Chiến tranh pháp lí, tranh chấp tài nguyên và luật biển của Trung Quốc

Douglas Guilfoyle, UNSW Canberra

East Asia Forum (11/9/2019)

(Bản dịch đã đăng trên TT cuối tuần 14/9/19)

Trung Quốc đang yêu sách với nhiều tai tiếng các quyền riêng biệt trên biển ở biển Đông bên trong ’đường 9 đoạn’ trên bản đồ chính thức của Trung Quốc. Nguồn gốc chính xác của đường này vẫn còn mờ mịt. ‘Đường 9 đoạn’ không hề xuất hiện trên bản đồ chính phủ trước năm 1947 hoặc trong các bản đồ tư nhân trước năm 1933. Cho tới năm 2013, các học giả hàng đầu của Trung Quốc đã thừa nhận rằng Trung Quốc chưa bao giờ nói rõ ý nghĩa pháp lí của đường này.

Các tàu đánh cá rời cảng đi đánh cá lại sau ba tháng cấm đánh bắt cá ở thành phố cảng Phòng Thành, khu tự trị Quảng Tây phía nam Trung Quốc, ngày 16 tháng 8 năm 2019 (Ảnh: Reuters)

Những tuyên bố gần đây của Trung Quốc đối với quyền tài phán độc quyền đối với các nguồn tài nguyên nằm bên trong đường đó đã làm tăng căng thẳng không những về dầu mà còn về nguồn thuỷ sản bị khai thác quá mức và đang suy giảm ‘nền tảng cho an ninh lương thực của cư dân ven biển có số lượng hàng trăm triệu người’. Nhưng lập luận pháp lý của Trung Quốc về biển Đông cần được nhìn trong cả bối cảnh lịch sử lẫn dưới ánh sáng của chủ thuyết chiến tranh thông tin của Trung Quốc.

Luật pháp đóng một vai trò quan trọng trong tranh chấp về đường 9 đoạn vì đường này lấn sâu vào những khu vực mà các quốc gia ven biển khác trong đó có Việt Nam và Philippines coi là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí (EEZ) của họ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều mỉa mai là trong các cuộc đàm phán dài hơi dẫn đến UNCLOS, Trung Quốc là nước ủng hộ chính cho khái niệm EEZ, khi chính họ liên kết với các nước đang phát triển chống lại Nga và Hoa Kì.

Rất có ích khi xét lại các vấn đề vốn là mối quan tâm cơ bản của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán UNCLOS. Những vấn đề này đã được lưu giữ lại trong các văn bản diễn giải của Trung Quốc nộp cho Ủy ban đáy biển của Liên Hiệp Quốc vào đầu những năm 1970 và trong các phát biểu mà Trung Quốc đưa ra trong quá trình đàm phán.

Trung Quốc bảo vệ cho năm quan điểm chính. Một là không có chiều rộng tối đa cố định cho lãnh hải – kích cỡ lãnh thổ biển của một quốc gia là một quyết định có tính chủ quyền phải được hình thành bởi nhu cầu kinh tế và an ninh. Hai là tàu chiến không có quyền tự động đi qua vô hại xuyên qua lãnh hải và eo biển. Ba là eo biển Quỳnh Châu và vịnh Bột Hải rộng lớn của Trung Quốc có trạng thái (status) đặc biệt là ‘nội thuỷ’. Bốn là ranh giới biển phải được giải quyết chỉ bằng tham vấn và UNCLOS không nên đưa ra quy định nào cho việc giải quyết bằng luật pháp các tranh chấp đó. Năm là một quốc gia lục địa có chủ quyền đối với một quần đảo xa bờ có thể vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo đó và dùng nó để tính lãnh hải.

Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc yêu sách một cách rõ ràng trạng thái đặc biệt cho một số vùng biển nhưng họ chưa từng làm điều như vậy đối với biển Đông. Trung Quốc vẫn luôn giữ yêu sách đối với eo biển Quỳnh Châu và vịnh Bột Hải trong suốt các cuộc đàm phán, cùng với lập trường về tàu chiến và việc đi qua vô hại. Nhưng Bắc Kinh đã từ bỏ lập trường về chiều rộng của lãnh hải và về ‘quần đảo xa bờ’. Ghi nhận lịch sử này cho thấy rằng việc Trung Quốc gần đây tự cho mình được có ‘quyền lịch sử đặc biệt’ bên trong đường 9 đoạn là sản phẩm của một yêu sách pháp lí rất mới.

Một cú đấm mạnh bạo vào lập trường của Trung Quốc ủng hộ cho các quốc gia ven biển được hưởng EEZ ‘bình thường’ của họ xảy ra vụ trọng tài Philippines kiện Trung Quốc. Kể từ đó, chính phủ Trung Quốc đã quay trở lại phiên bản về lập luận ‘quần đảo xa bờ’ mà họ từ bỏ trước đây trong các cuộc đàm phán UNCLOS, một lập luận được Hội Luật Quốc tế Trung Quốc hồi sinh trong bài ‘nghiên cứu có phê phán’ về phán quyết của trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc khẳng định rằng họ có thể gom nhiều thể địa lí biển khác nhau nhập thành ‘quần đảo, bao chúng trong đường cơ sở thẳng và từ đó phóng ra EEZ.

Lập luận này vừa xét lại về mặt lịch sử vừa không thuyết phục về mặt pháp lí. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra các yêu sách EEZ, việc mô tả lại các thể địa lí biển nào đó như là đảo hoặc quần đảo lại cho phép Trung Quốc khẳng định các tàu chiến Mĩ bị hạn chế trong việc đi lại gần các thể địa lí biển đó. Hoa Kì vẫn luôn cho rằng các thể địa lí biển như vậy không có khả năng tạo ra lãnh hải và rằng họ đang thực hiện quyền tự do đi lại áp dụng trong EEZ hoặc trên vùng biển khơi (quốc tế). Nhưng tại sao Trung Quốc lại bận tâm đưa ra những lập luận như vậy?

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiểu rõ sức mạnh của luật pháp. ‘Tam chiến pháp’ (thuyết ‘ba cuộc chiến’) của họ vạch một bộ ba phương pháp phi động lực để đạt được các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc: chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lí và chiến tranh pháp lí. Trong số này, chức năng của chiến tranh pháp lí ('đấu luật') được Livermore giải thích như là 'tận dụng các chế độ và quy trình pháp lí hiện có để hạn chế hành vi của đối thủ, tranh cãi các điều kiện bất lợi, làm mơ hồ án lệ và tối đa hóa lợi thế trong các tình huống liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc'.

Chức năng của ba cuộc chiến này là tăng cường tính chính đáng cả bên trong lẫn bên ngoài ĐCSTQ. Tranh cãi về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông tự nó được xem như là nổ lực làm suy yếu tính chính đáng của ĐCSTQ. Nhận thức lập luận pháp lí đưa ra chống lại họ như một dạng xung đột chiến lược, ĐCSTQ tự coi mình như bị bao vây bởi các mối đe dọa bên trong và bên ngoài.

Hi vọng rằng Trung Quốc trong tư cách là một cường quốc biển đang trỗi dậy sẽ được kéo gần về vị thế pháp lí của các cường quốc hải quân truyền thống hơn, đã không đến được. Các học giả về luật quốc tế và quan hệ quốc tế cần nhận thức rõ rằng các lập luận pháp lí của Trung Quốc trong lĩnh vực biển, dù là cơ hội, không phải là không có nguồn gốc lịch sử trong tư duy pháp lí của Trung Quốc. Trung Quốc cũng hiểu rằng để hưởng lấy và khai thác những gì đạt được bằng vũ lực đòi hỏi phải có sự củng cố qua luật pháp. Tranh luận các yêu sách biển là một cuộc chiến tranh pháp lí được thực hiện trong lĩnh vực ý tưởng. Luật pháp Trung Quốc không chỉ đơn giản là tô vẽ cho việc ‘chiếm đoạt đất’ biển. Chính nó là một phần của việc chiếm đoạt đất.

D.G.

----

Douglas Guilfoyle là Phó Giáo sư Luật Quốc tế và An ninh tại Đại học New South Wales (UNSW), Canberra, ông chủ trì Nhóm Nghiên cứu An ninh Hàng hải ở đó.

Nguồn: https://songphan.blogspot.com/2019/09/chien-tranh-phap-li-tranh-chap-tai.html?fbclid=IwAR0yHKUEKR17MCgxjJC1Db6smu5AeWhx8NO8QxrGUBZ19q2EgCcrLE8d_3I

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn