Hà Nội ‘ô nhiễm tím’: trách nhiệm với đồng loại đến đâu?

An Viên

Hà Nội đáng sống phải chăng người Hà Nội ‘mình đồng - da sắt’ trong sống mòn?

Ô nhiễm tím vì nhiệt điện?

Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng, với mức nâng tín hiệu từ vàng - đỏ - tím. Không chỉ Hà Nội, các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang cũng gặp vấn đề về chất lượng không khí.

Đốt rơm rạ ở các cánh đồng được cho là nguyên nhân chính, nhưng khi mùa đốt rơm rạ đã qua, thì lượng giao thông dày đặc, hệ thống công trình xây dựng nhiều, và hệ thống nhà máy nhiệt điện được cho là nguyên nhân của nguyên nhân gây ô nhiễm.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgfz_zkbJ4HxXDER_APjO_j1XE_YTUxXO0xGulNwQe_bOGSW50ggUd5vTFNKMv-PSSyOavP0Co5BtQGIsBq4V3UpXNP3Q7P4RoYIJxTpbuZ3sITmdjxeyksRboYJutTX2xsRB4jiFZn5A/s640/unnamed.jpg

Trong một số liệu từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thì tính từ Thanh Hóa ra phía Tây Bắc có tổng cộng 17 nhà máy nhiệt điện.

Bao quanh Hà Nội là nhiệt điện Cẩm Phả, Thăng Long, Uông Bí, Quảng Ninh, Mông Dương, Na Dương, An Khánh, Lục Nam, Phú Thọ, Hải DƯơng, Yên Hưng, Nam Định, Mao Khê, Hải Phòng.

Và theo định hướng cơ cấu nguồn đến năm 2030[1], thì nhiệt điện than sẽ chiếm 53%, so với 11% (năng lượng tái tạo), 6% (điện hạt nhân), 1% (điện nhập khẩu), 17% (nhiệt điện khí), và 12% (thủy điện vừa và nhỏ).

Air Visual liên tục báo động đỏ và tím, ngay cả đối với khu vực Hồ Tây, mức chỉ số ô nhiễm sáng ngày 1/10 cũng lên mức 333.

Chính quyền thờ ơ!

Vấn đề là, cho đến nay, những tiếng nói từ chính quyền thành phố Hà Nội liên quan đến ‘chỉ số ô nhiễm’ chưa xuất hiện ở trạng thái ‘đáng lưu tâm’.

Quan điểm của đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vào ngày 26/9 ‘phản bác’ lại chỉ số ô nhiễm của Air Visual nhưng lại không đưa ra bất kỳ chỉ số khoa học nào đo đếm chất lượng không khí Thủ đô. Trong khi đó, chỉ dẫn nguyên nhân rằng Hà Nội là do đô thị hóa, mật độ giao thông đông, xe phế liệu không che chắn.

‘Trang web của Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ, trạm này nằm trên trục đường giao thông lớn, xung quanh có rất nhiều công trình xây dựng. Họ lấy duy nhất ở điểm đó để đại diện cho toàn TP Hà Nội là không chính xác’, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho báo giới biết.

Trong khi đó, nếu nhìn sang Thái Lan sẽ thấy một phản ứng khác biệt. Trong những năm 1990, khi sương mù ở Bangkok ở mức nguy hiểm tương tự, Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan đã thực hiện các bước loại bỏ chì trong nhiên liệu, áp đặt các biện pháp kiểm soát khí thải nghiêm ngặt hơn theo tiêu chuẩn của EU,...

Vào tháng 1/2019, khi ô nhiễm không khí Thái Lan lọt vào top 10 (PM2.5 cao) thì tờ Bangkok Post ngay lập tức đưa ra yêu cầu 10 điểm với Chính phủ nước này, trong đó, nhân mạnh việc ‘coi ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng’[2].

Người dân chủ quan?

‘Sống chết mặc bay’, và sự ‘vô cảm’ còn thể hiện qua việc nghi ngờ chỉ số đo lường của ứng dụng Air Visual.

Facebooker Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty FTP chia sẻ trên trang cá nhân: Ô nhiễm không khí ở Việt Nam là có thật và ở mức cao. Chúng ta cần có ngay biện pháp tổng thể để giảm ô nhiễm, nhưng tạo ra nỗi sợ hãi cho cả xã hội thì không nên.

Quan điểm của ông Bảo không sai, nhưng biện pháp tổng thể phải đến từ các cấp chính quyền Hà Nội, và hiện tại cho thấy, sự thờ ơ, dửng dưng của phía lãnh đạo không những tiếp tục gieo thêm nỗi sợ hãi cho xã hội, mà còn thúc đẩy hình thành quan điểm ‘sống chết mặc bay’ trong dân. Và chính vì chính quyền chưa lo được cho dân, nên dân mới tìm đến ‘những người bán máy lọc không khí’ để tự lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình mình.

Ông Bảo cũng là người nghi ngờ chỉ số mà Air Visual đưa ra cao vì nhằm mục đích bán máy lọc không khí.

Facebooker Vũ Ngọc Thiện trong một chia sẻ trên nhóm OTO+ cho rằng: Bắc Cạn gấp đôi (chỉ số ô nhiễm) so với Thủ đô Kuala Lumpur là điều vô lý.

Nghi ngờ là điều đúng, nhưng thiếu sót mà Facebooker này chính là lượng nhiệt điện bao quanh Hà Nội đã không được tính đến để góp phần làm nên ô nhiễm cho gần như toàn bộ các tỉnh thành miền Bắc. Và các công cụ đo ô nhiễm không khí cầm tay như PM2.5 của hãng Xiaomi cũng đã được nhiều người dùng chứng thực về độ ô nhiễm tương tự như chỉ số mà ứng dụng Air Visual đưa ra.

Dường như một nhóm ‘dư luận’ và bản thân chính quyền Hà Nội, và một số tỉnh thành khác có sự chậm trễ, thờ ơ, và đánh giá thấp các rủi ro trong vấn đề không khí kém chất lượng tại Việt Nam. Tương tự như cách mà chính quyền chậm trễ trong ứng phó với biến cố cháy nhà máy Rạng Đông.

Người giàu cũng chết!

Câu chuyện ô nhiễm tại Thủ đô Hà Nội chỉ ra một góc nhìn, rằng, ‘người giàu cũng sẽ chết’ vì ô nhiễm, và bình yên hay chất lượng cuộc sống không nằm ở những tòa nhà chung cư dày đặc, là ô tô đi đầy đường, mà chính là không gian công cộng sạch hơn và được bảo tồn tốt hơn.

Ngoài ra, bản thân nhà giàu có đủ phương tiện để khép mình vào trong những căn nhà với máy lọc không khí, lên ô tô để làm việc, và ngồi trong phòng có máy lọc. Trong khi đó, số lượng những người lao động ngoài trời, với thời gian chủ yếu sẽ là nạn nhân đầu tiên của thực trạng ô nhiễm này. Để dễ hình dung, có thể xem ô nhiễm không khí lần này đang giết chết 70% người lao động (30% còn lại là giới trung lưu có điều kiện để hạn chế), và Hà Nội trở thành ‘hoa cho người giàu, và lệ cho người nghèo’.

Một báo cáo của Bộ tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết[3], ‘chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2000 tỷ đồng/năm.’

Đáng sống vì dung nạp không khí bẩn?

Cách đây 5 năm về trước (2014), những chai không khí sạch được một công ty đưa vào thị trường Trung Quốc để bán. Thời điểm đó, Trung Quốc hay Thủ đô Bắc Kinh trở thành trò cười của người Việt vì sự ô nhiễm và món hàng kỳ lạ này. Và giờ đây, những người sống và lao động tại Hà Nội liệu có trở thành khách hàng tiềm năng, những người sẵn sàng bỏ tiền ra để săn đón mặt hàng… không khí sạch đóng chai?

Vào năm 2017, trong một hội thảo, Phó Giáo sư, Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) cho biết, Hà Nội - dẫu còn rất nhiều những vấn đề bất cập về hạ tầng đô thị, giao thông, môi trường… nhưng Hà Nội vẫn là một thành phố có nhiều cơ hội và tiềm năng trở thành ‘thành phố đáng sống’, vì ‘nó dành chỗ cho tất cả mọi người, từ người giàu đến người nghèo, từ trí thức đến người lao động phổ thông.’

Có lẽ sau 2 năm, bà Phạm Thúy Loan sẽ suy nghĩ lại quan điểm ‘đáng sống’ của mình.

A.V.

______

Tham khảo

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thuong-mai/Quyet-dinh-428-QD-TTg-de-an-dieu-chinh-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-quoc-gia-2011-2020-2030-2016-306608.aspx

[2] https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1614702/ten-things-govt-must-do-to-stifle-smog?fbclid=IwAR0TwGkCg3e8eeIm9gaIaZrF304DGp60tNH-rvF3HGh__s5QLydJ_-H7h5M

[3] http://www.monre.gov.vn/Pages/thiet-hai-ve-kinh-te-va-suc-khoe-do-o-nhiem-khong-khi.aspx

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn