Đặc san số 5 - Các bài viết ngắn của Phạm Toàn trong những ngày sóng gió

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Phạm Toàn.jpg

Đó là những ngày TBT Nguyễn Huệ Chi bị Đoàn điều tra Bộ Công an gồm 8 người đến khám nhà, gỡ ổ cứng máy tính và yêu cầu theo họ về đồn thẩm vấn (từ 13-1 đến 4-2-2010). Sau khi Phạm Toàn biết tin, lập tức chủ động nhận ngay việc đứng ra chèo chống thay bạn mình. Anh chị em BTV liền lo lập một trang blog mới để ông viết bài, hàng ngày đều đặn và đúng giờ gửi cho họ để post lên cho kịp. Nhờ đó in tức về chủ trang được loan tải rộng rãi và chóng vánh. Nhiều trang mạng như BBC, RFA gọi điện về phỏng vấn. Nhiều bạn bè đồng nghiệp gần xa cũng gửi bài về chia sẻ, như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Trọng Tạo, Hà Sĩ Phu, Trần Nhương, Lê Quốc Trinh, Hà Văn Thịnh, Hiền Chi…

Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại một số bài tiêu biểu của vị quyền TBT Phạm Toàn trong những ngày sóng gió ấy. Những bài viết chứa đựng không ít thông tin nóng hổi và mang nhiều tầng nghĩa. Thông tin với độc giả gần xa về một tai nạn không đáng có mà nhà mạng đang bất ngờ phải gánh chịu. Kín đáo động viên và nhắn nhủ bạn mình hãy vững chí khi một mình đối diện với những khuôn mặt không hề quen biết. Lại cũng bóng gió với những người và những nơi đang gây phiền phức cho bạn về những gì gọi là đường ngay lối thẳng trong hành xử mà họ cấn phải hiểu đâu là giới hạn đề đừng có vượt qua. Đằng sau tất cả, toát lên một nỗi thảng thốt, lo lắng vì bạn, cố gắng giảm khinh bằng tiếng cười hài hước nhưng đôi khi vẫn cứ vô thức lộ ra, của một tấm lòng đồng cam cộng khổ, muốn san sẻ ít nhiều cùng người đồng chí hướng.

13 bài tất cả. 

Bauxite Việt Nam

 

1. Ngày mai, thứ Năm họ vẫn mời Huệ Chi “làm việc”

Thư của nhà nghiên cứu Phạm Toàn cho biết tin về việc Công an tới khám nhà Giáo sư Huệ Chi và mời “làm việc”.

9 giờ sáng nay (giờ Paris), thứ Tư 13.1.2010, được tin Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba người khởi xướng bản kiến nghị về bauxite và chủ trương mạng Bauxite Việt Nam, bị công an tới khám nhà và tịch thu “ổ cứng” máy tính, chúng tôi đã gửi thư14/01/2010 điện tử cho nhà nghiên cứu Phạm Toàn (một trong ba người chủ xướng) để hỏi tin.

16g36 (giờ Paris, 22g36 giờ Hà Nội), chúng tôi nhận được thư trả lời của Phạm Toàn. Theo ý tác giả (xem cuối thư), chúng tôi đăng dưới đây toàn văn lá thư này để bạn bè trong nước và ngoài nước được thông báo chính xác (xem thêm: bản tin BBC, nối kết trong mục THẤY TRÊN MẠNG của Diễn Đàn).

Nguyễn Ngọc Giao

Anh Giao thân,

Xin phúc đáp thư hỏi tin tức của anh.

Sáng nay, tôi nhận được tin từ Phạm Xuân Nguyên rằng nhà anh Huệ Chi bị khám xét hồi 10 giờ 15, lúc tôi đang gặp mấy vị biên tập ở nhà xuất bản Phụ Nữ. Tôi thông báo ngay cho Anh em để cùng biết tin tức rành rọt hơn. Tiếc là tin tức rất khó lọt ra xa, vì theo PXN, ô tô bao vây quanh đường vào nhà HC (cần gì phải to đến thế nhỉ? thân hình HC bé nhỏ lắm mà !).

Đến khoảng 3g30 chiều, tôi được tường thuật cũng từ PXN là người ta chỉ đến nhà HC mượn ổ cứng máy tính thôi, nhưng vì HC không cho mượn, nên họ lấy trong túi ra tờ lệnh khám nhà viết sẵn. Tin cuối cùng tôi nghe được là: ổ cứng đã được đem đi, và người ta yêu cầu HC đúng 4 giờ chiều lên chỗ đó mà nhận lại.
Tôi liền lên xe taxi đến nhà HC, hy vọng gặp anh trở về cùng ổ cứng máy tính. Đến nơi, chỉ thấy chị Hưng (vợ anh HC) ra đón, nét mặt hoang mang mếu máo. Tôi vào nhà. Chị không dám nói to. Vẻ ngoài chị rất lo lắng, có lẽ vì những gì xảy ra ban sáng đều khó hiểu với chị. Chị có vẻ lo sợ người ta cài lại những con rệp. Chính vì thế mà tôi càng nói to: nếu có rệp thì cho họ cùng nghe cho họ hiểu sự đời. Tôi bảo chị Hưng: «Tôi ở đây với chị. Chẳng nhẽ tôi chỉ đến nhà chị khi có rượu và có thịt thôi à ? Anh Huệ Chi là bạn tôi, tôi có nhiệm vụ ở đây chờ tin tức của anh».

Chị Hưng đã dịu đi, và do có thêm người nhà cũng đỡ vắng vẻ nên chị cũng yên tâm hơn. Lúc đó đã là 4 giờ 30 sang 5 giờ, song Huệ Chi vẫn chưa về. Đến 6 giờ, có một anh CA mặc sắc phục dẫn hai phụ nữ trung niên đến. Có lẽ theo yêu cầu của Huệ Chi, họ cho hai chị này tới trông nom chị Hưng, vì chị ốm. Hai chị cho biết anh HC sẽ được ô tô chở về nhà vào hồi 10 giờ đêm.

Một chị ngồi dưới nhà đọc sách, một chị lên gác với chị Hưng, và do đó gặp tôi khi đó đang trả lời đài RFI. Chị này không tỏ vẻ gì khó chịu, mặc kệ tôi muốn trả lời ra sao cũng mặc, kể cả sau đó bè bạn gọi tới tôi trả lời ra sao cũng không can thiệp, chị ta chỉ ngồi hiền hòa trò chuyện với chị Hưng nhà anh Huệ Chi. Do đó, tôi cũng quay sang trò chuyện với chị, tôi dạy chị cách dạy con viết một đoạn văn ra sao, cách dạy người mới học máy tính ra sao, cả cách dạy người nhát tập bơi nữa…
Đến 9 giờ hơn thì anh Huệ Chi về nhà. Khi đó tôi đã về nhà tôi được chừng một tiếng đồng hồ. Huệ Chi gọi điện tới tôi ngay, cho biết là cuộc «trò chuyện» ở nơi giữ ổ cứng máy tính dễ chịu, lịch sự, «họ muốn biết mọi điều, nên HC cũng cho họ biết những gì họ cần biết».

Tóm tắt ý tứ của HC như sau: «Anh em trí thức có học nên hiểu rõ lich sử do đó rất lo lắng trước mưu đồ của “nước bạn”. Phong trào kiến nghị yêu cầu hoãn khai thác bô-xít thể hiện tâm tư nguyện vọng anh chị em trí thức. Chúng tôi không khởi xướng thì cũng có người khác khởi xướng. Vì mọi người đều có tinh thần yêu nước cả».

«Trang bô-xít không có tổ chức gì hết, không nhằm mục đích chống phá gì cả, mấy anh em rủ nhau làm thì chia nhau việc mà làm, cho trang Web sống. Thế thôi. Không có tổ chức, không có điều lệ, không có tôn chỉ, mục đích gì hết….
Ngày mai, thứ năm 14-1-2010, họ vẫn mời Huệ Chi làm việc. Làm việc đến bao giờ? Không biết.

Chúng tôi chưa nắm được bạn Thế Hùng ở Đà Nẵng ra sao. Ở Hà Nội, buổi sáng, một CA mặc sắc phục và một người cao lớn mặc thường phục đến nhà Toàn, chỉ gặp vợ Toàn, vì Toàn đã đi từ sớm tới một đám ma, sau đó lại đi làm mấy việc, chờ đến chiều thì dự giới thiệu sách về Tây Nguyên tại Trung tâm L’Espace. Mấy người đến thăm Toàn không có số điện thoại di động của Toàn, phải nhờ vợ Toàn cung cấp. Vợ Toàn không mời họ vào nhà, họ cũng không đòi vào, vẫn kiên nhẫn chờ vợ Toàn vào nhà mang số điện thoại ra. Họ gọi được cho Toàn và hẹn sẽ «làm việc sau»…

Đại khái tình hình đến bây giờ là như vậy.

Nhờ anh Giao và mạng Diễn đàn thông tin giúp tới các bạn bè khắp nơi.
Thân ái,

Phạm Toàn

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/ngay-mai-thu-nam-ho-van-moi-hue-chi-lam-viec/

2. Cái gì cũng phải học

15/01/2010

Phạm Toàn

Hay là chuyện ông tổng thống Sarkozy đi kiện.

Viết dựa theo nội dung bài báo trên tờ LE MONDE ngày 30.10.2008 của Yves Bordenave et Anne-Claire Poignard và những tham khảo xoay quanh bài báo đó.

……...
Hà Nội, 15-01-2010, hồi 14 giờ 48

Vào giờ này, Huệ Chi vẫn chưa về nhà.

P.T.
Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/cai-gi-cung-phai-hoc.html

3. Thư số 2 của Phạm Toàn – “Trẻ em đeo râu và cụ già”

Nhà giáo Phạm Toàn kể lại ngày “làm việc” (thứ Năm 14.1.2010) với Cục A25

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgqqSk9w7LfFM3e68Y-9__NYb_I040KUO3DeFtcJnI5e1JRQVKqEA0V2Kuis2MrUa11O6D3spXvYzj5pOID9H7a4R2BXKJ6IaG1Ir9A6oc_r4fcyQ4y_5RsKhKPeDdCvPdM1eTTdkzdu5M/s320/phamtoan11.jpg

Thân gửi anh Giao và các bạn,

Lá thư thứ 2 này của tôi gửi các bạn có nội dung nói về buổi làm việc với cơ quan An ninh ngày 14-01-2010. 7 giờ 45 sáng, điện thoại: CA khu vực gọi. Đó chính là người hôm qua đã gọi khi tôi không ở nhà. Tôi hẹn anh 8 giờ 30 sẽ gặp, vì tôi bận đi trả tiền Bưu điện. Anh đồng ý. Tôi giả vờ hỏi: “Anh sẽ đến vì việc gì?” thì anh lúng túng mãi không biết trả lời ra sao. Thế mới biết hỏi đã khó mà trả lời cũng chẳng mấy dễ dàng!

Đúng 8 giờ 30, những bốn anh vào nhà tôi. Một Trung tá cao 1 mét 78, đẹp trai ra phết. Hai anh mặc thường phục. Và anh Công an khu vực. Anh Công an khu vực vào đề để đưa tôi tờ giấy gọi đi “làm việc” ở A 25 của cơ quan An ninh quốc gia. Các anh yêu cầu đi ngay. Tôi hỏi “Đi đến tối có về chứ?” Mọi người cười không trả lời. Tôi bảo: “Để mình xin phép vợ đã”. Tôi vào phòng làm việc của vợ tôi, xin phép đàng hoàng. Và nói thêm bằng tiếng Anh “Không bị tù đâu”. Vợ tôi tán thêm “Chưa bị chứ không phải là không bị”. Các đồng chí Công an có mặt đều hiểu tiếng Anh nên đều cười.

Lên đến cơ quan A25 ở đường Âu Cơ thì làm việc với người khác, mới biết rằng ba bốn đồng chí lúc nãy chỉ có nhiệm vụ đưa mình đi đến nơi về đến chốn, thật quá cẩn thận! Ngày xưa, Cục 78 (cơ quan tương tự như A 25 bây giờ) gọi đi thì phải một mình lóc cóc đi, cho ăn kẹo cũng chẳng dám trốn. Bây giờ có đầy đủ phương tiện xe cộ đưa đón, và dư thừa cả người áp giải. Cũng hay!

Thư này nhắc lại mãi chuyện hỏi han về trang mạng Bauxite Việt Nam thì cũng ngán. Vì vậy, mình đổi đề tài, so sánh A25 với Cục 78 ngày xưa, cốt để các bạn trẻ (kể cả các bạn trẻ ở hai cơ quan đó) biết rõ đôi chút lịch sử, có khi cũng là điều hữu ích.

“Làm việc” với A 25 bây giờ so với Cục 78 ngày xưa, khác nhau một trời một vực. A 25 bây giờ chú trọng đến khả năng tạo thiện cảm, chú ý đến sự duyên dáng, cũng chú trọng phô trương tài năng nữa. Một đồng chí cấp trên khi làm việc, nói với tôi tỏ ý chê bai cách phát âm tiếng Anh của nhiều người biết tiếng Anh đương thời. Như thế chứng tỏ đồng chí đó ít ra cũng đi học nước ngoài về. Rõ rồi! Có rất nhiều trường hợp anh chị em “trong ngành” mang lai lịch dân sự để đi học. Phần nhiều là đi học Luật. Thế là rất hay. Một xã hội dân sự, pháp quyền, không thể để các đồng chí “trong ngành” lơ mơ về Luật. Tiện thể trau giồi tiếng Anh. Càng hay!

A25 bây giờ so với Cục 78 xưa còn hơn ở chỗ sang trọng, vệ sinh. Ngày xưa, nếu bị doạ “ở lại làm việc thêm”, thì sự hứa hẹn sang trọng nhất cũng chỉ là tấm ván làm cái gọi là giường cá nhân. Bây giờ, bên trong chỗ “làm việc” có hẳn chiếc giường có nệm đàng hoàng. Và vào sâu bên trong còn có cả toa lét, có bồn tắm, có chỗ đi “ấy” sáng bóng như ở nhà. Chút nữa quên, bên ngoài, phía trên giường còn có máy lạnh. Cũng chẳng đến nỗi nào nếu như được “thiên thu tại ngoại”!

*

Chỗ hơn hẳn của A25 so với Cục 78 ngày xưa không chỉ ở những vẻ ngoài. Còn ở cung cách “làm việc”. Hay nhất bây giờ là được phép tranh luận, A25 rất lắng nghe – dĩ nhiên khi tranh luận, không nên quá triệt để. Đương sự nên nhớ đến chuyện hai ông cháu đánh cờ, ông bị thua cầm bàn cờ nện cháu, một lúc thấy cháu khóc lâu quá, ông sốt ruột quát “còn khóc đến bao giờ nữa, không ra đánh ván nữa cho ông gỡ?”

Cục 78 ngày xưa chuyên trị cấm đoán, chẳng hiểu các đồng chí có tin rằng cấm đoán có hiệu quả thực sự chăng? Mình còn nhớ, hồi “Nghị quyết 9”, nhà văn XK và mình vẫn gặp nhau kể chuyện bị hỏi những gì cho nhau nghe, mặc dù bị cấm không được gặp nhau. Bây giờ, các đồng chí chỉ dặn “Hễ đài nước ngoài họ phỏng vấn thì bác nhớ trả lời thận trọng” . Thì vưỡn! Ai dại gì mà lại không thận trọng? Tổ quốc này là của chung, có của riêng ai mà không chịu gìn giữ cho cẩn thận? Mình phải biết chứng tỏ ít nhất mình cũng yêu nước bằng các đồng chí chứ?

Thật thú vị, khi mình đem chuyện cục 78 xưa kể cho các đồng chí A25 bây giờ nghe. Chuyện có thật của mình. Hồi Nghị quyết 9, mình còn bị hạch tội “sửa chữa đường lối” về giáo dục. Chỉ vì mình chủ trương phải dạy cho học sinh dân tộc thật giỏi tiếng phổ thông, sau đó các em sẽ quay lại củng cố và phát triển ngôn ngữ và văn học dân tộc trên cơ sở cao hơn là “bậc lớp 1”. Mình kể là đã bị đặt một câu hỏi rất vô lý như sau: “Ai khiến anh nghiên cứu chuyện đó kia chứ?” Và câu trả lời ngay khi đó cũng rất ngang: “Khi tôi mười bảy tuổi thì đồng bào dân tộc có hai cái bánh thì tôi được ăn một cái, nên mới sống đến bây giờ. Tôi thay mặt mọi người nghiên cứu đề tài đó để trả ân đó”. Mình kể xong, bây giờ A25 tỏ vẻ thông cảm: “Thời đó có những ấu trĩ như thế đấy”. Thật sướng! Nhưng khi mình hỏi tiếp “Thế bây giờ còn cái gì ấu trĩ?” thì đồng chí A25 chỉ mỉm cười tinh quái, và không nói gì…

Thôi, mình nêu ra đây mấy cái ấu trĩ để giúp đồng chí Huệ Chi và các đồng chí A25 cùng nhau suy nghĩ nhé. Huệ Chi gọi điện báo cho mình biết là phải ký xác nhận vào mấy cái tài liệu do Trung tướng Trần Độ viết, và hỏi mình “như thế có sao không nhỉ?”. Mình hỏi lại Huệ Chi: “Thế ông có nghe phổ biến ông Trần Độ bị kỷ luật bao giờ chưa? Thế ông có đem tài liệu Trần Độ đó phân phát cho mọi người không? Thế ông có bổ sung thêm đồng chí Trần Độ vào bộ Từ điển văn học do ông và mấy Giáo sư nữa cùng chủ biên? Hay là ông chỉ đọc Trần Độ xong rồi xếp xó?”. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Ông cứ trình bày đi, các đồng chí A 25 chắc chắn sẽ biết lắng nghe.

*

Mình nói với các bạn ở A25 rất chân tình rằng cuộc “làm việc” thoải mái, thú vị, thẳng thắn. Đó là nói thật lòng, không khách sáo. Cuộc sống thực đã trôi xa qua những khúc quanh ghềnh thác. Đó là điều không còn gì phải nghi ngờ.

Nhưng bây giờ trong lá thư này, xin các đồng chí A25 hiểu thêm một ý nghĩ khác nữa của mình. Ý nghĩ về một nỗi buồn. Vì sao mà buồn? Vì thấy cuộc sống có tiến lên, tiến lên rất nhanh và rất xa, nhưng hãy tỉnh táo mà nhìn quanh quất đi coi: người ta, nước họ, toàn bộ cái thể chế đang vận hành của họ, nếu xem đó như một cơ thể, thì đó là tấm thân của một ông già sáu mươi bẩy mươi lịch lãm, hãy đem so với tấm thân dân tộc mình, sẽ thấy hình như mình vẫn chỉ đâu đó quãng tuổi lên năm lên bảy.

Mình rất thích có một so sánh cho vui như thế này: đừng thấy trẻ em đeo râu vào và bảo đó là cụ già.

Đó là lời dặn dò của một đồng chí năm nay bảy mươi chín tuổi, tuy đã già rồi, nhưng cho đến giờ phút này vẫn thấy mình là kẻ tuyệt đối yêu đời và son trẻ. Mình thách ông nào dựa trên lời khuyên vừa rồi để ghép tội đấy. Tội gì? Mọi tội, kể cả tội nặng nhất, chẳng hạn tội diễn biến hoà bình, hoặc tội lật đổ chính quyền nhân dân.

Phạm Toàn

http://www.diendan.org/viet-nam/thu-so-2

Nguồn BVN: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/thu-so-2-cua-pham-toan-tre-em-eo-rau-va.html

4. Phe nước mắt

16/01/2010

Tản mạn của Phạm Toàn

………….

Hà Nội, 16 tháng 1-2010

Hôm nay, thứ Bảy, biết Huệ Chi có về sớm với vợ không?

Phạm Toàn

Chú thích:

Bài này chúng tôi nhận được từ sáng thứ bảy 16.1. Vì lí do kĩ thuật ngoài ý muốn, chúng tôi không thể lên khuôn ngay. Buổi chiều, lúc 13g (19g giờ Hà Nội), nhận được thư của tác giả: “Tôi vừa ở nhà Huệ Chi về. Bây giờ mới về đến nhà. Huệ Chi ngày mai xin được nghỉ làm việc một ngày chủ nhật. Moral vẫn cao ”.

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/phe-nuoc-mat.html

5. Chị Hưng vợ Huệ Chi

Phạm Toàn

Năm giờ chiều, tôi tới nhà Huệ Chi. Tôi định bụng hôm nay sẽ ở đây chờ cho tới khi Huệ Chi được trả về. Thế là bỗng dưng tôi có hơn ba tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với chị Hưng. Lâu nay, chị Hưng là con người nhẹ nhàng lặng lẽ sống bên cạnh một Huệ Chi sôi nổi. Và lâu nay, tôi vẫn định ninh chị là con người chỉ cần nhẹ nhàng lặng lẽ như vậy là đủ. Lâu nay tôi không nhìn thấy một sức sống khác trong người đàn bà vô cùng hiền dịu ấy.

Ngày thứ Bảy, 16 tháng 1 năm 2010, tôi dậy làm việc sớm hơn bình thường một chút, nghĩa là vào hồi 1 giờ sáng. Lý do thế này thôi: cuối tuần, có nhiều người hẹn đến chơi. Đến chơi thăm riêng tôi thì ít, mà cốt đến để hỏi thăm “sức khoẻ” Huệ Chi thì nhiều. Nhìn những người quen cũ dắt díu đến cho mình những người quen mới, tất cả đều trẻ trung và có học và có lý tưởng sống rất đàng hoàng, bỗng dưng lại nghĩ đến Gustave le Bon tác giả cuốn Tâm lý đám đông in ở cái nhà xuất bản trong mơ của đám trí thức gộc ở Hà Nội. Ai đó nếu chịu khó đọc cuốn sách đó hẳn sẽ hiểu ít nhất điều này: dư luận xã hội có giá trị gì trong đời sống một quốc gia.

Tôi bảo các cô các cậu ấy rằng, hôm nay Huệ Chi vẫn được mời đi “làm việc”. Và chắc là cũng như mấy hôm vừa qua, người ta vẫn cố ý kéo dài cuộc “làm việc” cho mãi tới lúc tối sầm tối sì. Một đòn tâm lý đấy thôi, sao cho ông đồ gàn cựu Trưởng ban Văn học Cổ Cận đại, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học ấy phải mệt mỏi tấm thân dẫn tới mệt mỏi tấm lòng. Sự mệt mỏi có dẫn đến những Sự Thật cần tìm kiếm không nhỉ? Sai lầm biết bao nhiêu khi nghĩ rằng tâm lý Huệ Chi cũng giống hệt như tâm lý kẻ thường phạm nửa đêm bị dựng dậy để yêu cầu trả lời thêm một chi tiết vô thưởng vô phạt nào đó. Liệu những đòn tâm lý thông thường đó đối với những đầu óc quen tự do và độc lập có dẫn tới Sự Thật không ? Sự Thật gì ? Sự Thật về những điều chỉ diễn ra trong đầu những kẻ mà nếu được tự do biểu đạt thì “cái lũ người xớ rớ” ấy sẽ tạo thành những think tank đủ sức tạo ra vô vàn giá trị cho đất nước.

Bây giờ tôi xin kể tiếp các bạn nghe về chị Hưng, phu nhân của Giáo sư Huệ Chi. Điều này có nguyên nhân : hôm nay là ngày thứ Bảy cuối tuần, ngày của nghỉ ngơi, ngày của sum họp. Trưa thứ Bảy, tôi gọi điện cho Phạm Xuân Nguyên, dặn “hôm nay Nguyên ở gần chạy qua chị Hưng một tý nhé”. Hóa ra là dặn dò cũng thừa : Nguyên đầu bạc đã ngồi ở nhà Huệ Chi, ăn trưa với chị và mở internet cho chị Hưng đọc những bài mới.

Năm giờ chiều, tôi tới nhà Huệ Chi. Tôi định bụng hôm nay sẽ ở đây chờ cho tới khi Huệ Chi được trả về. Thế là bỗng dưng tôi có hơn ba tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với chị Hưng. Lâu nay, chị Hưng là con người nhẹ nhàng lặng lẽ sống bên cạnh một Huệ Chi sôi nổi. Và lâu nay, tôi vẫn đinh ninh chị là con người chỉ cần nhẹ nhàng lặng lẽ như vậy là đủ. Lâu nay tôi không nhìn thấy một sức sống khác trong người đàn bà vô cùng hiền dịu ấy.

Tôi bắt đầu vỡ nhẽ khi chị kể con gái ở Mỹ gọi điện về hàng ngày. “Nó thương bố nó lắm anh ạ. Nó khóc suốt. Lần nào gọi điện về nó cũng khóc. Nó bảo: đất nước gì mà kỳ cục. Chưa có tội đã xông vào nhà người ta mà khám xét rồi lại mang tài sản của người ta đi nữa. Nó giục tôi: hàng ngày mẹ phải đi theo bố, ngồi bên cạnh bố ấy, xem họ hỏi bố những gì, hễ thấy huyết áp bố lên cao thì bắt họ dừng lại, không cho họ hỏi han gì nữa…”

Và chị Hưng bảo tôi, lần đầu tiên kể từ khi quen biết vợ chồng nhà này, tôi được nghe chị phân tích lối khái quát. Chị nói: “Người dân nào thì cũng suy nghĩ như cháu cả thôi. Người dân thì chỉ biết đến hạnh phúc của riêng mình, của gia đình mình, thế thôi…”. Chị kể về lý do tại sao lúc này con gái chị lại vẫn phải ở nước ngoài. Cháu theo chồng ra nước ngoài làm việc, nó thì vừa đi làm vừa chữa bệnh, một chứng bệnh nan y ở trong nước chẳng những không phát hiện ra mà có tìm ra thì cũng chẳng có cách chữa.

Tôi hỏi chị về cái bệnh đúng ra chỉ có thể gọi là một chứng đó, vì “bệnh” không do vi trùng hoặc vi khuẩn gây ra. Chị giảng giải cho tôi, đó là hội chứng có tên gọi Lupus ban đỏ. Hội chứng đó (LED, lupus érythémateux disséminé) hiện ra qua những vết phát ban màu đỏ trên cơ thể. Đó là một “bệnh” tự miễn dịch mãn tính.

Bằng một giọng hài hước, chị giảng giải tiếp: “Cái bệnh này kỳ cục lắm. Cơ thể mình có đủ hệ miễn dịch như mọi cơ quan đoàn thể khác. Thế nhưng cách làm việc của các cơ quan đó lại khác đời: nó không chống lại sự xâm nhập đích thực của vi trùng hoặc vi khuẩn từ bên ngoài vào. Cái gì xấu nhập từ ngoài vào thì nó để mặc, và khi đó nó lại ra tay chống lại các tế bào lành mạnh sẵn có trong cơ thể của ta”.

Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe chị nói như vui đùa: thế đấy, ông Huệ Chi có thể bị ghép tội, nhưng Vedan thì được khen”.

Chị lại cho tôi một con số đã sưu tầm được  “Anh biết không: chín mươi phần trăm người mắc chứng Lupus phát ban đỏ là đàn bà con gái.” Đến lúc này thì con người tầm thường hiếu thắng trong tôi không thể để mình chịu thua chị Hưng; tôi cũng chen vào một bình luận: “Thì ông Huệ Chi là đàn bà mà! Chẳng có thư đến tận nhà gửi Bà ấy sao?” (*).

Hai chúng tôi cười bò ra. Và tôi rất mừng khi thấy chị Hưng hôm nay hoàn toàn khác cái hôm mới bị khám nhà và lấy đi mất cái máy chủ. Tiếng cười của chúng tôi chỉ bị cắt ngang vì khách khứa. Học trò của Huệ Chi mấy Tiến sĩ cùng mấy đứa cháu kém dăm phút đầy một thạc sĩ hoặc một tiến sĩ vào buổi tối thứ Bảy thiêng liêng cùng kéo đến xem “bà ta” về chưa. Tám giờ mười lăm, chuông bấm ba tiếng, đó là tín hiệu “bà ta” gọi cửa. Cả nhà reo ầm ầm như có giặc tới và chuẩn bị hệ miễn dịch Lupus nghênh đón cho xứng với diễn biến của giặc.

Huệ Chi bước vào, đứng giữa nhà giơ hai tay lên trời thông báo, mặt hớn hở như cậu học trò lười: “Ngày mai được nghỉ!” Thì vưỡn! Ngày Chủ nhật là ngày nghỉ. Cái lệ thường đó của nhân loại chẳng dễ gì vi phạm đâu!

Hà Nội 17-01-2010

P.T.

Nguồn: bản do tác giả gửi. Bài này đồng thời sẽ được công bố trên địa chỉ tạm thời của mạng Bauxite Việt Nam: http://boxitvn.wordpress.com/

(*) Chú thích của Diễn Đàn: tháng 5-2009 trả lời bản Kiến nghị về bauxite do Nguyễn Huệ Chi và các bạn gửi Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã gửi thư về cho GS... Nguyễn Thị Huệ (địa chỉ thì đúng là địa chỉ của GS Nguyễn Huệ Chi)

phongbi

Nguồn: http://boxitvn.wordpress.com/

6. Khủng bố hay đi tìm Sự thật?

Posted by boxitvn trên 20/01/2010

Phạm Toàn

https://boxitvn.files.wordpress.com/2010/01/100111b.jpg?w=300&h=224

Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Cù Huy Hà Vũ trong đêm đầu năm mới 2010.

Từ hôm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị khám nhà mà không có lệnh khởi tố bị can, từ hôm đó đến nay, anh liên tiếp bị mời đi “làm việc”, và ngày nào cũng như ngày nào, anh chỉ được thả về nhà vào hồi 9 giờ đêm.

Về phía tôi, mặc dù rất khó chịu, nhưng phản ứng với cách “làm việc” như thế lâu nay vẫn rất là kiềm chế.

Không phải vì tôi sợ. Nhưng vì tôi không thích làm mếch lòng anh Huệ Chi. Anh và tôi là hai cá tính: tôi dễ nổi nóng, còn anh thì điềm đạm. Tôi hay đùa (một chọn lựa để khỏi phản ứng nổi nóng), hay bóng bẩy, hay dông dài, cả khi lý luận cũng có thể dông dài, còn anh thì thận trọng, rành mạch, chặt chẽ. Anh thường trách tôi vì những khác biệt như vậy.

Chẳng hạn, trong bài Chị Hưng vợ Huệ Chi, anh không bằng lòng khi ở cuối bài tôi viết… Huệ Chi bước vào, đứng giữa nhà giơ hai tay lên trời thông báo, mặt hớn hở như cậu học trò lười: “Ngày mai được nghỉ!” Thì vưỡn! Ngày Chủ nhật là ngày nghỉ. Cái lệ thường đó của nhân loại chẳng dễ gì vi phạm đâu! Anh nghiêm giọng bảo tôi qua điện thoại: “Viết thế là tếu, sai sự thật. Tôi phải trình bày là huyết áp tôi tăng rất cao, Chủ nhật tôi phải đi kiểm tra… Rất nghiêm trọng, nhưng anh lại mô tả mặt tôi hớn hở như cậu học trò lười. Bậy! Thế là bậy!”

Đây nữa là một cách dông dài, bóng bẩy nhưng rất có chủ đích của tôi. Như trong bài Phe nước mắt tôi cho đăng ngày 16 tháng 1-2010 trên trang blog boxitvn, cuối bài hết bài và nằm ngoài bài, tôi đánh dấu ngày viết bài bằng một ghi chú bâng quơ: Hôm nay, thứ Bảy, biết Huệ Chi có về sớm với vợ không? Ấy là vì tôi cứ muốn những người đang “làm việc” với Huệ Chi hãy tưởng tượng về những cảnh ngộ. Tôi hy vọng họ nghĩ đến hoàn cảnh hai vợ chồng già mà sự “âu yếm” nhau hàng ngày là giục nhau uống thuốc!

Nhưng người ta sẽ cãi: chúng tôi đang còn phải làm việc mà! Vâng, “làm việc”! Nếu biết chắc Huệ Chi là tội phạm, thì làm việc cách gì cũng được. Nhưng một khi Huệ Chi chưa bị gán tội với những bằng chứng không chối cãi được, thì một gợi ý lịch sự như vậy có làm lòng họ rung cảm?

Kinh nghiệm cho thấy là sự rung cảm là một khái niệm xa vời với nhiều người trên đời này! Vì thế, trong một bài khác, tôi đã phải nói thẳng. Sau khi kể chuyện sáng thứ Bảy 16 tháng 1 có những ai đến chơi gặp tôi nhưng cốt để “thăm hỏi” (chưa thăm nuôi) Huệ Chi, tôi đã viết thẳng thừng như sau:

Tôi bảo các cô các cậu ấy rằng, hôm nay Huệ Chi vẫn được mời đi “làm việc”. Và chắc là cũng như mấy hôm vừa qua, người ta vẫn cố ý kéo dài cuộc “làm việc” cho mãi tới lúc tối sầm tối sì. Một đòn tâm lý đấy thôi, sao cho ông đồ gàn cựu Trưởng ban Văn học Cổ Cận đại, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học ấy phải mệt mỏi tấm thân dẫn tới mệt mỏi tấm lòng. Sự mệt mỏi có dẫn đến những Sự Thật cần tìm kiếm không nhỉ? Sai lầm biết bao nhiêu khi nghĩ rằng tâm lý Huệ Chi cũng giống hệt như tâm lý kẻ thường phạm nửa đêm bị dựng dậy để yêu cầu trả lời thêm một chi tiết vô thưởng vô phạt nào đó. Liệu những đòn tâm lý thông thường đó đối với những đầu óc quen tự do và độc lập có dẫn tới Sự Thật không? Sự Thật gì? Sự Thật về những điều chỉ diễn ra trong đầu những kẻ mà nếu được tự do biểu đạt thì “cái lũ người xớ rớ” ấy sẽ tạo thành những think tank đủ sức tạo ra vô vàn giá trị cho đất nước.

Tiếc thay, văn chương hình như hoàn toàn vô tích sự trước sự vô cảm của con người. Và hôm nay, tôi buộc lòng phải nói thật: cái thói giữ người vô tội từ sáng sớm tới đêm khuya là một hình thức khủng bố chứ không phải một phương pháp đi tìm Sự Thật.

Với một công dân (tôi không nói đến một nhà khoa học), hoàn toàn có thể ngồi với nhau bên ly cà phê, thêm vài giọt cô-nhắc, và hai bên có thể trò chuyện để biết đâu là những cái cần biết. Người bị tìm hiểu cần biết rõ, nếu mình che giấu bất cứ điều gì đó mờ ám, tiên hậu bất nhất, thì đó sẽ là tự chống lại chính mình theo đúng như luật định. Còn người đi tìm hiểu thì chỉ cần thấy rõ một và chỉ một điều thôi: ấy là ít nhất mình cần phải thông minh ngang với đối tác.

Tôi xin lỗi anh Huệ Chi khi viết bài này mà không được anh biên tập và duyệt. Những ai thích lập công bằng bắt bớ xin ghi tên tôi vào bản danh sách tập trung đi. Tôi đang chán sống ở cái xã hội này rồi đây! Đến mau đi khi tôi chưa kịp đổi ý!

Nhưng trước đó, xin hãy cứ bỏ ngay đã cái thói làm việc lối khủng bố: giữ Huệ Chi dưới danh nghĩa “làm việc”, giữ một công dân không có tội, giữ mãi đến đêm rét mướt bụng đói huyết áp tăng mới được thả về nhà. Không quốc gia pháp quyền nào làm ăn như thế hết!

Hà Nội, 20-1-2010

P.T.

Nguồn: https://boxitvn.wordpress.com/2010/01/20/kh%E1%BB%A7ng-b%E1%BB%91-hay-di-tim-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt/

7. Thông Báo – GS Nguyễn Huệ Chi ngừng “làm việc”

Posted by boxitvn trên 22/01/2010

Thông báo

Cùng đông đảo bè bạn trang mạng Boxitvn và những ai quan tâm

https://boxitvn.files.wordpress.com/2010/01/gs-hue-chi.jpg?w=279&h=300

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã được ngừng “làm việc” kể từ khoảng 14 giờ hôm nay, thứ sáu, 22 tháng 01 năm 2010.

Giáo sư vừa về tới nhà và mới gọi điện thoại lúc 14 giờ 45 cho bè bạn để báo tin, và cốt lõi của “bản tin” nằm trong thông báo rằng sau nhiều ngày “làm việc” ông đã thừa nhận phạm hai lỗi nhỏ, một lỗi biên tập và một lỗi thủ tục.

Giáo sư nhắc lại với lòng thành tâm thực sự, và muốn rằng điều này cần được diễn đạt lại tương đối đầy đủ cho bà con bầu bạn:

“Một cậu “làm việc” với tôi (tức Huệ Chi) bảo tôi rằng “rồi bác sẽ nghĩ lại và thấy sự thành tâm của chúng cháu… Chúng cháu chỉ muốn bác được thảnh thơi, vì chúng cháu cũng thấy rõ tấm lòng thành của bác””.

Trong một ngày vui, trước một niềm vui, có những tâm trạng khác nhau, đó là điều bình thường. Nhưng chắc chắn có một tâm trạng chung mà mọi người chia sẻ theo nhiều cách khác nhau, đó là cách nhìn nhận rằng cuộc sống bao giờ cũng tốt đẹp.

Cái Tốt Đẹp không hiểu theo nghĩa một bức tranh hoàn thiện tĩnh tại, mà theo nghĩa của sự Triển Diễn không ngừng.

Trang Boxitvn mời các bạn hãy cùng vui với chị Huệ Chi và các cháu, với bè bạn khắp nơi, với những người quen biết và nhiều người sắp quen biết Giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

Xin cám ơn Trời Đất cùng Tổ Tiên vẫn còn dành cho chúng ta những giờ phút sung sướng như thế này.

Xin biết ơn.

Boxitvn

Nguồn: https://boxitvn.wordpress.com/2010/01/22/gs-nguyen-hue-chi-ngung-lam-viec/

8. Lá thư đầu tuần – Lời cảm ơn chung

Bauxite Việt Nam

Bạn đọc yêu quý, Cuối tuần trước, bạn đọc gửi nhiều thư về trang blog Boxitvn. Nội dung những lá thư này gần như giống nhau, bày tỏ vui mừng trước sự kiện Giáo sư Nguyễn Huệ Chi được “ngừng làm việc”.

Niềm vui thì giống nhau, nhưng cách biểu đạt niềm vui thật đa dạng! Có biểu đạt theo cách nói bi tráng đến những giọt nước mắt của con người từng vào sinh ra tử song không khi nào khóc. Có biểu đạt theo cách nói cười cợt của con người từng trải thích dùng cái đùa làm vũ khí. Trong các lá thư gửi về, tịnh không thấy cách biểu đạt hàm hồ dung tục.

Trang Boxitvn nhân lá thư đầu tuần này xin ngỏ lòng biết ơn tới tất cả các tác giả thành lời và những đồng tác giả lặng thầm của những lá thư chúng ta vừa nhắc đến.
Bạn đọc yêu quý,

Cuộc sống là một dòng chảy tuyến tính theo thời gian, đã một đi thì không bao giờ trở lại. Vì thế, chúng ta những con người có ý thức về bản thân mình và đất nước mình, chúng ta không thể dừng chân lâu để nhâm nhi chuyện đã qua. Nhà văn Nga tác giả “Chuyện thường ngày ở huyện” từng để cho nhân vật nói đại ý rằng “nếu sứ mệnh con người chỉ là nhìn ngắm quá khứ thì Chúa đã ban cho nó hai con mắt ở đằng sau gáy”! May sao, chúng ta đều có đủ hai con mắt hướng về phía trước!

Bạn đọc yêu quý biết rất rõ rằng tiền thân BoxitVN.info của trang blog Boxitvn này đang bận chữa bệnh và dưỡng bệnh. Và thứ hai 25 tháng 01-2010 này, người chịu trách nhiệm điều hành trang diễn đàn cởi mở và đầy trách nhiệm đó vẫn còn phải “làm việc lại”, có thể chính thức là buổi làm việc cuối cùng, và cũng có thể là… chưa biết đâu là chừng.

Boxitvn có trách nhiệm báo tới các bạn một tin này: tối qua, 24 tháng 01-2010, liên tiếp từ 20 giờ đến 21 giờ, một số anh em chúng tôi nhận được lời nhắn thông báo một tin tức thất thoát, “thông tin” này có thể chỉ là lời đồn nhảm và nó cũng có thể là sự thật, có liên quan đến thân thể và cả đến sinh mệnh chính trị Giáo sư Huệ Chi. Bản tin vỉa hè đó còn nói xưng xưng chuyện đó đang được bàn tính xem nên cho xảy ra trước Tết hay sau Tết.

Có thể gạt ngay cái chi tiết giật gân “trước Tết sau Têt”. Vì Giáo sư Huệ Chi là một nhà khoa học nhưng cũng là con người bình dị của xã hội, chưa đến nỗi để phải có sự tính toán chi li đến thế. Mà nếu vì lòng nhân đạo, định để sau Tết mới làm chuyện đó thì sao không để sau Tết mới khám nhà và lấy ổ cứng đi luôn thể?
Nhưng nay ta nên bàn thêm xem: có thể làm chuyện đó vì lý do gì? Nói cách khác, tức là có thể truy tố Huệ Chi về điều gì? Làm việc liên tục hơn một tuần, in từ ổ cứng ra gần ngàn trang bài vở, lục lọi sục sạo ngày đêm một cái ổ cứng hiện đại tầm cỡ Hán-Nôm, mà chẳng thấy thằng địch nào, chẳng thấy tên khủng bố nào, cũng chẳng thấy lời lẽ kêu gọi phản loạn nào, thế thì lấy đâu ra cái cớ cho chuyện đó chứ? Giáo sư Huệ Chi còn thông tin tới bà con về sự chân thành của cả hai phía; điều này đã được đưa ngay vào Thông báo, xin bà con mình đọc lại. Thông tin này đã tạo ra tâm trạng thanh thản được phản ánh hết sức chắt lọc qua mấy lá thư bạn đọc đã trích đăng. Vậy là tới đây và về chuyện này bà con mình cũng có thể yên lòng thở phào được rồi!

Và bà con mình hãy duy trì trang Blog trong khi chờ đợi dăm bảy bữa dưỡng bệnh cho lại sức, chúng ta sẽ lại gặp gỡ nhau hàng ngày trên trang oép thân yêu mang cái tên dài nhưng thật khó quên BoxitVN.info.

Sau cả một ngày Chủ nhật thư giãn, bắt đầu một tuần làm việc mới, xin chúc bạn đọc yêu quý luôn luôn giữ được tâm trạng vui tươi của những con người có tấm lòng trong sáng, có năng lực thực tiễn và tư duy hiện đại, những con người của sự nghiệp hiện đại hóa đất nước.

Chào thân ái,

Boxitvn

9. Ông Ninh và ông Nang

Posted by boxitvn trên 22/01/2010

Ông Ninh và ông Nang hay là Lời hứa hão của ông Phờ Tờ

Phạm Toàn

Ông Ninh và ông Nang thì bà con ta biết rồi. Đó là những nhân vật quen thuộc, vừa vô danh vừa hữu danh, ông Nỉnh ông Ninh, ông ra đầu đình lại gặp ông Nang, ông Nảng ông Nang, ông ra đầu làng lại gặp ông Ninh. Còn ông Phờ Tờ là như sau: tên gọi thân tình và châm chọc của giáo viên trường Thực nghiệm ở Hà Nội đặt cho tác giả bài viết này (mở ngoặc, do một cô giáo tuổi Ất Mùi rất có lý tưởng một hôm nào đó vào năm 1981-82 đã ngẫu hứng gọi ra: nom kìa, anh Phờ Tờ tung tăng thế kia, chắc hôm nay lại có sáng kiến gì đó…).

Phờ Tờ gợi ra hình ảnh một người lao động mệt nhoài nhưng vẫn vui tươi. Hôm nay Phờ Tờ tự phê bình với bà con độc giả trang Boxitvn: hôm thứ tư 20-1-2010, Phờ Tờ gửi thư cho nhiều bà con, nói rằng buổi “làm việc” ngày thứ Năm 21-1-2010 của giáo sư Huệ Chi sẽ là buổi làm việc cuối cùng, và như vậy thì ngày thứ Sáu kế tiếp sẽ là ngày tai qua nạn khỏi, có thể đun nồi nước tắm bằng lá thơm và mua vàng mã đốt vía tổng kết được đấy.

Rồi hóa ra vẫn chưa xong, bà con ta ạ! Vẫn còn ông Ninh ông Nang bà con ạ! Mặc dù chính Giáo sư Huệ Chi ngay trong buổi làm việc ngày thứ Năm cũng đinh ninh rằng sau buổi này thì còn gì nữa để mà “làm việc” tiếp?

Đúng thế: trong buổi làm việc này, Giáo sư đã viết một mạch bảy trang “tiểu luận” bênh vực sự đúng đắn của việc đã cho đăng trên trang Bauxite Việt Nam hai bài báo, một bài của nhà văn Phạm Đình Trọng và một bài của ông La Thành. Một sự hào hứng như thế nghĩ cũng phải thôi. Vì đó là hai bài báo rất hay (Nhìn chung, bài trên trang Bauxite Việt Nam thì chỉ từ cấp độ HAY trở lên thôi, nhưng hai bài này có thể xếp loại ĐẸP VÀ HAY). (Chú thích thêm lần nữa: hôm nào trang Bauxite Việt Nam tái xuất, xin đề nghị sếp Huệ Chi cho đăng lại hai bài đó để bà con xếp hạng lại cho thêm phần đồng thuận).

Và thế là, vào một ngày thứ Năm 21-1-2010 khi bầu trời Hà Nội quá mù ra mưa, buổi sáng hai bên “làm việc” theo lối tranh luận thêm về hai bài báo đó. Sau khi ngã ngũ rằng cách đánh giá bài thứ nhất của Nhà văn Phạm Đình Trọng cho thấy “hai bên làm việc đã hiểu nhau”, sau giấc ngủ trưa rất nhân đạo, cả buổi chiều Giáo sư Huệ Chi ngồi viết giải trình về bài của ông La Thành. Viết xong, các anh ấy đọc và chỉ giả vờ chê một điều lấy hên: “bài của bác có một câu sai ngữ pháp”.

Tóm tắt “luận văn giải trình” bảy trang (07 trang) chi chít toàn chữ quốc ngữ của Giáo sư Nho học như sau, xin kể lại y nguyên theo lời kể tối qua của Giáo sư cho bác Phờ Tờ nghe:

Điều giải trình thứ nhất là, bài viết của ông La Thành không thuộc loại bài do trang Bauxite Việt Nam tổ chức viết, mà chỉ là bài tham khảo lấy từ trang mạng khác qua. Điều đó có nghĩa là trang Bauxite Việt Nam không có quyền biên tập lại, chỉ có quyền đăng nguyên văn. Và điều đó cũng có nghĩa như sau nữa: khi đăng nguyên văn một bài từ trang mạng khác, thì phải chấp nhận cả những gì mình ưng (tạm gọi là ưu điểm) lẫn những gì mình chưa ưng (tạm gọi là khuyết điểm) của nó. Sở dĩ phải “tạm gọi” là ưu điểm hoặc khuyết điểm, vì có khi cái mình khen lại bị chê, cái mình chê lại được khen.

Điều giải trình thứ hai là, bài viết của ông La Thành có những ý gì được trang Bauxite Việt Nam coi là ưu điểm (hoặc đáng khen)? Bài đó nói được ba điều hay và mới như sau:

1./ Vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam là một phép thử, phép thử đối với tinh thần dân tộc của người Việt Nam, phép thử đối với năng lực gìn giữ nền độc lập của người Việt Nam, và cũng là phép thử cả năng lực lãnh đạo đất nước của người Việt Nam.

2./ Đừng ai nghĩ rằng nước Việt Nam nhỏ bé bên cạnh nước khổng lồ Trung Hoa thì sẽ có rất ít chọn lựa. Ông La Thành nêu rõ: Bắc Triều Tiên giữ được độc lập với Trung Hoa, các nước nhỏ bé vùng Baltic giữ được độc lập với Nga, nước Panama còn nhỏ hơn nữa mà vẫn giữ được độc lập với Hoa Kỳ. Người ta làm được thì mình cũng làm được. Đó chính là biểu hiện của phép thử vậy.

[Chú thích tại chỗ: Giáo sư Huệ Chi bận đi “làm việc” nên không cập nhật được chi tiết này trên làn sóng truyền hình: ngay lập tức sau khi biết tin động đất ở Haiti, nước Cuba bé nhỏ đã cử ngay bốn trăm (400) Bác sĩ qua làm công tác phẫu thuật cấp cứu nạn nhân; và chỉ từ hôm sau đó các Bác sĩ của những nước khác mới lục tục theo sau Cuba có mặt ở nơi xảy ra tai họa. Điều này không những mang ý nghĩa là Cuba giỏi về Y tế và tốt bụng trong tình láng giềng, mà còn có ý nghĩa khác liên quan đến cái phép thử mà chúng ta đang xét. Tác giả Phờ Tờ biết tin này do mở kênh Truyền hình Australia, nghe họ chê trách các kênh thông tin toàn thế giới không chịu tuyên dương Cuba đã đi đầu trong công cuộc cứu trợ này. Chẳng biết Cuba coi sự chê trách này là một lời tuyên dương tuyệt vời hay là một “thủ đoạn diễn biến hòa bình” từ cái xứ sở từng có những thanh niên nằm ngáng xe ô tô của ông Johnson để phản đối Chiến tranh Việt Nam?]

3./ Vấn đề khai thác bauxite cũng còn là một phép thử đối với người láng giềng mười sáu chữ vàng nữa. Rành rành là khai thác bauxite thì cả Việt Nam lẫn nước bạn cũng chưa có lợi gì về kinh tế. Vậy, sự cố (tôi định dùng chữ “cố đấm ăn xôi” nhưng kịp nén lại, dùng chữ khác) cố công cố sức khai thác bằng được tài nguyên trên một miền đất khác đất Trung Nguyên mênh mông có ý nghĩa gì đây? Câu hỏi này chỉ có thể dành cho những người quen nhăn nhó cười khi bắt tay nhau chặt chẽ, còn những lương dân chúng mình làm sao trả lời cho nổi?

Điều giải trình thứ ba là, như đã nói ở trên, do chỗ không biên tập cắt gọt nên bài của ông La Thành nhất định sẽ có một vài điểm “có thể gây ra sự hiểu khác đi của cơ quan an ninh và có thể bị “kẻ địch” lợi dung”. Tuy vậy, theo lời Giáo sư Huệ Chi, cho tới nay chúng tôi vẫn chưa thấy “kẻ địch” nào lợi dụng một vài điểm sơ suất rất nhỏ đó cả. Giáo sư Huệ Chi cũng viết thêm vào bản giải trình: so với việc một ông Tổng biên tập tờ báo Điện tử đã gọi quân đội Trung Hoa là “quân ta” và giúp họ gọi vùng biển Đông trong phạm vi lưỡi bò là “nước ta” [nước Tàu], thì khuyết điểm của người điều hành chính trang Bauxite Việt Nam chỉ là một con kiến so với một con voi.

Tác giả đã làm xong công việc kể hầu bà con chuyện gì xảy ra hôm nay liên quan đến Huệ Chi tức là liên quan đến trang mạng của chúng ta. Nghĩ rằng với bài viết này tới đây nên dừng là hợp nhẽ.

Trước khi đặt dấu chấm hết bài và “nộp mạng” tức là để “văng bài lên mạng”, xét tinh thần người viết và tự xét cả chất lượng bài viết, tác giả xin bạn đọc thấu tình tha cho cái tội hứa hão là hôm nay thứ sáu 22-1-2010 Huệ Chi không phải đi “làm việc” nữa. Gạt một bên chuyện lao động là vinh quang, một ông Giáo sư bỏ việc một ngày là mất toi bạc triệu của người ta, lại thêm cái khoản lo lắng phí của vợ con tính thành tiền là các cuộc gọi lê thê buổi tối từ miền Nam ra và từ Mỹ về, quả tình là có hơi bị đau!

Trong khi đó có nhiều người có thể được tăng lương và thăng chức vì những buổi làm việc lê thê làm mất mát cả vật chất và tinh thần Giáo sư Huệ Chi.

Cuộc đời này lắm lúc rõ là vớ vẩn hết chỗ nói.

Hà Nội, sáng rất sớm 22-1-2010

P.T.

Nguồn: https://boxitvn.wordpress.com/2010/01/22/ong-ninh-va-ong-nang/#more-465

10. Trang Bauxite Việt Nam – Hành động và suy nghĩ đúng bản chất sự vật!

Phạm Toàn

Mấy hôm nay, tình hình "lao động" của vị Giáo sư khả kính có vẻ hơi lờ phờ! Nếu chỉ xét bề ngoài – sáng làm việc từ 9 rưỡi, trưa ngủ dậy trễ, chiều mới ba giờ hơn bốn giờ kém đã "xe ta bon bon…" về với các cô gái Lam Hồng – thật khó có thể xếp lao động trung bình, nói gì đến tiền tiến, nói gì đến chiến sĩ thi đua! 

Đó là nói "nếu chỉ xét bề ngoài". Còn bên trong thì sao? Bên trong, tức là bản chất sự vật, có chuyện gì? Bên trong thì "thiên tướng" đấy, mặc dù chỉ có nhõn một chuyện: cùng đi tìm một phương thức đóng cửa trang Bauxite Việt Nam sao an toàn cho cả đôi bên.

Để khỏi mang tiếng hồ đồ hoặc hàm hồ hoặc "thiếu tính lý luận", ta cần đến công cụ phân tích. Thì ta cùng phân tích!

Vì sao và làm cách nào trang Bauxite Việt Nam ra đời được? Trong một vòng vây internet mà một con kiến cũng khó lọt, làm sao lọt ra nổi một "con" Bauxite? Thế mà nó ra lọt! Và nó sống khá hoành tráng từ tháng 4-2009 đến mãi cuối năm. Nó sống và đón khách thập phương đông ngùn ngụt mỗi ngày mỗi giờ, hoàn toàn công khai trước bàn dân thiên hạ.

Cũng hoàn toàn công khai là một cái gì đó nữa cũng rất mới mẻ mà dần dần cả hai bên đều nhận ra. Bên Bauxite thì hơi hốt hoảng nhận ra rằng có chăng mình hơi đi quá đà? Bên Phản Bauxite thì hốt hoảng thấy sự việc bắt đầu quá trớn. Cả hai phẩm chất mới mẻ đó, sự quá đà và tính quá trớn, đã được tôi phân tích rất khéo qua lời "tường trình" của người già mà rất ngây thơ, nhất hạng khi tôi so sánh giữa hai con số 78 và 25, xem số nào to hơn số nào, hoặc xem hai con số đó khác nhau ra sao.

Nhiều bạn gọi tới chê tôi dốt luật, phản đối chuyện tôi xin "các anh" góp ý, giúp đỡ, xem chúng tôi phạm quy chế ở chỗ nào. Lại còn nói đơn giản ấy mà! Bà con trách cái cách nói năng và suy nghĩ như vậy: sao lại có thể đơn giản ấy mà kia chứ!? Bà con thông cảm: cả cái mạch trò chuyện với nhau nó dẫn đến cách nói và nghĩ như thế: tôi có bảo "các anh" rằng: thì tháng nào các anh chẳng có hẳn hai người tới thăm sức khỏe Giáo sư, khi chai rượu khi gói chè, lại có khi biếu cả tập vé xem kịch ngồi ghế hạng loge Nhà hát lớn nữa chứ! Quan hệ như thế, sao chẳng góp ý cho người ta nhận ra vấn đề, mà lại phải dùng cách chơi rắn là khám nhà và tịch thu ổ cứng?

Trong bài viết về loài chim, tôi đã phân tích rồi: nếu đem ổ cứng đi, mà rồi in ra, mà rồi phân tích đến cùng kỳ kiệt, mà rồi bỗng dưng giống như Aristote miệng Eureka chân nhảy ra khỏi bồn tắm, thì đã chẳng có chuyện lao động lờ phờ như hai hôm nay. Chỉ cần nhặt được "một cái tóc" thôi, là sẽ có ngay giấy khởi tố ký sớm mấy ngày, lo gì việc ấy mà lo, kiến trong miệng chén có bò đi đâu?

Tuy nhiên, không có tội lớn, nhưng cũng nhặt được hai sợi tóc, tạm dùng để quy vào hai cái tội nho nhỏ: một tội không biên tập cắt bỏ câu trích dẫn từ một tài liệu của ông Trần Quang Cơ vẫn truyền tay khắp bàn dân thiên hạ, và một tội không thông báo cho cơ quan về việc dùng tên miền nước ngoài (mặc dù không có mẫu kê khai). Hai tội này nếu có, tiếc thay, lại chưa cấu thành tội cố tình hoặc vô tình bán nước, để có thể chịu phạt chừng ba chục triệu đồng!

Bây giờ, muốn tha tội, hoặc muốn ngừng làm việc, thì cũng phải có lý do trên giấy trắng mực đen, không thể lúi xùi. Muốn bắt ngừng trang Bauxite Việt Nam, thì cũng phải có lý lẽ đàng hoàng, không thể luộm thuộm gia đình chủ nghĩa.

Lời bình của người viết bài này: Hễ còn có cái thói tư duy phi pháp chế, thì còn gặp lúng túng dài dài. Sự vật nào thì cũng có hai "mặt", một cơ sở vật chất của nó, và một khía cạnh tinh thần của nó. Cơ sở vật chất của một sự vật là sự sống của chính sự vật ấy trong cách vận hành của chính nó: một cái Quốc hội chẳng hạn có sự sống của chính nó trong cách vận hành làm luật, và thanh sát để chỉnh đốn luật. Những hình thức cãi cọ trên nghị trường chỉ là cái vỏ ngoài của sự sống và cách vận hành của sự vật đó.

Có luật pháp rồi, vẫn chưa đủ bảo đảm để thành một sự vật có tên là "pháp chế" hoặc "pháp quyền". Sự sống của pháp chế và pháp quyền là ở hành động thượng tôn luật pháp của mọi công dân, làm bất kỳ điều gì cũng cứ đúng luật mà làm. Và muốn làm đúng luật, oái oăm thay, điều kiện cần thiết lại không phải là "có tinh thần" tôn trọng luật pháp (lâu nay vẫn quy cho dân trí hoặc quan trí), mà là phải có năng lực tôn trọng luật pháp. Nâng lên thành triết lý: phải có năng lực hành động và suy nghĩ đúng với bản chất sự vật. Trong vấn đề này, trách nhiệm công dân là ở cả hai phía: ở cơ quan thực thi pháp luật, và ở công dân. Hãy bỏ ngay cái cách suy nghĩ dân bao giờ cũng chưa biết gì. Cả Dân và Quan đều phải Học. Chấm hết.

Hà Nội, 27-01-2010

P.T.
Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/trang-bauxite-viet-nam-hanh-ong-va-suy.html

11. Trước 9 giờ và sau 9 giờ

Phạm Toàn

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgSrWNnKYvDtQZjBSyJMutKDaNJB6jRW40KrscXuCY70_3kwoVwQy0nOHZgE7Bzu2Wfb7dTjMifLkcj_oqgB_Fejz5R_9KdAkIdIx0aC1c-u-qyisBxrch0xILk7rPcaJZphVLEb9gs1hN0/s320/9gio-300x200.jpg

Hôm nay, 28 tháng 01 năm 2010, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi của chúng ta sẽ "làm việc" nốt một buổi cuối cùng, dứt khoát là cuối cùng đấy nhé, vì chiều hôm qua "các anh ấy" đã hẹn rồi, hẹn hò thân tình, lại còn pha trò cho thân tình thêm, để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ cuối cùng sẽ phải thân tình hơn nữa. Một đồng chí dặn dò Huệ Chi trong nụ cười: "Thôi bác về, chiều mai một giờ ta gặp nhau, sáng mai bác vui vẻ đi, nhưng vui vẻ ở chỗ nào đó không có bác gái ấy nha …".

Các đồng chí A B C bây giờ cũng vui tính thật đấy! Mà tôi đoán định cũng chẳng mấy sai. Cách nay chừng mươi hôm, tôi có bảo Huệ Chi rằng, "trong cái cơ quan to nhất cả nước này, thì bộ phận ấy có học hơn cả, và chắc chắn là nó trong sạch hơn nhiều bộ phận khác". Huệ Chi liền cố cãi, rất chi là cụ đồ Nho, "thì tôi bao giờ chẳng lịch sự hòa nhã với họ?" Thì vưỡn! Nào tôi có nói gì trách cứ ông!
Chỉ thấy tội nghiệp các đồng chí ấy, cứ phải hoạt động trong cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nhân có câu chuyện thời sự, kể lại một cảnh tiến thoái lưỡng nan mới xảy ra với các đồng chí khác sáng hôm qua 27 tháng 01 năm 2010 đã, thì sẽ hiểu các đồng chí này.

Sáng hôm qua, 9 giờ, mấy "đồng chí khác" hùng hùng hổ hổ kéo tới phá tường rào nhà Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Chủ tịch Phường dám gọi bà Dương Hà, vợ luật gia Hà Vũ là "mày", "Mày có mở cửa không? Mày có còn muốn làm luật nữa không hả?" Đó là hồi 9 giờ sáng. Liền đó là đập là phá là bày bẩn tanh bành vào ngôi nhà vốn là của hai nhà thơ cách nay gần thế kỷ vẫn tự ví tình bạn của họ như "con tàu say" của Verlaine và Rimbaud, và làm bẩn có bài bản theo đúng tinh thần một quan lệnh gọi tên là "cưỡng chế".

Ấy thế rồi, đến tối thì tình hình khác hẳn. Cứ như có phép lạ từ trên trời rơi xuống. Chỉ vì hồi chiều, lại đã có một đoàn công nhân tới "cưỡng chế" ngược: họ khênh đến một cái hàng rào đã hàn sẵn và sơn sẵn để lắp vào chỗ hồi 9 giờ sáng họ mới phá cái tường ngăn. Sau đó họ rút đi, và theo lời kể của Cù Huy Hà Vũ qua điện thoại, "bây giờ sạch sẽ quá đi, chúng nó dọn từng mẩu rác, nhà em có lẽ còn lâu mới phải quét sân quét vườn!" 

Những cảnh ngộ dở khóc dở cười như vậy trong một xã hội đều được gọi là hiện tượng tiến thoái lưỡng nan. Có điều là nguyên nhân của hiện tượng đó không dễ gì tìm ra. Nó đem lại vênh vang cho những người thừa hành tầm cỡ củ chuối như ông Chủ tịch phường loại Một của thủ đô bằng cái lệnh ban ra trước 9 giờ sáng ngỡ đâu có thể ăn sống nuốt tươi con người cương trực có tên Cù Huy Hà Vũ; và nó đem lại cảnh dở khóc dở cười cũng cho ông Chủ tịch phường đó khi lệnh ban ra sau 9 giờ lại biến sân vườn nhà Hà Vũ thành… cái vườn hoa bé bé xinh xinh theo hình ảnh cái vườn hoa to to nào đó (mặc cho nó có thể vắng vẻ… như nhà thờ bà Đanh!).

Chuyện với Giáo sư Huệ Chi cũng thế thôi. Cũng một phạm trù, may mà được thực thi bằng những con người kiểu khác. Thế thôi. Công việc ở cái bộ phận những con người "có học hơn cả" của tổng thể ấy, vì nó phải đương đầu với những bộ óc chứ không với những hành vi trong cơn say, mà cái bộ phận đó "chắc chắn là trong sạch hơn cả" cũng trong cái tổng thể ấy, vì nó không phải làm công việc bắn tốc độ hoặc khám những bàn tay bẩn của bọn móc túi ở bến xe. Và để mỗi lần có nổi một ý kiến "tham mưu" với những ai ra lệnh cho họ, thì đó là một lần họ phải vật vã vì những cái lập trường khác nhau như trước và sau thời khắc 9 giờ sáng (giờ Cù Huy Hà Vũ ngày 27 tháng 01 năm 2010).

Nhưng xin bạn đọc đừng vội lạc quan: một giờ chiều nay, chưa chắc đã xong xuôi mọi việc với Nguyễn Huệ Chi đâu đấy! Vì cái gốc của vấn đề đã xong đâu? Huệ Chi đại diện cho những người có học và yêu nước muốn đem lại hạnh phúc, phồn vinh và ổn định thực sự cho đất nước. Bắt họ ngừng thở sao được? Mà cũng không tìm đâu ra chứng cứ cho thấy thở là tội phạm. Một phía bên kia, tội nghiệp những con người thông thái và trong sạch, họ phải chịu áp lực của những mệnh lệnh trái chiều, trước và sau 9 giờ đã có thể khác nhau. Huệ Chi có thể thông cảm, nhưng chắc là không thỏa hiệp. Muốn xong xuôi hoàn toàn mọi sự, chỉ có một và một giải pháp, đó là hành xử theo quy chế và đạo đức của xã hội dân sự, đó là hành xử theo những quy định của một quốc gia pháp quyền.

Hãy nhìn quanh mà coi: còn ở nơi đâu như Hoa Kỳ trong cơn lúng túng tưởng chừng như sắp chết trong tiến thoái lưỡng nan như hồi một ông Tổng thống đẹp trai và đầy tài năng bị đem ra luận tội? Ấy thế nhưng, vì người ta có pháp chế đàng hoàng và thành nền nếp, nên việc nào đi việc nấy, Công an thì chỉ có việc tìm chứng cứ tội phạm mà kết tội, Tòa án thì cứ y theo chứng cứ mà xử, và bộ phận thứ Ba còn lại cứ mọi việc hàng ngày mà điều hành.

Sự ổn định của một đất nước không nhờ "bàn tay sắt" mà nhờ sự hoạt động nhịp nhàng của nền dân chủ. Không nơi nào Chính phủ bị lật đổ nhiều như ở nước Italia, nước Nhật Bản, nhưng thử xem nhân dân các nước đó có phải ngửa tay hành khất mẩu viện trợ không hoàn lại nào không? Và thử coi một vài quốc gia "ổn định" đến mọc rêu đâu đây, thử coi họ đã khiến cho dân nước họ xứng đáng là cái thân phận gì trong thế giới hiện đại này?

Một xã hội dân sự, một quốc gia pháp quyền sẽ giúp cho con người tránh được cảnh tiến thoái lưỡng nan khi trước 9 giờ sáng và sau 9 giờ sáng là hai chiến lược, là hai đường lối, là hai ý thích… và chẳng có một kẻ nào chịu trách nhiệm hết!
Bài đã dài, tôi phải chấm hết thôi, để còn ra nghe diễn văn đầu năm của ông Obama đây. Và sẽ ngồi nghe thêm cả cái phần ông tổng thống Obama buộc các ông Đảng Cộng hòa phải trả lời, rõ hay! (Lưu ý, đảng Cộng hòa Mỹ có biệt danh rất hoành tráng nhé: Đảng GOP, tức Great Old Party, dịch nịnh là Đảng Tuổi tác cao Công tích lớn). Để xem chàng trai Obama vần con voi Cộng hòa ra sao…
Hà Nội, 28-01-2010

P.T.

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/truoc-9-gio-va-sau-9-gio.html

https://boxitvn.wordpress.com/2010/01/30/tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-9-gi%E1%BB%9D-va-sau-9-gi%E1%BB%9D/

12. Thật thà như Huệ Chi

Phạm Toàn

D:\Pictures\HC 3.jpg

Trong ngành Từ nguyên học, người ta không chỉ nghiên cứu gốc của một từ, có khi còn nghiên cứu cả gốc của một ngữ. Gốc gác của “hiền như Bụt” hẳn là không khó nhận ra đối với người Việt. Còn “nóng như Trương Phi” hoặc “oan như Thị Kính” (hoặc có khi “oan như Thị Mầu”) hoặc “chết đứng như Từ Hải”… thì phải xem xét đôi ba điển cố mới nhận ra nghĩa gốc.

Hôm nay tôi phải ghi nhanh lại gốc gác của thành ngữ “thật thà như Huệ Chi”, kẻo vài ba trăm năm nữa chẳng ai còn nhớ, việc dùng nghĩa của ngữ đó sẽ hết ý vị. Thực ra, người đời vẫn truyền nhau và nói “thật thà như là Huệ Chi” hoặc nói “thật thà như bà Huệ Chi” đều không sai. Yếu tố “như là” Huệ Chi thì chẳng có gì rắc rối. Còn yếu tố “như bà” Huệ Chi thì chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google sẽ được đọc nguyên xi lá thư của Ủy ban Pháp luật một cơ quan cao nhất nào đó là sẽ rõ. Trong bài này, tôi chỉ kể lại nội dung của “thật thà như Huệ Chi” thôi. Thế cho gọn.

Trước hết, ta cần quay trở lại buổi tối hôm thứ Tư, 26 tháng 01 năm 2010. Buổi tối đó, Huệ Chi thông báo với vợ và bạn bè – giữa chừng có bị ngắt để thông báo cho con gái và con dâu – rằng “ngày mai sẽ là buổi làm việc cuối cùng”. Huệ Chi kể lại cho mọi người về thái độ của mấy người ở hai phía cùng làm việc với nhau – “mấy cái cậu đó thì khá, tương đối có hiểu biết”.

Bà con mình quen nghe chuyện kể, đến đoạn này hẳn là đoán được ngay là sắp có chuyện: “mấy cậu đó thì…” nghĩa là sẽ có cái gì đó chọi lại với mấy cậu đó.
Đúng thế, đó là ông thủ trưởng của “mấy cậu đó”. Huệ Chi kể lại và người hiền như ông Hán Nôm cũng bắt đầu nổi cáu. “Cái tay này thì khó chịu lắm”… Dĩ nhiên, bà con ta biết rồi, trong một cuộc “làm việc” như thế, sự khó chịu chỉ diễn ra bằng lời. Tôi xin cố gắng ghi lại những lời đối đáp, cố trung thành với lời kể của Huệ Chi, còn thì khó mà “trung thành” được với sự giận dữ của cái người “hiền như bà Huệ Chi” đó.

– … Chúng tôi biết bác là thuộc gia đình có truyền thống yêu nước… Cụ nội của bác mở Trường Dục Thanh, có thày giáo Nguyễn Tất Thành… ông nội… thân sinh Nguyễn Đổng Chi … bản thân…

– … [không nói gì]

– Qua các buổi làm việc, ngay từ đầu, chúng tôi công nhận bác có thái độ hợp tác rất tốt. Có điều là, bác vẫn chưa phát biểu ý kiến chủ quan…

– Ý kiến chủ quan?

– Vâng, ý kiến chủ quan…

– Ý kiến chủ quan là cái gì?

– Là… tôi lấy một thí dụ… như Lê Công Định nói được ý kiến chủ quan thì chỉ 5 năm thôi, còn Trần Huỳnh Duy Thức không chịu nói ý kiến chủ quan thì 16 năm…
– [chỉ tay vào mặt người đối thoai] Tôi nói cho anh biết nhé, anh im ngay đi nghe chưa… Sao anh lại ví tôi với các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức? Họ khác tôi, tôi khác họ, anh biết chưa?

– [một cấp dưới can thiệp]… Xin có ý kiến với bác… Ý của thủ trưởng chúng cháu là thế này ạ…

– Còn ý tứ gì nữa? Anh ta vừa đem Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức ra làm gương cho tôi. Định gợi ý cho tôi xin khoan hồng à? Cái cách nói vòng vèo “ý kiến chủ quan” có nghĩa là xin khoan hồng à? Tôi làm gì mà phải xin khoan hồng? Mà nói cho rõ nhé: có tội chăng nữa, thì tôi cũng không chịu xin khoan hồng, nghe rõ chưa?

Phải chăng vì có cuộc xô xát bằng lời đó, mà một đồng chí trẻ tuổi đã phải làm dịu đi bằng cách dặn dò Huệ Chi trong nụ cười: “Thôi bác về, chiều mai một giờ ta gặp nhau, sáng mai bác vui vẻ đi, nhưng vui vẻ ở chỗ nào đó không có bác gái ấy nha…” (như đã tường thuật trong bài “Trước 9 giờ và sau 9 giờ” của cùng tác giả).
Dẫu sao thì bà con cũng đinh ninh ngày mai thế là xong việc. Riêng tôi, người viết bài này và bài “Trước 9 giờ và sau 9 giờ”, tôi đã nhận định ngay từ trước khi xảy ra vụ việc. Tôi viết, xin trích nguyên văn: “Nhưng xin bạn đọc đừng vội lạc quan: một giờ chiều nay, chưa chắc đã xong xuôi mọi việc với Nguyễn Huệ Chi đâu đấy! Vì cái gốc của vấn đề đã xong đâu? Huệ Chi đại diện cho những người có học và yêu nước muốn đem lại hạnh phúc, phồn vinh và ổn định thực sự cho đất nước. Bắt họ ngừng thở sao được? Mà cũng không tìm đâu ra chứng cứ cho thấy thở là tội phạm… ”

Chẳng có chút thuyết phục gì cả, chẳng có lý do gì hết, ông thủ trưởng bỗng như là ngẫu hứng tùy nghi sử dụng thời giờ và sức khỏe của người khác, ông lại cù cưa yêu cầu Nguyễn Huệ Chi ngồi viết lần nữa bản giải trình về một chuyện cỏn con nào đó. Coi thường người ngồi trước mặt mình đến thế là cùng! Nhưng đến đây mới bộc lộ hết chất thật thà của Huệ Chi. Anh kể lại với mọi người, và chắc là anh không để ý thấy tôi tủm tỉm cười: “Lúc ấy mình buồn đi đái quá, mình đòi đi đái cái đã, sau đó trở lại thì mình đập bàn cái rầm…”

Nếu nhà có con trẻ đang tập nói, các cháu sẽ bảo “buồn tười!”. Về cái tật đó của Huệ Chi thì ngay từ tháng 4-2009 trong bài tường thuật đầu tiên “Thong thả sáng chủ nhật” tôi đã kể rồi. Giáo sư của chúng ta có cái thói quen mỗi ngày uống 5 lít nước, và thải ra cũng ngần ấy. Đó là thói quen có từ thời bạn Khổng Tử, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người nước Lỗ bên Tàu, khác nhau ở chỗ ngày xưa không dùng La Vie như ngày nay, chỉ dùng cái bát ngô vục nước suối hoặc nước mưa mà uống, thế thôi.

Sau đó, sau đó… còn một vài tình tiết gay cấn nổ ra trước khi đi đến quyết định ngừng làm việc hẳn không viết lách gì thêm nữa…

Nhưng xin bạn đọc cho phép tôi, người viết bản tường thuật này, được giữ riêng các chi tiết đó, khi khác sẽ công bố chung với những tình tiết khác nữa.
Bài này dài rồi, không nên lạm dụng tình cảm bà con mình. Vả chẳng có kéo dài nữa thì cũng mất thêm công gõ gõ, để mặc sức cho bà con tưởng tượng có khi mình còn thu lời hơn nhiều. Nói thật đấy!

Hà Nội, ngày 29-01-2010

P.T.

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/tam-ly-khong-bi-trung-phat.html#more

https://boxitvn.wordpress.com/2010/01/30/th%E1%BA%ADt-tha-nh%C6%B0-hu%E1%BB%87-chi/

13. Tâm lý không bị trừng phạt

Phạm Toàn

Ngày thứ sáu, 29 tháng 01 năm 2010, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận được một cú điện thoại của “người quen”, tức là những người “cùng làm việc” hơn chục ngày vừa rồi. Nội dung: hỏi xem ngày mai “Bác” có thể làm việc không? Cái “ngày mai” nói đến ở đây không phải cái hạng ngày mai thơ mộng kiểu “ngày mai tươi sáng”, “ngày mai thanh xuân của nhân loại”, mà là cái ngày mai cụ thể, Ngày Thứ Bảy, cái ngày cùng với ngày Chủ Nhật được cả nước đang buộc phải sính tiếng Anh gọi là “Uých-Ken”.

Giáo sư Huệ Chi gọi ngay cho tôi, và nói thêm: “Thật vô cùng khó chịu, huyết áp lại lên đây này!” “Thế ông trả lời sao?” Tôi bảo họ: “Các cậu định khủng bố và bức cung mình đấy à?” “Thế họ trả lời ông ra sao?” “Họ cười: chúng cháu muốn làm với bác cho nhanh cho gọn thôi mà” (!?).

Sẽ còn phải suy nghĩ thêm để đặt một tên gọi chân xác cho những cách làm việc như vậy. Trong lúc chờ đợi, để giúp cho việc đặt tên được thuận tiện, ta thử điểm qua xem cái lề lối làm việc đó gây ra những điều vô cùng khó chịu gì cho các công dân.

Một ông giáo về hưu, từng có chức vụ cao ở một địa phương danh tiếng kia, chuẩn bị đi Hoa Kỳ thăm bạn bè, họ hàng. Đến sân bay, ông bị giữ lại “vì lý do an ninh”. Tấm vé khứ hồi giá cả ngàn đô-la Mỹ thế là tiêu vong. Món tiền thiệt hại đó ai trả?

Một cô giáo sinh năm 1982 có luận án Thạc sĩ về thơ Hoàng Cầm chuẩn bị đi du lịch Thái Lan, đồng thời nắm lấy một cơ hội được phỏng vấn để kiếm việc làm. Khi đến sân bay, cô cũng bị giữ lại “vì lý do an ninh”. Khác với ông Giáo sư về hưu, cô giáo trẻ tiếc tiền đã hỏi thẳng “Các anh có trả lại tiền vé máy bay cho tôi không?” “Có trả nhưng trừ mười phần trăm”.

Lời đáp lại trâng tráo thế thôi, thực ra thì sau nhiều tháng nền an ninh của đất nước không có gì suy suyển, hai nhà giáo một già một trẻ kia bỗng thấy mình mất toi tiền mua hai tấm vé – có nên coi hai người đó đã hy sinh tiền riêng của mình cho nền an ninh chung?

Chuyện tiếp theo về vị Giáo sư về hưu thì do xa xôi cách trở nên tôi không theo dõi được, nên cũng không rõ lắm. Còn chuyện tiếp theo với cô Thạc sĩ thì tôi có được biết thêm một vài tình tiết do được cô “báo cáo tường tận” mỗi khi muốn xả nỗi bực dọc vào các buổi cô tới học nghề biên tập để kiếm việc làm trong ngạch biên tập xuất bản.

–       Thầy lý giải cho em: tại sao thỉnh thoảng vào mười giờ đêm bọn họ lại gọi điện cho em, rủ em đi uống cà phê? Không gọi một lần đâu, mà gọi đi gọi lại nhiều lần ấy! Gọi đến độ làm em mất ngủ ấy, vì sau đó cứ thấy hốt hoảng, cứ cảm thấy như họ đang đứng ở ngay đầu giường mình!

–       Rất nhiều hôm, vào quãng chín mười giờ sáng, bọn họ cũng gọi cho em, họ rủ em đi câu cá cho đỡ căng thẳng. Họ gây căng thẳng cho em, rồi họ gợi ý cho em xả căng thẳng, vậy là thế nào? Mà lại rủ đi câu cá vào cái giờ em phải làm việc để kiếm sống!

–       Có buổi “làm việc” về, khi chia tay, bọn họ dặn dò em thế này: “Em cần bất cứ điều gì, cứ gọi cho các anh, đừng ngại, bọn anh có thể giúp em, kể cả những việc thầm kín nhất của em bọn anh cũng đủ sức chiều em, thỏa mãn em thì thôi”.
Quá tam ba bận, kể ra ba thí dụ là tạm đủ, vả chăng tôi thực lòng không muốn làm phiền bà con thêm vì vô số những tình tiết khác nữa được trực tiếp nghe cô giáo kể.

Ta phải đặt ra câu hỏi: vì sao những người ấy lại có cái tâm lý không bị trừng phạt khi hành xử như vậy? Vô cớ lấy vé máy bay và hủy chuyến bay của người ta, không phải đền bù gì cả! Nửa đêm, gọi rủ người con gái chưa chồng, “có khi buổi tối em còn bị hai anh ép hai bên, lôi em ra tận quán cà phê, thầy ạ” (thói quen quan sát tinh tế nhắc tôi rằng tuy uất ức đấy, song cô giáo vẫn gọi “hai anh”), hành xử không nằm trong quy chế nào cả! Và mới đây nhất, vô cớ đến “mượn” ổ cứng máy tính của người ta mang đi, vô cớ in ra và hạch người ta bằng đủ thứ câu hỏi cùng những bài thuyết giảng đạo đức thật giả lẫn lộn, chẳng ra làm sao cả!

Vâng, xin nhắc lại câu hỏi: do đâu mà bọn họ có cái tâm lý không bị trừng phạt đó? Câu trả lời xin dành cho những ai quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền, điều kiện cơ bản để an ninh nước nhà không bị xâm phạm ngay từ bên trong.

Hà Nội , 30-1-2010

P.T.

Nguồn: https://boxitvn.blogspot.com/2010/01/tam-ly-khong-bi-trung-phat.html#more

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn