014, dưới sức ép đòi trả tự do cho tôi của dư luận trong nước mà Bauxite Việt Nam là đầu tàu và dư luận quốc tế cũng như của Chính phủ Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam đã phải trả tự do cho tôi và để tôi qua Mỹ. Ngày 18/5/2015 Huệ Chi đã bị công an không cho xuất cảnh sang Mỹ để thăm thân đồng thời thu hộ chiếu. Ngay lập tức, cùng với những tiếng nói phản đối khác, vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, đã viết bài “Quanh việc không cho GS Huệ Chi xuất cảnh” (12) khẳng định hành vi cấm đoán này của công an là vi Hiến và vì vậy phải bị hủy bỏ. Kết quả là sau đó Huệ Chi đã được tự do xuất cảnh sang Mỹ.

Đến đây, tôi xin mượn lời của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong thư ngày 3/7/2011 (13) gửi cho hai chú ruột tôi để làm bạn đọc rõ hơn nữa cái sự “kề vai sát cánh”, thậm chí là “sống chết có nhau” ấy giữa Giáo sư và tôi và cũng là giữa Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ và Bauxite Việt Nam.

“Thưa hai ông Cù Huy Thước và Cù Huy Chử,

Sự gắn bó giữa tôi và Cù Huy Hà Vũ tuy chưa lâu nhưng dựa trên một cơ sở vững chắc, ấy là truyền thống yêu nước của cha ông để lại. Mọi việc Vũ làm, những đơn thư Vũ gửi đi các nơi cũng như những bài Vũ viết, theo tôi trước sau đều xuất phát từ mục tiêu yêu nước ấy. Vì yêu nước mà phải chống lại những việc làm vô tình hay hữu ý để cho kẻ thù có lợi thế đặt chân lên những vùng hệ trọng của đất nước, khi lâm sự thì không kịp trở tay. Vì yêu nước mà phải kiên quyết chống những kẻ tham nhũng, thoái hóa mà lại có chức quyền, như những ung nhọt đang gặm nhấm sức mạnh của dân tộc, làm cho dân oan ngày càng đông mãi lên, giàu nghèo trong xã hội ngày càng phân hóa, mâu thuẫn xã hội có nguy cơ bùng phát, cuộc sống trên đất nước mất yên ổn, tệ nạn lan tràn. Cũng vì yêu nước mà phải tìm mọi cách hòa giải dân tộc bằng những việc làm chân thành, để khối đoàn kết dân tộc từ hơn 30 năm nay chưa hàn gắn được có điều kiện hàn gắn một cách cơ bản, trở thành một sức mạnh tinh thần khả dĩ đối phó hữu hiệu với âm mưu xâm lược của nước ngoài đang ngày càng gia tăng…”

Nhìn lại để bước tiếp

Xuất phát từ quyết liệt phản kháng quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên mà bành trướng phương Bắc này sử dụng để thực hiện mẹo “Mượn đường diệt Quắc”, Bauxite Việt Nam với sự hưởng ứng rầm rộ của mọi tầng lớp xã hội đủ lứa tuổi đã trở thành một diễn đàn, và hơn thế nữa, một phong trào xã hội dân sự có mục tiêu bao trùm là dân chủ hóa Việt Nam. Do đó, nhớ thuở “nằm gai nếm mật” cũng như điểm lại hành trình 10 năm của Bauxite Việt Nam cũng là nhằm phát triển hơn nữa phong trào xã hội dân sự có quy mô nhất nước này.

Hy vọng sau 10 năm nữa, khi kỷ niệm “Đệ Nhị thập Chu niên” của Bauxite Việt Nam, những người khởi xướng và đồng hành, trong đó có chúng tôi, Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ, có thể xoa tay mà rằng: “Nhiệm vụ đã hoàn thành!”

Hy vọng ấy chẳng khác nào một viên ngọc. Để nó tỏa sáng thì ta phải luôn trau chuốt nó, cho dù cuộc sống có bộn bề đến mấy. Để 10 năm sau mới giở ra thì e rằng ngọc không còn sắc. Thế nên, tôi xin chép ra đây bài thơ “Ngọc tặng”của Xuân Diệu, người bác ruột và là cha nuôi của tôi, với hàm ý rằng hy vọng chỉ có cơ sở vững chắc nếu ta thường xuyên nuôi dưỡng nó bằng những hành động thiết thực.

Ngọc tặng

Ngọc tuyệt vời anh trao cho em,

Mười năm em có giở ra xem?

Sắc trời hôm ấy, hoa hôm ấy,

Rừng mới tan sương, trúc rủ rèm.

Bên Quán Ông Già, ngọc gửi em

Mười năm em có giở ra xem?

Áo em xanh biếc, mây xanh biếc,

Tay đã chia rồi lại níu thêm.

Trong tim, trong mắt ngọc vô hình,

Hơn cả lưu li ngọc hữu hình.

Một ánh ngân dài hơn tiếng nói,

Muôn vàn im lặng ngọc làm thinh.

Từ em biên giới bặt mười năm,

Ngọc ấy thường anh vẫn giở thăm.

Đông lạnh ấp iu nhờ ngọc ấm,

Đêm đen, ngọc lại sáng như rằm.

Mười năm in mãi áo xanh em,

Nay gặp nhau trên mấy bậc thềm,

Ngọc Quán Ông Già, bên trúc rủ,

Mười năm em có giở ra xem?

Xuân Diệu

1960

Chú thích:

(1) Trong ký ức của GSTS Nguyễn Thế Hùng có những chỗ xuất nhập so với thực tế diễn biến nẩy sinh bản Kiến nghị cũng như ra đời trang blog và sau đó là trang web Bauxite Việt Nam, nhưng nói chung không lớn, và sẽ được kể lại trong một hồi ký về việc này – Chú thích thêm của NHC.

(2) Trăm Năm Huy Cận – VOA tiếng Việt, 31/5/2019

(3) Bauxite Việt Nam quyết sống!Bauxite Việt Nam, 11/01/2010

(4) Đoàn Bauxite Việt Nam đi cứu trợ bão lụt tại miền Trung cuối năm 2009 - Bauxite Việt Nam, 29/05/2019

(5) Luật sư Vũ: Việc lục soát nhà Giáo sư Chi là trái phép – VOA tiếng Việt, 13/01/2010

(6) Ký họa chân dung vị Giáo sư Bauxite Việt NamBauxite Việt Nam, 20/02/2010

(7) Ai gây chuyện với gia đình Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ? - Bauxite Việt Nam, 27/01/2010

(8) Thật ra người phụ trách việc thẩm vấn tôi (Nguyễn Huệ Chi) giai đoạn đầu này là Cục phó Cục điều tra Nguyễn Ngọc Phi, không biết cấp bậc tá hay tướng. Chính người này cùng với một người khác tôi không rõ tên, trực tiếp hỏi tôi trong buổi làm việc ngỡ là cuối cùng tại trụ sở số 1 ngõ 34 đường Âu Cơ vào ngày 20-1-2010. Không hiểu vì sao ông đã có một vài câu tỏ ra không chọn đúng đối tượng, hoặc cũng có thể do cách tư duy đơn giản của ông tưởng dưới mắt mình ai cũng như nhau cả, buộc tôi phải phản bác lại, tuy lời lẽ vẫn mềm mại mà không căng thẳng. Nhưng có vẻ lần đầu tiên bị một người lật ngược câu hỏi khiến ông mất bình tĩnh phải bỏ dở cuộc thẩm vấn, nên giai đoạn 1 lẽ ra đã kết thúc thì hôm sau bỗng dưng lại có xe đến đón, bắt tôi “tường trình lại” về hai bài của La Thành và Phạm Đình Trọng vốn đã thẩm đến ba bốn lần rồi. Bấy giờ cơn giận mới có dịp bốc lên, tôi đập bàn và bảo với người thẩm vấn (là một người tương đối trẻ, tính khí hòa nhã. Những anh em khác trẻ hơn cũng khá nhẹ nhàng, chịu trách nhiệm trông coi tôi nhưng chỉ chứng kiến chứ không thẩm vấn) rằng: Nếu cứ kéo cù nhầy việc hỏi đi hỏi lại một chuyện đã hỏi quá kỹ và các cậu cũng đã ghi chép hết phận sự, thì tôi không chịu được nữa. Lần này tôi phải sử dụng cái quyền gọi điện thoại mà từ đầu đến nay chưa sử dụng như đã hứa. Họ bảo tôi bác hãy cứ nghỉ ngơi uống nước cho nguôi nóng đã rồi lại gọi. Thế rồi sau khi vào phòng toilet chừng 15 phút, trở ra tôi bèn cầm lấy điện thoại cá nhân vẫn đặt giữa bàn lên, gọi cho Cù Huy Hà Vũ như Vũ đã kể, duy cũng chẳng phải là “thất thanh” gì, bởi khi Vũ đến gây tiếng ồn ngoài cổng thì anh em điều tra liền nhờ tôi giúp, tôi bào: “Các cậu phải xuống đối thoại với cậu ấy thôi, việc này là do ông Phi sinh ra. Mà nên nói một cách thật nhẹ nhàng với cậu ấy, cậu ấy nổi tiếng đốp chát các cậu biết rồi đấy”. Còn chuyện làm việc với tướng Nguyễn Chí Thành, Tổng cục phó Tổng cục An ninh thì thuộc giai đoạn hai, trong khoảng một tuần sau, ở địa điểm Bộ Công an thuộc phố Trần Bình Trọng, không phải địa điểm này nữa. Xin xem thêm Các bài viết ngắn của Phạm Toàn trong những ngày sóng gió trước bài này – Chú thích thêm của NHC.

(9) Việt Nam Bauxite diễn caDân luận, 24/02/2010

(10) Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà VũBauxite Việt Nam 16/04/2011

(11) Đi thăm Cù Huy Hà Vũ - Bauxite Việt Nam, 25/02/2012

(12) Quanh việc không cho GS Huệ Chi xuất cảnh – BBC, 29/52015

(13) Chùm thư trao đổi giữa GS Nguyễn Huệ Chi và những người chú ruột của TS Cù Huy Hà Vũ - Bauxite Việt Nam 07/07/2011

C.H.H.V.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn